Trung thu phố cổ xưa
Anh Lê Thanh Long, một người có tuổi thơ gắn liền với khu phố cổ Hà Nội đã trải lòng về những mùa trăng thơ bé của mình như kể một câu chuyện cổ tích.
Khi cái nóng bức của mùa hạ đã nhường chỗ cho những cơn gió heo may se sẽ thổi, khi cái rét còn chưa kịp đến để trẻ em còn được thỏa sức vui chơi ngoài trời, khi vầng trăng vào độ tròn nhất trong năm, đó là lúc tiếng trống ếch từ xa văng vẳng hoặc từ mùa trước trong kí ức dội về thì thùng, cũng là khi mẹ tôi và các chị đăm chiêu, tính toán, bàn bạc chuyện mua gạo nếp, đỗ xanh, tích trữ sả, đường, hạt sen… với các bà, các cô dọc phố Hàng Gai.
Đối với chúng tôi, tết Trung thu dường như là cái tết được trông đợi nhất trong năm vì ngoài mâm cỗ nhiều hoa quả bánh trái thì nhiều loại đồ chơi, đèn lồng đẹp mắt với các con giống, trò chơi cũng hứa hẹn nhiều thú vị.
|
Trung thu xưa
|
Trong lúc món bánh nướng, bánh dẻo đặc trưng của Trung thu năm nay nhân gì, số lượng bao nhiêu vẫn còn bí mật trong đống nguyên liệu chờ bàn tay khéo léo của mẹ thì lũ trẻ chúng tôi đã có cách chờ đón rằm tháng Tám riêng của mình. Khắp phố Hàng Mã đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn trời đủ sắc mầu đã giăng hàng giăng lối rực rỡ hấp dẫn vô cùng. Đứa nào cũng sán vào tận nơi, sờ vào tận món đồ mình thích, bô bô với nhau “Nhất định bố mẹ tao phải mua cho tao cái này” hoặc tranh cãi kịch liệt “Cái này của tao mới là đẹp, là oách nhất”.
Hết Hàng Mã lại vòng ra Hàng Trống, là nơi rộn ràng trống ếch, trống quân, vừa ngắm vừa rình lúc chủ hàng lơ đễnh là thò tay gõ tùng một cái, cười như nắc nẻ rồi bỏ chạy. Những buổi tối, nếu không được bố mẹ cho phép chạy ra đám tập múa lân, múa rồng mà phải chôn chân học bài trong phòng thể nào chúng tôi cũng ngước lên ô cửa sổ bé nhỏ mà ngóng từng ngày mà đếm “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa… mồng sáu thật trăng”…
|
Đêm hội trăng rằm |
Ánh trăng phút chốc làm sáng bừng lên những nếp nhà cổ vốn rêu phong im lìm, trăng lung linh trên sân ngõ nhỏ những đốm sáng mỏng manh, mát dịu. Có khi, giữa những giấc mơ, trăng lọt qua mái ngói, đậu khẽ lên môi, lên má tôi như cánh bướm nhỏ. Sự chờ đợi bao giờ cũng dài, thật dài.
Thời chúng tôi còn nhỏ, nhiều gia đình “Hà Nội gốc” trên khu phố cổ có thói quen tự tay chuẩn bị mọi thứ cho mâm cỗ Trung thu thật thịnh soạn. Tôi là con trai, láu táu, hậu đậu nên không được cùng mẹ và chị nhào bột, làm nhân, nhồi bánh nướng, bánh dẻo. Tôi thường chạy sang nhà cái Trúc ở phố Hàng Đường, nhè lúc nó ngồi nghe mẹ và bà truyền cho các nàng dâu và con cháu bí quyết, kinh nghiệm, sự khéo léo cũng như ý nghĩa của từng loại bánh để sau này đi làm dâu cho nhà chồng khỏi chê trách mà trêu chọc nó thẹn đỏ mặt đến phát bực.
Tức tôi là thế nhưng đến ngày rằm, lúc hòa cùng trẻ con hàng xóm đi rước đèn, phá cỗ, múa lân múa rồng tưng bừng cùng khu phố bao giờ tôi cũng được cái Trúc để giành cho miếng bánh nó tự tay làm. Rất lạ, bao giờ miếng bánh ấy cũng có vị ngon khác biệt với bánh nhà tôi. Trúc thì thầm tiết lộ, bánh nhà nó luôn phải đủ các yếu tố thơm ngát của nếp cái hoa vàng ướp hoa bưởi, thêm vị quất Tứ Liên, đậu xanh đất bãi sông Hồng.
Con gái Hàng Gai nổi tiếng về sự khéo léo, đảm đang. Sáng sớm ngày rằm, mẹ và chị tôi đã đi chợ sắm sanh đủ thứ cho mâm cỗ như: Chuối tiêu, na chín, ổi, bưởi, hồng ngọc, hồng Lạng, hồng ngạn, sấu, thị, cốm… Suốt những năm tháng ấu thơ, năm nào tôi cũng có niềm tự hào to lớn. Giữa các mâm cỗ nổi tiếng đẹp mắt của phố Hàng Gai, bao giờ mâm cỗ của nhà tôi cũng được xuýt xoa, trầm trồ nhiều nhất.
Bởi không chỉ chú ý đến những thứ quà bánh, đèn kéo quân, con giống được tách tỉa cầu kì từ quả bưởi, quả dưa hấu, mẹ và chị tôi lúc nào cũng rước một ông Tiến sĩ giấy và ông Phỗng đặt trang trọng trên mâm cỗ nhằm khuyến khích tinh thần học tập, giáo dục và hướng thiện cho chúng tôi. Ngồi bên mâm cỗ ấm áp tình thân, ăn bánh, hoa quả và thưởng thức chén trà ngon, nghe những câu chuyện tâm tình, Trung thu thuở thiếu thời hằn sâu vào trí óc bằng những hình ảnh hết sức giản dị, thân thương như thế.
Mùa trăng Hà Nội nay
“Người Hà Nội ngày nay sướng hơn ngày xưa rất nhiều”, đó là lời tâm sự của những bà già đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh, khốn khó. Bởi lẽ, bây giờ, Trung thu không chỉ là một đêm rằm tháng Tám nữa. Trung thu là cả một mùa, kéo dài có khi cả tháng, thậm chí là hai tháng.
Này nhé, từ quãng đầu tháng 7 Âm lịch là người ta đã rục rịch làm bánh nướng, bánh dẻo. Đấy là đồ handmade, là của nhà làm. Còn các công ty sản xuất bánh kẹo thì còn phải làm trước đó khá lâu. Để người Hà Nội không phải đợi đến gần rằm tháng tám mới có bánh ăn, mà có thể ăn ngay, ăn rải rác hay thậm chí cúng cả lễ Vu lan bằng bánh nướng, bánh dẻo.
Giữa tháng 7 Âm lịch là những quầy bán bánh Trung thu đã giăng đèn kết hoa khắp các con phố rồi. Phố Hàng Mã vì thế mà cũng rộn ràng trước lễ hội trăng rằm từ rất lâu. Suốt từ sáng tới chiều, người người dập dìu đổ về đây. Đông hơn là dịp cuối tuần, khi người lớn, cha mẹ dắt con đến chơi, ngắm nghía và mua đồ chơi, mua lồng đèn.
|
Bạn trẻ chụp ảnh tại phố Hàng Mã
|
Không thể thiếu những người đến để chụp ảnh. Các bạn trẻ thì đương nhiên rồi. Có thời gian, có công nghệ trong tay, họ đi chụp ảnh vì thỏa mãn đam mê, muốn ghi dấu thời gian trong năm, còn là để thể hiện những kĩ năng “sống ảo” khi biết chỉnh sửa ảnh sao cho “lung linh, lồng lộn”.
Khắp mạng xã hội những ngày này, rất nhiều bạn trẻ khoe bức ảnh ở phố Hàng Mã rực rỡ, tươi vui. Hiệu ứng dây chuyền khiến những ai chưa bố trí thời gian đi chụp ảnh được cũng “lồng” lên. Chẳng phải đua đòi, đơn giản chỉ là vì thú vui chơi hội trăng rằm, thích được hòa vào không khí Trung thu mà thôi.
Trong khi đó, những người chưa già nhưng không còn trẻ nữa, đặc biệt là các chị em công sở, văn phòng thì nhiều người phải “sống chết” có được bộ ảnh phố Hàng Mã. Cũng đơn giản chỉ là thú vui, ghi lại hình ảnh của mình trước khi tuổi già ập đến. Chính bởi vậy, Trung thu náo nức hơn, khiến mọi người thấy mỗi ngày trôi qua, mỗi mùa trôi qua đều có ý nghĩa và thêm những niềm vui sống.
Dù vậy, khá nhiều người bán hàng trên phố Hàng Mã tỏ ý không vui. Vẫn biết rằng người ta vì yêu thích cửa hàng của mình, góc cửa hàng mình đẹp, nhiều sắc màu rực rỡ và người bán hàng cũng đã tạo điều kiện nhưng một số khách không biết điều. Đã đứng tạo dáng rõ lâu trước cửa làm cản trở việc bán hàng của người ta lại còn nhiều khi cười đùa không mấy duyên dáng, tế nhị.
Vì thế, để một mùa trăng đẹp… như trong ảnh thì mỗi người hãy tự trang bị thêm những kĩ năng ứng xử nơi công cộng, sao cho hài hòa, được việc của mình mà cũng không khiến người bán hàng phải “xua như xua tà”.
(Theo Cẩm Tú/ Tuoitrethudo.com.vn)