Hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng Hà Nội: Kể chuyện văn hóa, lịch sử Thủ đô
Tận lực cống hiến
Giữa tiết trời lạnh giá của những ngày giữa tháng 12/2020, ông Lê Văn Khánh (phố Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên) mang đến Bảo tàng Hà Nội một chiếc dù pháo sáng, một chiếc áo được phát khi nhập ngũ, một hộp đạn đại liên cùng rất nhiều kỷ vật khác đã gắn bó với ông trong suốt chặng đường chiến đấu ở chiến trường. “Những kỷ vật này không có giá trị về vật chất nhưng với cá nhân tôi và các đồng đội, nó là cả một bầu trời ký ức đau thương. Để lấy được chiếc dù pháo sáng có khi phải đổ máu và nước mắt nên tôi trân quý lắm. Đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn căng dù lên để ngắm” - ông Khánh chia sẻ.Khi nghe thông tin từ một người bạn, được biết Bảo tàng Hà Nội kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, ông Khánh đã đem 15 kỷ vật của mình hiến tặng toàn bộ cho Bảo tàng. Ông Khánh hy vọng hiện vật sẽ giúp thế hệ con cháu hiểu được lịch sử Hà Nội đã có những giai đoạn phải trả bằng máu và nước mắt. Ông tâm sự: “Tôi sinh ra ở Thanh Hóa. Năm 1954 bố tôi đi tham gia chiến dịch tại tỉnh Điện Biên rồi tiến về giải phóng Thủ đô. Sau đó bố tôi hy sinh tại Hà Nội. Chúng tôi tiếp tục sống và cống hiến cho Hà Nội. Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng tôi vẫn muốn hiến tặng hiện vật và tiếp tục cống hiến góp phần giữ gìn mảnh đất này”.Bộ đồ thờ gia tiên được giới chuyên gia đánh giá có tuổi đời 200 năm, chạm khắc tinh xảo được giữ gìn, truyền đời suốt 3 thế hệ trong gia đình ông Phạm Hồng Ngọc (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) đã được hiến tặng tại Bảo tàng Hà Nội lần này. Theo chia sẻ của gia đình ông Ngọc, khi mẹ già gặp tai biến 3 lần không thể hàng ngày thay dầu, thay nước tụng kinh đèn nhang nên gia đình đã bàn với cụ thống nhất hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội bộ thờ gia tiên. “Chúng tôi biết Bảo tàng Hà Nội sẽ làm tốt hơn chúng tôi về công tác bảo quản, giữ gìn cũng như phát huy giá trị của bộ thờ gia tiên. Việc được trưng bày tại Bảo tàng sẽ giúp cho công chúng hiểu hơn về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng và nghệ thuật chế tác đồ sơn son thếp vàng của thế hệ xưa” – ông Phạm Hồng Ngọc bày tỏ.
Đại diện Ban Giám đốc Bảo tàng Hà Nội và Sở VH&TT Hà Nội trao giấy chứng nhận cho các tập thể và cá nhân đã hiến tặng hiện vật.
|
Phong phú nội dung trưng bày
Theo thông tin từ Bảo tàng Hà Nội, trong năm 2020 Bảo tàng đã tổ chức vận động, sưu tầm, tiếp nhận hiện vật của 50 tổ chức, cá nhân hiến tặng với 968 hiện vật đã sưu tầm. Qua nghiên cứu, phân loại bước đầu, các hiện vật sẽ được trưng bày giới thiệu theo các nội dung: Nhóm tài liệu, hiện vật phục vụ trưng bày thời bao cấp, tái tạo căn hộ 24m2; tái tạo phòng khách của một gia đình thời Pháp thuộc. Nhóm hiện vật, tài liệu của người Hà Nội trên các chiến trường, sưu tầm của các cựu chiến binh. Bộ sưu tập gồm 123 con tem giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Nhóm hiện vật về kiến trúc đô thị. Nhóm hiện vật về làng nghề. Nhóm hiện vật khảo cổ học, cổ vật. Nhóm hiện vật tôn giáo, tín ngưỡng. Nhóm hiện vật cơ sở hạ tầng đô thị. Nhóm ảnh, tư liệu về gia đình, cảnh quan, di tích.Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, đơn vị trân trọng tất cả những hiện vật của các cá nhân, tổ chức hiến tặng cho Bảo tàng. Những tài liệu, hiện vật tiếp nhận sẽ được Bảo tàng Hà Nội lựa chọn, hoàn thiện hồ sơ và nhập kho cơ sở, bổ sung vào danh mục trưng bày thường xuyên và làm phong phú bộ sưu tập trong kho của Bảo tàng. “Chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các nội dung trưng bày, với hy vọng sẽ khánh thành và đón khách tham quan vào cuối năm 2021. Khi đó, những hiện vật của các tổ chức, cá nhân sẽ góp phần kể lại những câu chuyện chân thực, xúc động nhất về Hà Nội”.
Bộ đồ thờ hơn 200 tuổi của gia đình ông Phạm Hồng Ngọc hiến tặng Bảo tàng Hà Nội.
|
(Theo Linh Anh/ Kinhtedothi.vn)