Index was outside the bounds of the array. Phụ huynh Hà Nội mong mỏi con sớm được quay trở lại trường
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức
Thứ năm, 25/02/2021 07:38
Phụ huynh Hà Nội mong mỏi con sớm được quay trở lại trường

Bố, mẹ phải luân phiên xin nghỉ để hỗ trợ con học online, trẻ không tập trung khiến việc học không hiệu quả… là những nguyên nhân khiến đa số phụ huynh ở Hà Nội mong mỏi con sớm được quay trở lại trường.

 

Mệt mỏi vì phải trả bài cả thể dục, âm nhạc

 

Có con năm nay học lớp 1, chị Phạm Thanh Xuân (ở Trần Cung, Hà Nội) khóc dở mếu dở vì chuyện học trực tuyến cùng con. Chồng đi công tác xa, một mình chăm 2 con nhỏ, giám sát con lớn học trực tuyến, từ sau Tết Nguyên đán, chị phải xin nghỉ không lương để ở nhà kèm cặp con học hành. Chị chia sẻ: “Vừa vào lớp 1 nên tinh thần tự học của con chưa cao. Mạng thì phập phù, lúc được lúc không nên cứ con học, mẹ cũng phải ngồi bên cạnh để giúp con chỉnh máy, bật camera, bật mic. Tôi thấy mệt mỏi vô cùng”.

Không chỉ học online Toán, Tiếng Việt, ở trường con chị Xuân, các cô còn yêu cầu con học Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật. Theo đó, phụ huynh phải hỗ trợ con quay lại video bài học rồi nộp cho giáo viên qua Zalo. “Tình hình cứ tiếp diễn thế này chắc tôi stress. Từ dỗ dành, nịnh nọt đến mắng mỏ, quát nạt đều đủ cả. Ngày đêm tôi chỉ mong mỏi tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định, thông báo con được đi học trở lại”, chị Xuân phiền não chia sẻ.

Cùng với nhiều bất cập của việc học trực tuyến, phụ huynh còn có thêm lo lắng con nghỉ học lâu sẽ mất nề nếp, quên kiến thức trong khi việc học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả. Chị Trần Thúy (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Nói là học 1 tiết nhưng chắc thời gian học của con chỉ được khoảng 20 phút là cùng. Khoảng thời gian còn lại là mẹ con cùng nhau mò mẫm vào mạng, lúc bị “out” ra, “out” vào, rồi không ít thời gian con lơ đễnh không chú ý vào màn hình máy tính. Lắm hôm cháu giơ tay phát biểu nhiều quá nhưng lớp đông, mạng phập phù, không được cô gọi phát biểu nên con chán không muốn học tiếp. Phải nói là có đến 1001 lý do”.

Khác với những phụ huynh có con học lớp 1, lớp 2, chị Nguyễn Minh Thư (ở Hà Đông, Hà Nội) không phải lo giám sát con học trực tuyến nhưng chị lại có thêm nỗi lo còn lớn hơn nhiều lần. Con lớn nhà chị năm nay học lớp 9, đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, không chỉ học trực tuyến, chị Thư phải thuê gia sư về dạy riêng cho con những môn chính với giá không hề rẻ. Tuy nhiên, dù học gia sư, chị Thư vẫn lo lắng con học tại nhà cũng không thể kịp chương trình khi chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa kỳ thi sẽ diễn ra.

Chị Thư chia sẻ: “Với học sinh THCS các cháu đã có được ý thức khá tốt về việc phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, tôi mong mỏi khi dịch bệnh đã được thành phố kiểm soát tốt, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thành phố sớm có chủ trương cho học sinh đi học trở lại. Thông thường các năm, bắt đầu từ tháng 2, học sinh cuối cấp sẽ bước vào giai đoạn ôn thi quyết liệt để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên từ năm ngoái đến năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên học sinh thường tự ôn luyện ở nhà với sự hướng dẫn của giáo viên qua hệ thống giảng dạy trực tuyến hoặc học trên mạng, YouTube nên tôi khá lo lắng”.

 

Giáo viên cũng mong ngóng

 

Không chỉ có phụ huynh, học sinh sốt ruột mà giáo viên cũng cảm thấy vô cùng lo lắng, mong ngóng sớm được quay trở lại bục giảng. Cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Đối với hình thức giảng dạy trên lớp, đôi khi học sinh còn lơ đãng, không chịu học chứ đừng nói đến việc học trực tuyến. Vì thế chỉ có khoảng trên dưới 20% học sinh là chịu học. Đặc biệt với học sinh tiểu học rất khó tập trung để học trực tuyến.

Phụ huynh vất vả, giáo viên cũng chật vật không kém để lôi cuốn các con vào bài giảng của mình. Là giáo viên đứng lớp, tôi nhận thấy việc học trực tiếp là hiệu quả nhất, trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh. Hy vọng đến đầu tháng 3, cô trò có thể quay trở lại trường gặp nhau”.

Chia sẻ những khó khăn với học sinh khi phải học trực tuyến, đặc biệt là với học sinh cuối cấp, cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Phải thẳng thắn nói rằng, chỉ có khoảng 10 - 15% học sinh có ý thức thực sự khi học trực tuyến. Học sinh chăm chỉ thì học online mới đạt hiệu quả 70% so với học trực tiếp.

Trong bối cảnh phải thực hiện giải pháp tạm thời phòng, chống dịch bệnh, không còn cách nào hơn là chúng tôi phải động viên học sinh vượt qua khó khăn để học tập sao cho đạt hiệu quả tốt nhất có thể. Để việc học trực tuyến hiệu quả, giáo viên phải chia nhỏ các dạng bài, các kiến thức để học sinh tiếp thu được dễ hơn. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự lực tự cường của các em”.

Để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả, theo cô Nguyễn Thị Quỳnh, giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa: "Ngoài việc thầy cô phải chuẩn bị thật tốt bài dạy, học sinh cần phải có ý thức và tinh thần tự học, vì nếu phương pháp và nội dung thầy cô thực hiện hay nhưng khi không có sự giám sát trực tiếp của thầy cô, học sinh không tự giác, thiếu tập trung thì hiệu quả tiết học cũng không đạt được, mục tiêu bài dạy không hoàn thành.

Học phải đi đôi với hành. Cho dù chương trình học hấp dẫn, nội dung hay đến đâu mà học sinh chỉ nghe qua chứ không làm bài tập, không chịu thực hành thì cũng vô nghĩa. Bên cạnh đó, học sinh phải học cách sử dụng máy tính, thiết bị... để kết nối với lớp học, biết xử lý các tình huống, sự cố bất thường xảy ra khi đang học vì quên tắt micro, màn hình... và có đường truyền ổn định.

Tuy nhiên, hơn hết, tôi vẫn mong đầu tháng 3 học sinh sẽ được quay lại trường để mọi thứ được trở lại bình thường”.

 

Phụ huynh Hà Nội mong mỏi con sớm được quay trở lại trường

 

Phụ huynh Hà Nội mong mỏi con sớm được đi học trở lại

 

(Theo Ngọc Minh/ Tuoitrethudo.com.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)