Thúc đẩy tiến độ công viên di sản Hoàng thành Thăng Long
Sớm phục dựng “linh hồn” của Hoàng thành
Tuần qua, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy Hà Nội, cùng các sở, ban, ngành với đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng DSVH quốc gia, các nhà khoa học đã cho ý kiến về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, triển khai các dự án thành phần để đưa giá trị của Hoàng thành Thăng Long đến với công chúng, phát huy nguồn lực văn hóa phục vụ cho phát triển. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh việc cần nhanh chóng phục dựng điện Kính Thiên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Công viên di sản Hoàng thành Thăng Long.
 |
Hoàng thành Thăng Long sẽ là Công viên di sản trong tương lai. |
Dù đánh giá cao những nỗ lực, sự quan tâm của TP Hà Nội và đóng góp của các nhà khoa học đối với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời gian qua, nhưng theo nhà sử học Lê Văn Lan, các dự án phục dựng khu vực Hoàng thành Thăng Long còn tản mạn và chậm. Ông đề nghị TP Hà Nội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào hai dự án quan trọng nhất là nhà trưng bày, bảo quản hiện vật 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên. “Việc phục dựng điện Kính Thiên chính là tìm lại “linh hồn” của Hoàng thành Thăng Long”, nhà sử học Lê Văn Lan nói.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1816, điện bị phá hủy, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Hoàng thành Thăng Long). Không gian nơi này đã trở thành một di tích “kép” cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam-di tích lịch sử quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.
GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia nêu ý kiến: “Chúng ta không thể không phục dựng điện Kính Thiên, nhưng trước hết phải nghiên cứu cơ sở để phục dựng. TP Hà Nội nên vào Huế để nghiên cứu thêm, vì chắc chắn triều Nguyễn có tham khảo hình thức Hoàng thành Thăng Long để xây dựng kinh thành”. GS, TS Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: "Chúng ta hoàn toàn có cơ sở phục dựng lại điện Kính Thiên. Trên thế giới có những di tích còn không có cơ sở như chúng ta nhưng đã phục dựng thành công".
Theo TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội (Trung tâm): Trên thế giới, một số nước đã phục dựng lại các kiến trúc cổ trong kinh đô cũ và được đánh giá cao. Điển hình như công trình phục dựng Đại Kim Điện trong khu cố đô Nara của Nhật Bản hay phục dựng cố đô tại Hàn Quốc. Việc nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên của Hoàng thành đã khởi động khá lâu, từ 7 năm trước, nhưng so với yêu cầu còn khá chậm. Hiện nay, khai quật phía trước thềm điện Kính Thiên, các nhà chuyên môn đã làm rõ được quy mô của sân Long Trì và hệ thống Trường Lang, đi dọc từ Đoan Môn vào đến chính điện Kính Thiên; đã làm rõ một số cấu trúc, kiến trúc trên mái của thời kỳ Lê Sơ, Lê Trung Hưng của khu vực trung tâm cấm thành Thăng Long. Một số di vật liên quan đến kiến trúc điện như hai lan can thành bậc, đôi rồng đá phía trước và phía sau nền điện vẫn còn gần như nguyên vẹn. Không chỉ có thế, trước năm 1886, tức là trước thời điểm thực dân Pháp phá bỏ xây nhà pháo binh, hình ảnh về điện Kính Thiên thời Lê vẫn còn được lưu giữ trong các kho tư liệu. Cũng theo TS Nguyễn Văn Sơn, nếu làm việc tích cực, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, các nhà khoa học... chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho hay, UNESCO sẵn sàng huy động các nguồn lực quốc tế để giúp Hà Nội bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Ông cũng đề nghị Hà Nội nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Di sản thế giới để bảo đảm việc phục dựng các di tích như điện Kính Thiên không ảnh hưởng đến các giá trị toàn cầu của di sản.
 |
Thềm điện Kính Thiên-nơi dâng hương, hành lễ trong Hoàng thành Thăng Long đang được các nhà khoa học quan tâm phục dựng. |
Xây dựng Công viên di sản Hoàng thành Thăng Long
Theo Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt ngày 21-8-2015, UBND TP Hà Nội giao Trung tâm triển khai với tiêu chí Hoàng thành Thăng Long là “một điểm đến văn hóa đặc sắc, một công viên di sản tươi đẹp giữa lòng Hà Nội”, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm. Tại 18 Hoàng Diệu, sẽ quy hoạch nơi trưng bày, bảo quản tại chỗ để bảo vệ các hố khai quật hiện nay. Ngoài ra, còn có nhà trưng bày các hiện vật được tìm thấy tại khu Hoàng thành. Trong quy hoạch cũng xác định xây dựng một đường ngầm qua trục Hoàng Diệu để kết nối khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Thành cổ. Khu công viên văn hóa Hoàng thành sẽ có 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng chính được đặt tại phía nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu-Bắc Sơn. Trong nội bộ khu di tích sẽ thiết kế hai tuyến đường tham quan chính và đường dạo kết nối các điểm tham quan...
TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành cho biết: "Việc Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản mang ý nghĩa rất lớn. Nó tạo nên một cảnh quan đẹp, ấn tượng, trở thành điểm nhấn cho Hà Nội và đặc biệt là góp thêm cho sự hài hòa về cảnh quan chung cho khu trung tâm chính trị Ba Đình. Khách du lịch đến đây vừa có thể vui chơi, thưởng ngoạn, hưởng thụ văn hóa, vừa chiêm ngưỡng những giá trị di sản. Mặt khác, góp phần quảng bá giá trị DSVH của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo Giám đốc Trung tâm Trần Việt Anh: Để phát huy hơn nữa giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu điểm đến Di sản Hoàng thành Thăng Long giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Du lịch tâm linh, tham quan Hoàng thành về đêm, gắn kết tour Hoàng thành Thăng Long với khu vực hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh-Quảng trường Ba Đình, Văn Miếu-Quốc Tử Giám; nghiên cứu phục dựng lễ hội cung đình đèn Quảng Chiếu, các nghi lễ hoàng cung gắn với trải nghiệm âm nhạc, ẩm thực, trang phục để khai thác, phục vụ du lịch. “Gìn giữ và phát huy giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long không chỉ thực hiện cam kết với UNESCO, mà đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng, tổ chức và chính quyền các cấp TP Hà Nội. Hoàng thành Thăng Long là di sản quý giá quốc truyền trong cả thiên niên kỷ. Di sản ấy không chỉ mang lại niềm tự hào với mỗi người con đất Việt mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ, góp phần đưa Việt Nam đi lên trong tư thế “rồng bay lên”, ông Trần Việt Anh cho hay.
(Theo Vương Hà/ Hanoi.qdnd.vn)