Phát huy giá trị di sản dòng sông cổ
Mang đặc trưng của một đô thị sông hồ điển hình, Kinh đô Thăng Long không chỉ đề cao sự tương trợ của các dòng sông lớn, mà còn chú trọng gìn giữ, tạo dựng hệ sinh thái cây xanh, mặt nước bên trong Hoàng thành. Nhiều ghi chép lịch sử cho thấy, các triều đại Lý, Trần, Lê đã cho đào thêm nhiều ao, hồ, dòng chảy… trong khu vực cấm thành, tạo ra hệ thống cảnh quan vô cùng đặc sắc phục vụ đời sống hoàng gia. Đáng chú ý, sử liệu thời Lê ghi lại trong nội cung có ngòi ngự, hồ sen, nơi vua và tùy tùng đến thưởng hoa, làm thơ, xướng họa… Khu vực này tiếp tục được nhắc đến trong các sự kiện “kiêu binh nổi loạn” hay việc các vua Lê Hy Tông, Lê Ý Tông an dưỡng sau nhường ngôi…
Những kết quả khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhiều năm qua đã và đang góp phần làm sáng tỏ những thông điệp từ quá khứ bằng sự xuất lộ của quần thể di tích kiến trúc quý giá cùng nhiều chứng cứ về các ao, hồ, dòng chảy đã từng xuất hiện nơi đây. Có thể kể đến những dấu tích về dòng chảy lớn được đào vào thời Lê, có hai bờ Đông - Tây rộng 48m; hướng dòng chảy theo chiều Bắc - Nam đã phát lộ 140m với diện tích gần 7 nghìn mét vuông. Đặc biệt, bên cạnh các dấu tích bùn, tàn tích một số loại thực vật như hoa sen, hoa súng… hay xác các loài nhuyễn thể như ốc, hến…, sát bờ Đông còn phát hiện một con thuyền gỗ dài khoảng 14m khá nguyên vẹn cùng nhiều di vật gốm, sành thời Lê sơ, bánh lái thuyền ngự bằng gỗ tương ứng với bản vẽ chiến thuyền của thủy quân thời Lê - Trịnh hoặc thuyền ngự của hoàng gia thế kỷ XVII.
Kết quả khai quật này là tài liệu vô cùng quý giá không chỉ phản ánh lịch sử Thăng Long mà còn cho chúng ta hiểu thêm về môi trường sinh thái mặt nước và đời sống hoàng cung trong Cấm thành Thăng Long. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, vị trí con thuyền được phát hiện chính là cạnh của dòng sông cổ chảy xuyên qua khu vực Hoàng Thành. Xét về niên đại thì con thuyền này bị chìm vào thời Lê. Rõ ràng việc đi lại trên dòng sông cổ đã kéo dài đến tận thế kỷ XVII, sau đó mới chấm dứt.
Hiện nay, hồ sen đã và đang được phục hồi một phần và phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của đông đảo công chúng và du khách. Con thuyền cổ - một hiện vật đặc biệt, minh chứng sống động, hấp dẫn về cuộc sống hoàng cung xưa cũng được bảo quản tại chỗ, bên trên đặt hình ảnh (tỷ lệ 1:1) với lồng kính và đèn chiếu, cho khách chiêm ngưỡng từ trên cầu dẫn. Đặc biệt, trong những năm qua, nhằm phát huy giá trị di sản khảo cổ học và đẩy mạnh nghiên cứu thể nghiệm văn hóa phi vật thể lễ hội cung đình, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tái hiện hàng loạt nghi lễ, từng bước làm sống lại hồn cốt của văn hóa cung đình, trong đó nổi bật là nghi lễ “Tống cựu nghênh xuân” trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, trong cung đình Thăng Long xưa, Tết Nguyên đán là lễ tiết lớn nhất được thực hiện theo một chuỗi các sự kiện trước thời khắc năm mới như: Tiến Xuân Ngưu, Ban Lịch, Phong ấn, thả cá chép, dựng cây nêu... “Nghi lễ “Dựng cây nêu và thả cá chép” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là một nét đẹp truyền thống, cần được giữ gìn và lan tỏa. Trong đó, việc thực hành thả cá chép tại dòng sông cổ nhằm gìn giữ, phát huy di sản tại Hoàng thành Thăng Long, làm giàu thêm các sản phẩm văn hóa, chương trình giáo dục di sản tại điểm đến”, ông Nguyễn Thanh Quang bày tỏ.
Nhân dịp đón năm mới Quý Mão 2023, Ủy ban nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp UBND thành phố Hà Nội và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Xuân quê hương 2023”, trong đó dự kiến có chương trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì lễ dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long và thực hành nghi thức thả cá chép tại Hồ sen - dấu tích hồ cổ trong Hoàng thành Thăng Long vào ngày 14-1-2023 (tức 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần).
(Theo Nguyễn Thanh/hanoimoi.com.vn)
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/828377/phat-huy-gia-tri-di-san-dong-song-co