Index was outside the bounds of the array. Bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống: Sợi dây kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức
Thứ hai, 17/04/2023 08:46
Bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống: Sợi dây kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại

Phần lớn các dòng tranh dân gian Việt Nam đã, đang bị mai một hoặc đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn khi chỉ còn một vài nghệ nhân giữ nghề. Đó là thực trạng chung của các dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Thừa Thiên Huế) hay tranh Kim Hoàng và Hàng Trống của Hà Nội. Rất may, đã có những dấu hiệu về sự hồi phục của các dòng tranh này, đặc biệt là tranh Hàng Trống, khi có sự đồng hành của chính quyền địa phương, các nghệ sĩ trẻ.

 

Họa sĩ Nam Chi sáng tác trên chất liệu tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Giang Nam

Hiển hiện nguy cơ mai một

Tranh dân gian Hàng Trống là dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam, và là dòng tranh dân gian duy nhất của Thăng Long - Hà Nội xưa. Tranh Hàng Trống phản ánh tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của dân tộc, là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Dòng tranh này gồm hai đề tài chính là tranh thờ và tranh Tết. Xưa kia, muốn mua tranh, người ta chỉ có thể đến các sạp hàng trên phố Hàng Nón, Hàng Quạt nhưng nhiều nhất vẫn là phố Hàng Trống.

Tranh Hàng Trống không được in toàn bộ bằng ván khắc như tranh Đông Hồ mà chỉ phác thảo những đường nét chính, sau đó người thợ tô màu kết hợp với các đường nét in đen từ bản khắc gỗ. Kỹ thuật “vờn màu” đặc trưng trên tranh Hàng Trống vô cùng khó, đòi hỏi người thợ phải có trình độ thẩm mỹ cùng sự khéo léo để tạo được độ chuyển màu mềm mại. Từ lâu, tranh Hàng Trống ít xuất hiện trong đời sống, vì thế, ngày càng ít người dành đam mê cho dòng tranh này.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên một đời thăng trầm cùng tranh Hàng Trống, hiện đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn chưa tìm được “truyền nhân”. Ngay cả người con trai ông gửi gắm hy vọng tiếp tục giữ nghề cũng không đủ đam mê và sự hy sinh để theo đuổi, khiến những dự cảm về sự biến mất của dòng tranh quý này ngày càng hiển hiện.

Kết nối bằng sức trẻ

Trong lúc tưởng chẳng mấy ai còn quan tâm đến một dòng tranh nằm im ở các bảo tàng trong nước và quốc tế, họa sĩ trẻ Nam Chi (họa sĩ tự do) đã âm thầm theo đuổi việc sáng tác trên nguyên tắc tôn trọng dòng tranh Hàng Trống gốc để tạo nên dấu ấn của riêng mình. Dù mới tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhưng Nam Chi đã nắm trong tay hàng trăm tác phẩm tranh Hàng Trống cũ và mới. Nhờ hiểu rõ những yếu tố truyền thống cốt lõi của nghệ thuật tạo hình trong tranh Hàng Trống nên Nam Chi có thể thỏa sức sáng tạo tác phẩm mang hơi thở thời đại và tư duy của một "gen Y" (thế hệ được sinh ra từ năm 1980 - 2000). Tranh của Nam Chi ngày càng khẳng định được chỗ đứng khi các đơn đặt hàng liên tục tìm đến. 

Năm 2020, sau khi được trùng tu, tôn tạo, ngôi đình Nam Hương nằm trên phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) bỗng tấp nập hơn khi trở thành nơi trưng bày các tác phẩm thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” của các sinh viên khoa Hội họa (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Đây là kết quả của một quá trình miệt mài học hỏi trực tiếp của các sinh viên với nghệ nhân Lê Đình Nghiên trong nhiều tháng trời. Sau dự án, công chúng và giới trẻ đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho dòng tranh này. Không ít tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng sử dụng chất liệu tranh Hàng Trống đã đi vào cuộc sống, mang lại niềm tin về sự hồi phục dòng tranh này. 

Mới đây, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ), UBND quận Hoàn Kiếm đã giới thiệu triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” với 23 bức tranh của nghệ nhân Lê Đình Nghiên do nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp, cùng 23 tác phẩm của các họa sĩ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống qua không gian sắp đặt của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn. Tại đây, khách tham quan chứng kiến “cuộc đối thoại” giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân với các nghệ sĩ trẻ và giữa các giá trị truyền thống với nghệ thuật đương đại.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Triển lãm có sự thay đổi trong cách tiếp cận khi trưng bày theo cụm gồm các tác phẩm gốc và tác phẩm phái sinh, lấy cảm hứng từ tranh gốc. Từ đây, người xem có thể thấy các bạn trẻ đã kế thừa truyền thống và khẳng định mình qua các tác phẩm phái sinh độc bản. Đây là cuộc đối thoại bình đẳng giữa nghệ nhân và nghệ sĩ, thể hiện sự tôn trọng quá khứ và đưa nghệ thuật truyền thống “sống” ở dạng thức của một tác phẩm nghệ thuật. Đó là sự nối dài truyền thống”.

Quả thực, khi quan sát kỹ các tác phẩm, không ít người phải ngạc nhiên trước sức sáng tạo dồi dào của các nghệ sĩ trẻ. Ở đó, người ta bắt gặp bức “Ngũ Hổ thần tướng” của nghệ nhân Lê Đình Nghiên được đặt trang trọng giữa các tác phẩm phái sinh do các nghệ sĩ trẻ thể hiện trên chất liệu sơn mài, lụa và thiết kế ứng dụng. Hay từ bức tranh gốc “Lý ngư vọng nguyệt” và “Chim công”, tác giả Trương Hoàng Hải và Nguyễn Thị Hoài Giang đã tạo nên hai tác phẩm cùng mang tên “Trông” bằng chất liệu sơn mài trên vật liệu tái chế là những hộp sữa đã qua sử dụng. Từ bức tranh gốc “Bà chúa Thượng ngàn”, nghệ sĩ Phạm Tuấn Anh đã vẽ tác phẩm “Chúa” trên lụa, đồng thời sử dụng đèn chiếu phía sau khiến hình ảnh mẫu Thượng ngàn được tái hiện sinh động và huyền bí, mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ được phong cách nghệ thuật truyền thống.

Đa dạng hóa nguồn lực sáng tạo

Một điều đặc biệt khác ở triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” là sự nhấn mạnh vai trò của một nhà sưu tầm tranh dân gian. Trên thế giới và Việt Nam không thiếu các nhà sưu tầm tác phẩm nghệ thuật hay cổ vật đắt giá, nhưng sưu tầm tranh Hàng Trống thì có lẽ ở Hà Nội chỉ có Nguyễn Quang Trung. Ông không xuất hiện trong triển lãm, nhưng sự hiện diện của các tác phẩm mà ông sưu tầm trong hơn 10 năm khiến người ta tin tưởng vào sự hồi sinh của một dòng tranh dân gian đang đứng bên bờ vực thất truyền.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đánh giá: "Triển lãm lần này còn là cuộc đối thoại về niềm tin giữa nhà sưu tầm với tranh Hàng Trống và các nghệ sĩ trẻ". Sự tham gia của các nhà sưu tầm nghệ thuật truyền thống là “nguồn lực” giúp chính quyền địa phương, nghệ nhân và người dân chung tay gìn giữ di sản.

Thực vậy, vai trò của chính quyền địa phương trong bảo tồn di sản là vô cùng quan trọng. UBND phường Hàng Trống đã động viên doanh nghiệp trên địa bàn đưa hình ảnh tranh Hàng Trống vào các công trình kiến trúc để góp phần nhận diện di sản. Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn cho biết: “Với gợi ý của chính quyền phường Hàng Trống và sự cố vấn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, chủ đầu tư khách sạn L’Hôtel du LAC Hanoi (35 Hàng Trống) đã lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống để thiết kế nên không gian nội thất truyền thống kết hợp với hiện đại, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước”. Đó là giải pháp linh hoạt của chính quyền địa phương trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về con người, chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn di sản.

Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, mới đây, Ban đã phối hợp với UBND phường Hàng Trống tham mưu cho UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng và trình thành phố phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với quảng bá di tích đình Nam Hương phục vụ phát triển du lịch quận giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo. “Khi đề án được phê duyệt, chúng tôi sẽ phối hợp, hỗ trợ nghệ nhân trong công tác truyền nghề ở gia đình và cộng đồng; hỗ trợ quảng bá di sản để thu hút du khách. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh số hóa các công đoạn vẽ tranh Hàng Trống làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu và nhu cầu tìm hiểu của người dân, du khách” - bà Lan chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, rất cần có một “bảo tàng nghề” dành riêng cho dòng tranh này ở chính con phố Hàng Trống, giống như Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá của người dân Lai Xá (Hoài Đức). Theo đó, đình Nam Hương sẽ là “ứng cử viên sáng giá” cho vị trí bảo tàng tranh Hàng Trống, nơi người dân, du khách, học sinh, sinh viên có thể giao lưu, tương tác với nghệ nhân; trải nghiệm vẽ tranh, tô màu, khắc bản in trên ván hay xem lại những thước phim về quy trình làm tranh.

(Theo Mỹ An/hanoimoi.com.vn)

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/829280/bao-ton-tranh-dan-gian-hang-trong-soi-day-ket-noi-nghe-thuat-truyen-thong-va-duong-dai

 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)