Trau dồi tri thức pháp luật thông qua sách
Tác giả Tom Bingham, trong cuốn sách "Về pháp quyền" khẳng định: "Để được hưởng những quyền dân sự mà mình có, hay để thực hiện những nghĩa vụ mà luật dân sự yêu cầu, điều quan trọng nhất là mỗi người phải biết mình có những quyền và nghĩa vụ gì. Nếu không, chúng ta sẽ không thể hưởng những quyền hay hoàn thành những nghĩa vụ ấy". Thực tế, nhiều người dân khá mơ hồ về quyền và nghĩa vụ của mình, dẫn đến tình trạng thiếu hiểu biết để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, hoặc vô tình vi phạm pháp luật.
Đưa kiến thức pháp luật vào chương trình giáo dục hay xuất bản những cuốn sách về pháp luật là cách hiệu quả để người dân có thể được trau dồi tri thức pháp luật. Những năm gần đây, nhiều cuốn sách về pháp luật đã được xuất bản, không chỉ dành cho độc giả trong ngành mà còn hướng tới độc giả phổ thông để họ quan tâm nhiều hơn đến mảng đề tài thiết thực. Có thể kể đến các cuốn sách như "Bàn về tinh thần pháp luật", "Khung cửa tư pháp", "Chính trị luận", "Bàn về khế ước xã hội", "Triết học luật pháp", "Cẩm nang pháp luật cá nhân và gia đình"... Trong đó, "Bàn về tinh thần pháp luật" của Montesquieu và "Bàn về khế ước xã hội" của Rousseau được coi là bộ đôi tác phẩm "xây dựng lý thuyết về xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, dẫn tới cuộc Đại cách mạng Pháp 1789" mà những người học luật thường đọc.
"Bàn về khế ước xã hội" từng lay động bao lớp người không thỏa hiệp với chế độ quân chủ chuyên chế khi tác giả mở ra ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự, về việc thành lập Công ước xã hội, các vấn đề về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cuốn sách "Bàn về tinh thần pháp luật" trình bày những nguyên nhân quyết định nền pháp lý cho mỗi quốc gia; sự cần thiết của luật; mối quan hệ giữa các luật với nhau. Tư tưởng của tác giả hai cuốn sách này có ý nghĩa khai sáng về quan điểm pháp lý, hướng tới xây dựng một xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Nhiều quan điểm trong hai tác phẩm này đã trở thành những nguyên tắc pháp lý chi phối đến sự phát triển của nhà nước và pháp luật hiện đại.
Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung, chủ biên cuốn sách "Quyền lập pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013", bất cứ một quốc gia dân chủ phát triển nào cũng luôn có sự hiện diện của thể chế thực hiện quyền lập pháp và tùy theo quy định của từng quốc gia mà có tên gọi khác nhau. Cuốn sách của Nguyễn Đăng Dung mang đến thông tin hữu ích về tinh thần của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, trong đó, quyền lập pháp được hiểu rộng hơn, bao gồm tất cả các hoạt động của Quốc hội, từ việc thảo luận, tranh luận, thông qua các dự thảo luật đến quyền thành lập và giám sát các cơ quan nhà nước.
Nhiều cuốn sách không chỉ giới thiệu các bộ luật, mà còn đưa ra dẫn chứng, phân tích, bình giải giúp độc giả hiểu rõ hơn, đúng hơn về quy định của pháp luật. Như trong cuốn sách "Về pháp quyền", tác giả Tom Bingham cho rằng, pháp quyền không phải là lý thuyết khô khan mà là nền tảng thực sự của một xã hội công bằng, là sự đảm bảo của một chính phủ có trách nhiệm, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng đảm bảo cho hòa bình và sự hợp tác giữa các quốc gia.
"Về pháp quyền" cũng là cuốn sách đầu tiên thuộc Tủ sách Kinh điển Pháp luật mà Omega Plus mới ra mắt gần đây. Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam chia sẻ: "Xuất phát từ nhận thức rằng một đất nước muốn phát triển thì phải dựa trên rường cột tri thức, Omega Plus luôn muốn xuất bản những tác phẩm có giá trị học thuật cao, trong đó pháp luật là mảng sách quan trọng". Dự án tủ sách nói trên được tổ chức theo hướng tập trung xuất bản các đầu sách pháp luật được các chuyên gia đánh giá cao, đóng góp vào tiến trình trau dồi tri thức về luật nói chung trong cộng đồng. Các đầu sách được lựa chọn xuất bản sẽ phải dựa trên thực tiễn học thuật ở Việt Nam và chương trình xuất bản của Omega Plus sẽ gắn với hoạt động học thuật của Trường Đại học Luật thông qua việc ký kết hợp tác giữa Trung tâm nghiên cứu Luật so sánh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam.
(Theo Hạ Yến/hanoimoi.com.vn)
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1063251/trau-doi-tri-thuc-phap-luat-thong-qua-sach