Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo đó, Lễ hội đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) diễn ra từ ngày 21 đến 22-5 (tức mùng 3 đến mùng 4 tháng Tư âm lịch), với nhiều nghi thức trang nghiêm, bảo đảm tính truyền thống và thuần phong mỹ tục. Trước trong và sau lễ hội, còn có nhiều hoạt động truyền thống quảng bá di sản được quận Tây Hồ tổ chức, như: Trao đổi kinh nghiệm gìn giữ, phát huy di sản tại Đền Đồng Cổ, tỉnh Thanh Hoá; tọa đàm Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ”, phường Bưởi, quận Tây Hồ; chương trình ngoại khoá Giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ… cùng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao truyền thống khác.
Đồng Cổ là ngôi đền linh thiêng được vua Lý Thái Tông ra lệnh khởi dựng cách đây 995 năm. Đền thờ thần Trống Đồng và gắn với Hội thề Trung hiếu với mục tiêu sâu sắc là giáo dục, răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân về vai trò, ý nghĩa của lòng trung hiếu trong thiên hạ đối với sức mạnh vô địch của dân tộc là tinh thần đoàn kết, thương yêu, gắn bó lẫn nhau. Nghi thức này tiếp tục được duy trì ở thời Trần và thời Lê, và đến ngày nay, tiếp tục được mô phỏng lại bởi nhân dân địa phương vào ngày lễ hội của đền.
Hội thề đền Đồng Cổ có giá trị đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam, thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng trung thành và sự hiếu nghĩa của người Việt Nam. Các hoạt động trong lễ hội được tổ chức nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước, đồng thời, tôn vinh, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ.
(Theo Nguyễn Thanh/hanoimoi.com.vn)
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/829581/hoi-the-trung-hieu-den-dong-co-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia