Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU; Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU; Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU.
Có tác động tích cực đến đời sống
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 02 năm qua (2021-2022), việc triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy đã có tác động tích cực đến đời sống Nhân dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó, khẳng định ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của Chương trình… Cụ thể, việc triển khai Chương trình đã được tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, ưu điểm nổi bật của Chương trình 06-CTr/TU là tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo.
Đó là, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU "về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa của Hà Nội. Bên cạnh đó là việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho Thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO trên lĩnh vực "thiết kế sáng tạo" với nền tảng là văn hóa và sáng tạo, một xu thế tất yếu của thời đại.
Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy đã đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Đến quý I/2023, cơ bản các chỉ tiêu thuộc các nhóm đạt kết quả tốt, tiêu biểu: Nhóm chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, có 04/05 chỉ tiêu vượt; nhóm chỉ tiêu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, có 02 chỉ tiêu đạt 100%; nhóm chỉ tiêu phát triển thể thao và nhóm chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, đều có 03 chỉ tiêu, đã hoàn thành và hoàn thành vượt so với kế hoạch đề ra…
Quang cảnh Hội nghị
Hằng năm, trên địa bàn Thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72,5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa. Kết quả công tác xây dựng các mô hình văn hóa ở hầu hết các quận, huyện, thị xã đã không còn chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng gắn với đời sống văn hóa cơ sở và phù hợp với nhu cầu của nhân dân.
Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Hà Nội đã phân bổ tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, trong đó, có 58 dự án cấp Thành phố và 521 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp quận/huyện.
Đối với du lịch, trong 2 năm qua, du lịch đã có sự phục hồi được đánh giá tốt, thu hút được lượng khách du lịch lớn. Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi với 264 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia; 144 huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi cấp quốc tế…
Tạo diện mạo văn hóa mới
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, với sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt, sự vào vào cuộc đồng bộ của các đơn vị của Hà Nội trong thực hiện 06-CTr/TU đã tạo ra diện mạo văn hóa mới cho Thủ đô. Hà Nội đã ban hành các Nghị quyết, các chính sách, đề án lớn để đầu tư cho văn hóa trong 2 năm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Hà Nội tiếp tục lan tỏa tiêu chí về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh theo 06-CTr/TU lan tỏa đến từng khu phố để nhân dân cùng tham gia xây dựng. Đồng thời, mong muốn Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở văn hóa để tiếp tục huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là khi Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hóa và kho tàng về tri thức. Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa, vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội đóng góp ý kiến vào chương trình này để lồng ghép được nội hàm về phát triển văn hóa của Hà Nội và chương trình tổng thể của quốc gia, như vậy, vừa có nguồn lực của quốc gia và vừa có nguồn lực của Thành phố.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Chương trình 06-CTr/TU đã tạo được nhiều chuyển biến từ Thành phố đến cơ sở nhất là sau 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương lớn, Nghị quyết số 09-NQ/TU bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển các hoạt động dịch vụ, đặc biệt thúc đẩy du lịch, song song với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong đó có đời sống văn hóa tinh thần; mở ra nhiều hướng đi, cách làm mới áp dụng được ở nhiều địa phương, đơn vị. Ngoài ra, bước đầu huy động được nguồn lực xã hội từ các nhà khoa học, chuyên gia; doanh nghiệp, doanh nhân; các trường Đại học… Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa cũng có bước phát triển, nâng vị thế của Thủ đô lên một tầm cao mới…
Tuy nhiên, Phó Bí Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU cũng khẳng định, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã trong thời gian tới để thống nhất lại nhận thức và đề ra quyết tâm cao hơn nhằm tập trung xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chuyên đề, kế hoạch theo nội dung Chương trình số 06; gắn với thực hiện nghiêm các Nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu các lĩnh vực: xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở bởi đây là vấn đề mấu chốt trong toàn bộ đời sống chính trị và xây dựng nền văn hóa; Chú trọng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và tập huấn cán bộ, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội…
Các đơn vị sở, ngành, quận, huyện, thị xã theo đề án được phân công cần rà soát, đánh giá để có giải pháp cụ thể, tiếp tục thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ở nửa nhiệm kỳ sau. Theo Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong, việc triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU là việc khó, không thấy kết quả ngay nhưng lại là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị. Đồng chí Nguyễn Văn Phong tin tưởng, với kết quả nửa nhiệm kỳ, cùng với sự quyết tâm cao, Chương trình 06-CTr/TU sẽ đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần thiết thực xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2857671/tao-su-ot-pha-buoc-tien-moi-quan-trong-trong-chien-luoc-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-thu-o.html;jsessionid=gWQUqA09uGrCTXfTXcfAUPs3.app2