Giữ không gian văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại
LTS: Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 5 huyện và năm 2028 có thêm 3 huyện trở thành quận. Đô thị hóa là xu thế tất yếu khi thành phố ngày càng lớn mạnh. Song, trong tiến trình này, nhiều cơ hội mở ra, đồng thời xuất hiện không ít thách thức. Nhiều làng quê ven đô đã và đang “biến dạng” không gian văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp bị nhạt phai, để lại nhiều hệ lụy. Làm gì để những giá trị văn hóa tốt đẹp của làng quê hòa vào dòng chảy hiện đại, tạo nguồn lực mới cho phát triển bền vững là vấn đề cần được đặt ra và có giải pháp thực hiện... Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài viết “Giữ không gian văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại”.
Bài 1: Những giá trị làm nên hồn cốt làng quê
Nông thôn Hà Nội hội tụ đủ văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, Kinh Bắc..., chất chứa nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị văn hóa làng, xã với những thực thể rõ nét như đình, chùa, miếu mạo… hay những nét đẹp từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã hòa quyện vào văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tạo nên một nền văn hóa đa sắc với hồn cốt, phong cách riêng, được ghi nhận và tôn vinh...
Vùng đất chất chứa lịch sử
Từ xa xưa, dân gian truyền nhau câu nói: “Thứ nhất Cổ Bi (huyện Gia Lâm), thứ nhì Cổ Loa (huyện Đông Anh), thứ ba Cổ Sở (gồm xã Yên Sở và xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức)”... để nói về 3 vùng đất cổ của Hà Nội xưa.
Con đường dẫn đến thành Cổ Loa - Kinh đô của nước Âu Lạc, nơi gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương rợp bóng hai hàng cây cổ thụ. Ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh vẫn lưu giữ đầy đủ những vết tích làng quê vùng Đồng bằng sông Hồng. Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy thông tin, với bề dày lịch sử 2.300 năm, vùng đất này cũng như vùng lân cận còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử có tính chất và quy mô khác nhau. Năm 1962, Cổ Loa được công nhận là Di tích quốc gia; năm 2012, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Sinh ra, lớn lên trong lòng di tích Cổ Loa, cụ Nguyễn Văn Nhiêu (91 tuổi) ở thôn Gà (xã Cổ Loa) chia sẻ, những giá trị của di tích Cổ Loa là một phần trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, là thực thể văn hóa sống, luôn nhắc nhở người dân về lịch sử, văn hóa nước Việt.
Xuôi về huyện Hoài Đức (phủ Hoài Đức xưa) là vùng đất Cổ Sở bên bờ sông Đáy. Cổ Sở là tên cũ của 3 làng: Yên Sở (xã Yên Sở), Đắc Sở (xã Đắc Sở), Yên Thái (xã Tiền Lệ) ngày nay. Để hiểu rõ về vùng đất cổ này, chúng tôi đến thăm quán Giá - Khu di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia (tại xã Yên Sở), là đền thờ chung của xã Đắc Sở và xã Yên Sở. Nơi đây vẫn giữ được cấu trúc, cảnh quan ban đầu với tam quan, sân và nhiều dãy nhà ngang dọc cấu thành. Nghi môn nối ra bức tường bao, trên gắn 43 mảng chạm bằng đất nung độc đáo về các đề tài dân gian. Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, quán Giá thờ Lý Phục Man (danh tướng thời Lý Nam Đế), là người làng Giá, sinh ra ở xóm Lã Xá (gọi chệch là Lựa). Ngày nay, ở xóm Lựa còn ngôi nhà thờ cha mẹ ngài, gọi là chùa Lựa. Dân làng tôn vinh đấng sinh thành ra ngài như là Đức Phật, nên ngôi nhà gọi là chùa mà không có Phật. Đây được coi là nơi sinh của Lý Phục Man. Năm 1016, vua Lý Thái Tổ kinh lý qua đây và cho lập đền thờ, tên Giá (chỉ chuyến ngự giá của nhà vua) được đặt cho làng. Di tích này chất chứa tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.
Trở về huyện Đan Phượng “quê hương người gái đảm”, đến Hạ Mỗ - thành Ô Diên của Nhà nước Vạn Xuân thế kỷ thứ VI. Ông Nguyễn Xuân Việt, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hạ Mỗ là người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa địa phương cho hay, xã có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, đó là đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến... Nét đặc biệt ở Hạ Mỗ là xóm nào cũng có miếu thờ thổ thần và cả xã có tới 28 điếm thờ. Khi xưa, đây là nơi để các tuần phu canh gác nghỉ khi trông coi công việc của làng. Nay miếu xóm vừa là nơi thờ cúng thổ thần, vừa là nơi họp bàn công việc và diễn ra tục “ăn xóm” hằng năm.
Vùng đất cổ Thanh Trì ở phía Nam thành phố cũng có bề dày văn hóa, lịch sử. Nơi đây hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 88 di tích đã được công nhận xếp hạng và hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú (xã Liên Ninh), đình Triều Khúc, đình Yên Xá (xã Tân Triều) được công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.
Nhiều lễ hội, tập tục có một không hai
Những công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa là “mỏ vàng” của nông thôn Hà Nội. Ở đây còn các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán “có một không hai”...
Trong câu chuyện về làng, nhà giáo Nguyễn Tọa - “người chép sử làng” của xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) chia sẻ, đất này còn lưu giữ những phong tục, tập quán không phải ở đâu cũng có, như tục “ăn xóm” và “việc làng”. Hằng năm, cứ đến ngày mùng tám, mùng chín tháng Giêng, cả xóm lại tập trung làm lễ cúng thổ thần, ăn cơm đoàn kết - còn gọi là “ăn xóm”. Trong ngày này, người dân xem xét hương ước cần điều chỉnh, bổ sung những gì để đưa ra trong dịp hội làng (còn gọi là việc làng), được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng hằng năm. Đến Rằm tháng Giêng, hương ước được công bố để cả làng cùng thực hiện...
Trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian, Lễ hội làng Thụy Hà, xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) vẫn giữ được phần lễ với những nét đặc sắc, trong đó có lễ rước kiệu. Ông Nguyễn Văn Quang, ở làng Thụy Hà kể lại, trước kia làng thuộc tổng Đông Đô, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Hội làng diễn ra từ ngày 8 đến ngày 13 tháng Giêng (ngày 8 rước ra, 13 rước vào). Sáng mồng 8 rước kiệu Thánh hay còn gọi là “rước đám Rậm” và các đồ binh khí ra ngoài đình làng. Sau lễ tế là tục múa gươm, diễn lại sự tích dân làng cùng quân sĩ của thần Cao Sơn đánh giặc, rồi lại rước kiệu Thánh về đình làm lễ. Mồng 9 có lệ rước của các dòng họ, tập trung từ cổng làng về đình. Đến ngày 13, hóa mã, mỗi họ lại xin rước nồi hương về nhà thờ. “Hội làng Thụy Hà là khoảng thời gian người dân thỏa sức đắm mình vào nét đẹp văn hóa của quê hương, dân tộc, ghi nhớ công ơn khai ấp, lập làng, đánh giặc cứu dân của tổ tiên, cũng là dịp để giáo dục về truyền thống và gắn kết cộng đồng, làng xóm”, ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ.
Không chỉ nổi tiếng với câu thơ: Thanh Trì có bánh cuốn ngon/Có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng/Thanh Trì cảnh đẹp người đông/Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh..., Thanh Trì còn lưu giữ nhiều lễ hội, tập tục quý. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương cho biết, đất Thanh Trì còn bảo lưu được hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều loại hình như nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội… Đặc biệt là 45 lễ hội truyền thống, được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương. Trong đó, lễ hội Triều Khúc (xã Tân Triều) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…
Có thể thấy, nông thôn Hà Nội, trong đó có những huyện chuẩn bị lên quận có không gian hội tụ đầy đủ những tinh hoa được chắt lọc trong mỗi di tích lịch sử, mỗi nét văn hóa, tập tục và lễ hội. Đây là nguồn lực nội sinh không phải ở đâu cũng có.
Thủ đô Hà Nội là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền, miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ…
(Theo hanoimoi.vn)
https://hanoimoi.vn/giu-khong-gian-van-hoa-nong-thon-trong-dong-chay-hien-dai-637400.html