Thấu hiểu nhu cầu độc giả, bắt nhịp xu hướng mới của ngành xuất bản thế giới
Tham dự hội nghị có đoàn các nước thành viên ABPA (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Campuchia…); đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh…
Hội nghị là diễn đàn cho các hội thành viên ABPA nhìn lại thực trạng, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Hội nghị tập trung vào những nhóm chủ đề như: Rà soát thực trạng ngành xuất bản của các nước thành viên ABPA; thảo luận đề xuất các đường hướng thúc đẩy hợp tác nội khối, tăng cường giao lưu, tìm hiểu, trao đổi, giao dịch bản quyền giữa các nước thành viên ABPA; thảo luận và lựa chọn quốc gia đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên cho biết, hiện Việt Nam có 57 nhà xuất bản, trong đó có 21 nhà xuất bản điện tử (chiếm 37%), trên 2.000 pháp nhân kinh doanh sách, 126 công ty phát hành với tổng số người tham gia trên 10.000 người.
Hoạt động xuất bản sách nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Việt Nam có hệ thống pháp luật về xuất bản khá đầy đủ, là thành viên của rất nhiều hiệp ước quốc tế. Tuy nhiên, ngành xuất bản đang đứng trước nhiều thách thức lớn, cạnh tranh với các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội đã ảnh hưởng đến văn hóa đọc. Tình trạng vi phạm bản quyền là thách thức rất lớn mà ngành xuất bản đang đối mặt.
Đứng trước thách thức đó, đòi hỏi ngành xuất bản Việt Nam phải thấu hiểu hơn các đối tượng độc giả, năng động, sáng tạo để bắt nhịp với xu hướng mới của ngành xuất bản thế giới.
Chia sẻ về đầu tư phát triển văn hóa đọc tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lâm Đình Thắng cho biết, lãnh đạo thành phố qua nhiều thời kỳ luôn dành sự quan tâm lớn, hằng năm bố trí nguồn ngân sách không nhỏ cho đầu tư phát triển văn hóa đọc. Hoạt động phát triển văn hóa đọc được tổ chức đều ở khắp các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố. Tất cả hoạt động đó góp phần thúc đẩy ngành xuất bản thành phố tăng trưởng hơn trong thời gian qua.
Ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, Đường sách thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến văn hóa đặc sắc và là niềm tự hào của ngành xuất bản, của người dân thành phố. Thành phố đang phấn đấu đạt các tiêu chuẩn của danh hiệu “Thủ đô sách thế giới” theo tiêu chí của UNESCO.
Trong khuôn khổ hội nghị, Hội Xuất bản Việt Nam cũng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng. Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.
Từ ngày 14 đến 16-9, tại Đường sách thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Triển lãm trưng bày khoảng 100 tựa sách tiếng Việt, ngoại ngữ, song ngữ, chia thành 3 cụm gồm: Không gian sách Hồ Chí Minh; sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dịch sang 7 thứ tiếng và sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
(Theo Thúy Nhi-Nguyễn Lê/hanoimoi.vn)
https://hanoimoi.vn/thau-hieu-nhu-cau-doc-gia-bat-nhip-xu-huong-moi-cua-nganh-xuat-ban-the-gioi-640981.html