Index was outside the bounds of the array. Người đứng đầu đủ tâm và tài mới giữ được người tài
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức
Thứ sáu, 27/10/2023 08:18
Người đứng đầu đủ tâm và tài mới giữ được người tài

“Người đứng đầu phải là người đủ tài mới biết ai là người tài, mới giữ được chân người tài, mới biết đâu là sáng kiến, ý tưởng cần được khích lệ thực hiện. Người lãnh đạo đủ tài sẽ không sợ người tài vượt mình”.

 

Câu chuyện thu hút, trọng dụng người tài vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước (khu vực công) tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận khi mới đây Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Phản hồi về thông tin này, nhiều quan điểm cho rằng, thu hút được người tài mới chỉ là bước đầu, còn để giữ được chân họ và để họ làm việc có hiệu quả mới là vấn đề quan trọng. Và để giữ được người tài trong các cơ quan Nhà nước, môi trường làm việc là yếu tố rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ.

Người tài gắn bó với cơ quan đơn vị vì được tôn trọng…

Thực tế vừa qua, nhiều địa phương đã dành nhiều ưu đãi về lương, chỗ ở cùng nhiều quyền lợi khác, nhưng cũng chưa thu hút được nhiều nhân tài, có nơi thu hút được về nhưng không giữ được chân họ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, phải chăng căn nguyên của câu chuyện này là vấn đề trọng dụng, người tài chưa thực sự được quan tâm tạo điều kiện về môi trường làm việc?

 

PGS-TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, đây là quan điểm hoàn toàn đúng. Qua kinh nghiệm thực tiễn của bản thân cũng như tiếp xúc với nhiều người làm việc trong lĩnh vực khoa học, PGS-TS Bùi Thị An cho rằng, để giữ chân người tài, chuyện tiền lương chỉ là điều kiện cần, mặc dù nó cũng là điều kiện vô cùng quan trọng, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc, đặc biệt để giữ chân người tài, người trẻ.

Theo nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, người lao động nói chung, đặc biệt người tài hay người trẻ cần một sự tôn trọng, cần được đối xử bình đẳng, dân chủ trong công việc, những ý tưởng của họ, có thể đúng hoặc chưa thật đúng nhưng cần được tôn trọng lắng nghe, được quan tâm bàn bạc, được tạo điều kiện để thử nghiệm, đưa vào thực tiễn. Đôi khi yếu tố vật chất có thể chưa được đủ đầy, nhưng người ta sẽ vẫn chọn môi trường làm việc khi ở đấy họ được tôn trọng, được phát huy năng lực để thực hiện ước mơ của mình.

“Từ trước tới nay tôi vẫn giữ quan điểm lương bổng, nhà cửa chỉ là điều kiện cần nhưng môi trường làm việc, được tạo điều kiện để làm việc là quan trọng nhất. Để có được điều này phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu của tổ chức, của lĩnh vực, của cơ quan, viện, trường… Người đứng đầu phải là người đủ tài mới giữ được chân người tài, mới biết ai là người tài, mới biết đâu là sáng kiến, ý tưởng cần được khích lệ thực hiện. Đặc biệt, người lãnh đạo đủ tài sẽ không sợ người tài vượt mình”, PGS-TS Bùi Thị An bày tỏ.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã có cơ chế về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo, nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII tin rằng, người tài, người trẻ sẽ có nhiều điều kiện để bứt phá, sáng tạo. Tuy nhiên, để họ thực sự tin tưởng, thì lãnh đạo ở các cấp của người tài, người trẻ cũng cần đủ tâm, đủ tầm để nhìn ra những ý tưởng có thể mang tới sự đột phá, mạnh dạn tạo điều kiện cho họ phát triển. Biết cách sử dụng và giữ chân được người tài, cơ quan, đơn vị, đất nước mới phát triển bền vững.

Tuy nhiên theo PGS-TS Bùi Thị An, muốn thu hút, trọng dụng và giữ chân người tài, trước hết cần có những tiêu chí cụ thể về người tài trong từng lĩnh vực. Vì là vấn đề về con người nên Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, những cơ quan lớn tham mưu cho Đảng, Chính phủ cần vào cuộc để nghiên cứu, xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng địa phương, giai đoạn, từng lĩnh vực và có kiểm điểm, đánh giá, nơi nào không làm được phải xử lý. Chứ nếu không lại giống câu chuyện giảm biên chế, người cần giảm không giảm được, có khi chính người tài lại bị giảm.

… và đồng cảm

Chia sẻ với câu chuyện giữ chân người tài ở lại khu vực công, một bạn đọc của VOV.VN cho biết, ở thời của anh, dù là tốt nghiệp đại học ở trong nước hay đi học ở nước ngoài về thì đều vào làm việc cho cơ quan Nhà nước. Tuy vậy, vì là người đã từng sống ở nước ngoài, anh thấy điều kiện làm việc, học tập, nghiên cứu, tài liệu tham khảo, các phòng thí nghiệm đều rất thuận lợi. Mọi cá nhân đều làm việc một cách rành mạch, không có sự thiên vị hay nhập nhèm. Trách nhiệm của mỗi người đều rất rõ ràng. Kết quả làm việc, nghiên cứu tốt đương nhiên được công nhận. Với người làm công tác nghiên cứu, khi đề xuất đề tài không phải đi “gõ” các cửa để xin phê duyệt.

Một độc giả khác cho biết, chị đã có gần 20 năm làm việc trong môi trường Nhà nước và thấy rằng, cùng với chế độ lương thưởng thì môi trường làm việc cũng là điều kiện rất quan trọng để giữ chân người lao động nói chung, người tài nói riêng. Theo độc giả này, người tài ra khỏi khu vực công được hiểu là những nhân viên giỏi, có tố chất làm việc hiệu quả, nổi trội hơn những người còn lại.

“Người tài làm việc trong một môi trường mà ở đó các thành viên không cùng nhận thức, trình độ, thái độ làm việc, sẽ thấy lạc lõng, dần dần mất đi cảm hứng làm việc. Chưa kể, ý kiến của họ thường không được để tâm, những việc họ làm không được ghi nhận, thậm chí còn bị cô lập bởi lãnh đạo thiếu cả tài và đức. Không thể phát huy hết khả năng và tinh thần làm việc, chán nản, mệt mỏi họ tìm cách ra đi là điều tất yếu”.

Bày tỏ quan điểm này, độc giả còn mong muốn, lãnh đạo có thể là người chưa thực sự giỏi về chuyên môn nhưng hãy là người quản lý tốt, công tâm, biết tôn trọng nhân viên, cấp dưới, đặc biệt là người tài. Trọng dụng ở đây là khuyến khích, dùng đúng người, đúng việc và quan trọng là ghi nhận hiệu quả công việc mà nhân viên đem lại; là biết quan tâm, chăm lo cho đời sống tinh thần, vật chất của nhân viên. Theo độc giả này, người tài mong muốn được tạo cơ hội để làm việc, để phát huy năng lực, chứ không phải làm thay cả việc của lãnh đạo.

Một độc giả trẻ cho biết đã từng làm ở cả môi trường tư và môi trường công, và ở môi trường nào anh cũng được lãnh đạo tạo điều kiện tương đối tối đa để làm việc, để cống hiến, nên không gặp những vấn đề của nhiều người cho rằng cảm thấy bó buộc hay không được tạo cơ hội khi làm việc trong môi trường công. Tuy nhiên, độc giả này chia sẻ, điều mà anh cần nhất khi đặt chân vào cơ quan nhà nước là sự dẫn dắt của những người đi trước hay những người có cùng tư tưởng, mục tiêu, cùng thế hệ của mình dường như không có. Những việc anh muốn đóng góp, cụ thể là những điều mới mẻ anh muốn làm, muốn mang những kiến thức mới vào công việc, chưa được nhiều người hiểu và đồng cảm nên khó tìm được tiếng nói chung để có thể biến những mong muốn của mình thành hiện thực nhanh hơn, sớm hơn.

(Theo Thanh Hà/vov.vn)

https://vov.vn/chinh-tri/nguoi-dung-dau-du-tam-va-tai-moi-giu-duoc-nguoi-tai-post1055040.vov

 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)