Index was outside the bounds of the array. Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức
Thứ năm, 02/11/2023 07:50
Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người

Ngày 14/11 tới, tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ, Hà Nội, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 sẽ tổ chức hội thảo "Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người" nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm sinh nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao - một trong những gương mặt nghệ sĩ tài danh hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20.

 

Hội thảo "Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người" sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, nhận định chủ yếu xoay quanh những cống hiến của Văn Cao ở các tác phẩm thơ. Văn Cao mùa chữ mùa người kịp thời ra mắt bạn đọc trước ngày hội thảo là cuốn sách tập hợp 21 bài viết ở thể loại Tiểu luận - nghiên cứu của 21 tác giả, do Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan chủ biên, chịu trách nhiệm mời đại biểu viết tham luận, tập hợp bản thảo và thiết kế, trình bày sách.

Advertisements
 

 

 

 

 

Qua một loạt các bài viết của Lê Huy Quang, Văn Giá, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hoài Nam, Thiên Sơn, Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch... người đọc có một cái nhìn tổng thể về hành trình thơ Văn Cao cùng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông.

Từ những bài thơ đầu tiên được sáng tác trước 1945, Văn Cao đã để lại dấu ấn trong giai đoạn trước Cách mạng với Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, được nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho là “có thể sánh ngang với những tuyệt phẩm Thơ Mới theo mô tip Đàn – Đêm – Trăng – Nước, như Nguyệt cầm của Xuân Diệu hay Đà giang của Vũ Hoàng Chương”: Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/ Từng canh trời điểm một sao rơi/ Tà tà trăng lặn hiu hiu gió/ Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi.

 

 

 

Hai bài thơ đặc sắc khác in dấu một phong cách độc đáo của Văn Cao ở giai đoạn đầu trong hành trình thơ ông là Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc (viết năm 1945) và Ngoại ô mùa đông năm 1946, đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 3/1948.

 

 
Nếu như Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc là một “hiện thực huyền ảo” (chữ Nguyễn Hoài Nam), là một “niềm kinh dị” (chữ Đào Bá Đoàn) tả lại cảnh chiếc xe chở những người chết vì đói đi giữa khu phố ăn chơi thì Ngoại ô mùa đông năm 1946 lại là một “hiện thực suy tưởng” về những ngày toàn quốc kháng chiến, tạc lên hình ảnh những con người cần lao đói khổ, những con người trụy lạc rạc rài đã vươn cao trong một cơn biến thiên vĩ đại của lịch sử để dũng cảm chiến đấu và hy sinh: Bao người ấy bây giờ/ Súng gươm giữ từng hầm phố/ Ngã tư Chợ Dừa, Khâm Thiên phá đổ/ Tay thợ thuyền níu giữ xóm thân yêu.

 

Đường thơ Văn Cao tiếp tục có bước phát triển quan trọng qua một tác phẩm trường ca được đánh giá là kiệt tác, đó là Những người trên cửa biển, được ông viết vào mùa xuân năm 1958. Thể loại trường ca sẽ còn tiếp tục trở lại trong hành trình thơ Văn Cao qua tác phẩm Thức tỉnh viết năm 1965. Sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm với các bài thơ mang tính phản biện xã hội như Anh có nghe thấy không và Một đồng chí của tôi đã đẩy thơ Văn Cao sang một giai đoạn khác mà nhà phê bình Văn Giá gọi tên là “thơ chấn thương”.

Suốt gần 30 năm, con người tài danh ấy đã phải sống trong cô đơn và đổ vỡ, những bài thơ viết ra lặng lẽ cho riêng mình với đầy những hoảng hốt, nghi hoặc, dằn vặt, ưu tư. Có thể kể đến một loạt thi phẩm như: Có lúc, Cạn, Cánh cửa, Lòng núi... Tuy thế, cũng ở giai đoạn này, Văn Cao đã để lại những bài thơ tình dầy da diết và vẫn sáng lên một niềm hy vọng tin yêu như Khuôn mặt em hay Thời gian.

Đặc biệt, "Năm buổi sáng không có trong sự thật" có thể được coi là bài thơ mang dáng dấp của một trường ca, đi từ bút pháp siêu thực huyễn ảo đến chỗ trở về thực tại để tụng ca vẻ đẹp của tình yêu đích thực, có khả năng hóa giải mọi khổ đau, chết chóc: Em ở đây với anh/ Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo nức/…Chúng ta đi vào bí mật mùa xuân/ Ngày đầu tiên của em trên biển. Phùng Gia Thế còn chỉ ra vẻ đẹp thơ Văn Cao qua những bài thơ tối giản, dồn nén, lạ hóa và độc đáo trong giai đoạn sau của ông, chẳng hạn: Từ trời xanh/ Rơi vài giọt tháp Chàm (Quy Nhơn 3) hay: Con thuyền đi qua để lại sóng/ Đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ Đoàn người đi qua để lại bóng/ Tôi không đi qua tôi/ Để lại gì? (Không đề).

Một số bài viết đi vào các trường hợp cụ thể hoặc các chủ đề trong thơ Văn Cao như: Dòng sông Lô trôi của Nguyễn Thành Phong, Hệ thống tín hiệu thẩm mỹ trong ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn của Trần Xuân Toàn, Nỗi buồn của lá của Trịnh Thu Tuyết. Bên cạnh đó là các bài viết nhận định về những đóng góp, sáng tạo của Văn Cao ở hai mảng hội họa và âm nhạc, như các bài: Quẻ văn Văn Cao: Hội họa – Đồ họa – Minh họa của Lê Thiết Cương và Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao của Đỗ Anh Vũ. Phần cuối sách có nhiều bài thơ viết về/ viết tặng Văn Cao của các nhà thơ: Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Hưng… và một số tranh minh họa mà Văn Cao đã vẽ trong tiểu thuyết Búp sen xanh và Tuyển tập thơ Victor Hugo.

Trong quá trình thực hiện cuốn sách Văn Cao mùa chữ mùa người, có những tác giả viết tham luận khi đang mang trọng bệnh, sau khi hoàn thành tham luận được ít hôm thì qua đời, như nhà thơ Lê Huy Quang. Có những người tuổi cao, ốm đau lâu ngày như nhà thơ Lê Kim Giao, vẫn nhiệt tình gửi tác phẩm và mong chờ ngày cuốn sách ra mắt. Tất cả tập thể tác giả cùng đội ngũ biên soạn đã hết lòng thực hiện ấn phẩm này như một sự tri ân sâu sắc với một bậc tài danh, tác giả của Quốc ca Việt Nam, người đã cháy hết mình cho một hành trình “thác lũ nghệ thuật”.

 

(Theo Đỗ Anh Vũ/vov.vn)

https://vov.vn/van-hoa/van-cao-mua-chu-mua-nguoi-post1055701.vov

 

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)