Ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.Kế thừa và phát huy thành tựu của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 và năm 2000 của Nhà nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời đã góp phần đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam, qua đó có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển nguồn nhân lực, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các địa phương và Bộ ngành có liên quan và thông qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi chính thức được thông qua, với 79,52% số phiếu tán thành, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2015, với 10 chương, 133 điều. Quan hệ hôn nhân gia đình sẽ có những quy định pháp lý điều chỉnh về chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình. Cụ thể, Luật quy định những vấn đề như: Kết hôn; quan hệ giữa vợ và chồng; chấm dứt hôn nhân; quan hệ giữa cha, mẹ và con; quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình; cấp dưỡng; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 cũng có một số điểm mới như: Bổ sung nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; quy định về con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân cũng được luật hóa. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân. Nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định...
Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được sửa đổi một cách toàn diện để vừa giải quyết được yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình, vừa thể hiện được các quan điểm mới của Đảng về tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân trong đời sống dân sự nói chung và trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói riêng. Đây là bước tiến dài trong tư duy lập pháp Việt Nam để điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội rộng lớn, nhạy cảm và “thuần Việt” của Người Việt. Luật mới ngoài việc kế thừa những thành quả của luật cũ đã ghi nhận nhiều quy định mới, nhân văn, sâu sắc và nhạy cảm. Đồng thời cũng chấm dứt nhiều tranh luận xung quanh nhiều vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình mà xã hội đương đại Việt Nam hội nhập gặp phải cần phải có định hướng điều chỉnh như: hôn nhân đồng giới, mang thai hộ, chung sống với nhau như vợ chồng của nam nữ mà không muốn đăng ký kết hôn...
Có thể nói, trong xã hội, các mối quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình luôn diễn ra đa dạng, phức tạp, với những hình thức khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, chậm tiến bộ trong hôn nhân gia đình là vấn đề đang được quan tâm. Với những điểm đổi mới quan trọng như trên, hy vọng rằng, khi đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 sẽ giải quyết được những quan hệ phức tạp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bền vững và hạnh phúc.
Với tất cả ý nghĩa đó, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội đã tổ chức biên soạn cuốn sách “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Cuốn sách được bố cục thành 8 phần mạch lạc dưới dạng hỏi - đáp. Các câu hỏi đáp trong từng phần của cuốn cách sẽ giúp bạn đọc nắm rõ những nội dung cơ bản nhất của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về các quy định chung, kết hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, chấm dứt hôn nhân, quan hệ giữa cha, mẹ và con, quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình...
Nội dung giải đáp, ngoài các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các tác giả cuốn sách còn sử dụng một số quy định của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; một số quy định của Luật Hộ tịch hiện hành...
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!