Bắc Ninh còn là địa danh mang trong mình dòng chảy hàng nghìn năm của nền văn minh sông Hồng với tiềm năng văn hóa - du lịch nhân văn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt; là nơi có sự đậm đặc của hệ thống các di tích văn hóa lịch sử với hơn 1.259 di tích; và là xứ sở của hơn 500 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức thường niên. Con người Bắc Ninh không chỉ phát huy truyền thống khoa bảng của miền đất đã từng chiếm 2/3 số tiến sỹ, trạng nguyên cả nước thời phong kiến mà còn cần cù, trọng tình, trọng nghĩa thể hiện đậm chất dân gian của vùng đất có trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, vẽ tranh dân gian...
Bắc Ninh có 15 khu công nghiệp, đã cho thuê 1.264ha /2.139ha đất. Với hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, các khu công nghiệp là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư. Luỹ kế đến hết tháng 10 năm 2014, trên địa bàn Bắc Ninh có 607 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 7,989 tỷ USD; có 846 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký 85.742 tỷ đồng; có 7.358 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 105.438 tỷ đồng. Tỉnh đang tiến hành quy hoạch đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các khu nghiên cứu và ứng dụng khoa học với quy mô khoảng 1.000 ha; tuyến đường sắt đô thị để kết nối trực tiếp với không gian và đô thị vùng Thủ đô.
Tất cả những yếu tố đó đã tạo cho Bắc Ninh là một trong số ít những địa phương hội tụ được nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ… Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Bắc Ninh còn đang được biết đến như một điểm sáng về phát triển công nghiệp, với những bước đi dài để đến năm 2015 Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào những năm 2020.
Gần hai thập niên qua kể từ ngày tái lập tỉnh (tháng 1/1997), kinh tế Bắc Ninh đã liên tục đạt được mức tăng trưởng cao, bình quân tăng 14,1%/năm. Đến năm 2013, quy mô kinh tế tỉnh gấp hơn 7 lần so với năm 1997; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên gần 80%, dịch vụ gần 20%, nông nghiệp chỉ còn dưới 7%; xuất khẩu hàng hóa từ 20 triệu USD năm 1997 đã tăng lên hơn 20 tỷ USD; thu ngân sách đạt hơn 11.000 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần so với năm 1997. Những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đã và đang liên tục đổ vào địa bàn tỉnh.
Với kinh nghiệm hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp hiệu quả, Bắc Ninh đang tiếp tục xúc tiến đầu tư theo quy trình đổi mới bao gồm các giai đoạn: Nâng cấp, đáp ứng về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho nhà đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư có tính cạnh tranh cao; xây dựng và quảng bá “Thương hiệu địa phương” với những cam kết mạnh mẽ và thông điệp rõ ràng của lãnh đạo trong thực hiện chiến lược phát triển. Bắc Ninh sẽ khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, đề cao vai trò của doanh nhân, nhà đầu tư giữ vị trí xung kích. Do vậy ở Bắc Ninh, con đường đầu tư đang rộng mở, là điểm đến tin cậy với những tiềm năng to lớn và những cơ hội đầu tư mới.
Với tất cả ý nghĩa đó, nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài có được cái nhìn tổng thể về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, chính sách và chiến lược phát triển của tỉnh… UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Bắc Ninh”. Cuốn sách được xuất bản bằng ba thứ tiếng: Anh - Pháp - Đức. Đây sẽ là cuốn cẩm nang hữu ích đối với bạn bè quốc tế khi muốn tìm hiểu về Bắc Ninh, nhất là với các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!