Vốn không phải là nhà thơ, cũng không phải lấy thơ làm nguồn sống, tác giả Hồng Vân coi thơ như là người bạn tâm giao để gửi gắm tâm sự của lòng mình trước những khúc khuỷu của cuộc đời. Do đó Một thoáng xưa là sự kết tinh của những niềm vui, nỗi buồn, những khoảnh khắc trong đời, những tình cảm thân thương với gia đình bạn bè,… với mảnh đất và con người Tràng An – nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn tác giả. Đọc thơ của tác giả Hồng Vân bạn đọc sẽ dễ dàng nhận thấy vần thơ không trau chuốt, bóng mượt, không nhiều mỹ từ, không tô vẽ mà cứ chảy một cách tự nhiên, tự nhiên… bởi đó là những dòng nhật ký cuộc đời của tác giả. Đằng sau những dòng nhật ký đó là những cảm xúc yêu thương, những khát khao cháy bỏng, những giận hờn vô cớ, những niềm vui vu vơ của người phụ nữ đang yêu và khao khát được yêu… Đó là mạch cảm xúc chính trong tập thơ Một thoáng xưa.
Cùng với đó là mạch cảm xúc về gia đình, bạn bè, thầy cô… những người đã luôn động viên, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trước những trắc trở, lận đận trong đường đời của chị. Có lẽ đó là những gì còn đọng lại sau những xô bồ của cuộc sống thường ngày mà ở đó “chỉ có tình người là quý giá nhất”. Và sau tất cả những thăng trầm của cuộc sống, Hà Nội vẫn là nơi lưu giữ tâm hồn chị, nơi chị trở về để thấy lòng nhẹ nhàng hơn, để được sống những tháng ngày ấu thơ hồn nhiên, trong sáng, để yêu và được yêu… Bởi thế cho nên Hà Nội đẹp hơn trong thơ chị, đẹp hơn trong nỗi nhớ, tình yêu của một người con xa xứ; một chút nắng, một chút mưa, một chút se lạnh cũng đủ tạo nên một “cơn sóng lòng” trong người con gái Hà thành năm xưa ấy… Tất cả đã lắng đọng thành những dòng cảm xúc trong tập thơ Một thoáng xưa.
Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!