Nhan đề của tập truyện được lấy từ tên của truyện Đứng giữa heo may. Đó là câu chuyện đầy bất hạnh, khổ đau của hai số phận là hai cô gái không nghề nghiệp làm ở quán cà phê. Chính cuộc sống đã xô đẩy hai số phận bèo bọt trôi giạt cùng trú ngụ trong căn phòng trọ ọp ẹp, cùng chịu sự khổ đau từ thể xác đến tâm hồn. Đáp trả sự cả tin và cả những ước mơ về một cuộc sống đời thường, giản đơn của hai cô gái lại chính là những vụ đánh ghen, là những đau đớn khi phải từ bỏ mầm sống nhỏ bé, mong manh.
Không gian của tập truyện rộng mở từ thành phố tấp nập (truyện Đứng giữa heo may) đến miền rừng núi xa xôi (truyện Trăng đậu sau nhà). Câu chuyện dẫn dắt người đọc tới miền núi vốn thanh bình, yên ả, đến với cảnh ngộ của một gia đình, của một cán bộ xã có học nhất vùng, đi đâu cũng được người ta quý trọng nhưng con ma thuốc phiện đã làm ông biến đổi. Kết thúc câu chuyện vẫn bỏ ngỏ nhưng mọi người đều tin rằng chính sự bừng tỉnh, lòng quyết tâm của con trẻ cùng với tình yêu trong sáng sẽ xua tan bóng tối, màn đêm từ khói thuốc phiện để miền quê lại bừng sáng, trong trẻo và tinh khiết như những hạt sương mỗi sớm mai còn vương trên lá rừng.
Mỗi câu chuyện là mỗi lát cắt từ cuộc sống hiện thực để đi vào văn chương. Không chỉ là cuộc đời, số phận của hai cô gái hay sức mạnh tình yêu của đôi trẻ người dân tộc Thái cùng niềm tin mãnh liệt ở sự bừng tỉnh của người cha đang chìm ngập trong khói thuốc… tập truyện còn có những số phận khác, con người khác, mạch chủ đề phong phú đó là sự liêm khiết của một ông thẩm phán (truyện Không có ở phiên toà) hoặc như có những ông bố bà mẹ vì mải chạy theo dục vọng của bản thân mà bỏ đi sự quan tâm, chăm chút cho hạnh phúc đời thường (truyện Người giàu cũng khóc)…
Đôi câu chuyện dẫn dụ để minh chứng cho cách viết giản dị, mộc mạc, cách dẫn dắt tình tiết, cách xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, văn phong trong sáng của cây bút trẻ Nguyễn Văn Học, gợi ở người đọc những rung cảm của yêu thương. Nhà xuất bản Hà Nội cùng Công ty Văn hoá Thanh thiếu niên trân trọng giới thiệu!