Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Những phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Thăng Long - Hà Nội
Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
Tác giả: GS.TS. Phạm Tất Dong (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà Xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 332 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 0 - Trung bình: 0.00)
Giới thiệu về sách:

Tóm tắt nội dung:

Cuốn sách này là kết quả nghiên cứu của đề tài có mã số KX.09.11, kết hợp với việc tập hợp hàng trăm những tác phẩm đi trước viết về người Thăng Long - Hà Nội, phân tích dưới một góc nhìn tổng hợp theo cách tiếp cận liên ngành để vẽ nên một chân dung người Hà Nội với một số phẩm chất đặc trưng trong nhân cách của người dân sinh sống trên vùng "địa linh nhân kiệt" này.

Cuốn sách được bố cục với các chương chính sau đây:

Chương I: Luận chung về con người Thăng Long - Hà Nội

Chương II: Những phẩm chất nhân cách người Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phong kiến

Chương III: Người Hà Nội thời hiện đại

Chương IV: Những giá trị cơ bản trong nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội

Chương V: Người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch

Chương VI: Nền giáo dục trên đất Thăng Long - Hà Nội

Sách cùng chuyên mục

Văn hiến Thăng Long

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
GS. Vũ Khiêu (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
hơn 2000 trang

Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội

Kể từ định đô, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội đã biết bao đổi thay phát triển. Theo mỗi bước chuyển mình ấy là trí tuệ, mồ hôi và cả sức mạnh từ hào khí Thăng Long, trong vận mệnh của dân tộc và thời đại. Đến hôm nay sức sống ấy vẫn căng đầy và lan tỏa.“Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội” là một đề tài thuộc mảng sách Văn học - nghệ thuật của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2019. Đây là cuốn sách chuyên khảo về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội mang tính tổng hợp trong quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, trải qua các triều đại phong kiến, chế độ thực dân và giai đoạn phát triển độc lập.

Lê Văn Lân
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
484
16x24

Câu đối Thăng Long - Hà Nội

Câu đối (Đối liên, doanh liên…): là một sản phẩm ngữ văn đặc biệt, một “thể loại văn học đặc biệt”, “một loại thơ ngắn”… Nó hội tụ đầy đủ đặc trưng giá trị về nội dung, hình thức của một tác phẩm văn học. Với hai vế đối liên nhau, câu đối đã ra đời sớm trong lịch sử văn học Trung Quốc và Việt Nam thời Trung đại. Câu đối được sáng tác bằng văn tự Hán và Nôm, rồi sau này người Việt còn sáng tác câu đối bằng chữ Quốc ngữ (trên thực tế âm của chữ Quốc ngữ là âm Nôm). Khả năng phản ánh về diễn đạt cuộc sống của câu đối cũng rất rộng và đa dạng.
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
948 trang
16x24 cm

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội

Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội là kinh thành, kinh đô, thủ đô của nước Việt Nam từ năm Canh Tuất (1010), đây không chủ là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước mà còn là nơi có một “không gian” tôn giáo, tín ngưỡng khá tiêu biểu, với một “hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng” hết sức phong phú, góp phần làm nên một “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với nhiều giá trị đặc sặc. Việc biên soạn và xuất bản cuốn sách “Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội” không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn mang ý nghĩa thiết thực chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
GS.TS Đỗ Quang Hưng
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
360 trang
16x24 cm

Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước gia quy

 Nằm trong mảng sách Tư liệu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, cuốn sách Tuyển tập Tộc ước gia quy do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên là một nguồn tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu cũng như đông đảo độc giả khi tiếp cận với công trình này. Cuốn sách với 936 trang in, ngoài bài tổng quan của chủ biên, các tác giả giới thiệu bản dịch và một số nguyên bản chữ Hán của 52 văn bản tộc ước gia quy của Thăng Long – Hà Nội. Cuốn sách được thai nghén và thực hiện trong nhiều năm của các nhà nghiên cứu Hán Nôm, văn học Trung đại: Phạm Ánh Sao, Bùi Bá Quân, Đỗ Thị Bích Tuyển, Mai Thu Quỳnh, Mai Thị Thơm, Nguyễn Đức Thọ.

Nguyễn Kim Sơn
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
936
16x24
Ý kiến bạn đọc
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (25/08/2011)
I. Miêu tả bản thảo Bản thảo gồm 283 trang đánh máy vi tính khổ A4, với bố cục và tên các chương như sau: Lời nói đầu Chương I: Luận chung về con người Thăng Long - Hà Nội Chương II: Những phẩm chất nhân cách người Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phong kiến Chương III: Người Hà Nội thế kỷ thứ XX Chương IV: Những giá trị cơ bản trong nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội Chương V: Người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch Chương VI: Nền giáo dục trên đất Thăng Long - Hà Nội Kết luận Tài liệu tham khảo Mục lục. II. Ưu điểm của bản thảo Theo như các tác giả, công trình đã tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo hướng liên ngành. Trong tập thể các tác giả, có vị là nhà tâm lý học, có vị là nhà sử học, v.v… Nhìn chung, công trình mang dáng vẻ quan phương, có nhiều tư liệu. Khác với nhiều cuốn sách trước đây viết về người Thăng Long - Hà Nội, trong công trình này, bên cạnh việc chỉ ra những ưu điểm, những cái hay, các tác giả còn chỉ ra những cái dở, thí dụ: Trang 50 trích lại những dòng mà Trương Vĩnh Ký viết về trò “tạc tượng” ở Hà Nội cuối thế kỉ XIX; trang 58 viết về những gương mặt phản diện; trang 154 viết về mặt tiêu cực trong cơ chế thị trường. Các tác giả cũng cho thấy tính hấp dẫn, khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư của Hà Nội còn kém nhiều địa phương. Việc chỉ ra những cái dở, cái kém như vậy là cần thiết, cho thấy các tác giả có cái nhìn khách quan. Không chỉ tiếp thu, kế thừa những kết quả nghiên cứu ở những cuốn sách, những bài báo công bố trước, những tham luận đã có (và thường có ghi xuất xứ khi sử dụng), các tác giả còn đưa ra những con số thống kê, những điều tra xã hội học do nhóm đề tài thực hiện. Nói chung, bản thảo này có thể xuất bản được. III. Một số trao đổi để các tác giả tham khảo 1. Theo như tên bản thảo, đây sẽ là cuốn sách viết về nhân cách đặc trưng của người Hà Nội. Theo Từ điển tiếng Việt của nhóm các tác giả Nguyễn Kim Thảo, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Đức Dương (Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.1170), nhân cách được định nghĩa là tư cách và phẩm chất con người. Cuốn Từ điển tiếng Việt được tặng giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ (năm 2005) do Hoàng Phê chủ biên, (Nxb Đà Nẵng nhiều lần công bố), ở trang 710 của bản in năm 2002 cũng định nghĩa như vậy. Mục tiêu của bản thảo sẽ là làm rõ những gì thuộc về tư cách và phẩm chất của người Thăng Long - Hà Nội so với tư cách và phẩm chất của những người vùng khác như Nghệ Tĩnh, như Tây Nam Bộ chẳng hạn. Ở chương IV, các tác giả cho rằng những giá trị cơ bản trong nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội bao gồm: - Tinh thần yêu nước - Tinh thần tự lập, tự cường - Tinh thần cố kết cộng đồng - Đạo lí thương người và lòng biết ơn - Tinh thần dân chủ và ý thức công bằng xã hội - Truyền thống hiếu học và tính sáng tạo. Tại chương II, các tác giả viết về đặc điểm nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội thời kì phong kiến với hai ý lớn như sau: 1) Người Thăng Long Hà Nội là một mẫu hình tiêu biểu của nhân cách Việt: - Hoà đồng với thiên nhiên - Sự cố kết cộng đồng - Tinh thần yêu nước - Đời sống tâm linh. 2) Bản sắc độc đáo của người Thăng Long tại đất Kẻ Chợ - Kinh kỳ: - Khéo tay hay nghề - Hướng tới các giá trị cao đẹp, chất lượng cao và sự hoàn mĩ. Vậy thì thanh lịch có phải là phẩm chất đặc trưng của người Thăng Long - Hà Nội hay không, có phải là một nét nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội hay không? Nếu phải thì tại sao trong các chương II, IV, các tác giả không bàn đến và bàn với số trang tương xứng với các nội dung khác của nhân cách? Còn nếu quan niệm rằng thanh lịch không phải là một nét của nhân cách, một yếu tố của nhân cách thì không cần thiết có cả một chương V (trang 187 - 233). Xin các tác giả xem lại tựa đề của bản thảo. 2. Xét toàn bộ bản thảo, những phần viết trực tiếp về nhân cách người Thăng Long - Hà Nội chiếm số trang không nhiều. Thí dụ, chương II chỉ có 8 trang viết trực tiếp về nhân cách người Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến, trong khi các tác giả dành đến 26 trang viết về điều kiện tự nhiên và đời sống xã hội của Thăng Long - Hà Nội. Đành rằng, nên có nội dung này làm cơ sở cho nội dung sau nhưng sự phân bố số trang như vậy là không thoả đáng. 3. Nội dung chương V nên đưa vào chương IV và viết gọn lại. 4. Chương VI nên đổi thành chương V và đặt tên là Các giải pháp giáo dục phát triển nhân cách người Hà Nội 5. Có một số nhận định, một số chi tiết xin được thảo luận 5.1. Tại trang 11, không nên phê phán đích danh Phạm Quỳnh. Gần đây có một số người, tiêu biểu như nhà báo Xuân Ba chiêu tuyết cho tác giả này. Một số người khác không đồng tình. Trong số các bài thảo luận, chúng tôi thấy bài viết của phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học là có nhận xét đúng mực và tư liệu xác đáng. Tôi tán thành ý của phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn: Chuyện đã xưa không nên nhắc lại, còn đã nhắc thì phải khách quan. Nên chăng sửa lại câu phê phán Phạm Quỳnh như sau: “Cụ Ngô Đức Kế không tán thành việc cổ vũ thanh niên đi vào văn chương thuần tuý mà lạc hướng đấu tranh trong bối cảnh văn hoá và chính trị đương thời”. Trang 18 các tác giả dẫn ý kiến của phó giáo sư Phan Ngọc, nhắc đến việc không phải ngẫu nhiên mà nhà Lý chọn Phật giáo. Nếu chỉ viết như vậy thì chưa đủ. Tôi nhớ đến luận điểm của phó giáo sư Nguyễn Duy Hinh trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1, năm 1986, bài “Hệ tư tưởng Lý”: “Rõ ràng trong đường lối của vua Lý có những yếu tố tư tưởng Nho giáo và Phật giáo…”. “Hệ tư tưởng Lý là một tổng hợp nhiều dòng tư tưởng khác nhau nhằm vào một mục đích nhất định bảo vệ được nền độc lập dân tộc, không dẫn đến những đụng độ ý thức hệ làm tan vỡ khối đoàn kết dân tộc” (bài đã dẫn, trang 24). 5.2. Tại trang 131, các tác giả viết như sau: “Xuyên suốt thời Bắc thuộc là cuộc đụng độ giữa đồng hoá và chống đồng hoá, khi bộc lộ, khi tiềm ẩn. Nhân dân ta không chấp nhận, không cam chịu Hán hoá, quyết giữ sao cho cộng đồng dân tộc mình không mất gốc, giữ được bản sắc, tiếng nói, phong tục, tập quán. Chính vì thế, cộng đồng Việt tộc mới “vượt thoát” ra khỏi sự đồng hoá và trụ lại một cách vững vàng”. Theo tôi, viết như vậy là chủ yếu thấy mặt chống đồng hoá, mà không thấy đầy đủ một mặt nữa cũng rất quan trọng. Đó là dân ta đã chủ động tiếp thu văn hoá bên ngoài để làm giàu có cho mình mà vẫn không đánh mất mình. Nếu nói dân ta không cam chịu Hán hoá, quyết giữ cho cộng đồng dân tộc mình giữ được bản sắc, tiếng nói, phong tục tập quán thì làm sao giải thích được những hiện tượng mà phó giáo sư Nguyễn Duy Hinh đã viết trong cuốn sách Văn minh Đại Việt xuất bản năm 2005 (các vấn đề về hôn nhân, gia đình, họ tên người Việt, từ gốc Hán, v.v…). Phó giáo sư Nguyễn Duy Hinh đã gọi thời kì Bắc thuộc là thời kì đại hội nhập văn hoá, vì theo ông, văn hoá nước ta không phải chỉ hội nhập với một nền văn hoá ngoại lai (văn hoá Hán) mà còn hội nhập với văn hoá Ấn Độ. Trong thời kỳ này, người Âu Việt đã hội nhập văn hoá Hán và văn hoá Ấn Độ mà hình thành nên người Tiền Đại Việt trong khuôn khổ chính quyền đô hộ Hán Đường. Đó là một lựa chọn lịch sử sáng suốt: hội nhập chứ không bài ngoại mù quáng tuyệt đối. Tại trang 180 - 181 của bản thảo này, các tác giả cũng viết về người Việt nói chung, người Thăng Long - Hà Nội nói riêng đã tiếp thu chữ Hán, chữ Phạn. Tại trang 151, các tác giả viết: “Thời Tấn (thế kỷ III - V) có lệ đề cử những người hiếu hạnh và Tô Lịch được đề cử, có chiếu vua về khen, cắm cờ biểu dương ở cổng làng, năm mất mùa, thiếu thóc, có chiếu cho cả làng vay thóc”. Vua ở đây là vua Tấn, vua Trung Quốc. Trong thời Bắc thuộc, khi chưa giành được độc lập, người Việt cổ vẫn phải sống, vẫn học, vẫn thi và nhận quan tước của vua Tầu. Không phải bao giờ các vua Tầu cũng độc ác cả, mặc dù về bản chất lâu dài là họ có tham vọng bành trướng. 5.3. Trang 169 các tác giả viết như sau: “Sự kiện bà Nguyễn Thị Hinh (vợ ông Huyện Thanh Quan) ở thế kỉ XIX, phê vào đơn của cô Nguyễn Thị Đào: “Phó cho con Nguyễn Thị Đào/Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai”, đã thể hiện ý thức bình đẳng, bình quyền của người Thăng Long - Hà Nội”. Đây chỉ là giai thoại (thí dụ Tổng tập văn học dân gian người Việt. Tập 11: Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 2004, tr. 275 - 276 có kể chuyện này). Giai thoại là những câu chuyện ý vị, phần lớn do hư cấu. Hiện tượng quan bà tự ý bút phê vào đơn (mà lẽ ra quan ông phải xem xét và phê duyệt) là hiện tượng lộng quyền. Không nên ca ngợi sự kiện này là thể hiện ý thức bình đẳng bình quyền của người Thăng Long - Hà Nội. Đây không phải là bình quyền mà là lộng quyền, là việc làm đưa chồng vào vòng tù tội hoặc ít ra cũng bị cách chức! Tôi từng đọc một cuốn sách, trong đó người ta viết rằng, bà Đặng Dĩnh Siêu, (vợ thủ tướng Chu Ân Lai), không bao giờ bước vào phòng làm việc của chồng. Khi có việc cần gọi, bà chỉ đứng ở ngoài gọi khẽ. Tôi cũng đã đọc báo, thấy viết rằng trong nhiều tội của nguyên thứ trưởng Mai Văn Dâu, có tội bút phê tại nhà riêng, lẽ ra ông ta phải làm việc đó ở phòng làm việc tại cơ quan. Tôi cũng như các vị đã từng được nghe người Hà Nội xì xào khá nhiều về vợ một số ông lớn ỷ thế chồng để làm việc này, việc kia. Mới gần đây thôi, trên báo có in một biếm hoạ như sau: Trên giường ngủ, một bà lớn thủ thỉ với chồng: Mấy miếng đất ấy em đã mua rồi, nhớ biểu quyết cho nó sáp nhập vào Thủ đô nhé! 5.4. Tại trang 176, các tác giả viết về tài học của Cao Bá Quát, có câu sau: “Ông tự cho rằng: thiên hạ có ba bồ chữ thì hai bồ đã bị anh em ông (Cao Bá Đạt và Cao Bá Quát) chiếm mất”. Người Thăng Long - Hà Nội thường khiêm nhường, khiêm tốn. Nếu muốn kể lại giai thoại này, các tác giả nên có bình luận theo hướng không tán thành. Vì Cao Bá Quát kiêu ngạo, tự phụ, ngông nghênh như thế (theo giai thoại) nên đã có câu chuyện “Không biết chữ chi”. Giai thoại này chê Cao Bá Quát dốt (xin xem tập 11, trang 317 - 318, bộ Tổng tập văn học dân gian người Việt vừa nêu). Cũng xin nói thêm, việc Cao Bá Quát tự phụ và việc chê Cao Bá Quát dốt chỉ là giai thoại. Sự thật trong hai giai thoại này nhiều ít đến mức nào thì khó nói dứt khoát. Chỉ biết chắc rằng, sau này Cao Bá Quát đã không tán thành việc học thời ấy. “Đến khi có dịp ra nước ngoài, tiếp xúc với thế giới, kiến văn được mở rộng, nhà thơ còn nhận thức sâu sắc hơn, không phải chỉ chuyện thi cử, mà toàn bộ nền văn học lúc bấy giờ đều vô nghĩa, đều là chuyện nhai văn nhá chữ kiểu trẻ con, không ích lợi thiết thực gì cả. Nhân đọc cuốn Yên Đài anh ngữ của Bùi Ngọc Quỹ, Cao Bá Quát thấy cần quan niệm lại việc học một cách khác: Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn lải nhải nhai lại từng câu từng chữ, Có khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời? Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn, Mới cảm thấy vũ trụ là bao la! Chuyện văn sáng tác trước đây thực là trò trẻ con! Trong thế giới này có ai thật là bậc tài trai Mà lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ”. (Trích lời dịch nghĩa bài thơ chữ Hán “Đề sát viện Bùi Công Yên Đài anh ngữ khúc hậu”). (Nguyễn Lộc (2001) Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỉ XIX), Nxb Giáo dục, tr. 529 – 530). 5.5. Tại trang 243 các tác giả dẫn bài thơ của Lý Nhân Tông. Bài này được sáng tác bằng chữ Hán. Ở bản thảo, đại đa số các tiếng đều là tiếng Hán, chỉ có hai tiếng “ rất”, “và” là không phải nguyên văn. Nếu để nguyên văn thì nên để hết, còn nếu dùng bản dịch tiếng Việt cũng được. Trong sách Thơ văn Lý Trần tập 1 của Viện Văn học, Nxb. Khoa học xã hội 1977, trang 434, có cả bản phiên âm chữ Hán và bản dịch. Đây là bản phiên âm chữ Hán: “Giác Hải tâm như hải, Thông Huyền đạo hựu huyền (dị bản: diệc), Thần thông kiêm biến hoá, Nhất Phật, nhất thần tiên”. Còn đây là bản dịch thơ của cụ Phạm Trọng Điềm: Giác Hải lòng như biển, Thông Huyền đạo rất huyền. Thần thông kiêm biến hoá, Một Phật, một thần tiên. 5.6. Nên xem lại câu sau ở trang 244: “Theo quan niệm của người xưa, “văn hiến” là văn hoá của người tài giỏi”. Tôi nghe giáo sư Đinh Gia Khánh giảng khái niệm “văn hiến” trong Bình Ngô đại cáo: Hiến là người tài giỏi, văn là văn hoá; nước Đại Việt là một nước từ lâu đã có văn hoá và người tài giỏi. Còn giáo sư Kiều Thu Hoạch thì bảo tôi rằng: “Văn hiến” có nghĩa là thư tịch, sách vở; ý của Nguyễn Trãi là: nước Đại Việt là một nước từ lâu đã có truyền thống thi thư, sách vở, không phải là một nơi mông muội không biết chữ nghĩa gì. Xin nêu để các tác giả tham khảo. 5.7. Trang 258 dòng 2 - 3: tên các cơ quan không chính xác. Ở trang này, khi nêu tên các nhà văn, các nhà khoa học tiêu biểu cần có tiêu chí để sắp xếp. Nếu ở ngành Vật lý học các tác giả đã ghi công Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo thì không thể không nhắc đến Vũ Đình Cự, Đàm Trung Đồn. Về văn chương, Nguyên Hồng không phải là một trong số ba nhà văn tiêu biểu nhất ở Hà Nội sau ngày hoà bình lập lại (1954). Những nhân tài về toán học không chỉ có Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy. Ở Trường Đại học Tổng hợp cũ, người ta sắp xếp các giáo sư Sử học một cách dân gian nhưng cũng theo một tiêu chí là căn cứ vào trật tự chữ cái của tên: “Lâm, Lê, Tấn, Vượng”. Ở bản thảo, các tác giả chỉ nhắc đến tên ba người mà không nhắc đến Đinh Xuân Lâm, có thể giáo sư Lâm sẽ suy nghĩ? IV. Một số bất cập, một số sai sót trong bản thảo 1. Bản thảo đề thời gian hoàn thành là năm 2009, trong bản thảo nhiều lần các tác giả dùng từ hiện nay (thí dụ: trang 254 dòng 10, trang 267 dòng 3). Vậy mà những nội dung ở tỉnh Hà Tây cũ chưa được đưa vào đây. Thí dụ: ở chương VI tại các trang 253, 254, 255, 256, 257, những con số thống kê về số trường học, số học sinh, số giáo viên đều chỉ là của Hà Nội trước khi sáp nhập Hà Tây. Nếu gộp cả Hà Tây vào thì liệu có thể nhận định rằng: “(…) Hà Nội có tốc độ phát triển giáo dục nhanh nhất so với tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc trong 30 năm qua” (trang 253). 2. Có một số chỗ sai kiến thức 2.1. Trang 80 dòng 2 - 3: Tạp chí Tiên Phong mới đúng, không phải Tạp chí Tiền Phong. 2.2. Trang 81 viết không chính xác: “(…) các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Chính Hữu,…”  Chính Hữu làm thơ chứ không viết văn xuôi, bài thơ nổi tiếng của Chính Hữu là bài “Đồng chí” ai cũng biết. 2.3. Trang 161 viết như sau: “Những tác phẩm văn chương như “Cung oán ngâm khúc” (Đặng Trần Côn), “Chinh phụ ngâm” (Đoàn Thị Điểm), hay “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) đã tố cáo tội ác của giai cấp thống trị”. Trong sách học văn của học sinh trung học phổ thông, các em được học rằng: “Cung oán ngâm khúc” là của Nguyễn Gia Thiều, được sáng tác bằng tiếng Việt. Còn “Chinh phụ ngâm”, nguyên tác bằng chữ Hán, do Đặng Trần Côn viết. Có nhiều bản dịch “Chinh phụ ngâm” ra tiếng Việt, trong đó có bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm. 2.4. Trang 202 viết: “Ẩm thực của Hà Nội đạt đến trình độ tinh tuý, đã đi vào nhiều tác phẩm văn học như “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam, “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng hay “Thương nhớ mười hai” của Băng Sơn”. Xin thưa, “Thương nhớ mười hai” cũng là tác phẩm văn học của Vũ Bằng, không phải của Băng Sơn. 3. Có những chỗ mâu thuẫn. Tại trang 253 có thông tin rằng: “Trong năm học 2005 – 2006, cả Hà Nội có 214 trường trung học cơ sở với 171.715 học sinh và 9.544 giáo viên”. Đến trang 254 lại cho biết cũng trong năm học đó ở Hà Nội số trường trung học cơ sở là 218 số học sinh là 180.913, số giáo viên là 10.223. 4. Dưới đây là những lỗi kĩ thuật chưa sửa hết - Trước trang 1, ông Nguyễn Quang Ngọc hiện nay là giáo sư chứ không còn là phó giáo sư. - Trang 5 dòng 1 - 2: Các tiếng “tạp chí” bị đánh thành “tổ chức”, việc dẫn bài của ông Dương Trung Quốc không khoa học và cũng chưa chính xác. - Trang 25, dòng 10: “Biển Đông”  cần sửa là “biển Đông”. - Trang 26 cần ghi xuất xứ nhận định của Marini. - Trang 27 dòng 1: “Tổ chức nghiên cứu lịch sử”  “Tạp chí Nghiên cứu lịch sử”. - Trang 31: tất cả các từ “Hà Tây” phải viết thành “Hà Tây cũ” hoặc sửa là “Hà Nội”. - Trang 35 dòng 3: “Tứ trấn”  “tứ trấn”. - Trang 36 dòng 3: cần chú thích “Quartier Latin” để bạn đọc rộng rãi có thể hiểu được. - Trang 36 dòng 4: không nên dùng từ “hạ đẳng”. - Trang 37 dòng 1, 2: cần ghi thêm năm xuất bản, nhà xuất bản, người dịch. - Trang 38 dòng 2 - 5 và trang 41 dòng 14 - 17: lặp nhau đoạn trích Vũ trung tuỳ bút, nên diễn đạt khác đi. - Trang 45: “cuộc hôn nhân Kinh tế - Chính trị”  cần sửa là “cuộc hôn nhân kinh tế – chính trị”. - Trang 49: bài “Hương miệt hành”  cần sửa thành “Hương miết hành”. - Trang 56 dòng 11: “loại giày nghè”  cần sửa thành “loại giấy nghè”. - Trang 62 cần dẫn xuất xứ nhận định của Berna. Ở các chú 1 và 2 cần ghi thêm tên tác giả là Trần Huy Liệu. - Trang 81 dòng 1: “Vũ Băng”  “Vũ Bằng”. - Trang 82 viết: “9 năm trường kỳ kháng chiến (12/1946 – 10/1954) đã đem lại những giá trị…”  từ tháng 12/1946 đến tháng 10/1954 chính xác ra là 7 năm 10 tháng. - Trang 88 thiếu xuất xứ câu nói của lãnh sự Mĩ, lãnh sự Anh. - Trang 96 dòng 3: “xoá song nạn mù chữ” cần sửa là “xoá xong nạn mù chữ”. - Trang 120 – 121: bản thảo nói đến các viện nghiên cứu, bệnh viện chưa thật chính xác, bởi vì Viện Tâm lý học đã nằm trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam rồi (xem trang 120), bởi vì khó mà hình dung Viện Y học dân tộc đã thuộc loại bệnh viện do Trung ương quản lý, lại còn nằm ở danh sách các bệnh viện của Hà Nội (xem trang 121). - Trang 133 dòng 1: “thành dã”  cần sửa là “thanh dã”. - Trang 133 dòng 7: “Cửa Khuyết”  cần sửa là “cửa khuyết”. - Trang 135 dòng 10: “sử trị”  cần sửa là “sử tri” - Trang 137 dòng 2-4 và 6 - 7 : cần có xuất xứ các trích dẫn. - Trang 149 dòng 12: “Vải Quang, húng Láng, ngô Đăm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”  cần sửa là “ngổ Đầm”, không phải là “ngô Đăm”. Đầm là tên cái đầm lớn trước đây ở xã Thịnh Liệt tức làng Sét huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi đây có giống ngổ (một loại rau thơm) nổi tiếng. Hiện nay Thịnh Liệt là một phường thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. - Trang 150 cần dẫn xuất xứ những câu thơ trích là của Bác Hồ, của Trần Tuấn Khải, v.v… - Trang 151 dòng 1: “Vũ Tuấn Sáu”  cần sửa là “Vũ Tuấn Sán”. - Trang 155 dòng 4: “Trân Khê – Hải Dương” cần sửa là “Trâu Khê – Hải Dương”. - Trang 164 dòng 14: “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”  chính xác là “…đều ơn…”. - Trang 206 dòng 19: “Hai quận ngoại thành là Gia Lâm và Từ Liêm”  cần sửa là “Hai huyện ngoại thành là Gia Lâm và Từ Liêm”. - Trang 216 con số thống kê các di tích và các đoàn nghệ thuật chưa bao gồm những di tích và đoàn nghệ thuật ở tỉnh Hà Tây cũ, cần cập nhật. - Trang 247 dòng 3 “Tù, Tề, Trị, Bình” cần sửa là “Tu, Tề, Trị, Bình”. - Trang 265 dòng 1: “đi sâu” cần sửa là “đi sau”. - Trang 266 dòng 3: “cuộc cách mạng về Khoa học và Công nghệ mới”  cần sửa là “khoa”, “công”. - Trang 269 dòng 12: lặp lại lỗi của trang 266. - Trang 275 dòng 3: cần thay “lãng mạng” bằng “hào hoa”. - Trang 278 tài liệu số 19 bản thảo ghi: “Vũ Trung tuỳ bút”  cần sửa là “Vũ trung tuỳ bút” (tuỳ bút viết trong lúc trời mưa). Tác giả tài liệu số 21 phải là Ngô Đức Thọ chứ không phải là Ngô Đức Kế như bản thảo đã ghi. Ngô Đức Thọ là cháu nội của Ngô Đức Kế. Còn khá nhiều lỗi đánh máy, lỗi viết tắt, lỗi chính tả mà tôi đã ghi trực tiếp vào bản thảo. Xin lỗi vì bản nhận xét hơi dài làm mất thì giờ của các vị.
NNC. Giang Quân (25/08/2011)
A. Đánh giá chung: 1. Ưu điểm: - Là một công trình nghiên cứu khoa học xã hội chuyên đề nghiêm túc và công phu. - Các nhận định, phân tích, lập luận, đánh giá khá chính xác, rõ ràng. - Tham khảo khá nhiều tài liệu của các người đi trước, kết quả các hội thảo khoa học, các điều tra xã hội học để chứng minh. - Văn phong trong sáng và tương đối đồng đều giữa các chương - Chương 1 và chương 5 là hai chương viết kỹ và đỡ trùng lặp hơn cả. 2. Vấn đề nên xem lại, chỉnh lý: - Do nhiều soạn giả viết từng phần nên đều muốn nêu đầy đủ các mặt chung về tình hình đặc điểm, sự kiện có tác động đến phẩm chất, nhân cách người Hà Nội nên dẫn đến nhiều tiểu mục, nhiều đoạn trùng lặp với nhau (có khi tới 3 lần lặp), chưa được bàn tay chủ biên điều hòa, hiệu chỉnh lại kỹ càng, cẩn thận hơn. - Tất cả các đoạn mở đầu các chương về điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội, lịch sử, kinh tế, văn hóa... đều quá dài, cần cô gọn lại để dành đất cho phần nhận định về phẩm chất nhân cách người Hà Nội. Thí dụ: Chương 2, phần 1 chiếm 26 trang, phần 2 (chính) lại chỉ có 8 trang. - Chương 2 và chương 3 nói về phẩm chất nhân cách người Hà Nội qua từng giai đoạn rồi, đến chương 4 là đúc kết lại cho nên khá nhiều đoạn trùng lặp nhau. Có lẽ nên hòa nhập ba chương này lại thành hai chương: một chương nêu đặc thù của từng giai đoạn, chương sau tổng luận chung. - Chương 3 quá dài (66 trang), nhất là phần 2: "Các phẩm chất nhân cách người Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954)" hơi mở rộng không cần thiết; phần 3: "Các phẩm chất nhân cách người Hà Nội giai đoạn 10/1954 - 1975" cũng vậy, cần gì nói đến nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, di tích, y tế (!)... (mà nhiều chỗ dẫn sai, kể thì chưa đủ, xét còn chưa toàn). - Bản thảo còn nhiều chỗ nêu địa danh, nghề truyền thống, nhân vật, tác phẩm chưa chính xác. Còn lắm lỗi vi tính, chính tả cần biên tập lại chu đáo. (Có bản phụ lục những chỗ sai kèm theo). B- Nhận xét: Cần điều chỉnh lại các chương như các ý kiến đã nêu trên, hết sức tránh trùng lặp dẫn đến nhàm chán cho người đọc. Có thể rút ngắn đi 30 - 40 trang, sách sẽ cô đọng và hấp dẫn hơn. Nên sửa lại và cho xuất bản sớm vì là một nội dung quan trọng trong Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến, chào mừng Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi.
Nhà thơ Bằng Việt (25/08/2011)
1. NHẬN XÉT CHUNG: Đây là công trình nghiên cứu khá công phu và bài bản, vốn là một đề tài khoa học cấp Thành phố (trong Chương trình nghiên cứu thuộc Thành ủy quản lý), có mã số KX.09.11, nhằm “phân tích dưới một góc nhìn tổng hợp theo cách tiếp cận liên ngành để vẽ nên một chân dung Người Hà Nội với những phẩm chất đặc trưng trong nhân cách”. Với tiêu chí đó, các tác giả đã cố gắng tiếp cận đề tài qua nhiều khía cạnh, nhiều góc độ, để cố gắng soi rọi và lý giải những nét đặc trưng nhất, điển hình nhất trong nhân cách người Hà Nội qua suốt chiều dài lịch sử, đồng thời cũng đóng góp ý kiến cho các giải pháp giáo dục, phát triển nhân cách người Hà Nội trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Các tác giả cũng huy động được nhiều tư liệu quý trong nước và nước ngoài, các bảng biểu thống kê, điều tra xã hội học... chi tiết và xác thực, để thêm sức thuyết phục cho công trình nghiên cứu. 2. MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP: a) Việc sắp xếp các chương chưa làm người đọc thỏa mãn về cái đích phải đến của đề tài là phải từ các phân tích, dẫn chứng, nêu luận điểm, chứng minh v.v... rồi đi tới những nhận định có tính chất tổng quát và đúc kết về những phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Hà Nội. Trên tinh thần như vậy, thì việc để tên chương cuối cùng là “Nền giáo dục trên đất Thăng Long - Hà Nội” là không tiếp nối liên tục và cũng không phải là sự phát triển hữu cơ có tính nhất quán đối với cả đề tài, mà đó lại là chương kết thúc. (Mặc dù phần II của chương đó cũng có nói đến các giải pháp phát triển nhân cách người Hà Nội). Nên chăng, tách hẳn phần I của chương này để lên phần trên (hoặc để cuối chương I, hoặc kết hợp vào chương II). Còn chương cuối cùng chỉ nên lấy đầu đề là “Các giải pháp giáo dục, phát triển nhân cách người Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” thì rất phù hợp và liên ý. Và có lẽ cũng không thể né tránh những vấn đề nhạy cảm trong khủng hoảng giáo dục hiện nay? b) Chương IV là chương phân tích và đã nêu ra đầy đủ các giá trị cơ bản trong nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội. Vậy tại sao lại có riêng một chương V để nói về “Người Hà Nội thanh lịch”, làm người đọc sẽ nghĩ rằng đây là một phẩm chất khác, đáng được nêu riêng để luận bàn, chứ nó không có gì liên quan đến các giá trị cơ bản trong nhân cách mà chương IV đã liệt kê (gồm 6 điểm, mà không hề thấy có tính thanh lịch!). Nhưng khi sắp đến lúc kết thúc cuốn sách, ở trang 276, phần Kết luận, thì chính các tác giả lại viết rằng: “... Nghiên cứu những phẩm chất đặc trưng của nhân cách người Thăng Long - Hà Nội, có thể khẳng định rằng, thanh lịch là nét đặc trưng cô đọng nhất trong nhân cách của cộng đồng người Thăng Long - Hà Nội”. Vậy người đọc nên hiểu như thế nào về sự liên ý có tính hệ thống giữa hai chương này và tính chất đồng nhất trong các giá trị cơ bản của khái niệm về nhân cách? c) Các tác giả đã chia nhỏ các giai đoạn ra hết sức chi tiết, ví dụ các phần “Những phẩm chất nhân cách người Hà Nội giai đoạn 1945 - 1954”, rồi tiếp đó cũng lại lặp lại tiêu đề trên “Các phẩm chất nhân cách người Hà Nội giai đoạn 1954 - 1975”. Sau đó là các liệt kê có vẻ rất chính xác và cố gắng diễn tả không trùng lặp nhau giữa phẩm chất nhân cách người Hà Nội ở mỗi giai đoạn trên, cố ý nhấn mạnh đến hoàn cảnh lịch sử từng giai đoạn. Có lẽ như thế là quá chi li đến mức cứng nhắc, vì trong hai giai đoạn trên đây, nhân dân ta đều tập trung vào hai cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiệm vụ chiến lược là không có gì khác biệt về cơ bản, và ý thức dân tộc, lòng yêu nước, tính công dân, truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm, tinh thần chịu thử thách, hy sinh, vượt qua những khó khăn chồng chất, tính sáng tạo, hiếu học, tinh thần lạc quan, làm chủ mọi tình huống phức tạp, v.v... để vừa kháng chiến vừa kiến quốc thành công, là giống nhau; mà chắc trong ba thập kỷ ấy, người Việt Nam cũng như người Hà Nội chưa thể có phẩm chất nào bị mất đi, cũng như chưa “bổ sung” kịp thời những phẩm chất nào thật mới mẻ mà trước đó chưa hề biết đến. Vì vậy, nên chăng, chỉ nên phân tích làm ba giai đoạn: Giai đoạn đất nước còn bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân còn chịu cảnh nô lệ; tiếp đó đến giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám, khi nhân dân ta đã thực sự làm chủ đời mình, vận dụng chiến lược chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh thắng tất cả các cuộc chiến tranh phi nghĩa của kẻ địch, dù chúng được trang bị mạnh mẽ đến mức nào và khởi đầu hùng hổ, lấn lướt đến mức nào. Sau đó là giai đoạn cuối cùng, Đổi mới và hội nhập, có điểm qua một số khó khăn trước đó của thời bao cấp. d) Vài góp ý nhỏ khác: - Bốn đoạn phân tích những góc nhìn khác nhau về người Hà Nội (góc nhìn văn hóa, tâm lý, sử học và triết học) ở chương I chưa rõ, còn nhạt nhòa và có lúc như lẫn vào nhau, thậm chí, dẫn cả xã hội học vào góc nhìn sử học! - Trang 6, 7, có lẽ không nên khẳng định một chiều rằng: “Dân Hà Nội là dân tứ chiếng ...”. Chữ “tứ chiếng” cũng hay đi với chữ “giang hồ”, có ý nghĩa không đẹp gì! Vả lại, ngoài dân ngụ cư từ các tỉnh khác về, thì Thăng Long - Hà Nội từ xa xưa vẫn còn cư dân là “người Hà Nội gốc” kia mà! - Mục “Người Thăng Long, một mẫu hình tiêu biểu của nhân cách Việt” (ở trang 51), có một nhận định ngay bên dưới rằng: “Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa phương Đông. Đặc trưng chung... là một nền văn hóa âm tính, trong đó, con người tìm đến sự an trú, hòa đồng với môi trường... hơn là tìm cách đấu tranh giải phóng bản ngã...”. Chỉ “nói chung” như thế thôi thì quá ước lệ và chưa thỏa đáng, nếu không, thì làm sao giải thích được con người Việt Nam đã ngoan cường như thế nào để chống ngoại xâm nô dịch mình hàng ngàn đời mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, đã đấu tranh vật lộn với thiên nhiên khốc liệt hết mình mà vẫn giữ được sự tĩnh tâm và nội lực tinh thần nhẹ nhõm, thư thái, lạc quan? Nét chung văn hóa phương Đông có thể là như vậy, nhưng tâm hồn con người Việt thì không chỉ có vậy! - Các trang 121, 122, 123, 124 nêu chưa đủ các di tích lịch sử và công trình văn hóa tiêu biểu hiện nay của Hà Nội, lại lẫn cả di tích cổ - kim vào cùng một mục. Nên bổ sung cho đủ hơn những công trình tiêu biểu nhất và mỗi mục nên viết gọn lại hơn, cho thật mạch lạc và khoa học. - Mục “Những nghề truyền thống” của người Hà Nội cũng vậy (trang 112, 113 ). Những liệt kê ở đây là quá sơ sài và cũ kỹ. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thời Đổi mới và hội nhập của Hà Nội phong phú và khởi sắc hơn nhiều. Cần tìm hiểu kỹ hơn và bổ sung thêm. - Mục “Thế mạnh của người Hà Nội hiện nay” (trang 125, 126) viết quá ước lệ và sơ sài, nếu chỉ có chừng ấy thế mạnh thôi, thì thật kính chẳng bõ phiền”, Hà Nội làm sao mà bứt dậy, vươn lên, xứng với tầm vóc Thủ đô cho được! Và tầm cao trí tuệ, tầm cao văn hóa của “kẻ sĩ Thăng Long” làm sao đủ chứng minh nổi? - Trang 211 “Lựa chọn nhà ở là lĩnh vực biểu hiện thanh lịch của người Hà Nội". Quả thực đây là một vấn đề nhạy cảm và chua chát! Người Hà Nội hiện nay đang thiếu nhà! Thời bao cấp có được may mắn phân căn hộ nào thì ở căn hộ ấy, đến bây giờ khá hơn thì cũng chỉ có thể mua căn hộ chung cư, hoặc những căn nhà tập thể chia lô, còn làm sao chọn được hướng nhà, chọn kiểu nhà, chọn cách trang trí nội ngoại thất theo ý mình? Cho nên, nêu lên những kết quả điều tra này là không thuyết phục, không thực tế, và có khi còn gây phản cảm đối với số đông dân chúng! May ra, điều này chỉ có thể áp dụng với một số “đại gia”, mà những đại gia giàu xổi từ các phi vụ làm ăn chụp giựt, chắc gì đã có thể đại diện cho chất thanh lịch của người Hà Nội?
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)