Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Văn bia Tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long
Các tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám khởi dựng năm 1484 là một quần thể di sản văn hoá rất nổi tiếng và quan trọng của lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến. Qua việc giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của hệ thống bia Tiến sĩ, phân tích để nêu bật ý nghĩa quan trọng và nổi bật của hệ thống văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long để tôn vinh, lưu danh các nhà trí thức của dân tộc cho các thế hệ chiêm ngưỡng và học tập.
Tác giả: PGS.TS Ngô Đức Thọ
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Tổng số trang: 1000
Kích thước: 16x24 cm
Bình chọn:
(Tổng số: 7 - Trung bình: 2.21) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

      Các tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám khởi dựng năm 1484 theo sáng kiến và sắc chỉ của vua Lê Thánh Tông, là một quần thể di sản văn hoá rất nổi tiếng và quan trọng của lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến. Vua Lê Thánh Tông cho rằng các nhà trí thức khoa bảng là nhân tài của đất nước, tuy đương thời đã được tôn vinh, trọng dụng, “nhưng lời khen, tiếng thơm chưa đủ để lưu truyền lâu dài cho hậu thế, vì thế cho dựng bia ở cửa nhà Thái học để cho kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ phấn chấn, rèn luyện danh tiết, hăng hái tiến lên…”. Tất cả 89 khoa thi triều Lê đã được dựng bia, bị phá huỷ thất lạc 8 tấm. Nhà Mạc dựng 1 bia. Cộng với 1 bia nói về việc tu sửa vườn bia và dựng đình bia năm 1863, hiện còn tất cả 83 bia.
      Đề tài này thuộc tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” sẽ giới thiệu lịch sử các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, nêu rõ ý nghĩa và tác dụng của di sản văn hoá nổi tiếng này, đồng thời cung cấp đầy đủ bản dịch ra tiếng Việt có chú thích các thông tin cần tìm hiểu về các nhà khoa bảng được ghi danh trên các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long.

 
 
Sách cùng chuyên mục

Tuyển tập tác phẩm văn hoá ẩm thực Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Phạm Quang Long và Ông Bùi Việt Thắng (Dồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
842 trang
16x24 cm

Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long – Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
GS.TSKH. Vũ Hy Chương (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
364 trang

LÀNG CỔ HÀ NỘI

 Thành phố Hà Nội hiện nay gồm 17 huyện, 12 quận và 1 thị xã. Với nông thôn rộng và vùng ven nội (huyện chuyển thành quận) còn sản xuất nông nghiệp, nên ở Hà Nội có nhiều địa danh mang tên làng, trong đó một số địa phương còn bảo tồn được các làng cổ. Là đề tài thuộc mảng sách Kinh tế, văn hoá, xã hội của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, bộ sách Làng cổ Hà Nội được giới thiệu do Tiến sĩ Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội chủ trì việc tổ chức biên soạn.

Lưu Minh Trị
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
Tập 1: 636, Tập 2: 620
16x24

Hà Nội - Danh thắng và di tích

Nghiên cứu tổng quan văn hoá Thăng Long - Hà Nội, nhằm nghiên cứu chọn lọc, thống kê, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá, và di tích cách mạng kháng chiên tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
TS. Lưu Minh Trị (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
2100 trang
16x24 cm

Thủ đô Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
424
Ý kiến bạn đọc
PGS. Trần Nghĩa (19/08/2011)
1. Trước hết, hãy nhìn lại một chút về tình hình bản thảo. Tập bản thảo gồm 2 phần lớn: phần khảo cứu, giới thiệu và phần dịch, chú giải 82 bài văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội (gọi tắt là VMQTG). * Phần khảo cứu, giới thiệu hệ thống bia TS ở VMQTG hà Nội dài 69tr, với 4 nội dung sau đây: A. VMQTG, biểu tượng văn hóa Việt Nam B. VMQTG qua các thời kỳ C. Hệ thống bia TS QTG Thăng Long D. Giá trị lịch sử - văn hóa của các bia TS QTG Thăng Long * Phần dịch, chú thích gồm nguyên bản và dịch chú 82 bài văn bia hiện còn tại VMQTG. Cuối bản thảo là Bảng tra cứu tên các tác giả, sơ đồ 2 dãy nhà bia, v.v. Cả phần 2 này dày 581tr. Như vậy là chúng ta đã có trong tay một tập bản thảo tương đối hoàn chỉnh để nghiệm thu. 2. Để nói được sự khác biệt cũng như điểm mới của tập bản thảo này, chúng ta cần biết trước đây đã có những gì liên quan. Đáng tiếc là về phương diện vừa nêu, tập bản thảo đã không cung cấp những thông tin cần thiết. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến bia TS ở VMQTG Hà Nội, đã có các công trình đáng chú ý sau đây: a. Cao Viên Trai Ngô [Lê] Cao Lãng: Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký, A.109/1-2, sách viết tay, 578tr b. bản dịch Lê triều Tiến sĩ đề danh bi ký, bộ QGGD xuất bản, Sài Gòn, 1961. c. Bia Văn Miếu Hà Nội (Les Stèles du Văn Miếu de Hà Nội). Nhóm khảo dịch: Hoàng Văn Lâu, Phạm Văn Thắm, Phạm Thị Thoa, Nguyễn Doãn Tuân, Nguyễn Tuấn Thịnh; Dịch ra tiếng Pháp: Lãnh Tùng, Hoàng Minh Thái; Hiệu đính: Hoàng Hữu Xứng; Biên tập: Phan Văn Các, Phạm Văn Thắm. Nxb Thế giới, 1997. d. Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội, Đỗ Văn Minh biên soạn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000. e. Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ, Ngô Đức Thọ chủ biên. Trung tâm hoạt động Văn hóa – Khoa học VMQTG Hà Nội, 2002. g. Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích, NXB Giáo dục, 2006. Theo Lời Nhà xuất bản thì đây là sách loại tham khảo đặc biệt (gồm những công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh; các sách về danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới...). NXB Giáo dục còn rất chú trọng tổ chức biên soạn, xuất bản các bộ sách tham khảo lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục sâu sắc, được trình bày và in ấn đẹp". Sách giới thiệu, biên dịch và chú thích 137 thác bản văn bia thuộc 4 khu di tích Văn Miếu lớn của nước ta (gồm VMQTG Hà Nội, VM Huế, VM Bắc Ninh, VM Hưng Yên). 3. Vậy tập bản thảo này có gì mới so với những công trình đã ra đời trước nó trên đây? a. Hãy nói trước hết về bài khảo cứu, giới thiệu về Hệ thống bia Tiến sĩ VMQTG Thăng Long của PGS.TS. Ngô Đức Thọ. So với bài viết cho cuốn VMQTG và 82 bia Tiến sĩ công bố năm 2002 của ông thì bài viết lần này có mở rộng thiêm về phạm vi khảo cứu và đi sâu hơn trên một số chi tiết. Cách trình bày cũng tương đối bài bản hơn. Lại có những đính chính tốt, như về Lê Cao Lãng, tr.49. Đó là mặt ưu điểm dễ thấy. Nhưng cũng có không ít chỗ đề nghị tác giả xem lại: - Nói VMQTG là "biểu tượng văn hóa Việt Nam" có ổn không? vậy thì cái cùng loại với nó ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản mà tác giả có giới thiệu trong bài viết sẽ được quan niệm như thế nào? Liệu đây có phải cũng là biểu tượng của văn hóa các nước đó chăng? Nếu đúng như thế thì VMQTG đã trở thành cái chung về mặt văn hóa của các nước đồng văn, đang còn mang ý nghĩa "biểu tượng" riêng của một nước nào trong số các nước vừa kể? (Chu Nghĩa Lộc trong cuốn Chư Tử bách giả có nói "Khổng Tử" được xem như biểu tượng của văn hóa Trung Hoa). - Khi đánh giá Nho học và khoa cử Việt Nam, tác giả Ngô Đức Thọ cho rằng nước ta thời phong kiến, số người đỗ đạt từ bậc thấp cho đến bậc cao "con số dồn đủ" cũng phải tới "nhiều chục vạn người". "Mỗi điểm sáng văn hóa ấy hội tụ lại qua từng thế hệ từng tấc từng ly cải thiện, nâng cao văn hóa của dân tộc mà không có nó thì sau này dẫu có những cuộc cách mạng xã hội lớn lao đi nữa, người dân cũng không thể nào tiếp thu được". "Hệ tư tưởng Nho giáo không phải là toàn bích, nội dung của nó có nhiều hạn chế, nhưng ở đương thời và cả nhiều thế kỷ sau, tư tưởng lấy nhân nghĩa làm trung tâm vẫn là hệ tư tưởng có tính nhân đạo sâu sắc, có khả năng tốt để tổ chức việc trị nước an dân" (tr.10). Nếu đúng như vậy thì tại sao trong đám văn bia VMQTG bên cạnh việc biểu dương những người đỗ đạt, lại thường xuyên có những lời răn đe số trí thức hư hỏng sau khi có tên trên bảng vàng bia đá? Tại sao các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục lại kịch liệt phê phán những người chỉ biết vùi đầu vào việc luyện văn bát cổ để lều chõng đi thi? Tại sai ở Trung Quốc quê hương của Nho giáo, người ta lại đòi đánh sập "Khổng gia điếm" vào những thập niên đầu thế kỷ trước?... Có thể thấy tác giả quá đề cao mặt sáng mà lướt qua, không phân tích kỹ mặt hạn chế của Nho giáo cũng như chế độ khoa cử thời phong kiến. - Trên kia thì nói hệ tư tưởng Nho giáo "lấy nhân nghĩa là trung tâm" (tr.10), nhưng đến tr.25 tác giả lại viết "trong học thuyết của Khổng Tử thì trung với vua là quan trọng hàng đầu". Vậy thì "trung quân" nằm ở vùng biên của "nhân nghĩa", còn "nhân nghĩa" thì lại xếp dưới "trung quân"? Thật chẳng biết đâu mà lần! - Ở tr.56 tác giả viết: "Than ôi! Nhà nước phong kiến dù chưa phải là chính quyền của nhân dân và vì nhân dân, nhưng đời nào mà có những con người được giáo dục, đào tạo nghiêm khắc như thế (?) để ra giúp vua giúp nước, thì người dân cũng cảm thấy bầu trời có phần nào quang tạnh". Cách viết như thế dễ gây hiểu nhầm. Mà có thật các vị đỗ đạt có tên ghi ở VMQTG sau khi ra làm quan, đều được miễn dịch, không nảy sinh ra chứng này tật nọ? Hay là cũng "nhân sinh chi sơ tay sờ tí mẹ, kỳ tính bản thiện cái miệng đòi ăn"?! Hình như tác giả đã lý tưởng hóa các nhà khoa bảng ngày trước. b. Về phần nguyên văn, dịch chú: - Về nguyên văn chữ Hán: các bản chụp văn bia ở đây phần nhiều chữ quá nhỏ và mờ, không đọc được, rất ít giá trị tham khảo, ngoài ý nghĩa minh họa đơn thuần của chúng. - Về dịch và chú thích: Ưu điểm nổi bật của phần này là nhóm biên dịch đã cung cấp cho ta một vài thông tin bổ ích để hiểu thêm về các nhân vật đã được chú thích ở cuốn sách ông Trịnh Khắc Mạnh nhưng chưa đầy đủ. Tác giả tập bản thảo Văn bia Tiến sĩ Quốc Tử Giám Thăng Long viết: những chú thích về các nhân vật "một phần sử dụng kết quả nghiên cứu của chúng tôi về tiểu sử các Tiến sĩ đã xuất bản trước đây, một phần là những người nghiên cứu xác định chúng tôi mới thực hiện trong khi biên soạn sách này" (trình bày bản dịch chú, tr.74). Cũng cần bổ sung thêm là cả phần hai này của tập bản thảo về cơ bản đã được in trong cuốn Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam do ông Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích. NXB Giáo dục xuất bản năm 2006, từ tr.26 đến tr.528. Đáng chú ý là trong bài Lời giới thiệu viết cho cuốn Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam khi nói về VMQTG Hà Nội, ông Mạnh có cho biết: "Trong lần công bố này, chúng tôi sử dụng bản dịch của nhóm dịch giả Nguyễn Thúy Nga, Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên và Ngô Đức Thọ (hiệu đính) nhưng có chỉnh lý đôi chút" (tr.11). Chỉ "chỉnh lý đôi chút" vậy mà ở trang bìa trong của sách vẫn là đề "Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu, biên dịch và chú thích". Tôi đã thử đối chiếu phần dịch, chú thích của tập bản thảo hiện có với phần tương ứng ở sách của tác giả Trịnh Khắc Mạnh thì thấy ở tập bản thảo có một số sửa chữa và bổ sung của tác giả Ngô Đức Thọ, đúng như ông đã nói. - Nhưng cũng có những chỗ "sửa chữa" đề nghị tác giả Ngô Đức Thọ xem lại. Như trường hợp tiêu đề bài ký ở tấm bia số 2 chẳng hạn. Sách tác giả Trịnh Khắc Mạnh dịch là "Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 (1448) (tr.37). Chữ "Thái Hòa" được tác giả Ngô Đức Thọ chữa lại là "Đại Hòa" trong tập bản thảo mới của mình, với lời giải thích: "Trong các thư tịch bi ký Hán Nôm, niên hiệu này có 2 cách viết: (Đại Hòa) và (Thái Hòa). Đây là một biệt lệ thời Lê: tuy viết "đại " nhưng vẫn phải đọc là "thái " (...). Như vậy ngày nay có hiện tượng lưỡng dụng trong cách đọc Đại Hòa/ Thái Hòa (...). Tại đây chúng tôi theo đúng chữ trên văn bia là (Đại Hòa)" (tr.90). Ở đây có một điều hình như tác giả Ngô Đức Thọ chưa biết: trong cổ văn, một số chữ có nhiều cách đọc, như chữ " " thường đọc là nữ (gái), nhưng có lúc phải đọc là nhữ (mày), chữ " " thường đọc là thủ (đầu) có lúc phải đọc là thú (như núi Thú Dương); chữ " " thường đọc là đào (như đào tạo) nhưng có lúc phải đọc là Dao (như Cao Dao) v.v. Chữ " " ở đây cũng vậy, thường đọc là đại, nhưng trong trường hợp cụ thể này, phải đọc là thái. Đây không phải là "biệt lệ của triều Lê" như tác giả giải thích. Trong Kinh Dịch có chữ " ", phải đọc là thái cực, trong kinh Xuân Thu có chữ , phải đọc là thái tử trong sách Thượng thư có chữ , phải đọc là Thái thệ. Từ hải bản in năm 1999, chú thích chữ có 3 nghĩa, nghĩa thứ 3 âm đọc Trung Quốc là "tài", thông với chữ , chữ . Khang Hy: " " Có điều lạ là trong cùng bản dịch bài ký, ngay sau đó một số dòng, tác giả lại quay lại dùng cách đọc "Thái Hòa" chứ không đọc là "Đại Hòa" như mình đã sửa (tr.92). - Cũng có những chỗ cần chữa thì tác giả lại không chữa. Ví như ở tr.91, chữ "thánh đức thần công" được dịch là "thành đức công thần", tức để nguyên hai chữ trước, chỉ dịch 2 chữ sau, nghe rất lủng củng. Tôi có đối chiếu chỗ này với bản dịch của ông Trịnh Khắc Mạnh, thấy cũng như thế. Có lẽ đây là một lỗi đánh máy của cụm từ "thánh đức thần công" (thánh đức đối với thần công), hoặc "Đức thánh công thần" (cái đức của bậc thánh đối với cái công của bậc thần). Nhưng nếu là lỗi chính tả, thì đến bản thảo lần này sách lại không thấy chữa ? - Có những chú thích rất cần được nâng cao về chất lượng khoa học, thì đến bản thảo lần này lại không được nâng cao. Thí dụ, đã chú thích được gốc gác của danh hiệu Trạng nguyên là "từ đời Đường sĩ tử về Kinh đô dự khoa thi Tiến sĩ đều phải nộp tờ khai gọi là "Nhân thân trạng", nhân đó gọi người đỗ đầu bảng (thuộc hàng Nhất giáp) là "Trạng nguyên" (tr.81).
PGS. Phan Văn Các (19/08/2011)
I. Đề tài Không những là đề tài hay, có ý nghĩa mà còn là một đề tài, một đầu sách nhất thiếu phải có mặt, không thể thiếu trong Tủ sách ngàn năm Thăng Long. Các học giả tiền bối đã sớm nhận rõ giá trị nhiều mặt của Văn bia Tiến sĩ và đã để công phiên dịch khảo cứu. Ngô Tất Tố đã công bố bản dịch 5 tấm bia Tiến sĩ trên tạp chí Tri tân. Trên Văn hóa tùng biên số 18, tháng 5/1953, Đông Lĩnh Dương Phượng Dực viết bài “Đây là một tiêu biểu quốc túy quốc hồn của ta”, đã đánh giá “Một di tích quý giá đặc biệt nhất của ta ở đây nữa là khu vườn bia Tiến sĩ, chính là nơi mà ta đáng nên lưu ý nhất”. Dương Phượng Dực còn tha thiết ước ao: “Chúng ta ai mà chẳng muốn được đọc hết 82 tấm bia Tiến sĩ ấy ? Nhưng thiết tưởng không ai có thể dụng công đến Văn Miếu mà đọc cho hết được. Ước ao chi dịp này có thể sao tất cả 82 tấm bia ấy, dịch nghĩa ra quốc văn, rồi in cả Hán văn, quốc văn thành một cuốn sách 82 bia Tiến sĩ thì chẳng những các nhà trong văn học giới hoan nghênh mà chắc toàn thể quốc dân cũng hoan nghênh vậy”. Học giả Đào văn Bình trước lúc qua đời còn viết thư trao tư liệu và kí thác cho nhà nghiên cứu Thúc Ngọc Trần Văn Giáp tiếp tục khảo cứu những điều mình đang làm dở : “ ... Riêng có 2 điểm ta cần phải khảo cứu tôi đang khảo cứu dở, vậy nay mặc dầu tôi đã giải thoát, xin bác lu tâm tiếp tục khảo cứu 2 điểm ấy cho xong: Một là số bia trong Giám, trong bài sớ nói là 83 bia, có đúng không? Điểm này cần phải lội hẳn vào 2 vườn bia mất công đếm. Hai là trong bài sớ nói đến khoa Kỷ Hợi hết bia, có đúng không? Có thực phải là còn mấy khoa sau chưa kịp dựng bia, làm bia không? Điểm này lại càng cần phải lội xuống 2 vườn bia, mất công tìm, khó hơn điểm trước. Tôi đã nhiều lần mặc áo cộc, quần đùi, đi giày Tây, đi ghệt, xung phong lội vào 2 vườn bia để khảo cứu 2 điểm trên này, nhưng mỗi khi thấy cỏ cao hơn thước (hoặc cao hơn đầu) thì lại rụt chân lại, dùng dằng, nấn ná cho đến bây giờ. Vậy mặc dầu tôi đã giải thoát, xin bác lưu tâm, khảo cứu cho xong 2 điểm để lấy tài liệu mà nghiên cứu vào bài sớ...”. (Nghiên cứu lịch sử, số 46 tháng 1 - 1963, tr.16). Năm 1970, Viện Khảo cổ học thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam tổ chức, dịch 82 tấm bia tiến sỹ để dự định xuất bản một công trình nghiên cứu toàn diện về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp khi ấy tuổi đã già, sức đã yếu, cũng góp phần cổ vũ những đồng nghiệp trẻ một cách nhiệt thành để ký thác một mong ước mà đời mình không thực hiện được. Rồi đến 1978, Tuyển tập Văn bia Hà Nội 2 quyển do Ban Hán Nôm sưu tầm và dịch đã tuyển dịch 8 bia Văn Miếu. Phải đến năm 2002, Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới xuất bản “Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sỹ”, thì ước ao của các cụ mới được thực hiện. Sách đó chính do tác giả công trình này chủ biên và công trình này chính là sự tái bản có bổ sung sửa chữa cuốn sách đó. Trình bày dài dòng như trên là tôi muốn khẳng định giá trị và ý nghĩa công trình này, mong rằng nó sẽ được xuất bản với chất lượng cao nhất có thể có được. II. Tác giả công trình là người đã hội được các điều kiện cần thiết cho công trình này : 1. Đã chủ biên sách Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ. 2. Là chuyên gia văn bản học Hán Nôm và chuyên gia chữ húy 3. Đã đi sâu và tài liệu Đăng khoa lục, chủ biên Các nhà khoa bảng Việt Nam. III. Tuy niên, do tính chất đặc biệt của công trình, tôi tha thiết đề nghị tác giả rà soát kỹ lại để nâng cao chất lượng ở mức tối đa trong điều kiện cho phép. Bởi lẽ văn bia là loại văn được người xưa nghiền ngẫm từng chữ, mặc dù người soạn văn bia đều là những bậc khoa giáp danh tiếng, là những cây đại bút nhận trách nhiệm nặng nề trước nhà vua và triều đình. văn bia xưa chuộng lối biền ngẫu. Có thể nói dịch loại văn này đầu tư bao nhiêu công sức cũng không đủ. Một vài ví dụ: - Rất quen gặp là cụm từ "Hồng duy", nhưng dịch thế nào? Tác giả công trình dịch là "Lớn nghĩ". "Hồng" là lớn, "Duy" là nghĩ, nhưng tiếng Việt nói "lớn nghĩ" thì không hiểu được. Trước đây có người dịch là "kính nghĩ" xem ra còn khả dĩ chấp nhận được. - Lại như cụm từ "đặc niệm" (tr.100) dịch là "chạnh nghĩ" e rằng không diễn đạt đúng ý của nguyên tác. "Đặc niệm" nghĩa là đặc biệt nghĩ tới, còn "chạnh nghĩ" thì là do một cảm xúc nào đó chợt nghĩ tới. - Hay như câu "Phàm cổ vũ ư diên phi chi thiên, chiết toàn ư nghĩ phong chi địa giả, mạc bất khoái chí bằng đoàn, phấn thân báo biến" được dịch là "Phàm ai vùng vẫy trên khoảng trời diều liệng, hoặc là xoay quanh dưới đám đất kiến đùn, không ai là không thích như chim bằng vươn cánh bay cao để khoe vẻ đẹp". Xem ra đã bỏ mất ý "báo biến" (báo vằn đổi lốt) đối ngẫu với "bằng đoàn" (chim bằng bay lượn) (tr.101). - Tr.99, thấy ở dòng 10 ghi "Quốc Tử Giám Tế tửu Lê Niệm" đến dòng 14 lại có "Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Bá Ký", xem kỹ lại thấy 2 việc chỉ xảy ra hôm trước hôm sau, tôi ngờ ngợ kiểm tra lại nguyên bản chữ Hán thấy câu trên là "... đề điện, Quốc Tử Giám thần Lê Niệm", còn câu dưới là "Quốc Tử Giám Tế tửu thần Nguyễn Bá Ký". Như thế Lê Niệm ở Quốc Tử Giám, chỉ có Nguyễn Bá Ký mới là Tế tửu. - Đặc biệt là trường hợp niên hiệu Đại Hòa: ở đây tác giả đã tỏ ra tự mâu thuẫn khi ở chú thích 50 (tr.90), tác giả khẳng định rất mạnh mẽ và hùng hồn rằng: đây là một biệt lệ thời Lê: tuy viết "đại " nhưng vẫn phải đọc là "thái ", nhưng cuối cùng lại tuyên bố: "tại đây chúng tôi theo đúng chữ trên văn bia là Đại Hòa". Như thế rõ ràng trong tư duy của tác giả có sự ngập ngừng không nhất quán. Cũng cần phải nói thêm rằng lỗi chế bản vi tính còn khá nhiều kể cả chữ Hán lẫn chữ Việt, mà chắc chắn chúng tôi chưa phát hiện được hết. - Trong sách về Văn Miếu Thăng Long mà có một bức ảnh duy nhất lại là ảnh Khổng Miếu ở Khúc Phụ Sơn Đông (Trung Quốc) rõ ràng là không ổn. Tôi đề nghị phải có một số ảnh của Văn Miếu, Quốc Tử Giám Hà Nội mà phải là ảnh màu đẹp, nên có ảnh toàn cảnh vườn bia. IV. Nhìn chung lại, công trình đáng được đánh giá xuất sắc, đề nghị tác giả rà soát kĩ lại bản thảo, sửa chữa các lỗi còn mắc phải, nhất là lỗi chế bản, bổ sung một số ảnh để có thể xuất bản được.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)