Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách văn hóa - xã hội
Trang phục Thăng Long - Hà Nội
Hiện nay, chưa có một công trình chuyên sâu về trang phục Thăng Long - Hà Nội. Công trình sẽ lần đầu tiên đề cập một cách toàn diện, hệ thống về vấn đề này. Công trình sẽ khái quát về điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hoá mặc của vùng Thăng Long cổ xưa. Phân tích ảnh hưởng của mỗi giai đoạn lịch sử đến trang phục: về cách nhìn nhận, đánh giá xu hướng, trình độ thẩm mỹ và sự phát triển các địa danh làng nghề có liên quan. Từ đó, rút ra những đặc trưng riêng của trang phục trong từng giai đoạn, so sánh giữa các loại trang phục.
Tác giả: TS. Đoàn Thị Tình
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản:
Tổng số trang: 512 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 2 - Trung bình: 3.00) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

Hiện nay, chưa có một công trình chuyên sâu về trang phục Thăng Long - Hà Nội. Công trình "Trang phục Thăng Long – Hà Nội" sẽ lần đầu tiên đề cập một cách toàn diện, hệ thống về vấn đề này.

Công trình sẽ khái quát về điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hoá mặc của vùng Thăng Long cổ xưa; phân tích ảnh hưởng của mỗi giai đoạn lịch sử đến trang phục: về cách nhìn nhận, đánh giá xu hướng, trình độ thẩm mỹ và sự phát triển các địa danh làng nghề có liên quan, từ đó, rút ra những đặc trưng riêng của trang phục trong từng giai đoạn, so sánh giữa các loại trang phục.

Cuốn sách phân loại trang phục theo chức năng xã hội, lứa tuổi, giới tính (trên cơ sở đó miêu tả kết hợp với nhận xét chung); phục dựng một số mẫu bằng hình ảnh, bản vẽ; khẳng định giá trị lịch sử của vấn đề trang phục, đồng thời phác thảo diện mạo văn hoá mặc Thăng Long - Hà Nội; là cơ sở cho việc phục dựng trang phục, nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu đồng thời có thể quảng bá lịch sử văn hoá trang phục ra nước ngoài.

Sách cùng chuyên mục

Giáo dục Thăng Long – Hà Nội: Quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
476 trang

Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội

Từ trước đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài này (kể cả kịch bản “10 lễ hội tiêu biểu của Hà Nội” do PGS Phan Khanh xây dựng), tuy nhiên đây là một đề tài được biên soạn lại trên cơ sở những nghiên cứu, tích luỹ của tác giả trong nhiều năm qua. Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống về lễ hội ở Hà Nội, tìm ra những nét đặc trưng, những vấn đề lịch sử và vai trò của lễ hội trong đời sống chính trị, văn hoá, tâm linh của người Hà Nội.
PGS.TS Lê Hồng Lý
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
400 trang
16x24 cm

Giới thiệu sách “Sương phố bóng người”

 “Sương phố bóng người” là cuốn sách tuyển chọn, tập hợp các tác phẩm tạp văn và truyện ngắn được nhà văn Trần Chiến chắp bút từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay. Tác phẩm được xuất bản trong hạng mục sách phổ thông của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

Trần Chiến
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
360
14,5x20,5

Giới thiệu sách “Kinh đô Rồng từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng”

 Nói đến văn hiến Thăng Long, một trong những truyền thống mà chúng ta không thể không nhắc đến là truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Với nguồn tư liệu phong phú cùng cách viết mạch lạc, khúc triết, cuốn sách đã tổng kết truyền thống thượng võ từ thời cổ đại đến nay, đồng thời phác họa mối quan hệ nhân quả giữa tinh thần thượng võ với chủ nghĩa anh hùng. 

Nguyễn Khắc Phục - Bằng Việt
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
604
16x24

Gia đình Thăng Long - Hà Nội

Cuốn sách “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” thuộc cơ cấu cả Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II”. Sách do GS.TS Lê Thị Quý, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về đề tài gia đình, tổ chức biên soạn.

Lê Thị Quý
Nhà xuất bản Hà Nội
2019
456
16x24
Ý kiến bạn đọc
GS.TS. Ngô Mạnh Lân (30/08/2011)
- Đề cương sau chỉnh sửa đã có sự phân kỳ rõ ràng, hợp lý, có tính khoa học, nêu được từng giai đoạn biến động, phát triển của trang phục Việt Nam, mà Hà Nội là tiêu biểu. - Có chú ý đề cập đến các làng nghề dệt và may, gắn liền với trang phục. + Cần nêu bật sự khác nhau về trang phục từng thời kỳ lịch sử, có sự đánh giá nhận xét của tác giả. + Nên bớt về thời trang đương đại (người mẫu, trình diễn, cửa hàng…) + Phần quan trọng của đề tài còn ở chỗ trình bày hình ảnh, bảng biểu (tất cả có 500 hình ở 5 chương), cần được nghiên cứu và chọn lọc, thể hiện công phu, chi tiết… để minh hoạ đầy đủ văn bản. Đưa hình ảnh vào từng chương để dễ theo dõi, so sánh là hợp lý. - Có thể đưa vào thực hiện bản thảo.
PGS. Lê Văn Lan - Viện Sử học (30/08/2011)
1- Về phân kỳ lịch sử: Phần 3 (tr.6-8) không thể gộp “Thời Nguyễn - Pháp thuộc” vào làm một, và “không thể coi đây là giai đoạn cận đại”. Thời Nguyễn, trước 1884, chắc chắn thuộc trung đại. 2- a) Về sự bám chắc vào nội dung Thăng Long - Hà Nội của trang phục: Phần 1 (“giai đoạn tiền Thăng Long”) cứ như nói ở 2 dòng cuối trang 1 thì đây không phải (không có) nội dung là trang phục Thăng Long – Hà Nội ở thời tiền Thăng Long, mà là trang phục chung chung của cả nước và của (ở) Hoa Lư! b) Về thời Tây Sơn: nếu chỉ ghi mỗi 1 dòng (như ở cuối trang 5) thì vừa làm nghèo trang phục thời Tây Sơn rất nhiều, vừa không rõ “sự quan tâm đến trang phục” của Quang Trung ở đây là về trang phục cả nước, hay trang phục Thăng Long. 3- a) Những thuật ngữ chỉ thời gian, cần hiểu lại cho chính xác. ý và lời của Đ/c Phạm Văn Đồng (phụ trách việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt) là: thời gian lớn thì gọi; thời đại, vừa vừa thì gọi thời kỳ, nhỏ thì gọi giai đoạn, không biết lớn nhỏ ra sao thì gọi chung chung là thời. Không thể gọi “Tiền Thăng Long”, “từ Lý đến cuối thế kỷ 18” là giai đoạn được. b) Tiêu đề cho các phần, chương… cần rà soát lại cho chỉnh. Chẳng hạn “Phần 2” (tr.2) Nếu đã lấy tên vương triều làm đơn vị đo đếm thời gian thì phải thay “cuối thế kỷ XVIII” bằng “Tây Sơn”. Hoặc nếu lấy tên thế kỷ làm đơn vị đo đếm thì phải thay “thời Lý” bằng “thế kỷ XI.
TS. Nguyễn Viết Chức (30/08/2011)
Trước khi có mấy nhận xét cụ thể về công trình của TS. Đoàn Thị Tình cho phép tôi được biểu thị sự trân trọng về tinh thần làm việc nghiêm túc và đam mê khoa học của tác giả Trang phục Thăng Long - Hà Nội, 1000 năm văn hiến. Về đề cương chi tiết có một vài ý kiến sau: 1. Về tổng thể, đề cương được xây dựng công phu tạo cho người đọc có thể hình dung được hình hài của cuốn sách sẽ ra đời. 2. Về bố cục tương đối hợp lý và khá chặt chẽ. Phần mở đầu giới thiệu tổng quan về văn hóa và các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới trang phục là việc làm cần thiết. Nội dung chính gồm 5 chương được kết cấu theo niên đại hợp lý. Về nội dung: Nội dung khá phong phú bắt đầu là chương I, tác giả trình bày bối cảnh, môi trường, tiền đề văn hóa mặc của vùng Thăng Long cổ xưa làm cơ sở để nói về văn hóa mặc. Việc điểm qua trang phục thời Hùng Vương, Ngô, Đinh, Tiền Lê là cần thiết. Bởi văn hóa nói chung và văn hóa mặc nói riêng thường là một mạch liên tục không thể cắt khúc dẫu có phân kỳ theo tiến trình lịch sử. Tôi muốn nhấn mạnh điều này để lưu ý tác giả khi triển khai tác phẩm giữ vững quan điểm đúng đắn của mình về tính liên tục của tiến trình văn hóa mặc nhất là văn hóa mặc trước cách mạng tháng Tám và sau cách mạng tháng Tám. Chương II: Trang phục từ thời Lý đến cuối thế kỷ XVIII là chương có dung lượng lớn nhất và có lẽ cũng là phong phú nhất về văn hóa mặc Thăng Long - Hà Nội. Tác giả có lẽ cũng đã dành tâm huyết lớn cho chương này. Nội dung và cách sắp xếp nội dung có tính khoa học hợp lý. Tuy nhiên tính hệ thống trong khoa học không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tính hấp dẫn của sách, nhất là với dung lượng lớn lại lặp đi lặp lại các tiết, mục của từng thời kỳ khác nhau cần được cân nhắc sao cho hợp lý. Về yếu tố lịch sử chỉ nói những điều liên quan trực tiếp đến mặc để tiết kiệm số trang bởi phải tính toán đến sự cân đối với các chương khác của cuốn sách. Chương III: Trang phục thời Nguyễn - Pháp thuộc, Chương IV: Trang phục từ Cách mạng tháng Tám đến nay cũng được xây dựng với các mục tương tự như chương II, tuy nhiên tác giả đã chú ý tới nét đặc thù của giai đoạn giao thời này. Phần này khó viết nhưng nếu xử lý tốt nét đặc thù ấy cũng có thể làm tăng tính hấp dẫn của cuốn sách. Chương V: Một số trang phục đặc thù về nội dung chương là cần thiết nhưng xếp nó trong tương quan so sánh với các chương khác trong bố cục tổng thể cuốn sách thì có vẻ không được hợp lý lắm. Nhìn chung, đề cương chi tiết cuốn sách Trang phục Thăng Long - Hà Nội, 1000 năm văn hiến của Tiến sỹ Đoàn Thị Tình đáp ứng yêu cầu của một cuốn sách trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, chúng tôi mong tác giả tham khảo những ý kiến của hội đồng, cân nhắc chỉnh sửa bố cục (nhất là vị trí của chương V) và triển khai nội dung các chương sao cho cân đối, hợp lý. Đặc biệt lưu ý tính chính xác, minh bạch của việc sử dụng các tài liệu tham khảo, những tác phẩm của các tác giả khác trong cuốn sách, tránh những ý kiến phiền toái về bản quyền khi sách được xuất bản.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy (24/08/2011)
Tôi đã nhận được bản thảo Trang phục Thăng long-Hà nội của tác giả Đoàn Thị Tình và xin được có một số nhận xét sau. Bản thảo gồm 405 trang (dòng đôi, chữ to cỡ 16) và phần phụ lục ảnh, hình vẽ. Kết cấu bản thảo gồm: Mở đầu Phần 1: Giai đoạn Tiền Thăng Long. Trang phục từ thời Hùng Vương đến thời Tiền Lê (Giai đoạn cổ đại); trang 7-trang 25 Phần 2: Trang phục từ thời Lý đến cuối thế kỷ 18 (giai đoạn Trung đại); từ trang 26- trang 149 Phần 3: Trang phục thời nhà Nguyễn-Pháp thuộc (giai đoạn cận đại); từ trang 150 –trang 249 Phần 4: Trang phục từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay (giai đoạn hiện đại); từ trang 250- trang 305 Một số phụ lục: - Một số hàng thủ công truyền thống trong trang phục người Thăng Long-Hà nội - Trang phục lễ hội Thăng Long-Hà Nội - Tên mầu truyền thống dân tộc Việt - Triều phục vua chúa thời phong kiến - Một số vấn đề văn hóa mặc ở Hà Nội trong thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế - Tư liệu tham khảo (62 đầu mục) - Phụ lục ảnh, hình vẽ Các mục như Trang phục lễ cưới, trang phục lễ tang, trang phục trẻ em tác giả còn chưa xếp vào đâu, mới chỉ tạm xếp. Nhìn chung tác giả đã cố gắng phác thảo để người đọc hiểu bức tranh về trang phục Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử từ thời Hùng Vương đến nay. Tác giả đã cố gắng khai thác tối đa tư liệu, nhất là các tư liệu lịch sử hiếm hoi, nhất là thời cổ đại và trung đại nói về trang phục, kể cả tư liệu viết lẫn tư liệu điêu khắc, ảnh, hình vẽ. Đó là ưu điểm nổi bật. Tuy nhiên để giúp cho bản thảo hoàn chỉnh tôi xin có một số ý kiến dưới đây. Nhược điểm lớn nhất của bản thảo là sau khi đọc, gấp sách lại, người ta không thấy sức sống trong sinh hoạt về trang phục mà chỉ thấy những sự mô tả khô khan, đơn điệu. Thực ra trang phục ở Hà Nội là cả một vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, là cả một cuộc đấu tranh, thay đổi về nhận thức, tình cảm người quản lý cũng như người dân và các tầng lớp xã hội khác nhau ở các thời kỳ khác nhau. Điều đó đặc biệt rõ nét trong suốt thế kỷ 19 và 20, cho đến tận ngày hôm nay. Những thời kỳ này chúng ta có rất nhiều tư liệu sống động từ các nhân chứng lịch sử thời hiện đại, đến các tư liệu trên báo chí, các tác phẩm văn học có thể và cần khai thác đưa vào tác phẩm để làm cho cuốn sách thực sự sống động hơn. Nhược điểm thứ 2 là cuốn sách viết quá phổ thông; không biết sách sẽ dành cho đối tượng đọc giả nào? Sách hầu như không có các trích dẫn hoặc trích dẫn quá ít làm người đọc, nếu như người đọc có một trình độ nào đó muốn kiểm chứng thì không thể được. Tôi cho rằng một cuốn sách như cuốn sách này, bất cứ một tư liệu nào được viện dẫn ra đều phải trích dẫn thư tịch để có thể kiểm chứng. Càng nhiều trích dẫn càng tốt, càng thấy độ tin cậy của tác phẩm. Thí dụ: khối tượng Lãng Ngâm (tr. 16): cần nêu rõ ở đâu, thời kỳ nào, tài liệu nào...; thuế bãi dâu...(tr.26), mở chợ Tây Nhai thời Lý (tr. 27), truyền dạy kỹ thuật dệt của người Chăm (tr.27). Khi đã trích dẫn thì cần dẫn đầy đủ. Như GS Trần Nghĩa dịch (tr.29) thì dịch đăng ở đâu, trang nào (?); tham khảo sách Chu Lễ (tr. 30) cũng không trích dẫn gì cả; Nguyễn Đình Đầu lược dịch (tr. 89) cũng không nói rõ ở đâu. Nhược điểm thứ 3 là một cuốn sách về trang phục như cuốn sách này cần phải nhiều hình vẽ hơn thì người đọc mới hình dung được, nhất là mới phục vụ mục tiêu của công trình này giúp cho việc phục dựng lại các trang phục qua các thời kỳ, nhất là thời cổ, trung đại khi cần dựng kịch, phim, tổ chức trình diễn về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nếu chỉ dừng lại như thế này thì cuốn sách chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Chẳng hạn y phục, trang sức trên tất cả các bức tượng, phù điêu khắc cần được trải ra bằng vẽ kỹ thuật. Các bản vẽ này nếu có thì sẽ thực sự là đóng góp mới của tác giả. Tất cả các miêu tả y phục thời cổ đại có trong sách chỉ mới là sự chép lại các tên y phục mà người đọc không thể tưởng tượng được nó hình hài ra sao; cho nên nó vẫn thực sự là bí ẩn với người đọc. Đồng thời không thấy bước tiến của công trình này so với những gì đã công bố từ trước về trang phục. Nhược điểm thứ 4: Cũng gắn liền với nhược điểm thứ 3 là các thuật ngữ miêu tả y phục thời cổ đại nói chung không được giải thích và người đọc không thể hình dung được nó thế nào. Thí du: mũ bát giác tiêu dao (tr. 32), tên gọi các quân hiệu như Vũ Thắng, Bảo Thắng, Vạn Tiệp là gì không được giải thích (tr. 35), ngọc châu, ngọc khuê, ngọc thạch bích nê, mũ củng thần (tr. 61), túi đựng con toán, mũ dương thường, (tr. 62), cục chihaau, nhân bách tác, mũ bồn hoa (tr. 63), mũ tam sơn, áo Thanh cát (tr. 86); mũ có Kim bác sươn, kim khóa giản (tr. 154)... Cho nên yêu cầu là mỗi một thuật ngữ về y phục, trang sức được đưa ra/dẫn ra bằng từ Hán Việt cần được giải thích rõ nội dung. Nhược điểm thứ 5: Không nên nói quá nhiều về trang phục thời Hùng Vuơng, nhất là lại gắn với Thăng Long- Hà Nội nữa vì nó ít sức thuyết phục. Thí du: chứng minh và trích dẫn thời Hùng Vương biết trồng gai, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải (tr. 12), tục săm mình phổ biến toàn dân (?), (tr. 19)... Lấy cái không biết để chứng minh cho cái chưa biết khi nói về áo tứ thân thời Hùng Vương (tr. 42) khi chúng minh áo tứ thân thời lý giống thời Hùng Vương. Nhược điểm thứ 6: Về phương pháp, khi sử dụng các điêu khắc (tượng) như bức tựng Lý thái Tổ ở chùa Kiến Sơ (Bắc ninh)... cần nói rõ tượng đó làm thời nào, giá trị lịch sử để có thể so sánh đến đâu (tr. 28); “tượng Lý công Uẩn được tạc về sau” (tr.30), “tượng công chúa thời Lý ở chùa Lý Quốc Sư Hà Nội được tạc vào thời gain sau này (tr. 38)... nhưng không nói khi nào, giá trị tham khảo của nó. Những bức tượng như thế cần nói rõ sự thẩm định của tác giả thì mới thành cứ liệu lịch sử để minh chứng được Nhược điểm thứ 7: Không nên bình luận, đánh giá quá nhiều mà nên cố gắng trình bầy một cách khách quan sự vận động của trang phục trong lịch sử ở Thăng Long- Hà Nội. Thí dụ: thể hiện lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho nhân dân của Vua Hùng qua tục dậy dân dạy dân (?) (tr.19); phản ánh tâm hồn tươi vui, trong sáng, lạc quan, nói lên cách sống đàng hoàng, tự chủ, tự tin của con người Lạc Việt (tr.19); Bắt đầu từ đây, vấn đề mặc trong xã hội cũng dần dần được hoàn thiện và mang đạm bản sắc riêng củadaan tộc Việt nam (tr. 26); lễ hội do triều đình tổ chức....nhằm mục đích củng cố địa vị cá nhân” (tr. 45); Thế kỷ 11, nhà Lý nâng Hội Phù đổng làm quốc lễ... và nhân vật đó làm thần tượng anh hùng dân tộc (tr.49)... Nhược điểm thứ 8: Văn phong cần chu chỉnh hơn; nhiều câu viết chưa ổn. Câu đầu tiên (tr.79), (tr 150) Một số ý kiến khác: Về tiêu đề của các phần: tác giả nên nhất quán phân kỳ lịch sử hoặc theo triều đại hoặc theo niên đại. Chẳng hạn, phần 2 từ thời Tiền Lê đến thế kỷ 18 sử dụng cả triều đại lẫn niên đại. Nội dung các phần 1, 2 và 3 đặc biệt nghèo nàn; khó hiểu; không tiến hơn được bao nhiêu so với những gì đã biết. Các đơn vị đo lường thời cổ như xích, thước, tấc ...cần thống nhất quy đổi ra đơn vị hiện nay để người đọc dễ ước lượng như thước, tấc (trang 30) Mục Trang phục lễ hội thời Lý (tr. 45-53) không phù hợp lắm; cần nghiên cứu lại. Các phụ lục cũng chưa phù hợp nếu tách riêng mà nên đưa vào đúng thời kỳ lịch sử cho liền mạch. Trên đây là một số ý kiến tôi muốn đóng góp để tác giả có thể xem xét, chỉnh sửa, để khi xuất bản chúng ta có một tác phẩm đúng tầm của nó trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
PGS.TS.NSND. Ngô Mạnh Lân (24/08/2011)
Tập bản thảo “Trang phục Thăng Long - Hà Nội” của tác giả Đoàn Thị Tình với 405 trang văn và 209 trang hình minh hoạ là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc đem lại cái nhìn khái quát về quá trình phát triển của trang phục trên đất nước ta. Không những thế, công trình còn cung cấp một số tư liệu lịch sử và cận hiện đại về trang phục - yêu cầu cấp thiết cho công việc sáng tạo văn học nghệ thuật của ta hiện nay. Về cấu trúc chung, bản thảo gồm 4 phần: giai đoạn cổ đại (Tiền Thăng Long), giai đoạn Trung đại (Lý - cuối XVIII), giai đoạn cận đại (Nguyễn - Pháp thuộc), giai đoạn hiện đại (CMT8 đến nay), cùng một số đoạn “phụ lục”, giải thích các vật dụng trang phục và biểu đồ trang phục thời phong kiến. Như vậy, cách phân kỳ là hợp lý và giải nghĩa là đầy đủ. Về nội dung các chương mục: tác giả đã cố gắng miêu tả chi tiết các loại mẫu trang phục giúp người đọc có thể so sánh và hình dung được sự phong phú đa dạng cũng như những thay đổi qua từng giai đoạn, bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử, từ ý thức thẩm mỹ và thực dụng, từ ý thức bảo tồn truyền thống dân tộc và những ảnh hưởng ngoại lai xâm nhập… Trên đây là những mặt cơ bản mà tác giả đã đạt được. Tuy nhiên theo tôi, bản thảo này còn một số nhược điểm sau: 1. - Về bố cục chung nên sắp xếp lại: a. Ở phần IV, nên gộp chương I (trang 250) về Hà Nội từ 1945 - 1954, với chương II (trang 264) Hà Nội 1954 - 1975, bởi tuy là 2 thời kỳ nhưng quá ngắn và sự thay đổi lớn không xảy ra. b. Đoạn “Một số hàng dệt thủ công truyền thống…” đến “biểu đồ trang phục thời phong kiến…” (trang 306 - 383) nên xếp vào phần “Phụ lục” ở cuối (sau lời kết). Nếu không, có thể đưa vào cuối phần III. Riêng đoạn “Một số vấn đề văn hoá mặc ở Hà Nội…” (trang 384 - 388) nên chuyển lên cuối phần IV, tiếp sau trang 298, đồng thời sửa gọn bớt. 2. Về hình ảnh minh hoạ. Hơi nhiều và thiếu chọn lọc. Nếu là ảnh chụp thì cần đường nét rõ, đủ chi tiết. Cần thêm nhiều hình vẽ đồ hoạ (minh hoạ màu) để có sức thuyết phục mạnh hơn. Nên để hình ảnh minh hoạ sau mỗi phần viết. Cần đánh số thứ tự hình minh hoạ, và ở đoạn văn nào cần dẫn chứng thì cho mở ngoặc chú thích, ví dụ:… áo trấn thủ (hình 105)… 3. Về nội dung. Tiếc rằng tư liệu thời cổ đại quá ít nên việc nghiên cứu thời kỳ này bị hạn chế. Có lẽ vẫn cần tìm thêm tài liệu các nguồn để bổ sung, không nên để chênh lệch quá giữa các phần. Và khi có được tư liệu thì nên nêu ý kiến dứt khoát của tác giả. Một số đoạn ở thời cận - hiện đại viết tỷ mỷ quá, không cần thiết. Đôi chỗ hơi lộn xộn: thời phong kiến đang áo sang mũ, áo văn, áo võ… (trang 93, 154..). Một số đoạn tả trang phục phong kiến Trung Quốc để so sánh nên có hình thức in “tách ra” (ví dụ sắp chữ nhỏ hơn, hoặc để chữ nghiêng cho tiện theo dõi). 4. Về văn phong. Nhìn chung, lối phân chia các mục, tiết nhỏ và diễn tả tỷ mỷ là tốt, nhưng cần gọn gàng hơn, tránh lặp đi lặp lại. Một số câu văn cần chỉnh sửa lại cho gọn nghĩa và mạch lạc hơn (trang 7, 26, 154, 276…). Nên bớt những tính từ nhắc lại nhiều lần để nội dung câu văn sáng sủa hơn, súc tích hơn, đỡ nhàm chán… (trong cả Lời kết), trong đó có cả câu ca về “hoa nhài và người Tràng An”! Một số ý kiến chủ quan đóng góp với tác giả, có điều gì chưa trúng, xin được trao đổi thêm.
PGS. Lê Văn Lan (24/08/2011)
Bản thảo này có mấy đặc điểm (vấn đề) đáng lưu ý, như sau: a. Về nội dung: Đây là sách viết về Trang phục Thăng Long - Hà Nội, nhưng những gì được nói trúng (đúng/ thẳng vào) Thăng Long - Hà Nội thì ít mà “chất độn” (pha loãng) nội dung lại nhiều. Bao gồm chủ yếu là chung chung về Việt Nam. Nội dung trang phục cũng thế. Bị chìm vào những nào là quan chế và quan chức, phong tục và lễ hội, giáo dục và đào tạo, hoàn cảnh lịch sử và kinh tế… thậm chí cả đến các chuyện về “bầy người nguyên thuỷ”, “tiểu sử các hoa hậu”… b. Về cấu trúc: Phần lớn việc tổ chức sách nương theo mạch thời gian mà nói. Tức thị, nói về trang phục qua các thời, từ cổ đại, trung đại đến cận đại rồi hiện đại. Nhưng có một phần sách quan trọng lại phá cấu trúc này. Đang ở phần 4 (nói về trang phục thời hiện đại) lại chen vào, tạo một cấu trúc khác, nói về các thể loại (loại hình) trang phục (trang phục lễ cưới, trang phục lễ tang, trang phục tô giáo, trang phục lễ hội…) mà thể loại (loại hình) nào, cũng đều nói từ cổ chí kim! Không có phần “Phụ lục” nhưng giữa (trong?) phần 4 này và trước phần “Lời kết” lại là hàng loạt bài, nào là trình bày về: “Hàng dệt thủ công truyền thống”, nào là trích “Quy định về một số loại cờ ngày xưa” rồi bình luận “Một số vấn đề về văn hoá mặc…” cả 5 trang liệt kê các “Tên mầu truyền thống dân tộc Việt” nữa! c. Về phương pháp: ngoài/ và cùng/ với việc huy động tư liệu ở các địa phương khác để nói về Thăng Long, lấy trang phục Trung Hoa để nói về trang phục Việt Nam, dùng những tư liệu truyền thuyết (tương truyền rằng) như là lịch sử đích thực…, thì phổ quát là huy động hình ảnh trang phục trên các tượng (Ngô Quyền, Lý Thái Tổ…) để nói (coi như đấy) là trang phục ở thời kỳ và của chính các vị đó, mà không chú rằng đấy là những tác phẩm điêu khắc, được tạo tác ở thời gian rất muộn về sau (thường là thế kỷ 18, 19 nếu không phải là 20) và thuộc thể loại tượng thờ (không phải tượng chân dung) nên có tính ước lệ và tượng trưng (theo công thức chung của thể loại tượng này). Vì thế, nhiều lắm thì cũng chỉ là ảnh xạ của đôi nét trang phục ở các thế kỷ muộn về sau này, không có giá trị hiện thực phản ánh trang phục ở thời kỳ và của chính các nhân vật lịch sử. 2. Vì thời gian cần ra sách đã rất gấp, và vì tác giả cũng đã rất cố gắng để chuyển cuốn sách viết về “Trang phục Việt Nam” của mình thành bản thảo sách này, cho nên: đề nghị nghiệm thu bước một (sơ bộ) bản thảo này, để kịp và cần chuyển ngay sang bước công tác tiếp liền theo: Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội, tạo tiếp điều kiện để tác giả hợp tác với chuyên gia của Ban Tư vấn chuyên môn, Hội dồng Tư vấn và Biên tập viên, chỉnh sửa bản thảo này theo hướng: a. Lược bớt những chỗ độn (làm loãng) “chất (nội dung đích thực là) trang phục Thăng Long - Hà Nội”, như - chẳng hạn - phần lớn của “Phần I - Giai đoạn Tiền - Thăng Long”, những trang nói về “trang phục thời Hùng Vương”. (Những trang này có thể tiêu biểu cho rất nhiều trang độn (loãng) khác trong bản thảo. Vì ở đây không phải nói - với nhiều chỗ sai, hoặc “non tay” - về Thăng Long - Hà Nội, mà là về Việt Nam). b. Dỡ các phần, chương, tiết, mục… của bản thảo ra, sắp xếp lại, cho có một cấu trúc hợp lý (logic) hơn. Chẳng hạn: dồn những gì nói đúng (trúng) về trang phục Thăng Long - Hà Nội theo diễn biến thời gian (qua các thời) vào một phần - “bổ dọc”; những gì nói về các chuyên loại trang phục (tôn giáo, lễ hội, tang phục…) vào một phần khác - (“bổ ngang”); những gì thực sự cần nói thêm, đưa xuống phần “Phụ lục”… Phần “Bảng - biểu” (các trang 457 - 383): sau khi sửa các chỗ viết sai, cần nói rõ nguồn (cơ sở) để lập thành các bảng biểu này, và nên - tốt hơn là - kèm hình vẽ kết quả nghiên cứu - phục dựng trang phục (chứ không chỉ dừng lại ở) trên cơ sở các bảng toàn là chữ này. c. Soát xét lại những ý tứ và câu chữ (đã đánh dấu vào mấy chục chỗ) cụ thể ở bản thảo, để: + Chắc và rõ hơn, các việc - chẳng hạn - như: bỏ tục xăm mình vào đời Trần Anh Tông (trang 73): thật ra, chỉ có vua lánh đi chỗ khác để không chịu xăm thôi, còn tục lệ thì vẫn giữ (Nhân Tông bắt Huệ Vũ Vương phải xăm thay cho Anh Tông); “Le mur” dịch là “bức tường” vì “Tường” là tên nhà tạo mẫu (trang 188): thật ra, nên dịch là “cái tường” để hợp với sự nhại tên đầy đủ của hoạ sỹ là “Cát Tường”; đã phiên “bót - phơi” từ “forte fenille” (trang 189) - phải sửa lại là “porte fenille”, “bô - đê” từ “broderie” (trang 192) - phải sửa lại là “broder”…, thì “com lê”, “complê” (các trang 223, 224…) cũng cần nói là phiên từ “complet” cho đồng bộ và thống nhất… + Không bị sai (lỗi kiến thức) nữa như: - chẳng hạn - ở (trang 67): “hiện nay là huyện Mỹ Văn” vì hiện nay không còn huyện Mỹ Văn nữa (tách làm Mỹ Hào và Văn Giang rồi); (trang 81) “Năm 1406 nhà Minh xâm lược 61 phường của nước ta”, vì nước ta sao chỉ có 61 phường mà thôi?; (trang 84): “Lê Thái Tổ đổi tên Thăng Long thành Đông Đô”, vì đổi tên Đông Đô là Hồ Quý Ly chứ; (trang 113): “Lê Hiển Tông (1418 - 1504)”, vì: không có ông Lê Hiển Tông nào, ở thế kỷ 15 – 16, và sống (làm vua) lâu như thế này cả; (trang 328) “nhà Lê (thế kỷ 14 - 18)” vì: thế kỷ 14 không có nhà Lê nào cả; (trang 357): “thế kỷ 9 có các vua chúa Việt Nam và triều Tiền Lê”, vì: “thế kỷ 9” đang còn bị nhà Đường thống trị, không có “vua chúa Việt Nam”, và không có “nhà Tiền Lê” nào ở thời gian này cả…
NNC. Nguyễn Vinh Phúc (24/08/2011)
Bản thảo gồm hai phần chính: phần viết 399 trang, phần ảnh 209 trang Xin nói ngay phần ảnh rất công phu, sưu tầm được như vậy và vẽ ra như vậy là quá hoàn chỉnh. - Về phần viết: Chia ra 4 phần lớn: + Giai đoạn Tiền Thăng Long trang 7 đến trang 25 + Thời Lý đến cuối thế kỷ 18: trang 26 đến trang 150 + Thời Nguyễn và Pháp thuộc từ trang 150 đến trang 239 + Từ cách mạng Tháng 8/45 đến nay từ 200 đến 306 Sau đó là phần kết luận 6 trang. Bốn phần không bằng nhau, ví dụ phần I giai đoạn Hùng Vương đến Đinh, Lê chỉ có 25 trang. Cũng phải thôi vì tư liệu thiếu thốn. Sang phần II chia ra 3 mục: + Đời Lý + Đời Trần + Đời Lê - Mạc - Tây Sơn Sang phần III chia ra 4 mục: + Vài nét về Hà Nội thời đầu nhà Nguyễn + Phẩm phục đại triều + Quân phục + Trang phục nhân dân Sang phần IV lại chính thức chia ra 3 chương: + Giai đoạn 1945 - 1954 + Giai đoạn 1954 - 1975 + Giai đoạn 1975 - đến nay Như vậy, về nội dung theo tôi là hoàn chỉnh. Về phương pháp, đã trình bày theo lịch đại sự phát triển của trang phục Hà Nội, và trình bày rõ ràng, khúc chiết, tài liệu phong phú, theo tôi không có thể nói hơn được về đại thể. Tất nhiên, về chi tiết còn nên phải bổ sung, ví dụ về nón thời Lê. Tác giả có tham khảo Vũ trung tuỳ bút nhưng lại không nêu 12 loại nón của dân Thăng Long cuối thế kỷ 18 mà Phạm Đình Hổ đã thống kê: Ngoan Xác, Phương đầu đại, Cổ Châu… Hoặc khi nói về guốc dép giày hài của đầu thế kỷ 20, tác giả cũng có tham khảo Phố phường Hà Nội xưa mà lại không nêu 16 loại đó mà Hoàng Đạo Thuý đã ghi trong sách của ông. Nhưng đó chỉ là tiểu tiết. Còn đại thể, nội dung sách phong phú, nhất là xác đáng, đã nói, đã nêu là đúng. Chỉ riêng về bố cục tôi xin góp vài ý nhỏ: Thuật ngữ nên thống nhất: Ví dụ đã dùng chữ giai đoạn Tiền Thăng Long, lại dùng giai đoạn 1945 - 1954, giai đoạn 1954 - 1975… Như vậy không thống nhất nội hàm khái niệm. Giai đoạn Tiền Thăng Long hàng mấy nghìn năm so với giai đoạn 1945 - 1954 không đầy 9 năm! Nên đổi cách gọi. Hoặc, như đã nêu sách có 4 phần chính thì phần một đánh số I La Mã, đến các phần sau lại đánh số 2, 3, 4 Ả rập như vậy không được. Vả trong các phần bao giờ chữ số I, II, III… La Mã cũng dùng để chỉ phần lớn, còn các chữ số 1, 2, 3 Ả rập dùng chỉ phần nhỏ nằm trong phần lớn. Vậy mà ở phần 3 (lẽ ra phải là III La Mã) lại phân phần 1 (Vài nét về Hà Nội thời Nguyễn) trang 150, phần 2 (Trang phục thời Nguyễn). Vậy số Ả rập nằm trong số Ả rập là không nên. Nhất là sang phần 4 (kỳ thực phải là IV La Mã) thì lại đánh 4 Ả rập rồi trong đó lại có chương I, chương II, chương III là không hợp lý. Tuy vậy, nói tổng thể thì sách khá hay, đạt mục đích đề ra ban đầu. Các chi tiết nên chỉnh một chút và xem có bổ sung ít nào chăng. (Như vậy hoàn chỉnh hơn). Tóm lại, tôi hoan nghênh bản thảo, đề nghị Ban Giám đốc dự án và Nhà xuất bản cho in trong năm 2009 này coi như một trong những tác phẩm tiêu biểu của “Tủ sách 1000 năm Thăng Long” của chúng ta.
TS. Nguyễn Viết Chức (19/08/2011)
Về tổng thể tác giả đã tiếp thu sáng tạo ý kiến của hội đồng, xây dựng đề cương chỉnh sửa tổng hợp lý hơn, có cơ sở để tiến hành triển khai viết sách. Tuy nhiên chúng tôi vẫn óc một vài ý kiến nhỏ để khi triển khai tác phẩm tác giả lưu tâm tham khao: 1. Tên các phần có thêm dòng giải thích trong ngoặc đơn với cụm từ “có thể coi là…” xem ra không làm tăng độ tin cậy mà còn có thể giảm sức thuyết phục người đọc thậm chí ám ảnh cả người viết mỗi khi đụng tới phân kỳ lịch sử. Như chúng tôi đã nhấn mạnh văn hóa nói chung và văn hóa mặc nói riêng không đứt đoạn tuyệt đối, nó đan xen nhau, thậm chí có cái trước tưởng mất đi vào thời sau lại đột nhiên xuất hiện vào thời sau nữa… Cái hay của sách có lẽ chính là sự lý giải hiện tượng đan xen thú vị đó chứ không phải nhất nhất mọi sự trùng khít theo năm tháng. Có thể cầu kỳ mà biết được ngày này, tháng này, năm này xuất hiện loại trang phục ấy, nhưng khó ai có thể xác định được ngày nào, tháng nào, năm nào thì nó biến mất. Chúng tôi muốn tác giả cố gắng tham khảo nhiều tài liệu, tự tin viết theo mạch lịch sử trang phục, không quá lệ thuộc vào năm, tháng của các sự kiện lịch sử nói chung, làm hạn chế cái đích chính của sách. 2. Bởi vậy tên các phần của sách nên tìm cách làm cho nó thống nhất (phần thì ghi năm, phần thì không?! Lại phải thêm dòng giải thích càng thêm rắc rối). 3. Góp ý thêm bởi chúng tôi rất mong cuốn sách có chất lượng cao, nhưng góp ý nhiều e rằng hạn chế sức sáng tạo cả tác giả. Công trình này dẫu có nhiều người đóng góp nhưng nó là tác phẩm của cá nhân, phải mang dấu ấn cá nhân mới hay được, bởi vậy mọi ý kiến đều chỉ là để tham khảo. Ý nào hợp với mạch tư duy của tác giả có thể tiếp thu, trong quá trình triển khai tác phẩm cần trao đổi thêm điều gì chúng tôi sẵn sàng tham góp theo ý của mình.
PGS. Lê Văn Lan - Viện Sử học (19/08/2011)
1. Với bản “Đề cương chi tiết mới” - như nguyên văn lời “Thư mời” của Tổng giám đốc gửi cho - này, việc tổ chức làm sách đã tới hồi (chỉ còn là) “cuộc đua một ngựa”. Đỡ được nhiều khó khăn phức tạp về mặt tổ chức đồng thời thêm được sự dễ dàng cho việc xúm lại mà xây dựng một quyển sách thôi. 2. Nhưng khả năng lớn nhất (nếu không phải là duy nhất) mà bản “Đề cương chi tiết mới” này cung cấp (tạo điều kiện) cho sự thẩm định (đáng giá, góp ý) chỉ mới là: vấn đề cấu trúc của sách: a) Sách nên có 4 hoặc 5 phần (thay vì 5 chương như đang thấy) + 1 chương mở đầu + 1 chương kết luận. b) Nên chuyển các tiết (hoặc mục) trong từng chương của đề cương, thành các chương của 4 - 5 phần sách (đã được cấu tạo lại). c) Sắp xếp lại nội dung và bố cục của chương kết luận, cho rõ ra đây là những kết luận của sách. Còn những gì, ví như đang thấy nói ở đoạn b thì nên chọn ra, đưa (cài) vào các phần bên trên. d) “Chương III” của đề cương, nên hiểu lại thuật ngữ “thời Nguyễn”. Chỉ một bộ phận của “thời Nguyễn” (cụ thể: từ 1884 đến 1945) là trùng với “thời Pháp thuộc”. Và chỉ lúc này, trang phục mới chuyển sang chịu ảnh hưởng nhiều của phương Tây. Còn, từ 1802 – 1884, thì đây là “thời Nguyễn” không có nhiều ảnh hưởng phương Tây. Nên tách lịch sử gần 100 năm trang phục của cái “thời Nguyễn” này, thành 1 chương (chương cuối) và đưa lên phần II (tức “chương II” của đề cương). Nội dung của phần III (tức chương III của đề cương) cần nói (viết) cho kỹ, và đúng, về sự chuyển hoá lịch sử trang phục từ cổ truyền, sang trang phục “tân thời” và “Âu phục”. Chú ý những biến động (liên quan đến trang phục) của phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ 20) và phong trào “Vui vẻ trẻ trung” (những năm 30). 3. Điều quan trọng là bản “Đề cương chi tiết mới” này, không “đổi mới” được gì nhiều – về cả quan niệm lẫn phương pháp làm “đề cương chi tiết”- so với bản đề cương trước (mà tôi đã góp ý). Nó vẫn chỉ chủ yếu là những “gạch đầu dòng”, báo tin về những đề mục định viết thành sách, mà không cho biết nội dung của từng đề mục ấy, cụ thể là như thế nào. Chẳng hạn: tiết b của mục “Trang phục thời Lý” (trang 3), chỉ “gạch đầu dòng” để báo là sẽ viết về “Trang phục đàn bà”, “Trang phục đàn ông”… mà không cho biết những người đàn bà, đàn ông… ấy, ăn vận ra sao! Với một tình hình như thế này, không thể thẩm định (nhận xét, góp ý) điều gì cụ thể về nội dung được. Vì tác giả chỉ mới cho biết mình định nói cái gì mà chưa cho biết là cái đó định nói như thế nào. Mà, thẩm định chính yếu, thì đó là thẩm định “cái như thế nào” này. (Còn ở điều 2 bên trên, việc tác giả gạch đầu dòng để báo định hỏi “cái gì”, thì đã được chúng tôi góp ý về: những cái đó nên cấu trúc (bố cục) lại như thế nào rồi). Vậy nên, một lần nữa, kính đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội và Hội đồng khoa học (Ban chủ nhiệm dự án), cần cử Biên tập viên hoặc uỷ viên Hội đồng khoa học (?) một vài người có chuyên môn sâu về đề tài này, làm việc kỹ với tác giả về từng vấn đề cụ thể của “Đề cương chi tiết mới”, trước khi nó được viết, vẽ, thành bản thảo. Có như thế thì mới đỡ trầy trật ở khâu duyệt bản thảo, và rồi khi đem in (xuất bản) cũng bớt được sự ngầy ngà.
NNC. Nguyễn Vinh Phúc (19/08/2011)
1. Tôi tán thành việc Ban Dự án dành cho bà Đoàn Thị Tình một mình làm đề tài này. 2. Cũng đã được trao đổi với tác giả đôi lần về bố cục sách nên ở đây tôi tán thành đại bộ phận bố cục ghi trong đề cương. Chỉ có một chi tiết cần lưu ý tác giả: 3. Đó là chương V với nội dung “Một số trang phục đặc thù” có 8 mục thì 3 mục (4, 5, 6) là thời hiện đại. Còn mục 1 là nói cả truyền thống và hiện đại (trang phục lễ hội). Vậy còn mục 2, 3, 4 có nói thời cổ không? Chắc phải nói chứ. Vì trang phục lễ cưới, tang, tôn giáo thời xưa khác thời nay. Ngay trang phục cuối thế kỷ 19 cũng khác trang phục thời đầu thế kỷ 20 (chỉ nói trong phạm vi cưới, tang, tôn giáo). 4. Riêng trong chương IV với nội dung “Trang phục từ cách mạng tháng Tám đến nay”. Phần A nói về trang phục các tầng lớp nhân dân Hà Nội sau cách mạng rồi sau toàn quốc kháng chiến. Chia làm 2 là hợp lý và bao quát. Chỉ cần nhớ cả trang phục của lực lượng vũ trang (tự vệ thành, vệ quốc đoàn…) còn thời kỳ tạm chiếm thì cũng có nhiều đặc trưng. 5. Có 1 điều tôi băn khoăn, cũng đề xuất để tác giả ngẫm thêm: đã nói các thứ mũ, khăn, kiểu tóc thì nên thời nào cũng đề cập tới, cho sách được toàn diện. 6. Cuối cùng, tôi hoàn toàn tán thành đề cương này.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng (19/08/2011)
1. Đây là một đề tài quá khó vì phải tìm hiểu trang phục qua 1000 năm, vì ta còn quá ít tư liệu lịch sử, vì trang phục của các giai cấp, tầng lớp xã hội Việt Nam với những biến đổi không ngừng, và lại vì chỉ có một tác giả làm chủ đề tài. Với vài lý do đó, tôi e rằng, cần phải “giới hạn” lại đề tài, nếu không sẽ khó đạt yêu cầu. Không nên ôm quá nhiều với cái tên Trang phục Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm. 2. Đọc đề cương và dự kiến những phần chính, tôi thấy tác giả có nhiều cố gắng bao quát, song, có lẽ cái mạnh của tác giả chủ yếu là sưu tầm, hình ảnh, tư liệu… còn năng lực sâu về mặt lịch sử 1000 năm Thăng Long còn hạn chế. Do đó, phần nghiên cứu chắc sẽ phải tính đến khả năng thuyết phục khoa học của nó. 3. Tôi chưa thấy rõ ở đâu là dấu hiệu, là đặc trưng, là dấu ấn lịch sử xác định là “Trang phục Thăng Long - Hà Nội”, mà không khác là trang phục của các tầng lớp xã hội Việt Nam nói chung, đặc biệt khi nói về trang phục của người dân? Mặt khác, sự phân biệt giữa trang phục qua các thời kỳ…, nhất là thời kỳ đầu - thế kỷ X – thế kỷ XV… cũng chưa có những luận cứ có sức thuyết phục. 4. Để giải quyết những khó khăn khách quan trên, tôi đề nghị giảm bớt phần nghiên cứu, chọn lọc tư liệu, hình ảnh… để cố gắng giới thiệu bước đầu một số đặc điểm của trang phục Thăng Long – Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ (19/08/2011)
Ưu điểm: - Đề cương đã phác thảo được diện mạo trang phục Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ. - Đã cho thấy cơ sở, tiền đề trang phục Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình phát triển - Đề cương đã có ý tưởng trong sự nhận định khái quát, đặc điểm và trang phục của Thăng Long - Hà Nội qua từng thời kỳ sau khi đã trình bày cụ thể. - Tính lịch sử và logic đã được bảo đảm trong quá trình trình bày. Một số điểm cần lưu ý để hoàn thiện đề cương: - Cần chú ý tới sự so sánh trang phục Thăng Long - Hà Nội từng thời kỳ với trang phục tương ứng của các triều đại Trung Quốc. - Cần chú ý tới sự tiếp nối (kế thừa) và bước chuyển về trang phục ở từng thời kỳ. - Cần chú ý tới những trang phục đặc trưng, ấn tượng ở mỗi thời kỳ. - Cần đầu tư nhiều cho các trang phục đặc trưng, gây dấu ấn và những nhận định về đặc điểm trang phục Thăng Long – Hà Nội ở mỗi thời kỳ. - Cần chú ý thêm logic ở một số tiểu mục (ví dụ ở trang 5 đề cương). - Đây có lẽ là đề cương cuốn sách hơn là đề cương đề tài. (Quy trình làm đề cương đề tài chắc là phải làm khác hơn so với đề cương đã làm)
Ông Nguyễn Đình Nhã (19/08/2011)
1. Đây là một đề tài quá khó vì phải tìm hiểu trang phục qua 1000 năm, vì ta còn quá ít tư liệu lịch sử, vì trang phục của các giai cấp, tầng lớp xã hội Việt Nam với những biến đổi không ngừng, và lại vì chỉ có một tác giả làm chủ đề tài. Với vài lý do đó, tôi e rằng, cần phải “giới hạn” lại đề tài, nếu không sẽ khó đạt yêu cầu. Không nên ôm quá nhiều với cái tên Trang phục Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm. 2. Đọc đề cương và dự kiến những phần chính, tôi thấy tác giả có nhiều cố gắng bao quát, song, có lẽ cái mạnh của tác giả chủ yếu là sưu tầm, hình ảnh, tư liệu… còn năng lực sâu về mặt lịch sử 1000 năm Thăng Long còn hạn chế. Do đó, phần nghiên cứu chắc sẽ phải tính đến khả năng thuyết phục khoa học của nó. 3. Tôi chưa thấy rõ ở đâu là dấu hiệu, là đặc trưng, là dấu ấn lịch sử xác định là “Trang phục Thăng Long - Hà Nội”, mà không khác là trang phục của các tầng lớp xã hội Việt Nam nói chung, đặc biệt khi nói về trang phục của người dân? Mặt khác, sự phân biệt giữa trang phục qua các thời kỳ…, nhất là thời kỳ đầu - thế kỷ X – thế kỷ XV… cũng chưa có những luận cứ có sức thuyết phục. 4. Để giải quyết những khó khăn khách quan trên, tôi đề nghị giảm bớt phần nghiên cứu, chọn lọc tư liệu, hình ảnh… để cố gắng giới thiệu bước đầu một số đặc điểm của trang phục Thăng Long – Hà Nội.
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (19/08/2011)
Bản đề cương "Trang phục Thăng - Long Hà Nội, 1000 năm văn hiến" của TS. Đoàn Thị Tình là mộ bản đề cương có hàm lượng khoa học cao, và có tính thực tiễn, tính ứng ụng cao, cho phép chúng ta có thể hy vọng tác giả sẽ thực hiện một cuốn sách tốt. Tuy vậy nếu như cuối bản đề cương có danh mục những tài liệu tham khảo thì người thẩm định sẽ có cơ sở khoa học hơn để khẳng định chất lượng cũng như tính khoa học, tính khả thi bản đề cương. Góp ý: + Ở trang 1, nên đổi từ “Mặc” trong tiêu đề Bối cảnh - Môi trường – Tiền đề của văn hóa Mặc vùng Thăng Long cổ xưa thành từ “Trang phục”. + Ở trang 5 có lỗi về hình thức trình bày: dòng 5 và dòng 14 (trên xuống) đáng lẽ in chữ đậm thì lại in chữ thường: dòng 7 và dòng 15 (trên xuống) đáng lẽ in chữ thường thì lại in chữ đậm. Kết luận: Tôi tán thành và ủng hộ TS. Đoàn Thị Tình triển khai cuốn sách theo bản đề cương này. Đề nghị Hội đồng và Chủ đầu tư thông qua.
NNC. Nguyễn Vĩnh Phúc (29/03/2011)
Nếu không nhầm thì đây là lần thứ ba tôi được đọc tác phẩm và góp ý kiến. Mỗi lần, tác giả đều có tiếp thu và sửa chữa. Lần này, phần bổ sung của ông Chức thật hay, nâng hẳn chất lượng lên cao hơn. Thật ra đây là vấn đề "muôn thủa" và "vô tận" nên đề nghị Ban Dự án chấp nhận cho in thôi. Tất nhiên, bản thảo vẫn chưa hoàn chỉnh, vì còn thiếu hình vẽ. Nên đề nghị tác giả tiến hành công việc này vì không thể in chữ riêng và hình vẽ riêng mà phải in song hành. Tóm lại, tôi hoàn toàn tán thành việc ấn hành tác phẩm này, coi như một trong số các sản phẩm chào mừng 1000 năm.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy (20/05/2010)
Tôi nhận được bản thảo Trang phục Thăng Long - Hà Nội do TS. Đoàn Thị Tình chủ biên (trước đây chỉ có một tác giả nhưng nay chắc có thêm tác giả nên thành chủ biên). Bản thảo gồm 219 trang, trong đó 214 trang chính văn và 5 trang thư mục tham khảo (không kể danh mục trang phục). Không có ảnh, hình vẽ như một nội dung quan trọng của cuốn sách này. Tác giả đã rất công phu sưu tầm và tập hợp tài liệu về trang phục của Thăng Long - Hà Nội qua các thời đại. Một bức tranh chung, một cái nhìn tổng thể về trang phục của Thăng Long - Hà Nội đã được vẽ ra mà người ta nhận thấy sau khi đọc xong bản thảo. Tôi đánh giá cao những đóng góp của bản thảo này. Tuy nhiên, để hoàn thành bản thảo trước khi công bố, tôi thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để sửa chữa, nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu này. Hy vọng sách đến tay bạn đọc không còn những hạt sạn lớn nhỏ khác nhau. Vì thế dưới đây tôi tập trung chủ yếu góp những vấn đề bộc lộ những khiếm khuyết mà tôi cho rằng cần hoàn thiện. 1. Về kết cấu sách vẫn còn có vấn đề mặc dầu đã được góp ý nhiều lần. Ngoài phần mở đầu và kết luận, bảo thảo có 3 phần lớn(Phần 1: Thăng Long - Hà Nội thời trung đại; Phần 2: Trang phục Thăng Long - Hà Nội thời cận đại; Phần 2: Trang phục Thăng Long - Hà Nội thời hiện đại), trong mỗi phần lại có những chương mục riêng. Cơ cấu chung như vậy là hợp lý. Tuy nhiên trong mỗi phần lại có những vấn đề riêng. Chẳng hạn, đoạn mở đầu (trang 6-8) ở phần thứ nhất nên đưa lên phần mở đầu sách thì phù hợp hơn vì nó vấn đề chung của toàn bộ cuốn sách chứ không phải những vấn đề của riêng phần thời trung đại này. Cũng ở phần này, không nên có tiêu đề “Sơ lược diễn trình phát triển trang phục Tiền Thăng Long - Hà Nội” vì thực tế không có tư liệu cho thời kỳ này; phần trình bày ở mục này có thể giữ nguyên nhưng chỉ nên coi là một dẫn nhập để bắt phần trang phục về Trung đại. Ở phần thứ 2, cũng không cần tên tiểu mục: “Vài nét về Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn - Giai đoạn đầu Pháp thuộc”; hơn nữa tiểu mục này chỉ có 2 trang nên lồng luôn vào nội dung phần dẫn nhập của phần này như một bối cảnh để hiểu trang phục thời đó. Ở phần ba hay sau phần 3 lại có một phần hay một chương mà không rõ chức năng của nó, không liền mạch với cách trình bày trong toàn bộ cuốn sách . Đó là phần “Một số hàng dệt thủ công truyền thống trong trang phục Thăng Long - Hà Nội” (trang 194-211). Cần cân nhắc, suy nghĩ thêm về phần này. Cũng ở phần 3, tôi thấy nếu chia chương 1 làm 2 giai đoạn (1945-1946 và 1947-1954) có phần lắt nhắt, nhất là giai đoạn 1 chỉ có hơn một năm; đồng thời chương 2 lại chỉ chia 2 giai đoạn (1954-1975 và 1975 đến nay) thì lại không phù hợp, không thấy đựoc sự thay đổi có tính cách mạng của trang phục và thời đổi mới-1986/1990 đến nay. Chính 20 năm ở giai đoạn cuối cùng này trang phục Thăng Long - Hà Nội đã khởi sắc, đã thay đổi hẳn quan niệm thẩm mỹ và bộ mặt của mình. Trang phục thời Đổi mới cần trở thành một trang riêng, phân biệt hẳn với thời Bao cấp. Cho nên ở phần này tác giả khi phân tích, nhận định mà chỉ đánh dấu 2 mốc quan trọng ở thời hiện đại (mốc 1: Cách mạng tháng Tám, mốc 2: Thống nhất 1975) là chưa đủ. Cần bổ sung mốc thứ ba nữa, đó là thời đổi mới (tr. 245-247) 2. Cần sự chính xác về dữ kiện: - Tại sao lại lấy 2 mốc thời gian khác nhau: 1009 và 1010 mà không có sự giải thích khi viết “Trang phục thời Lý (1010 - 1225) và triều đại Lý (1009-1225) (tr. 13). - Tượng Lý Công Uẩn đựoc ghi chú là tạc vào thời Lê (tr.14) nhưng không nói thời điểm vì thời Lê dài đến 400 năm. - Cần ghi rõ sinh nhật Lý Thái Tông năm nào khi nói về cách ăn mặc trong ngày đó? (tr. 17) 3. Cần thẩm định và giải thích các dữ liệu lấy ra từ trong tư liệu lịch sử để tăng tính khoa học. Nhiều khi đưa ra dữ liệu nhưng người đọc khó hiểu hoặc không tin. - Chẳng hạn, “tơ tre”, “tơ chuối” (tr. 10), tơ dây sắn (tr. 17) là gì? Có thật có những loại tơ này không? Nó dùng thế nào? Dệt thế nào? Dùng đựoc bao lâu? - Hay nói Bà Triệu “đi guốc” (tr.10) ra trận thì cũng cần thẩm định lại cho chính xác, xem điều đó có phù hợp với thực tế trận mặc không; khái niệm “guốc” ở đây là thế nào, khó ai có thể tưởng tượng đựoc. - Hay dạy cách dệt của người Chăm qua “Bà chúa dệt Thụ La” (tr.13): bà ấy là ai? Sử sách hay truyền thuyết nói thế nào, thời kỳ nào tại sao? Thời đó gọi là ngừoi Chăm hay Chiêm Thành? - Áo “Đại cừu” (áo da bằng lông cừu non): cần thẩm định có thật đúng không? Lông cừu lúc đó nhập từ đâu và như thế nào? Dễ gây nghi ngờ về tính xác thực. - Viết: 9 phẩm cấp (tr. 13) và 9 bậc (tr. 19) mà không giải thích nội dung. - “Năm Hưng Long thứ 8, quan võ dùng kiểu mũ áo mới (tr.25) nhưng không có giải thích mới ở đây là gì. 4. Cần giải thích các thuật ngữ, khái niệm, nhất là Hán văn, Hán - Việt để người đọc, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ. Chẳng hạn tại sao gọi là “Quyến khố ty” (tr.13), đoạn là gì (cống 850 tấm đoạn, tr.14), Hy phục (tr.17), cổ giao lãnh, đâu mâu, tiến hiền, điêu thiền (tr.17), sương binh (tr.23), “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc (tr.38). 5. Các địa danh cổ cần chú thích hiện nay ở đâu, cho thấy mối liên hệ giữa quá khứ với hiện tại ở Hà Nội. - Địa danh phường Bích Câu, hồ Chu Tước (tr.17). 6. Bình luận không cần thiết: “Kẻ sử dụng nhầm trang phục giống vua là kẻ phạm tội khi quan phạm thượng. Trong sử sách chưa thấy nói đến sự kiện nhầm lẫn này…” (tr. 6). 7. Cần thận trọng khi đánh giá, bình luận: - “Hệ thống quan lại khá thống nhất từ trung ương đến địa phương” (tr.6), “các bộ võ phục khá hoàn chỉnh” (tr.20) người ta không hiểu thang đánh giá “Khá” là như thế nào ở hệ thống quan lại thời Lý Trần Lê hay bộ võ phục. - Hay khi đánh giá thời Ngô, Đinh, Tiền Lê về trang phục có viết “Nhìn chung, ít nhiều thấy có sự kế thừa hoặc sáng tạo về hình loại, kiểu cách, mầu sắc” (tr.12) nhưng trong bài chẳng thấy chỗ nào chứng minh về điều này - sự kế thừa, sáng tạo - cả; điều đó làm cho những kết luận này trở nên thừa, không có sức thuyết phục. - Nhiều khi quá đề cao tính dân tộc mà không có sự chứng minh, người đọc cảm thấy khiên cưỡng, gò ép. Chẳng hạn, đoan viết “Trang phục cung đình… đặc trưng văn hóa ở nước ta” (tr.14) khá lộn xộn nhưng điều quan trọng muốn nói là lại áp đặt, đưa ra tiền đề trước khi khẳng định: “nhưng chắc chắn họa tiết hoa văn trên trang phục, có những nét khác biệt với quan điểm riêng về thẩm mỹ và đặc trưng văn hóa của nước ta” (tr. 14). Nếu đọc kỹ về sau chúng ta cũng không thấy nói về những khác biệt này. - Thận trọng khi bình luận về “quan điểm mầu đỏ của dòng Phật A Di Đad Việt Nam (tr. 16). Có lẽ nên bỏ. - Viết: Lễ Tịch điền nhằm “khuyến khích nhân dân chăm lo phát triển cầy cấy” (tr. 17); có lẽ đó là nghi lễ tín ngưỡng cầu mong các vị thần linh phù hộ hơn là khuyến khích sản xuất như cách nói đương đại. - “Điều này biểu thị ý chí tự cường, tự lập của dân tộc” (tr. 19) khi nói vua không dùng vải vóc của nhà Tống, mà không giải thích lý do. - Bản sắc riêng của một nước tự chủ (tr. 20). - “Từ những tư liệu trên chúng tôi đoán định những hình thức trang phục của nhân dân như sau (3 trang miêu tả đoán định)…(tr.25) - “Chi tiết này còn cho ta biết thời đó có thể chưa có sự đồng nhất trong toàn quân” (tr. 35) - Công thức qua khi kết luận “Vẫn mang nhiều tính dân tộc” (tr.39) 8. Đặc biệt cần chú trọng trích dẫn đầy đủ; các dữ liệu đưa ra đều cần trích dẫn. - Chẳng hạn, nói thời Âu Lạc trang phục cài khuy bên trái, đã biết dùng tơ tre, tơ chuối (tr. 10) thì nguồn nào? Không có trích dẫn thì người ta không tin, ít sức thuyết phục. - Nói về y phục vua Lý thì cần trích dẫn lấy nguồn ở đâu (tr. 16 và sau này nữa) - Trần Nghĩa dịch ở đâu? (tr. 16), bài của Phan Cẩm Thượng (tr. 16) không rõ nguồn… - “Có nhà nghiên cứu nói rằng…(tr.24) nhưng không biết là ai, không trích dẫn; không hiểu có thật không. - Đây là một cuốn lịch sử nên vấn đề trích dẫn cần đúng chuẩn, không tùy tiện chỗ có chỗ không về năm xuất bản, nhà xuất bản và số trang. Thiếu sót này trang nào có chú thích thì cũng mắc phải, không lỗi này thì lỗi khác nên không đưa ra dẫn chứng cụ thể. 9. Một số lỗi về văn phong: - Trong một câu lặp đến 2 chữ “triều đại” (tr. 6); Câu chưa thành câu “Khi nước Âu Lạc dời đô từ miền núi xuống đồng bằng.” (tr. 10). - Hay chẳng cần nhấn mạnh “đặc biệt” làm gì khi viết “Và đặc biệt, Thăng Long - Hà nội, với sự ưu đãi của thiên nhiên, đã trở thành vùng đất trù phú…” (tr.12). - Hay câu “Mốc son chói lọi trong lịch sử…, đây là cơ sở vững chắc…” (tr.13) không ổn. Mốc son không thể là cơ sở vững chắc đựoc. - Viết “Mầu áo của Vua nước ta” như văn nói (tr16). - Câu không có chủ ngữ “Ngoài ra xuống chiếu cho quân dân không đựoc mặc áo kiểu người phương Bắc” (tr.37) - “Bên cạnh… Bên cạnh…” (tr. 39) 10. Một số lỗi về cách trình bày: - Đoạn đầu ở trang 12 trình bày nhận xét trước về giai đoạn phong kiến ổn định “Tuy nhiên, vào giai đoạn sau….” là không phù hợp vì chương này chỉ trình bày từ thời Tiền Lê trở lên thôi (tr.12). - Đoạn vua Lê Đại Hành mặc long cổn (tr. 16) đựoc trình bày ở thời Lý, sao không đưa về thời Tiền Lê? Lặp nữa. - Lặp 2 lần khi nói về xe có chạm 40 vị tiên trong cùng một trang (tr. 17). - Không hiểu lý do tại sao trang 19 tự nhiên lại trình bày biên niên vua thưởng vải vóc, trang phục, định chế… mà không trình bày theo vấn đề. - Trình bày như đề cương (tr. 35) với các gạch đầu dòng về quân hiệu được thích trên trán, tay, mình. - Trình bày vụng “Qua cuộc chiến tranh xâm lược… Hình thức trang phục của nhân dân dưới thời Trần cho đén này còn rất ít tài liệu để khảo cứu” (tr. 38). Trên đây là một số ý kiến góp để tác giả chỉnh sửa, mong có một cuốn sách đẹp, có nhiều giá trị sớm ra mắt chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS.NSND. Ngô Mạnh Lân (20/05/2010)
Đây là lần thứ 2 bản thảo "Trang phục Thăng Long - Hà Nội" của tác giả Đoàn Thị Tình được chỉnh sửa để nghiệm thu. So với bản thảo lần 1 với 4 phần - giai đoạn và trên 200 trang hình ảnh minh họa, thì lần này tác giả đã rút gọn lại, bớt phần I (tiền Thăng Long) đã giới thiệu ở phần Mở đầu, và toàn bộ văn bản là trên 230 trang (kể cả phần Phụ lục) cùng trên 450 hình minh họa... là việc làm hợp lý. Xin góp ý một vài điểm nhỏ: 1. Ở đoạn văn nào cần dẫn chứng nên cho mở ngoặc ghi số thứ tự hình minh họa. Ví dụ:... Áo trấn thủ (h.105)... 2. Về tiêu đề Trang phục các thời kỳ không nên để "Trang phục Thăng Long - Hà Nội thời trung đại" mà chỉ nên đề "Trang phục Thăng Long thời trung đại" (bỏ từ Hà Nội) vì về lịch sử lúc ấy (thế kỷ X - đầu thế kỷ XIX) chưa có tên "Hà Nội" mà là những tên khác. Đến thời cận đại và hiện đại thì nên dùng Thăng Long - Hà Nội. 3. Vài chi tiết nhỏ: a. Trang 15, dòng "So sánh về triều phục của vua nhà Tống ta thấy:", không rõ nghĩa. Nên sửa "Theo tư liệu Trung Quốc, triều phục vua nhà Tống được nêu như sau:"... b. Trang 179, giữa trang. Nên thêm tiêu đề tiểu mục này "Trang phục lễ hội". 4. Về kỹ thuật. Nên có sự phân biệt về chữ in hoa, in thường, nét đậm, nét thanh, cỡ chữ to, nhỏ... cho các tiêu đề của Phần thứ..., của đầu mục, các tiểu mục, các tiết ... giúp cho người đọc tiếp nhận được rõ ràng và chính xác hơn. Tóm lại vài điểm nhỏ nói trên mong được tác giả xem xét, chỉnh sửa. Còn về toàn bộ đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc ở một mức độ khoa học nhất định - đó là tài liệu quý cho các nhà sưu tầm - nghiên cứu và cho việc sáng tạo tác phẩm văn học - nghệ thuật hiện nay. Hy vọng đây là bản thảo cuối cùng được Hội đồng nghiệm thu để đưa vào sản xuất.
PGS. Lê Văn Lan - Viện Sử học (20/05/2010)
A - Phần chữ: 1- Cấu trúc: a- “Phần thứ nhất”, đầu đề nói rõ là “Trang phục Thăng Long thời Trung đại”, nhưng từ tr.8 đến tr.12, lại có đoạn “Sơ lược diễn trình phát triển trang phục tiền Thăng Long - Hà Nội”, với nội dung nhấn mạnh (in nghiêng) “trang phục Việt Nam đã có một lịch sử lâu đời” là điều ai cũng biết rồi và chẳng ăn nhập gì với Thăng Long - Hà Nội cả (như: hết nói về “Giao Chỉ”, lại “Bà Triệu”, rồi “Lê Đại Hành”, “Lê Ngọa Triều”…). Đến những trang giới thiệu hình ảnh (minh họa) cho đoạn này, thì lại thấy ghi cả hình xuất xứ từ “Việt Khê” (Hải Phòng) và “Đoạn thắt lưng bằng đồng” (gốc ở di tích làng Cả - Việt Trì?). * Nên bỏ mục này. b- “Phần thứ ba”, cũng ghi rõ ở đầu đề là “Trang phục Thăng Long - Hà Nội thời hiện đại”, nhưng từ tr.195 đến tr.211, lại ghép vào “thời hiện đại” này, mục “Một số hàng dệt thủ công truyền thống” nói về đủ các thời “từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII”, “từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII”…(!) lại còn 2 tập “bảng biểu” nữa, không đánh số trang, ghép hờ vào chỗ cuối phần chữ của bản thảo, không cho biết chúng chính thức nằm ở đâu trong cấu trúc sách. * Nên đưa những thứ này xuống cả phần phụ lục. 2- Lỗi kiến thức và trình bày: a- Các đoạn “tiểu kết” của các “phần”, cần có hình thức trình bày (tách ra) để báo rõ ràng đây là tiểu kết. “Phần thứ hai”, có đầu đề báo rõ: đây là “thời cận đại”. Nhưng “chương thứ nhất” của phần cận đại này, lại nói về thời Nguyễn mà từ sự phân kỳ lịch sử của khoa học đến nội dung như đã viết ở ruột chương, đều cho thấy: đây là (thuộc về) thời trung đại. b- Cần rà soát và chỉnh sửa các “hạt sạn” như: - Tr.5: viết “thời kỳ Hồ Quý Ly” nên sửa lại là “thời nhà (hoặc: triều) Hồ”, giống như ở cạnh đấy, đã viết: “thời nhà Nguyễn” (Vì trong 7 năm (1400 - 1407) cùng với/ và ngoài/ Hồ Quý Ly, còn có Hồ Hán Thương cũng làm vua cơ mà)! - Tr.8 và cả tr.89: viết: “Thăng Long được đổi thành tỉnh Hà Nội và Thăng Long là tỉnh Hà Nội” nên sửa lại là: “Thăng Long trở thành bộ phận của tỉnh Hà Nội”. (Vì “tỉnh Hà Nội” (thời Minh Mạng) gồm 4 phủ, trong đó Thăng Long trở thành chỉ 1 phủ (Hoài Đức) thôi). - Tr.147, viết “Comlê carvát”, nên: phiên âm lại thành “com-lê cà-vạt”, hoặc chuyển nguyên ngữ thành “complet cravats”. - Tr.131, viết “Lemor là bức tường”. Thật ra, là “cái tường” (để nhại chữ “cát” (trong Cát Tường) là tên ông họa sĩ). 3- Phần “Tư liệu tham khảo” cần làm lại cho đúng quy cách: xếp các tư liệu theo ngữ (ta, tây, tầu…), theo loại (sách kinh điển, sách nghiên cứu, luận văn…) hay theo thứ tự (vần chữ cái) tên (hay họ) tác giả… Và thống nhất, kê (viết) đủ những tiêu chí trình bày các (và từng) tư liệu, đặc biệt: cần nói rõ việc dùng nguyên bản hay bản dịch (như trường hợp số 12: ông Nguyễn Sỹ Giác là dịch giả Đại Nam Điển lệ Toát yếu, chứ không phải tác giả như cách viết thư mục cho thấy) và tư liệu đó được xuất bản (in) ở đâu, tránh các trường hợp viết ẩu (tắc trách) như ở số 46, 56… B- Phần hình: Người phản biện không nhận được phần này của sách, để có thể “tác nghiệp”. Tuy nhiên, chỉ đọc “Danh mục dự kiến các hình minh họa…” cũng đã thấy “có vấn đề” ở mục “thời Lý”, các hình số 8 - Tượng Lý Công Uẩn, số 14 - Công chúa thời Lý, số 25 - Tượng Từ Hoa công chúa…! Cần chua rõ: trang phục của các nhân vật thời Lý này, do các đời sau hình dung (tạo tác, gán cho) chứ không phải đây là trang phục của (ở) thời Lý. * NNC. Nguyễn Vinh Phúc Nếu không nhầm thì đây là lần thứ ba tôi được đọc tác phẩm và góp ý kiến. Mỗi lần, tác giả đều có tiếp thu và sửa chữa. Lần này, phần bổ sung của ông Chức thật hay, nâng hẳn chất lượng lên cao hơn. Thật ra đây là vấn đề "muôn thủa" và "vô tận" nên đề nghị Ban Dự án chấp nhận cho in thôi. Tất nhiên, bản thảo vẫn chưa hoàn chỉnh, vì còn thiếu hình vẽ. Nên đề nghị tác giả tiến hành công việc này vì không thể in chữ riêng và hình vẽ riêng mà phải in song hành. Tóm lại, tôi hoàn toàn tán thành việc ấn hành tác phẩm này, coi như một trong số các sản phẩm chào mừng 1000 năm.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)