Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách lịch sử
Thăng Long - Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm
Quân và dân Thăng Long - Hà Nội có truyền thống đấu tranh anh hùng, cùng quân dân cả nước viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử chiến đấu bảo vệ, giải phóng Thủ đô và đất nước.
Tác giả: PGS.TS Lê Đình Sỹ (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2009
Tổng số trang: 588 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 7 - Trung bình: 3.07) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

      Thủ đô Hà Nội đã trải qua 1000 năm xây dựng và chiến đấu. Do vai trò, vị trí của Thăng Long - Hà Nội rất quan trọng nên trong lịch sử nhân dân Thủ đô đã liên tục đứng lên chiến đấu chống xâm lược. Thăng Long - Hà Nội đã nhiều lần bị chìm đắm trong khói lửa chiến tranh, có nhiều lần kẻ thù đã đánh chiếm kinh thành… Nhưng quân và dân Thủ đô đã kiên trì, anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu và đều chiến thắng mọi kẻ thù. Những trang sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Hà Nội thật oanh liệt, đã để lại nhiều bài học có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thăng Long hiện nay.
      Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và tương đối đầy đủ về lịch sử chiến đấu bảo vệ và giải phóng Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm qua.
      + Ghi chép một cách hệ thống, đầy đủ những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của quân và dân Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ và giải phóng Kinh đô Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm lịch sử.
      + Rút ra những vấn đề có tính quy luật, những bài học lịch sử về xây dựng nền quốc phòng, tổ chức lãnh đạo kháng chiến, bảo vệ giải phóng thủ đô.
      + Góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Thủ đô, vận dụng các bài học lịch sử trong công cuộc xây dựng khu vực phóng thủ ở Hà Nội hiện nay.

Đây là tập sách hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với những người con của Thủ đô Hà Nội mà còn cả đối với cả dân tộc Việt Nam, và là món quà có ý nghĩa kỷ niệm Thăng Long nghìn năm văn hiến.

 
 
 
Sách cùng chuyên mục

Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tài (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
400 trang

Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.
GS. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
2009
292 trang

Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
296
16 x 24 cm

Vương triều Lý (1009 - 1226)

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
964 trang

Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý

Đây là cuốn sách có giá trị khoa học, giá trị nghiên cứu cao của GS. Hoàng Xuân Hãn đã được khẳng định qua thời gian. Bản thảo lần này được tái bản nguyên văn công trình nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn (xuất bản lần đầu năm 1949) có thêm Lời giới thiệu của GS. Phan Huy Lê về công trình này.
GS. Hoàng Xuân Hãn
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
380 tr
16x24cm
Ý kiến bạn đọc
PGS.TS. Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng (30/08/2011)
Đọc bản thảo “Thăng Long - Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm”, chúng tôi có một số ý kiến sau: 1. Đúng như tên công trình, bản thảo phản ánh đầy đủ, toàn diện với nhiều chương, mục sinh động, cảm động và sâu sắc về lịch sử chống ngoại xâm suốt 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội. Trong khi trình bày lịch sử chống xâm lược, tác giả chú ý đi sâu vào lĩnh vực hoạt động quân sự, đấu tranh vũ trang, gồm từ xây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng chiến, xây dựng hậu phương, động viên đồng bào cả nước (nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, quý tộc, bình dân…) đến việc chỉ đạo chiến tranh, giải quyết vấn đề cách đánh (nghệ thuật quân sự)… bản thảo cũng phản ánh rõ mức độ thắng lợi của kháng chiến phụ thuộc vào sự tiến bộ của triều đình, sự ủng hộ của nhân dân, tài năng và tinh thần của tướng sĩ… 2. Bản thảo đã miêu tả ngắn gọn, súc tích những chiến công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội trong thời Đại Việt và thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần tự lực, chủ động của Hà Nội được phản ánh đi đôi với sự hỗ trợ, phối hợp, hợp đồng của các địa phương bạn, nhất là các địa phương liền kề; tinh thần Thăng Long - Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thăng Long - Hà Nội cũng được nêu rõ như một quy luật trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chung. Những điểm đặc sắc và vai trò, ý nghĩa của cuộc kháng chiến ở Hà Nội cũng được tác giả chú ý phân tích, những bài học từ cuộc chiến đấu ở Hà Nội được nêu lên rất thuyết phục và có giá trị gợi mở tốt. 3. Trân trọng tôn vinh những chiến công của tổ tiên, các tác giả cũng giải trình, làm nổi bật sự kế thừa, sáng tạo, phát triển vượt bậc trong việc giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc thời đại Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của Hà Nội và cả nước. Với thuận lợi là chuyên gia về lịch sử cổ trung đại Việt Nam, lại từng đóng vai trò quan trọng trong nhiều công trình liên quan đến lịch sử Hà Nội, (như bộ Lịch sử quân sự Việt Nam; 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Những hoạt động quân sự tiêu biểu; Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến (đề tài cấp Nhà nước)…) nên chủ biên Lê Đình Sỹ cùng cộng sự đã có những trang bản thảo sáng tỏ, sâu sắc về Thăng Long - Hà Nội chống ngoại xâm. 4. Tuy vậy để bản thảo đạt chất lượng hơn nữa, chúng tôi xin gợi mở đôi điều để tác giả tham khảo, bổ sung và hiệu chỉnh. - Xử lý đôi chỗ về diễn đạt, tránh gây cảm giác hiện đại hóa lịch sử (các trang 114, 188; về chiến tranh nhân dân trong các lần chống Nguyên, Minh và Thanh). - Xử lý những điểm trùng với công trình do GS. Đinh Xuân Lâm chủ biên (Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX); việc này dường như thuộc NXB Hà Nội. Chương I công trình do GS. Đinh Xuân Lâm chủ biên (bối cảnh quốc tế - trong nước) và mục II trong chương VI công trình do PGS.TS. Lê Đình Sỹ chủ biên; các phong trào chống Pháp tiêu bỉểu của 2 công trình… - Khái quát, làm sáng tỏ hơn mục III, trang 257… một số bài học về chiến đấu… thời Tây Sơn, đặc biệt bài học 2 (Vận dụng nghệ thuật quân sự rất cao, tạo nên được một thế trận đánh giặc tài giỏi, chỉ trong 6 ngày diệt ta 29 vạn quân xâm lược ở Kinh đô và vùng phụ cận); tr.202 vận dụng tài thao lược, kiệt xuất của nghĩa quân… - Một số nội dung khác: Chỉnh sửa lại Mở đầu: xung quanh cách diễn đạt, trong đó nên nêu thỏa đáng vai trò Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám 1945. “Tổng khởi nghĩa nổ ra từ Hà Nội”? Tr.183, xem lại “vũ khí” của dân góp cho Tây Sơn. Tr.482 viết thế nào về thời điểm ra đời của Nghị quyết 15. Chương IX nêu đậm hơn phong trào ủng hộ miền Nam của Hà Nội… Mít tinh, biểu tình, tòng quân… Tr.488 (Mỹ) lấy cớ sự kiện Vịnh Bắc Bộ… Tr.501, trận Cầu Cần Lê diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ (?) - Kiểm tra lại theo tài liệu tổng kết chiến tranh, ngoài chiến thắng Plây Me (gần như) diệt một tiểu đoàn Mỹ, không thấy nhắc đến trận nào khác. Lỗi đánh máy và lỗi kỹ thuật nói chung còn nhiều, kể cả cách dẫn nguồn (tr.526, 532, 566…); lỗi diễn đạt. Kết luận: Ngoài lỗi kỹ thuật cần kiểm tra lại một số chi tiết, trong đó có việc xác định tính chất các cuộc kháng chiến ở Thăng Long – Hà Nội (ví như kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, không chỉ là chiến tranh giải phóng…) 5. Mặc dầu còn một số lỗi, chủ yếu là về kỹ thuật và diễn đạt, đây là bản thảo có chất lượng cao, đề nghị Hội đồng nghiệm thu, đề nghị Ban Dự án tạo điều kiện cho tác giả sửa chữa, để kịp in ấn phát hành phục vụ ngày Đại lễ của Thủ đô thân yêu.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật (30/08/2011)
1. Ưu điểm: Nội dung công trình trên đã bám sát yêu cầu và bố cục đã được thông qua. - Bố cục của công trình gồm 9 chương là hợp lý và cân đối. Mỗi chương nội dung đi sát từng thời kỳ của lịch sử Hà Nội và luôn gắn chặt với tiến trình của lịch sử Việt Nam. - Nguồn tài liệu phong phú, tin cậy; phương pháp nghiên cứu và trình bày khoa học. Văn phong nhìn chung sáng sủa, dễ hiểu. - Về nội dung: Công trình đã phục dựng quá trình đấu tranh chống ngoại xâm của Thăng Long - Hà Nội. Công trình đã làm rõ được vai trò và vị trí của Thăng Long - Hà Nội nhất là các địa danh, con người và sau này là vai trò của Đảng bộ Hà Nội trong việc tiến hành các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Thăng Long - Hà Nội với tư cách là Thủ đô của nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. 2. Những vấn đề trao đổi để hoàn chỉnh bản thảo 2.1. Văn phong thể hiện giữa các chương còn chưa được thống nhất, đề nghị chủ biên lưu ý biên tập lại. 2.2. Công trình còn nghiêng về trình bày lịch sử Thăng Long - Hà Nội, cần làm rõ hơn những mốc của “Trang vàng của lịch sử chống ngoại xâm của Thăng Long - Hà Nội”. 2.3. Cần lược bớt những nội dung xa với chủ đề của Thăng Long - Hà Nội. 2.4. Những trích dẫn cần chú thích nguồn tài liệu 3. Một số góp ý cụ thể: 3.1. Phần Lịch sử Cổ - Trung đại - Một số nội dung hơi xa với cương vực Thăng Long - Hà Nội cần điều chỉnh (tr.42 viết về khởi nghĩa Bà Triệu). - Một số từ dùng cần điều chỉnh cho phù hợp với văn phong sử học: tr.32: “tên Thái thú…”; tr.34 thay từ “nghỉ” bằng từ “đóng quân”, tr.45: “khí thế ngút ngàn”. - Tr.15: về cuộc kháng chiến chống Tần. Hiện nay có một số người cho rằng cuộc kháng chiến này không diễn ra trên lãnh thổ nước Văn Lang. Hơn nữa nếu có đưa vào thì kinh đô của nước Văn Lang thời đó liệu nhà Tần có đưa được quân đến không? - Tr.17: tác giả nhận định: “Sự ra đời của nước Âu Lạc là kết quả của cuộc kháng chiến bền bỉ của ông cha ta chống quân xâm lược” là chưa chính xác. - Tr.23: về nội dung đường tiến quân và các vị trí đóng quân của Triệu Đà nên đưa nội dung các đường tiến quân, sau đó là các vị trí đóng quân. - Tr.24: đã xuất hiện những loại vũ khí mới là loại vũ khí nào? - Tr.35: chuyển câu “giữa hai dãy núi…” thành “Kinh đô… Mê Linh đóng giữa…”. - Tr.43: nên chú ý các quận thời đó nay thuộc vùng đất nào? - Tr.47, 48: Lý Phục Man và Phạm Tu, nếu là một người thì tác giả cần thống nhất khi trình bày. - Tr.49: Cần làm rõ thêm các mục từ Lý Nam Đế đến Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử; 27 vạn hay khoảng 10 vạn? - Tr.53: khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra năm 714 chứ không phải là năm 722. - Tr.56: nên thêm từ “của Ngô Quyền” vào sau từ “chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại”. - Tr.58: không nên dùng từ “dòng họ Lê” mà là “nhà Tiền Lê do Lê Long Đĩnh ngày càng…”. - Tr.59: chỉnh lại nguyên nhân dời đô của Lý Thái Tổ. - Tr.64: tên gọi các vòng thành ngoài tên đã đặt thì khi làm cụ thể hơn, nếu theo vị trí hoặc thứ tự thì cũng nên thống nhất. - Tr.78: nhà Tống hay triều Tống nên dùng khái niệm thống nhất. - Tr.79: “Đại quân Lý” nên thêm từ “nhà” - Tr.80: Chế Củ xin cắt đất 3 châu cho nhà Lý chứ không phải là “nhường”. - Tr.81: Có thật “dân Tống … khao mừng Lý Thường Kiệt khi ông đem quân đánh Khâm Châu, Liêm Châu…” không? - Tr.93: đã có nhiều ý kiến không nên coi Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ này. - Tr.106: Sau nội dung “Cấm quân” nên trình bày về “Sương quân”. - Tr.126: “Hàm Tử” chứ không phải là “Hàn Tử” - Tr.139: việc so sánh tư tưởng rút lui chiến lược của nhà Trần và của tướng Cutudốp chưa thật rõ. - Tr.158: địa điểm Lỗi Giang mà nhà Hồ tổ chức chiến đấu chống quân Minh không thuộc địa phận huyện Cẩm Thủy mà là khu vực sông Mã giáp hai huyện Vĩnh Lộc và Hà Trung hiện nay. - Tr.165: cuộc khởi nghĩa chống Minh do Lê Lợi lãnh đạo không phải “cho đến những năm 20 mới nhen nhóm” mà có ít nhất trước năm 1418. - Tr.205: Cần phân định rõ Đông Đô và Đông Kinh. 3.2. Phần Lịch sử Cận - Hiện đại Phần này nội dung các chương nghiêng về trình bày lịch sử kháng chiến của Hà Nội. Một số sự kiện xa với đối tượng nghiên cứu là chống giặc ngoại xâm của Thăng Long - Hà Nội. Cụ thể: * Chương VI và chương VII: - Tr.265: Trấn thành khác “Thành”. - Tr.265 và 267: Gia Long cho xây thành mới năm 1803 hay 1805? - Tr.273, 275… cần lược bớt những nội dung xa chủ đề Thăng Long - Hà Nội. - Tr.290: ngày 15/3/1874(Giáp Tuất), nếu đã đối chiếu ngày dương lịch sang âm lịch nên đối chiếu đầy đủ hơn. * Chương VIII: - Văn phong phần này nhiều chỗ còn lủng củng (mục I nhất là các tr.398, 399, 400…). - Tr.411: xem lại số liệu “13.000 kiều Pháp tự sắm trang bị…”. - Tr.424: trước đây ta nhầm Cảm tử quân số 1 của Hà Nội là Lê Gia Định. Hiện nay đã đính chính lại là Lê Gia Đỉnh. - Nên sử dụng các tài liệu mới được xuất bản để chất lượng khoa học cao hơn (văn kiện Đảng). * Chương IX: - Trình bày nặng về lịch sử Hà Nội. - Đối tượng nghiên cứu là chống ngoại xâm, do vậy nên lược bớt phần viết về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chỉ nêu vấn đề này làm cơ sở cho nội dung chính của cuốn sách. - Giảm bớt số lượng trang viết về những vấn đề chung của cả nước. * Phần kết luận: - Tr.573, xem lại nhận định: Hà Nội có “10 cuộc chiến tranh trong đó có 9 cuộc chiến tranh giữ nước, 1 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”. Vậy các cuộc đấu tranh và cách mạng từ 1884 đến 1945 và nhất là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ 1930 đến 1945 là chiến tranh giữ nước hay chiến tranh giải phóng dân tộc? Ngoài ra trong các chương lỗi kỹ thuật còn khá nhiều. 4. Kết luận: - Công trình được nghiên cứu công phu, khoa học, có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Nhà xuất bản và của Hội đồng. - Các tác giả cần chỉnh sửa theo góp ý của phản biện để hoàn chỉnh bản thảo trước khi xuất bản.
PGS. Bùi Đình Thanh (30/08/2011)
1. Một đề tài nghiên cứu về những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội là cần thiết và xứng đáng được đặt ra nhân dịp kỷ niệm 1000 năm thành lập Thủ đô và trong tổng thể đề tài nghiên cứu, biên soạn “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với đề tài này là ở chỗ: không phải chỉ là “cộng sổ” những điều đã được viết trước đây về cuộc chiến đấu chống ngoại xâm ở các thời kỳ lịch sử khác nhau mà là nâng việc nghiên cứu lên một trình độ cao hơn cả về nội dung và phong cách thể hiện. Điều các tác giả đề ra ở trang 4 “sẽ đi sâu nghiên cứu toàn diện tiến trình lịch sử, từ đó rút ra những vấn đề có tính quy luật” là một thách thức không nhỏ đối với công trình khi thực hiện. 2. Cần làm rõ những đặc điểm của từng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để qua đó cho thấy tính đa dạng, phong phú của lịch sử và tính sáng tạo trong các hình thức đấu tranh của cha ông ta. 3. Trong nghiên cứu, không chỉ nói kỹ về phía ta mà cần phân tích cả phái địch (âm mưu, chính sách, chiến lược, chiến thuật, lực lượng, tổ chức chiến dịch, chỉ huy…) qua đó giúp cho người đọc thấy được tính chất gay go quyết liệt trong cuộc đấu sức, đấu trí, bản lĩnh của dân tộc. 4. Để giảm bớt sự khô khan trong trình bày nội dung nghiên cứu, nên kết hợp với văn học (sử là văn theo lời của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng) bằng cách đưa vào công trình nghiên cứu những áng văn, thơ tiêu biểu và tất nhiên là không thể thiếu hình tượng những nhân vật thể hiện nổi bật lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh cao cả vì đại nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc. 5. Dự kiến số trang công trình nghiên cứu là 700 (khổ sách 16 x 24cm), theo tôi, chỉ nên nhiều nhất là 500 trang. Như thế, nội dung sẽ cô đúc hơn, bớt dàn trải, tập trung vào những nội dung chính, những ý kiến quan trọng.
PGS.TS. Vũ Văn Quân (30/08/2011)
1. Trước hết có thể khẳng định đây là một trong số những đề tài có thể viết hay trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đọc qua bản thảo người đọc đã phần nào thoả mãn, bởi toàn bộ lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong kháng chiến chống ngoại xâm, với cả những trang hào hùng, với cả những trang bi thương, đã được các tác giả tái hiện tương đối sinh động, hấp dẫn. 2. Cấu trúc sách thành chín chương bám theo tiến trình lịch sử Thủ đô và lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc là hợp lý. Trong từng chương, cách trình bày truyền thống (với các nội dung: hoàn cảnh, diễn biến chiến trận, ý nghĩa và bài học lịch sử) đảm bảo được tính toàn diện vấn đề trình bày. 3. Sách là một tổng hợp các kết quả nghiên cứu về lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc nói chung, của Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Nhìn chung các tác giả đã làm khá tốt nhiệm vụ này. 4. Một số đề nghị với chủ biên và các tác giả: - Cần điều chỉnh cơ cấu các nội dung (của ba phần như trên đã nói: hoàn cảnh, diễn biến, ý nghĩa và bài học) giữa các chương. Theo đó, cần phải có một tỷ lệ hợp lý, vì thực tế có chương phần hoàn cảnh quá dài (như chương về kháng chiến chống Tống - chiếm tới quá một nửa dung lượng), lại có nhiều chương quá ngắn chỉ một hai trang - quá sơ sài, có cảm giác viết cho đủ theo đề cương. - Việc sau mỗi chương đều có phần ý nghĩa và bài học lịch sử tạo cảm giác nặng nề và trùng lặp. Mỗi chương vài ý nghĩa, dăm bẩy bài học kinh nghiệm, lại cộng với phần Kết luận cũng thế, thành ra có đến vài chục ý nghĩa, vài chục kinh nghiệm. Đành rằng mỗi cuộc kháng chiến đều có nét riêng, nhưng cũng có nhiều điểm chung, nên sự trùng lặp là không tránh khỏi. Nên chăng để gộp lại vào phần Kết luận, nâng cấp phần này thành một chương riêng thì hay hơn nhiều. - Trên đã nói, sách này có thể coi là sự tổng kết các thành tựu nghiên cứu, của giới và của chính các tác giả - những chuyên gia hàng đầu về lịch sử quân sự Việt Nam. Tuy nhiên, đôi chỗ tính cập nhật chưa cao, nhất là ở các phần viết về bối cảnh, nhiều chỗ vẫn dựa vào tài liệu cũ. - Cuối cùng, các tác giả và chủ biên cần một lần nữa đọc lại bản thảo để chỉnh sửa các chi tiết cho chuẩn xác hơn.
PGS. Bùi Đình Thanh (30/08/2011)
1. Một đề tài nghiên cứu về những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội là cần thiết và xứng đáng được đặt ra nhân dịp kỷ niệm 1000 năm thành lập Thủ đô và trong tổng thể đề tài nghiên cứu, biên soạn “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất đối với đề tài này là ở chỗ: không phải chỉ là “cộng sổ” những điều đã được viết trước đây về cuộc chiến đấu chống ngoại xâm ở các thời kỳ lịch sử khác nhau mà là nâng việc nghiên cứu lên một trình độ cao hơn cả về nội dung và phong cách thể hiện. Điều các tác giả đề ra ở trang 4 “sẽ đi sâu nghiên cứu toàn diện tiến trình lịch sử, từ đó rút ra những vấn đề có tính quy luật” là một thách thức không nhỏ đối với công trình khi thực hiện. 2. Cần làm rõ những đặc điểm của từng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để qua đó cho thấy tính đa dạng, phong phú của lịch sử và tính sáng tạo trong các hình thức đấu tranh của cha ông ta. 3. Trong nghiên cứu, không chỉ nói kỹ về phía ta mà cần phân tích cả phái địch (âm mưu, chính sách, chiến lược, chiến thuật, lực lượng, tổ chức chiến dịch, chỉ huy…) qua đó giúp cho người đọc thấy được tính chất gay go quyết liệt trong cuộc đấu sức, đấu trí, bản lĩnh của dân tộc. 4. Để giảm bớt sự khô khan trong trình bày nội dung nghiên cứu, nên kết hợp với văn học (sử là văn theo lời của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng) bằng cách đưa vào công trình nghiên cứu những áng văn, thơ tiêu biểu và tất nhiên là không thể thiếu hình tượng những nhân vật thể hiện nổi bật lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh cao cả vì đại nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc. 5. Dự kiến số trang công trình nghiên cứu là 700 (khổ sách 16 x 24cm), theo tôi, chỉ nên nhiều nhất là 500 trang. Như thế, nội dung sẽ cô đúc hơn, bớt dàn trải, tập trung vào những nội dung chính, những ý kiến quan trọng.
PGS.TS Vũ Văn Quân (30/08/2011)
1. Trước hết có thể khẳng định đây là một trong số những đề tài có thể viết hay trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đọc qua bản thảo người đọc đã phần nào thoả mãn, bởi toàn bộ lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong kháng chiến chống ngoại xâm, với cả những trang hào hùng, với cả những trang bi thương, đã được các tác giả tái hiện tương đối sinh động, hấp dẫn. 2. Cấu trúc sách thành chín chương bám theo tiến trình lịch sử Thủ đô và lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc là hợp lý. Trong từng chương, cách trình bày truyền thống (với các nội dung: hoàn cảnh, diễn biến chiến trận, ý nghĩa và bài học lịch sử) đảm bảo được tính toàn diện vấn đề trình bày. 3. Sách là một tổng hợp các kết quả nghiên cứu về lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc nói chung, của Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Nhìn chung các tác giả đã làm khá tốt nhiệm vụ này. 4. Một số đề nghị với chủ biên và các tác giả: - Cần điều chỉnh cơ cấu các nội dung (của ba phần như trên đã nói: hoàn cảnh, diễn biến, ý nghĩa và bài học) giữa các chương. Theo đó, cần phải có một tỷ lệ hợp lý, vì thực tế có chương phần hoàn cảnh quá dài (như chương về kháng chiến chống Tống - chiếm tới quá một nửa dung lượng), lại có nhiều chương quá ngắn chỉ một hai trang - quá sơ sài, có cảm giác viết cho đủ theo đề cương. - Việc sau mỗi chương đều có phần ý nghĩa và bài học lịch sử tạo cảm giác nặng nề và trùng lặp. Mỗi chương vài ý nghĩa, dăm bẩy bài học kinh nghiệm, lại cộng với phần Kết luận cũng thế, thành ra có đến vài chục ý nghĩa, vài chục kinh nghiệm. Đành rằng mỗi cuộc kháng chiến đều có nét riêng, nhưng cũng có nhiều điểm chung, nên sự trùng lặp là không tránh khỏi. Nên chăng để gộp lại vào phần Kết luận, nâng cấp phần này thành một chương riêng thì hay hơn nhiều. - Trên đã nói, sách này có thể coi là sự tổng kết các thành tựu nghiên cứu, của giới và của chính các tác giả - những chuyên gia hàng đầu về lịch sử quân sự Việt Nam. Tuy nhiên, đôi chỗ tính cập nhật chưa cao, nhất là ở các phần viết về bối cảnh, nhiều chỗ vẫn dựa vào tài liệu cũ. - Cuối cùng, các tác giả và chủ biên cần một lần nữa đọc lại bản thảo để chỉnh sửa các chi tiết cho chuẩn xác hơn.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)