Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Sách lịch sử
Lịch sử chính quyền Thành phố Hà Nội (1945 - 2005)
Cuốn sách trình bày một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề về chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến nay, bao gồm cả việc tổ chức bộ máy và hoạt động, đồng thời nhấn mạnh đến các yếu tố đặc thù của địa phương Hà Nội.
Tác giả: TS. Đoàn Minh Huấn, TS. Nguyễn Ngọc Hà (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hà Nội
Năm xuất bản: 2009
Tổng số trang: 312 trang
Kích thước:
Bình chọn:
(Tổng số: 5 - Trung bình: 1.40) Mời đọc một chương sách hay
Giới thiệu về sách:

       Cuốn sách trình bày một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề về chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến nay, bao gồm cả việc tổ chức bộ máy và hoạt động, đồng thời nhấn mạnh đến các yếu tố đặc thù của địa phương Hà Nội. Cụ thể:
      + Sưu tầm, hệ thống hoá các tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển của chính quyền thành phố Hà Nội.
      + Tái hiện quá trình hình thành, vận động và phát triển của chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến 2006.
      + Tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm về quản lý và phát triển của chính quyền thành phố Hà Nội ở từng chặng đường lịch sử.
       Về mặt khoa học: Hệ thống hoá các tư liệu về lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến nay. Trên cơ sở tài liệu – sự kiện và phương pháp tiếp cận hợp lý sẽ cho phép rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị khoa học, khắc phục những cách nhìn phiến diện về lcịh sử chính quyền thành phố vẫn ngự trị phổ biến trong nghiên cứu hiện nay.
       Về mặt thực tiễn: Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội và đúc rút các bài học kinh nghiệm hữu dụng, đề tài sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc nâng cao công tác quản lý đô thị, cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong tình hình hiện nay - những việc làm thiết thực để tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
       Đối tượng phục vụ:
      + Tổ chức Đảng và chính quyền của thành phố Hà Nội.
      + Cán bộ, công chức đang công tác trong cơ quan của Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội.

 
Sách cùng chuyên mục

Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý

Đây là cuốn sách có giá trị khoa học, giá trị nghiên cứu cao của GS. Hoàng Xuân Hãn đã được khẳng định qua thời gian. Bản thảo lần này được tái bản nguyên văn công trình nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn (xuất bản lần đầu năm 1949) có thêm Lời giới thiệu của GS. Phan Huy Lê về công trình này.
GS. Hoàng Xuân Hãn
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
380 tr
16x24cm

Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Là bộ sách đầu tiên về lịch sử Thăng Long - Hà Nội viết dưới dạng biên niên, không chỉ là công cụ tra cứu rất hữu dụng cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về từng vấn đề (như chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, quân sự, ngoại giao ...) hay từng giai đoạn lịch sử, mà còn là một “cẩm nang” đầy đủ nhất về Thăng Long - Hà Nội cho đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước muốn tìm hiểu một cách chính xác, cụ thể từng sự kiện đã xảy ra trên mảnh đất anh hùng và văn hiến này.
PGS. Phạm Xuân Hằng, PGS.TS. Phan Phương Thảo (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản Hà Nội
1256 trang

Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.
Nguyễn Văn Uẩn
Nhà xuất bản Hà Nội
2010
2128 trang
16 x 24 cm

Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội

Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09
PGS.TS. Phạm Xuân Hằng (Chủ biên)
Nhà Xuất bản Hà Nội
524 trang

Hà Nội thời tiền Thăng Long

Đề tài nghiên cứu tiến trình lịch sử khu vực Hà Nội từ khi phát hiện dấu tích con người đầu tiên (khoảng 50.000 năm cách ngày nay cho đến khi vùng đất này được chọn làm kinh đô Thăng Long của nhà Lý). Những tư liệu khảo cổ học và cổ sử được tập hợp và phân tích một cách khoa học nhằm tìm hiểu và giải thích bản chất “kinh kỳ” mang tính tất yếu và tự nhiên của vùng đất này trong tiến trình lịch sử dân tộc.
TS. Nguyễn Văn Việt
Nhà Xuất bản Hà Nội
2010
1080
16x24cm
Ý kiến bạn đọc
PGS.TS. Vũ Văn Quân (22/08/2011)
Trong cơ cấu mảng sách Lịch sử thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, sách “Lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội (1945-2005)” mang ý nghĩa “chuyên sâu” nhằm tập trung nhấn mạnh về một vấn đề quan trọng, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng của lịch sử Thăng Long - Hà Nội bên cạnh sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” có ý nghĩa thông sử do Giáo sư Phan Huy Lê làm chủ biên. Đọc bản thảo sách “Lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội (1945-2005)” có thể thấy một số ưu điểm nổi bật: 1. Về cấu trúc sách, việc phân bố thành các chương như trong bản thảo là hợp lý (gồm 5 chương, bám sát theo tiến trình lịch sử với những sự kiện đặc biệt quan trọng của đất nước, của Thủ đô có ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố). 2. Về nội dung, các tác giả đã trình bày một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề về chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến nay, bao gồm cả việc tổ chức bộ máy và hoạt động, đồng thời nhấn mạnh đến các yếu tố đặc thù của địa phương Hà Nội. Đó là một ưu điểm nổi bật là bản thảo này. Chúng ta biết, đặc điểm có tính chất đặc thù của Thăng Long - Hà Nội là vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của địa phương này, đồng thời là một thành phố trực thuộc Trung ương nên về chính quyền và hoạt động của nó cũng phải có những đặc thù. Các tác giả đã nhận ra được điểm này nên trong khi vẫn phản cơ bản và toàn diện vấn đề thì tập trung đi sâu vào phân tích những đặc thù trong tổ chức chính quyền thành phố ở một số giai đoạn, đi sâu vào nhiệm vụ quản lý và phát triển thành phố, đặc biệt là quản lý và phát triển đô thị. 3. Phần Kết luận viết khá hay xuất phát từ thực tiễn lịch sử chính quyền thành phố và đất nước hơn sáu mươi năm qua, từ xu thế phát triển của thành phố và đất nước trong thời gian tới đặt trong mối quan hệ quốc tế và khu vực, từ vai trò của Hà Nội với tư cách địa phương đóng vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước. Những bài học rút ra có thể coi là những luận điểm quan trọng về tổ chức bộ máy và quản lý của chính quyền thành phố Hà Nội. Để hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản, tôi đề nghị các tác giả lưu ý một số điểm sau đây: 1. Bản thảo còn thiếu phần Mở đầu, phần Thư mục tài liệu tham khảo cần được bổ sung. 2. Phần Phụ lục ảnh chỉ nên chọn một số gương mặt thật tiêu biểu trong số các lãnh đạo chính quyền Hà Nội từ 1945 đến nay, tốt nhất là nên chọn những trường hợp đã khuất; nên bỏ danh sách Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân qua các thời kỳ mà thay bằng việc lựa chọn một số văn bản quan trọng của Trung ương và Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, quản lý và phát triển Thủ đô. 3. Nên điều chỉnh lại tên một số mục và tiểu mục theo hướng danh từ hoá, tránh thể hiện tính biểu cảm. Chẳng hạn như rất thường gặp là các tiểu mục chính quyền “chỉ đạo” việc này, “chỉ đạo” việc kia. Chính quyền là cơ quan hành pháp, lại đặt trong thể chế Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện nên nên thay từ “chỉ đạo” thành từ “thực hiện” thì có lẽ đúng hơn. 4. Trong khi trình bày về tổ chức và hoạt động của chính quyền cần thể hiện rõ hơn nữa về sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, về Hội đồng nhân dân thành phố, về sự phối hợp giữa chính với các tổ chức khác trong nhiệm vụ quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội. 5. Phần trình bày về cơ cấu tổ chức chính quyền, nhất là nhân sự có phần rườm rà (đặc biệt là gần đây), nên thu gọn lại và chỉ nên giới thiệu một cách sơ lược. 6. Cuối cùng, có cảm giác chưa thật “đều tay” giữa các phần viết. Các chương đầu và Kết luận viết hay hơn về sau. Đề nghị chủ biên đọc kỹ và chỉnh lý lại. Kết luận: Đây là một bản thảo có chất lượng khá tốt. Chủ biên và tập thể tác giả chỉnh sửa kỹ càng theo góp ý của Hội đồng trước khi nghiệm thu chính thức.
PGS. Bùi Đình Thanh - Viện Sử học (22/08/2011)
1. Lịch sử hiện đại Việt Nam mở đầu với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay mới chỉ có 63 tuổi đời, nhưng có thể nói đây là một thời kì lịch sử có những chương nổi bật nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Những chương sử đó không chỉ ghi lại những chiến công hiển hách của dân tộc ta, “một nước nhỏ đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” (Lời Hồ Chủ Tịch) mà còn chứng tỏ năng lực sáng tạo, xây dựng một Nhà nước, một chính quyền của dân, do dân, vì dân không ngừng phát triển. Trong một thời gian dài, chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử quân sự, lịch sử kháng chiến. Nay cần quan tâm nghiên cứu lịch sử một cách toàn diện hơn, trong đó lịch sử Nhà nước, chính quyền, pháp quyền đang có một vị trí xứng đáng. Công trình biên soạn này là một đóng góp cho sự bổ sung cần thiết đó. 2. Công trình biên soạn gồm 5 chương, với sự phân kì phù hợp với lôgíc phân kì lịch sử hiện đại Việt Nam. Số trang của từng chương nhìn chung phù hợp với nội dung từng giai đoạn phân kì lịch sử. 3. Các tác giả của công trình biên soạn đã dựa trên bối cảnh lịch sử của từng thời kì để trình bày quá trình hình thành và phát triển của bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội, từ những hình thái thô sơ buổi ban đầu đến những cơ cấu tương đối hoàn thiện như hiện nay. 4. Về phương pháp, công trình chú trọng sử dụng phương pháp miêu tả cụ thể, chi tiết cơ cấu, chức năng của bộ máy chính quyền, có điểm xuyết một số nhận xét, đánh giá tác dụng, hiệu quả của bộ máy chính quyền khi cần thiết. Để giúp công trình biên soạn được nâng cao chất lượng và hoàn thiện hơn, xin góp một số ý kiến sau đây: 1. Về nội dung, cần có sự cân đối khi trình bày các bộ phận hợp thành bộ máy chính quyền - trong khi cơ cấu nhân sự của bộ máy hành chính được trình bày cụ thể, chi tiết thì các mặt khác (quân sự, chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hoá…) lại tương đối đơn giản, thậm chí có phần sơ lược. Chương V có số trang nhiều nhất (63 trang) thì phần hành chính chiếm đến 34 trang, tức là hơn 50%. Các chương khác cũng tương tự. 2. Cần phân tích những nét đặc trưng nổi bật của Hà Nội ví như phong trào Đời sống mới ra đời sau Cách mạng tháng Tám. 3. Nếu có thể, nên phân tích những thuận lợi, khó khăn của chính quyền Hà Nội khi cùng hoạt động với bộ máy chính quyền đầu não của cả nước và trong sự so sánh với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. 4. Đối với những sự kiện lịch sử nổi bật (giải quyết nạn đói, tuần lễ vàng, các trận chiến đấu oanh liệt thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ) cần nêu tên những nhân vật tiêu biểu. 5. Kết hợp sử và văn trong chừng mực có thể để giảm bớt tính khô khan của công trình biên soạn. Nên sử dụng các bài của các nhà văn viết về các sự kiện có liên quan đến Hà Nội, ví như bài của Nguyễn Tuân “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” về trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972. 6. Chương V rất quan trọng vì có những vấn đề lớn và quan trọng trực tiếp liên quan đến chính quyền Hà Nội như chống quan liêu, lãng phí, tham ô, cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng không thấy đề cập đến trong công trình. 7. Nên chọn một câu nói tiêu biểu cho tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền Hà Nội qua những lần Người tiếp xúc với dân và cán bộ lãnh đạo để đặt trên trang đầu công trình biên soạn. 8. Đọc lại kĩ bản thảo để sửa chữa những sai sót về số liệu, tên đất, tên người, trau dồi văn phong trong sáng. Tôi đã mạn phép sửa một số chỗ trong bản thảo hoặc gợi ý các tác giả sửa.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật (22/08/2011)
. Ưu điểm 1.1. Đến nay, viết về Hà Nội đã có khá nhiều công trình được công bố, trong đó có công trình mang tính tổng thể như Lịch sử Đảng bộ Thành phố đầy đặn và tương đối có hệ thống. Tuy vậy, viết riêng về lịch sử chính quyền Thành phố thì có thể khẳng định rằng đây là đề tài mới, phục vụ thiết thực cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là đề tài không dễ thực hiện, bởi vì hoạt động của chính quyền liên quan chặt chẽ và dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, do vậy nếu viết không khéo sẽ dễ bị lẫn với lịch sử Đảng bộ Thành phố. Qua công trình có thể khẳng định một điều rằng, các tác giả đã thực hiện khá thành công cuốn sách này dưới góc độ chính quyền, mà không bị lẫn với hoạt động của Đảng bộ. 1.2. Để thực hiện công trình, các tác giả đã tham khảo khá nhiều và tương đối đầy đủ các tài liệu, nhất là tài liệu lưu trữ về tổ chức và hoạt động của chính quyền Hà Nội. 1.3. Phương pháp nghiên cứu và biên soạn khoa học, văn phong sáng rõ. 1.4. Công trình được kết cấu hợp lý với 5 chương tương ứng với 5 thời kỳ cách mạng của Thành phố và đất nước. 1.5. Công trình đã nêu bật được tổ chức bộ máy, nhân sự, hoạt động của chính quyền Hà Nội qua các thời kỳ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Trung ương cũng như nhân dân giao phó. 2. Một số góp ý 2.1. Cùng với việc nêu lên hoạt động, thành tựu của chính quyền Thành phố, trong chừng mực nhất định, tác giả nên nêu những hạn chế của hệ thống chính quyền trên các mặt tổ chức, quản lý, điều hành. Nếu chỉ trình bày một chiều, công trình sẽ không khách quan và thiếu hấp dẫn. 2.2. Trong nội dung, nhất là phần tổ chức bộ máy (chương 5), tác giả trình bày đến năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, trong khi phạm vi nghiên cứu của cuốn sách (tên sách) chỉ giới hạn đến 2005. 2.3. Trong phần nội dung nhân sự lãnh đạo Thành phố, theo tôi chỉ nên nêu tên đến chủ tịch và các phó chủ tịch, không nên kể tên các ủy viên, trừ giai đoạn đầu (1945 - 1946), nếu cần thiết thì đưa vào phần phụ lục. 2.4. Cần sửa lại một số tư liệu cho chính xác, ví dụ: tr.127 “… từ 11-1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc…”; đến tr.129 “… từ ngày 16-4-1968, đế quốc Mỹ chính thức mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2”… 2.5. Một số chỗ cần chỉnh lại từ và văn phong cho chính xác hơn, hạn chế dùng từ “bù nhìn”, thay từ “vùng tạm chiếm” bằng từ “vùng địch chiếm đóng”; thay từ “Chính phủ Trung Hoa” bằng “Chính phủ nhân dân Trung Hoa” cho chính xác không sẽ lẫn với chính phủ Tưởng Giới Thạch (tr.60). v.v… 3. Kết luận Công trình Lịch sử chính quyền Thành phố Hà Nội (1945-2005) được thực hiện công phu, nghiêm túc. Nguồn tài liệu được sử dụng trong công trình khá phong phú, đạt độ tin cậy cao. Kết cấu phù hợp, nội dung phong phú, trình bày rõ ràng, văn phong khá sáng sủa. Bản thảo cuốn sách đạt chất lượng tốt. Đề nghị các tác giả chỉnh sửa để nghiệm thu chính thức.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)