Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 25/07/2009 08:18
"Chàng D'Artagnan" và câu chuyện văn học mạng
Mới đây khi blog 360 độ của Yahoo thông báo ngừng hoạt động, một trang web vanhocmang.net đã ra đời với sự góp sức của các cây bút Trang Hạ, Đặng Thiều Quang…

Đặng Thiều Quang và những tác phẩm của anh.

Rồi sự việc Google đề nghị trả tiền bản quyền số hóa cho các nhà văn Việt Nam. Những sự kiện này tiếp tục cho thấy những vận động vừa tự nhiên và cũng đầy thách thức của văn học mạng. Những chia sẻ với Hànộimới của một cây bút đã nổi tiếng từ những năm 1994 (D'Artagnan Đặng Thiều Quang) sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu người viết trẻ trong bối cảnh "mạng hóa" toàn cầu như hiện nay.

 

- Nếu nói về lần đầu tiên post văn mình lên mạng, anh nhớ nhất cảm giác gì?


- Đó chính là bản thảo “Chờ tuyết rơi” được post lên blog vào ngày 16-1-2007. Cảm giác rất thích thú, như thể mình là cả một nhà xuất bản vậy, và hoàn toàn tự do công bố những gì mình viết. Sau hơn hai năm viết và công bố tác phẩm trên các blog, các diễn đàn, tôi đã có thêm rất nhiều độc giả, với hàng trăm ngàn lượt truy cập, họ đọc và nhận xét. Cho và nhận trên mạng là thế, bình đẳng, tự nguyện. Điều đó là một sự khích lệ rất lớn, là cảm hứng để tôi viết.

 

- Theo anh sự ra đời của một trang web chính thức mang tên vanhocmang có ý nghĩa như thế nào đối với những người viết trẻ?


- Tôi nghĩ rằng nó là cần thiết, đúng thời điểm. Những người yêu văn chương trên mạng có thể dễ dàng tìm thấy những tác giả sẵn lòng chia sẻ tác phẩm của họ ở website này, hầu như miễn phí. Cụm từ “văn học mạng” đã được chấp nhận rộng rãi, thì lấy tên miền như thế là rất hợp lý. Tôi coi trọng chất lượng văn chương và những lợi thế mà internet đem lại. Website này là sự chọn lọc rõ ràng, nó dành cho những người yêu thích văn chương trên mạng, viết văn trên mạng, thưởng thức quan điểm nghệ thuật và phong cách đa dạng.

 

Dù đã và vẫn sẽ in sách, nhưng tôi tin rằng website này có ý nghĩa tích cực với người viết văn trẻ như tôi.

 

- “D’Artagnan” đã gắn liền và đưa cái tên Đặng Thiều Quang trở nên gần gũi với bạn đọc trẻ từ cuối những năm 90. Sau một thời gian vắng bóng, “D’Artagnan” trở lại với một loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, anh thấy “con người tác giả” của mình “lớn lên” ra sao, bạn đọc cũng thay đổi thế nào?


- Xu hướng của đa số các bạn trẻ hiện nay thích đọc những thứ nhẹ nhàng bình dân, hài hước, mang tính giải trí. Xu hướng thứ hai (ít hơn) thiên về giá trị văn chương, thích đọc những thứ khó đọc. Những độc giả nằm giữa hai thái cực này có lẽ cũng chiếm tỷ lệ khá lớn. Thoạt nghe có vẻ như mâu thuẫn, độc giả trẻ vừa dễ dãi hơn mà lại cũng khó tính hơn cách đây mười lăm năm. Nhưng khi xưa độc giả có rất ít lựa chọn. Còn ngày nay, họ có thể đọc bất cứ cái gì trôi nổi trên mạng, thượng vàng hạ cám.

 

Bắt đầu viết cho bạn đọc trẻ từ cách đây chừng mười lăm năm, cùng với thời gian, tôi nhận ra rằng càng viết tôi càng ham. Năm 1994, tôi viết tiểu thuyết đầu tay “Hoen gỉ” đánh dấu tuổi 20 đầy biến động của mình và cũng là bước chuyển trong suy nghĩ về công việc viết văn. Sau khi post bản thảo “Chờ tuyết rơi” lên blog, diễn đàn, được đông đảo bạn đọc hưởng ứng và một nhà sách nhận in, tôi nghĩ, được rồi, hãy làm việc phải làm, việc mà mình yêu thích, say mê. Thế là từ năm 2007 đến nay tôi viết liên tục, mọi nơi, mọi lúc: Ở nhà, ngoài quán cà phê, quán cóc vỉa hè, trên tàu hỏa… mang theo một chiếc laptop gọn nhẹ, kết nối internet. Tôi mong rằng văn học mạng, đúng hơn là thông qua internet, văn học Việt Nam sẽ có những vận động nội tại, mang tính cạnh tranh, tự khẳng định vị thế tiên phong trong các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

 

- Còn quan niệm của anh về việc Google sẽ trả tiền bản quyền cho các tác giả Việt Nam có tác phẩm trong dự án Google Books?


-   Đây là một điều tất yếu, xu hướng chung của cả thế giới. Việt Nam tuy đi chậm hơn, còn nhiều lạc hậu, nhưng thương mại điện tử cũng đã dần phát triển, hoàn toàn có thể nghĩ đến việc phát hành online, như một giải pháp chống nạn sách lậu. Ngay chính website vanhocmang.net cũng có thể áp dụng thử nghiệm này. Hãy để bạn đọc trả tiền cho những thứ họ muốn đọc, điều đó là hết sức bình thường.

 

Tôi tin rằng ngay cả khi phương tiện giải trí đa phương tiện phát triển mạnh mẽ, các lĩnh vực nghệ thuật và giải trí tiến đến gần nhau hơn, thì chúng cũng không bao giờ làm cho văn học bị lu mờ, quên lãng, như ai đó bi quan từng dự đoán.



Theo Hà Nội Mới

 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)