Từ nước giếng đến nước máy
 |
Giếng cổ tại khu 18 Hoàng Diệu. |
Thời
Lý, Thăng Long có 61 phường nhưng đến thời Lê, Thăng Long được phân
chia lại chỉ còn 36. Trong Kinh thành có nhiều hồ ao, nhất là phía đông
với hồ Lục Thủy (nay là hồ Gươm) kéo dài đến tận đầu phố Lò Đúc hiện
nay. Trong đợt khai quật khu 18 Hoàng Diệu năm 2005, đã phát hiện được
một giếng thơi (loại giếng có đường kính chừng hơn 1m, miệng và đáy
bằng nhau) nước trong khu vực cấm thành. Cái giếng thơi này xây gạch
chỉ xung quanh từ trên miệng xuống tận đáy. Theo các nhà khảo cổ, giếng
này chỉ là một trong nhiều giếng thơi phục vụ cho sinh hoạt của khu vực
cấm thành.
Các
phường trong kinh thành thời Lý không sử dụng nước giếng thơi mà sử
dụng nước giếng đào. Mỗi phường có từ một đến hai giếng. Giếng có hình
phễu, tùy theo số dân trong phường mà miệng có đường kính lớn hay bé,
song nhỏ nhất cũng cỡ 40-50m. Xung quanh được đắp cao hơn so với bề mặt
để ngăn nước mưa chảy xuống. Một nguyên tắc bất di bất dịch là giếng
phải đào xa nơi ở của người dân. Điều này chứng tỏ, từ người dân Kinh
thành rất ý thức về vệ sinh nguồn nước dành cho ăn uống và sinh hoạt.
Tuy nhiên, không phải muốn đào ở vị trí nào cũng được mà trước khi đào,
dân trong phường cho mời thầy địa lý đến xem để tránh đụng vào long
mạch. Đụng vào long mạch là dân mang họa. Các quy định bảo vệ giếng
cũng rất khắt khe và phường phạt nặng nếu ai chăn thả gia súc quanh
giếng, gây mất vệ sinh. Nhà nào có người thân tự tử ở giếng thì nhà đó
phải bỏ tiền ra đào giếng mới. Đến đời nhà Lê, sau khi dẹp được giặc
Minh, Thăng Long - Đông Đô lúc này đông đúc dân cư hơn, đến mức có vị
quan dâng sớ lên vua để đưa người nhập cư trở về quê của họ. Chợ búa
sầm uất, các phường nghề cũng bung ra nên đất trong Kinh thành dần bị
thu hẹp. Hồ ao bị lấp và để có nước cho sinh hoạt, người dân bắt đầu
đào giếng thơi. Tuy nhiên không phải nhà nào cũng có thể đào được giếng
thơi. Mô tả của các phóng viên tờ Tương lai Bắc kỳ năm 1883 cho thấy,
các gia đình của 15 thôn sống quanh hồ Hoàn Kiếm, hằng ngày không chỉ
rửa rau, vo gạo, tắm giặt mà còn lấy nước hồ để nấu ăn.
Sau
khi chiếm Hà Nội vào năm 1883, lính Pháp đến Hà Nội đông hơn. Để có
nước dùng, quân đội Pháp cũng cho đào giếng giống như người Việt nhưng
họ không dùng gầu mà dùng bơm tay đưa nước lên. Trước đó, khi triều
đình nhà Nguyễn chỉ đồng ý Pháp đóng quân ở Đồn Thủy, họ cũng sử dụng
nước giếng thơi. Khi Hà Nội thành nhượng địa vào năm 1888 và các công
trình phục vụ cho bộ máy cai trị được xây dựng, song tại Phủ thống sứ,
Bắc bộ phủ, Tòa Đốc lý... vẫn sử dụng nước giếng thơi. Mãi đến năm
1896, nhà máy nước đầu tiên tại Hà Nội mới được xây dựng ở Yên Phụ. Nhà
máy này chỉ cung cấp cho các cơ quan công quyền, binh lính và người
Pháp. Nhà máy hoạt động bằng cách bơm nước ngầm lên các bể lọc sau đó
chảy vào đường ống dẫn chính đến các nơi cần cung cấp. 38 năm sau - năm
1934, Pháp xây dựng nhà máy nước thứ 2 tại Đồn Thủy. Dân số gia tăng và
người Hà Nội đòi phải được sử dụng nước máy nên năm 1936, chính quyền
Pháp cho xây tiếp nhà máy thứ 3 ở Bạch Mai. Năm 1939 xây Nhà máy Ngọc
Hà, năm 1944 xây Nhà máy Ngô Sĩ Liên và trước khi buộc rút khỏi Việt
Nam
theo Hiệp định Giơ-ne-vơ thì Nhà máy nước Gia Lâm hoàn thành. Hà Nội
từng rơi vào cảnh thiếu nước sạch vào năm 1946 khi Pháp tái chiếm Hà
Nội. Nhà thơ Quang Dũng đã viết: Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời/Ta đi
ngõ gạch tường đang đục/Gạn từng giọt nước đánh cầm hơi.
Khi
nguồn cung cấp nước sạch khá dồi dào, chính quyền lúc đó cho lắp các
máy công cộng trên các tuyến phố chính. Dân ra lấy nước mang về không
phải trả tiền. Hộ nào có tiền thì họ cho lắp đường ống đến tận nhà và
đặt đồng hồ nước để thu tiền. Chuyện anh xe vào uống nước máy quen chị
sen đi lấy nước cho chủ rồi lấy nhau một thời là đề tài cho các nhà văn
những năm 30 thế kỷ trước. Rút khỏi Việt Nam, người Pháp để lại cho Hà
Nội gồm một mạng truyền dẫn và phân phối dài 80km, 17 giếng sản xuất
nước và 6 nhà máy với tổng công suất 26.000m3 nước/ngày - đêm, phục vụ
cho 24.000 dân nội thành. Sau khi bộ đội về tiếp quản Thủ đô tháng
10-1954, dân số Hà Nội tăng đột biến. Mỗi số nhà trước đó chỉ có một
chủ nay có khi lên hai ba chủ. Thời điểm này, nước máy tuy thiếu nhưng
vẫn chưa đến mức nghiêm trọng. Song để có nước cho người dân sinh hoạt,
lúc này Hà Nội cùng với miền Bắc xây dựng xã hội mới với nhiều khó khăn
nhưng thành phố vẫn cố gắng xây dựng thêm các nhà máy nước mới như:
Lương Yên (1957), Tương Mai (1963). Năm 1972, năm không quân Mỹ đánh
phá Hà Nội dữ dội nhất, Nhà máy Hạ Đình vẫn được xây dựng và đưa vào sử
dụng. Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri và rút khỏi Việt
Nam
ngày 27-1-1973, người Hà Nội từ các nơi sơ tán đổ về thì nguy cơ thiếu
nước sạch bắt đầu diễn ra và tăng dần. Nguyên nhân là dân số Hà Nội lúc
này đã tăng thêm 1 vạn người. Bên cạnh đó, các nhà máy nước không tăng
công suất và hệ thống đường ống truyền dẫn đã cũ nát gây ra tình trạng
thất thoát. Nước thiếu nghiêm trọng, thiếu đến mức chậu nước dùng để vo
gạo, tiếp đó là rửa rau và cuối cùng là dội nhà vệ sinh. Ban ngày, nước
từ đường ống chính rất ít nên vòi nước của các hộ tầng một khô khốc.
Gần sáng, may ra mới "ri rỉ như trẻ tè". Trong suốt thời gian này, ở
hầu hết các tuyến phố có đường ống chạy qua, người dân buộc phải đào
nước ngầm mới có nước sinh hoạt. Nước từ đường ống chính chảy thẳng vào
bể. Nhân viên công ty cấp nước sạch thấy bà con hàng phố đục đường ống
cũng không dám phạt, lập biên bản xong để đấy. Bể có nắp tôn và khóa cẩn
thận. Bể nước ngầm trở thành nơi rửa rau, vo gạo, nơi tắm cho con trẻ
về mùa hè. Có thời điểm Nhà máy Yên Phụ còn thiếu cả muối để lọc, đường
ống lại không được xúc xả nên cặn vàng khè. Lại có khi đùn ra bể búi
giun to tướng (loại giun cho cá cảnh ăn sống ở các rãnh nước thải). Để
cho Lưu Quang Vũ không phải bận tâm việc nhà khi viết kịch, dù sức yếu
nhưng nữ sĩ Xuân Quỳnh vẫn liên tục xách nước từ tầng một lên tầng ba ở
khu tập thể 96 phố Huế cho chồng và con sử dụng. Ngày nghỉ, nhà thơ
mang quần áo đến cơ quan để giặt "chùa". Tại nhiều khu tập thể cao tầng
như: Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ... hay các nhà trên
gác, không nhà nào không sắm máy bơm. Chỉ có máy bơm Liên Xô mới đủ
khỏe (mà cũng chỉ có máy bơm Liên Xô) để hút được nước. Mỗi lần bơm
nước như đánh trận. Người dưới hét "Đừng cắm điện vội", người trên lại
hỏi "Cắm được chưa?". Rồi phải có người ngồi canh vì bể hết nước mà
không nhanh chóng rút điện máy bơm sẽ cháy.
Đầu
năm 1985, sản lượng nước sạch ở Hà Nội là 210.000m3/ngày -đêm, với mạng
lưới hệ thống đường ống truyền dẫn và phân phối dài 250km. Tháng 6-1985
Việt Nam và Cộng hòa Phần Lan đã ký hiệp định về việc Chính phủ Phần
Lan viện trợ không hoàn lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp
nước sạch cho Hà Nội. Chương trình được chia làm 3 giai đoạn và kết
thúc vào tháng 6-1997. Trong đó có nâng công suất từ 210.000
m3/ngày-đêm lên 380.000m3, bằng cách xây dựng 4 nhà máy nước mới, nâng
cấp Nhà máy Lương Yên, Yên Phụ. Thay thế khoảng 400km ống truyền dẫn và
phân phối để cung cấp nước thêm cho khoảng 650.000 dân ở nội thành và
ven đô. Tiếp sau chương trình cấp nước Phần Lan, Hà Nội lại thực hiện
dự án cấp nước 1A. Đây là dự án mở rộng hệ thống cấp nước của Hà Nội
với vốn vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới để xây dựng 2 nhà máy nước
sạch với công suất 30.000m3/ngày - đêm tại Cáo Đỉnh (huyện Từ Liêm) và
Nam Dư ( huyện Đông Anh). Đến năm 2006, mỗi người dân Hà Nội được cung
cấp khoảng 120 lít/người/ngày.
Có
thể nước sạch bây giờ không thiếu nhưng những thay đổi trong sử dụng
nước sạch ở Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ cũng là một phần của
lịch sử đời sống mảnh đất này.
Theo Hà Nội Mới