Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 17/01/2014 04:42
Thơ văn Cao Bá Quát – Giá trị còn mãi
Nói đến các danh nhân văn hóa - văn học ngàn năm Thăng Long - Hà Nội không thể không nói đến hai tên tuổi nổi bật Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Người đương thời vinh danh hai ông là “Thần Siêu thánh Quát” và hết lời ngợi ca “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán - Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”… Cùng với Nguyễn Văn Siêu, một công trình tuyển chọn, biên soạn dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu chuyên sâu về Cao Bá Quát do Giáo sư Vũ Khiêu chủ biên đã ra mắt đông đảo bạn đọc. Đó chính là tuyển tập Thơ văn Cao Bá Quát.

Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở  sách Thơ chữ Hán Cao Bá Quát nhưng có sự bổ sung thêm phần thơ với tổng số 201 bài và trọn vẹn các phẩm văn xuôi Mẫn Hiên thuyết loại đồng thời có sự rà soát lại toàn bộ tác phẩm Thơ chữ Hán, Thơ phú Nôm, Những bài văn xuôiGiai thoại… Ngoài việc dày công giới thiệu phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ (đối với các bài thơ) và phiên âm, dịch nghĩa (đối với phần văn xuôi) Nhà xuất bản in kèm các nguyên bản chữ Hán dưới dạng ấn ảnh. Cách làm này sẽ giúp những độc giả am hiểu chữ Hán được tiếp cận với ngọn nguồn thư tịch Hán Nôm Cao Bá Quát. Ngoài việc tuyển dịch thơ văn, giới thiệu và chú giải, nhóm biên soạn còn giới thiệu các công trình nghiên cứu của nhiều học giả dưới nhiều góc độ khác nhau về tác giả tác phẩm nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn con người, sự nghiệp và những giá trị thơ văn độc đáo của Chu Thần Cao Bá Quát với Thăng Long – Hà Nội nói riêng cũng như với nền văn học dân tộc nói chung.

Với phương hướng và cách thức biên soạn như vậy, ngoài các mục Lời dẫn, Quy cách trình bày và bài nghiên cứu tổng quan Cao Bá Quát - tinh thần phản kháng vẫn còn sáng soi của GS. Vũ Khiêu, nội dung cuốn sách Thơ văn cao Bá Quát gồm hai phần: Phần 1: Tác phẩm Cao Bá Quát; Phần 2: Nghiên cứu và bình luận.

Ở Phần 1, độc giả sẽ được biết đến khối “di sản” văn chương đồ sộ của Thánh Quát trên cả phương diện thơ, văn xuôi, giai thoại bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Qua đây chúng ta sẽ phần nào hiểu được con người và sự nghiệp cũng như tính cách và hành xử của ông trước thời cuộc. Mặc dù là người đi nhiều, từng có nhiều năm làm việc trong triều đình Huế, từng đi nhiều nơi nhưng trước sau Cao Bá Quát vẫn đau đáu nhớ về quê hương Phú Thị và kinh thành Thăng Long: nhớ từ mái nhà, ngọn khói, cây gạo đầu làng đỏ bông và những người ruột thịt trong gia đình đến  những bạn bè ân nghĩa một thời. Có thể nói Cao Bá Quát sống trọn vẹn vào giai đoạn triều Nguyễn, chưa phải trực diện đối đầu với thực dân Pháp. Chỉ ba năm sau ngày ông qua đời, lịch sử dân tộc bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược gian khổ và lâu dài. Cả cuộc đời thơ văn của ông đều đứng bờ bên này của lịch sử, thuộc về giai đoạn đầu của thế kỷ XIX. Vì vậy những vấn đề đặt ra cho tầng lớp trí thức, nho sĩ thời kỳ này còn lẩn khuất trong lớp khói sương mờ ảo mà bản thân Cao Bá Quát có lúc tưởng chừng như bế tắc. Với tư cách là nhà trí thức nho sĩ, ông trăn trở suy nghiệm, kiếm tìm nhưng trước sau vẫn đành bất lực, và chỉ còn biết trải lòng với những suy tưởng, những tâm sự trong các tác phẩm của mình. Qua những tác phẩm của ông chúng ta thấy được bối cảnh cũng như không khí xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Tuy không thật sự chắc chắn nhưng qua các tác phẩm của mình ông đã phần nào dự cảm được những bước ngoặt của lịch sử và báo hiệu những thay đổi trong xã hội đương thời. Chính điều đó chi phối sâu sắc và ảnh hưởng đến các chủ đề và nội dung các tác phẩm của ông. Có thể nói thơ văn Cao Bá Quát còn lại với chúng ta chính bởi những giá trị về nội dung và tư tưởng của nó mà ở đó hiện lên một Thánh Quát với phong thái ngang tàng nhưng ẩn sau đó là một con người mang nhiều nỗi niềm đa cảm, sâu sắc về sự đời, sự người…

Những bài nghiên cứu và bình luận của các học giả trong Phần 2 của cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn, cảm nhận nhiều hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Cao Bá Quát. Chúng ta có thể nhận ra một Cao Bá Quát học rộng biết nhiều, một con người bản lĩnh, ngang tàng dám lên án, phê phán triều đình phong kiến thối nát; nhưng phía sau đó là một con người đa sầu, đa cảm với những tâm sự, những trăn trở, lo lắng cho đất nước, cho nhân dân, đặc biệt là tình yêu và nỗi nhớ dành cho Thăng Long – Hà Nội, quê hương Phú Thị - nơi có gia đình và bạn bè ông đang sống. Mặt khác, chúng ta còn thấy được ở trong thơ văn của ông một phong cách mới mẻ ít thấy trong xã họi đương thời và trong lịch sử từ chính cách nhìn rất riêng về hiện thực, với những quan niệm riêng về cuộc sống và con người. 

Có thể nói, thơ văn Cao Bá Quát là một bông hoa đẹp góp phần vào vườn hoa thơ ca Việt Nam. Nó hòa vào vườn hoa đó, nhưng đồng thời cũng không lẫn với bất kỳ một bông hoa nào khác trong vườn. Trên tất cả, cuộc đời thơ văn của ông chính là hiện thân cho tiếng nói của cả một dân tộc đang khao khát một cuộc vận động, đổi thay.

Đọc xong cuốn sách này, tin rằng điều đọng lại trong tôi và đông đảo bạn đọc sẽ là trí tuệ, nhân cách cao cả của một con người mang trong mình cốt cách của người Tràng An. Đó là một bản lĩnh mạnh mẽ nhưng cũng rất thanh lịch, hào hoa của Cao Bá Quát - người con yêu dấu của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)