Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 08/03/2014 09:02
Khi phái đẹp là Đại sứ
Đó là khi họ vừa phải phát huy những lợi thế mềm mỏng, linh hoạt đặc trưng của nữ giới, nhưng lại vừa phải có được sự mạnh mẽ, cương quyết thường thấy ở phái nam…
                                

Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh luôn biết khai thác thế mạnh của phái đẹp.

Trở thành nữ Đại sứ là giấc mơ thuở bé hay cơ duyên khi bắt đầu nhiệm kỳ ở mảnh đất hợp với các ngoại giao là nữ giới, những chia sẻ của hai nhà ngoại giao Nguyễn Thị Hoàng Anh và Hồ Đắc Minh Nguyệt cho thấy họ thực sự là “điểm nhấn cho bản sắc ngoại giao Việt Nam".

“Bông hoa sen” tại châu Âu

Trở thành một nữ Đại sứ là điều mà bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức, đã ước mơ từ thuở nhỏ.

“Từ bé tôi đã đọc say mê cuốn Bà Đại sứ của Nga, kể về cuộc đời bà Alexandra Kollontai (1872–1952), người được xem là nữ đại sứ đầu tiên của thế giới thời kỳ hiện đại khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên Xô tại Na Uy năm 1923. Sau này, những tấm gương ngoại giao như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh (từng là Đại sứ Việt Nam tại EU và các nước như Bỉ, Hà Lan), Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Đại sứ Phan Thúy Thanh... luôn thôi thúc tôi phấn đấu noi theo”, bà Hoàng Anh tâm sự.

Khi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Đức, bà Hoàng Anh luôn tâm niệm một câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Các cán bộ nữ làm ngoại giao là một đội ngũ đặc biệt và là điểm nhấn cho bản sắc ngoại giao Việt Nam". Bà cho rằng trong việc thể hiện bản sắc và quảng bá cho bản sắc Việt, nữ giới có những lợi thế nhất định. Chẳng hạn hình ảnh nữ Đại sứ mặc áo dài Việt Nam tại các cuộc tiếp tân quan trọng như chào Thủ tướng, trình Quốc thư, gặp Tổng thống, hay chiêu đãi ngoại giao…

Bà nói: "Tôi rất ý thức được điều đó từ khi đặt may áo, nghĩ ra những ý tưởng về hoa văn trên chiếc áo là những biểu tượng rất Việt Nam như hình chữ S, con rồng, cây tre, trống đồng, hoa sen… Tôi đặc biệt thích hoa sen trên áo dài, bởi đây không chỉ được xem như Quốc hoa mà còn có gì đó rất gần gũi với bản lĩnh của cán bộ ngoại giao. Đó là dù trong một môi trường rất thách thức, rất khác biệt, người cán bộ ngoại giao vẫn giữ được mình là bông hoa sen trong môi trường đó".

Cũng theo bà Hoàng Anh, nữ giới cũng có thế mạnh về sự tinh tế khi làm ngoại giao. Có lần gặp một đối tác đàm phán khá nóng nảy, nhưng giờ giải lao ở hành lang lại chia sẻ rằng thích ăn quả măng cụt của Việt Nam, bà đã lưu ý chi tiết này. Và thế là ngay trong lần đàm phán tiếp theo, có một thùng măng cụt được gửi từ Việt Nam sang làm quà.

Hay lần khác, đối tác chia sẻ rất thích nấu ăn và thích dùng hạt tiêu đen của Việt Nam làm gia vị, bà Hoàng Anh cũng ngay lập tức liên hệ về nhà để gửi sang biếu đối tác một ít tiêu đen. “Đó cũng là hình thức quảng bá cho mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam”, bà nói.

Bà Đại sứ tâm sự: “Tôi cũng học tập các thế hệ nữ đại sứ đi trước trong “ngoại giao tơ lụa”, chú ý tới “gu” của người dùng, tặng khăn hay cà vạt phải hợp với trang phục của họ. Tất cả những điều đó nghe có vẻ bình thường nhưng là đặc thù tinh tế của phái nữ, mà như một nhà hiền triết đã nói là điều gì từ trái tim sẽ đến được trái tim”.

Cũng giống như ở Ukraine hay Chile, ở Đức cũng có Câu lạc bộ nữ Đại sứ. Bà Hoàng Anh cho rằng đây là kênh giao lưu thú vị và hiệu quả, nơi bản sắc ngoại giao và văn hóa hòa quyện vào nhau, cơ hội để tích lũy thêm kiến thức, thông tin về giới ngoại giao, chính trị và doanh nhân và là một kênh vận động hành lang rất mạnh ở nước sở tại. Đặc biệt khi ở Đức có nữ Thủ tướng, nữ Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều nhân vật đầu ngành quan trọng là nữ.

Không biết có phải vì vậy không, mà lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cử đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu một nữ Đại sứ, và chắc cũng chẳng phải là sự ngẫu nhiên mà bà Đại sứ lựa chọn năm 2014 là "Năm trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế"….

Vùng đất "nữ tính"

Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ, tháng 12/2013.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Hồ Đắc Minh Nguyệt kể, khi bà đến Kiev nhận nhiệm vụ năm 2010 thì ở đó có năm vị Đại sứ là nữ, nhưng khi bà về nước vào tháng 12/2013, thì đã có đến 13 Đại sứ và các trưởng cơ quan đại diện của Liên hợp quốc là nữ...

Có vẻ như Ukraine là mảnh đất hợp với các ngoại giao là nữ giới. Theo bà Nguyệt, hiện ở Ukraine chỉ có ba cơ quan đại diện của các nước ASEAN là Việt Nam, Indonesia và Malaysia, thì Indonesia hầu như chỉ cử nữ Đại sứ đến Kiev. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ công tác của bà, người thứ hai của Đại sứ quán, nhân viên lãnh sự, cơ yếu cũng là nữ.

Đó có thể là sự trùng hợp hết sức tình cờ. Nhưng tìm hiểu lịch sử đất nước Ukraine, bà Nguyệt đã khám phá ra sự liên quan giữa vùng đất Kiev với "tính nữ" này.

Bà cho biết, đất Kiev (Ki và Ev) xuất phát từ tên, họ của bốn anh em nhà họ Ki. Đó là gia đình có ba anh trai và một em gái. Em gái tên là Sofia. Là em út nhưng bao giờ Sofia cũng đi đầu, dẫn đường cho các anh khi đi chơi trên thuyền. Một lần, bốn anh em đang dạo chơi trên sông Dnepr thì đến vùng đất Kiev ngày nay, thấy đẹp họ dừng lại và quyết định lập nghiệp. Từ đó, vùng đất này có tên là Kiev.

"Tôi cho rằng xuất xứ của tên gọi cũng từ vai trò của phụ nữ", bà Nguyệt nói.

Phải chăng cũng vì thế mà Ukraine thực sự là mảnh đất khá "lành", cảnh đẹp, người cũng đẹp. Con gái Ukraine được cho là đẹp nhất ở Liên xô cũ và Đông Âu, có dáng vẻ nhỏ nhắn giống người Việt Nam. Ukraine cũng chính là cái nôi của văn hóa Slave, cái nôi của văn hóa Nga cổ, trước kia còn được gọi là "nước Kiev Nga cổ", nơi hình thành đạo Chính thống giáo rồi tất cả những gì liên quan đến văn hóa Nga sau này...

Người dân Ukraine rất quý Việt Nam. Trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, có gần 500 chuyên gia quân sự của Ukraine trong thành phần các chuyên gia từ Liên Xô cũ sang giúp Việt Nam chiến đấu trong lực lượng phòng không, không quân. Họ rất ấn tượng vì Việt Nam là một trong những dân tộc biết tri ân những người bạn của mình. Bởi họ từng đi chiến đấu giúp Afghanistan, Mozambique hay Angola nhưng chỉ có Việt Nam hàng năm vẫn mời các cựu chiến binh sang thăm.

Từ chỗ chỉ thực hiện với sự ủng hộ của các doanh nghiệp có "duyên nợ" với Ukraine, hiện hoạt động này đã trở thành chính sách của Bộ Quốc phòng ta. Hàng năm, ta đều đón đều đặn hai lần các cựu chiến binh Ukraine đến thăm vào những dịp như 30/4, 2/9.

Bà Nguyệt cho biết đã vài lần đến dự ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Ukraine. Bà vẫn nhớ một trong những bức ảnh đầu tiên chụp với người Ukraine là với các cựu chiến binh Ukraine trong ngày Chiến thắng của họ (ngày 9/5/2010). Và hôm tiễn nữ Đại sứ về nước hết nhiệm kỳ, có ba "cụ" cựu chiến binh đã lặn lội từ Kharkov đến dự tiệc chiêu đãi...


(Theo tgvn.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)