Gần 60 năm viết sách và dạy ngoại ngữ miễn phí
Ý chí và nghị lực của anh “gạo cụ”
 |
GS Phạm Văn Vĩnh và người bạn học GS.TS Lê Thế Trung |
GS
Phạm Văn Vĩnh sinh năm 1926 trong một gia đình nghèo tại thị xã Ninh
Bình. Năm 17 tuổi, thầy thi đỗ vào trường Trung học Bảo hộ (trường
Bưởi). Học sinh trong trường phần lớn là con nhà giàu, chỉ có số ít học
sinh nghèo hiếu học thi được học bổng.
Các học trò thời đó thường rỉ tai nhau: “Học trò
Cô le (Collège) ba que xỏ lá/ Ăn cá cả xương nằm giường không chiếu/
Hút điếu không xe ăn chè liếm bát/ Đi hát không xu lu bù tán gái”.
Vì thế, trong khi các con quan chơi bời thì những học sinh nghèo chịu
khó học (lúc bấy giờ gọi là anh “gạo cụ”, học gạo để lấy thêm
tiền) chăm chỉ học tập để giữ học bổng.
Trong thời gian học ở trường Bưởi, ngoài
tiếng
Pháp, thầy bắt đầu học các ngoại ngữ khác. Mỗi khi có thời gian rảnh,
thầy lại lên thư viện quốc gia đọc sách, tự học tiếng Anh, tiếng Đức,
tiếng Trung Quốc… Nhờ có ý chí, nghị lực và luôn chịu khó, cậu “học
sinh xuất sắc mọi phương diện” luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Sau này
học Đại học Luật và Đại học Văn khoa, thầy chịu khó đi làm thêm và trau
dồi nhiều ngoại ngữ khác.
Chính sự chăm chỉ học tập đã giúp
thầy thông thạo 7 ngoại ngữ và sau này không chỉ dạy môn ngoại ngữ mà
còn kiêm giáo viên toán, lý, hóa và sử. Do vậy, khi tạo địa chỉ email,
thầy đặt tên cohoc17 (“nghĩa là cố học từ năm 17 tuổi” - thầy
giải thích). Có lẽ nó vừa để thầy tự nhắn nhủ với bản thân phải không
ngừng cố gắng vừa để những học sinh nhìn vào tấm gương của thầy để học
tốt.
Gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục
 |
Vào
những năm 80 của thế kỷ XX, các trung tâm ngoại ngữ rất hiếm dù nhu cầu
của người học khá cao. Đặc biệt, không có nơi dạy những “ngoại ngữ
hiếm” như tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Esperanto…
Sách
dạy học những ngoại ngữ này bằng tiếng Việt hầu như không có. Vì vậy,
GS Phạm Văn Vĩnh cùng một số đồng nghiệp thành lập Trung tâm Ngoại ngữ
& Tin học 19-5 vào ngày 19/5/1985 để kỷ niệm 95 năm ngày sinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh.
Với mục tiêu “góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng, hoạt động nhân đạo từ thiện, xã hội hóa giáo dục”,
Trung tâm đã mở các lớp học tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,
Đức, Nga, Quốc tế ngữ Esperanto… Riêng Quốc tế ngữ, Trung tâm vẫn dạy
miễn phí nhiều năm nay.
GS Phạm Văn Vĩnh nói: “Trung tâm luôn giảm hoặc
miễn hoàn toàn học phí cho học sinh, sinh viên nghèo. Ngoài ra, Trung
tâm đẩy mạnh việc vận động hiến máu nhân đạo, quyên góp ủng hộ đồng bào
bị bão lụt và tặng phiếu khuyến học cho các gia đình chính sách”.
Là
người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà nên dù bận rộn với công việc
ở vị trí Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội bảo trợ phát triển Ngoại ngữ
& Tin học Hà Nội và Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ & Tin học
19/5, thầy Phạm Văn Vĩnh vẫn thường xuyên viết sách ngoại ngữ và sách
truyền bá kinh nghiệm học tập và rèn luyện.
Theo GS Phạm Văn Vĩnh, học ngoại ngữ
không khó, chỉ khó khi học không có phương pháp, không quyết tâm hoặc
không thực sự đam mê học tập mà thôi.
Theo ông, cần phải hiểu rõ về những nguyên nhân tại sao học ngoại ngữ không có kết quả để khắc phục. Có 5 nguyên nhân chính:
1- Không thành công vì học ngoại ngữ không có mục đích rõ rệt
2 - Không thành công vì học ngoại ngữ thiếu kiên trì
3 - Không thành công vì học ngoại ngữ không có phương pháp
4 - Không thành công vì học ngoại ngữ mà không thực hành, không tạo ra được môi trường đối thoại
5 - Không thành công vì không chịu tự học là chính |
Kể từ cuốn sách đầu tiên “Ngữ pháp tiếng Pháp” viết
vào năm 1950 khi đang dạy tại trường tư thục Văn Lang (ba trường nổi
tiếng thời Pháp lúc đó là Thăng Long, Gia Long và Văn Lang), từ đó đến
nay, thầy đã xuất bản trên 50 đầu sách.
Đây hầu hết đều là các cuốn sách về “ngoại ngữ hiếm” như “Tục ngữ so sánh Việt – Anh – Pháp – Esperanto” (biên soạn hơn 10 năm cùng với GS Vũ Văn Chuyên, TS Ngữ Văn Nguyễn Quang, nhà sư phạm Nguyễn Văn Điện), “Tự
học tiếng Tây Ban Nha”, “Tự học cấp tốc Ngữ pháp Italia cơ bản, đơn
giản, hệ thống”, “Hội thoại cần thiết Việt – Italia – Anh”, “Từ vựng
tiếng Đức cho người mới học và tự học” (viết chung với TS Ngữ văn Nguyễn Quang)…
Những cuốn sách phục vụ học tập như “Phương pháp
học ngoại ngữ sao cho nhanh, nhớ lâu, đạt hiệu quả cao”, “Bí quyết chín
bước để thành đạt trong kỷ nguyên mới”, “Cách học tiếng nước ngoài của
danh nhân và những nhà giỏi ngoại ngữ trên thế giới”… cũng được
nhiều học sinh, sinh viên tìm đọc. Khi được hỏi học ngoại ngữ có khó
hay không, thầy mỉm cười: “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách
núi mà vì lòng người ngại núi e sông”.
Trước đây, khi vẫn còn
khỏe mạnh, thầy mở lớp dạy tiếng Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Quốc tế
ngữ Esperanto miễn phí tại nhà A15 trường Đại học Bách khoa Hà Nội và
35 Trần Hưng Đạo. Lúc đầu, thầy đăng tin lên báo.
Ngay buổi đầu mở lớp đã có hàng chục bạn đến học,
ngồi chật kín cả phòng. Người nọ kể với người kia, cứ như vậy, lớp học
đông dần, đa phần là những người trẻ theo học. Chỉ đến cuối năm 2005,
thầy mới ngừng dạy miễn phí bên ngoài mà mở lớp học tại nhà ở số 13 Bát
Đàn – Hà Nội.
Có người hoàn cảnh khó khăn muốn học “ngoại ngữ
hiếm”, thầy cũng chẳng lấy học phí vì “người ta sống đâu chỉ vì tiền và
bằng tiền”. Gần 60 năm nay, thầy đã dạy cho rất nhiều người ở mọi lứa
tuổi thuộc mọi thành phần trong xã hội. Dù họ theo học với mục đích nào
đi nữa, thầy cũng đã hoàn thành tâm nguyện “phổ biến ngoại ngữ cho mọi
người”.
Thầy chia sẻ: “Macarencô (nhà giáo dục học người
Liên Xô) đã nói: Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người thầy là đào tạo
ra những tài năng có ích cho Tổ quốc. Tôi xin chuyển lại thành: Niềm
hạnh phúc lớn lao nhất của người thầy là đào tạo ra những tài năng có
ích cho bản thân họ, gia đình họ và nghiệp vụ của họ. Đây là phương
châm sống của tôi”.
Theo Tuanvietnam