Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 21/09/2009 09:46
Niềm tin vào kỷ cương và phong cách làm việc mới
Những ngày qua, dư luận nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung rất đồng tình, phấn khởi và ủng hộ mạnh mẽ việc lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội chỉ đạo sát sao, tỏ thái độ cương quyết, xử lý nghiêm các sai phạm trên địa bàn thành phố.

 

Sau khi GPMB, nút giao thông Thanh Xuân đường Vành đai 3 không còn là “nút cổ chai” gây ắch tắc giao thông. Ảnh: Đàm Duy

 

Những việc làm cụ thể như xử lý dứt điểm vụ vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà trái phép ở Công ty Yến Long (Mỹ Đình, Từ Liêm); kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp bảo vệ cây sưa và đang nỗ lực, kiên quyết tháo gỡ "nút tắc" đường Vành đai 3... một lần nữa cho thấy chủ trương nhất quán của thành phố trong việc lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh, tuân thủ pháp luật.

 

> Xung quanh vụ việc xây dựng hàng loạt công trình trái phép tại xã Mỹ Đình (Từ Liêm - HN)

 

Ông Nguyễn An Quân, ngõ 240, phố Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân: Không khoan nhượng trước những việc làm vi phạm pháp luật

 

Chúng tôi thật sự phấn khởi trước việc xử lý dứt điểm sai phạm tại khu đất đồng Trũng Bói, xã Mỹ Đình vừa qua. Thành phố đã không khoan nhượng trước những việc làm vi phạm pháp luật, coi thường kỷ cương, thách thức dư luận với những chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu của Bí thư Thành ủy và lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Kết quả này cùng với việc xử lý mạnh mẽ những sai phạm về trật tự xây dựng gần đây đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào pháp luật, kỷ cương phép nước và lẽ công bằng trong xã hội.

 

Ông Bùi Văn Thái, phường Quán Thánh, Ba Đình:Những việc làm thể hiện trách nhiệm cao

 

 Vai trò chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố gần đây khiến tôi rất ấn tượng về phong cách làm việc mới. Đó là chỉ đạo xử lý vụ vi phạm đất đai tại Mỹ Đình và đấu tranh với những kẻ triệt hạ cây sưa. Những chỉ đạo kịp thời và quyết liệt như vậy thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo thành phố, cùng với sức ép dư luận đã trở thành động lực lớn buộc các cơ quan thừa hành phải vào cuộc với trách nhiệm cao, đem lại hiệu quả rõ rệt. Nếu thành phố gây dựng được nền nếp làm việc trách nhiệm cao thường xuyên như cách xử lý hai vụ việc nói trên thì mọi công việc lớn nhỏ của Hà Nội sẽ trở nên suôn sẻ.

 

Ông Nguyễn Ngọc Liêm, ở Trương Định, Hai Bà Trưng: Giữ vững kỷ cương, tạo dựng hình ảnh đẹp của Thủ đô

 

Một loạt sai phạm ở Công ty Yến Long bị đưa ra ánh sáng và những biện pháp khẩn trương, kịp thời của thành phố đối với việc bảo vệ và xử lý hành vi chặt phá cây sưa những ngày gần đây khiến những người dân chúng tôi thấy vui mừng, tin tưởng. Khó có thể chấp nhận ở giữa Thủ đô mà bọn lâm tặc lại ngang nhiên chặt phá cây xanh và càng không thể chấp nhận việc ngang nhiên biến đất nông nghiệp thành khu nhà của Công ty Yến Long. Qua báo Hànộimới, tôi mới biết khu đất mà Công ty Yến Long đang sử dụng trái phép có một phần diện tích nằm trong khu đất tái định cư phục vụ công tác GPMB cho nút Nam Thăng Long thuộc dự án đường Vành đai 3, một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì tôi thấy việc xử lý nghiêm những sai phạm này càng cần thiết. Thành phố 1000 năm tuổi của chúng ta sẽ ra sao nếu tại nơi này, nơi khác, mỗi chỗ lại lấn chiếm, xây dựng trái phép một chút.

 

Tôi còn nhớ, Hà Nội đã từng cương quyết cắt ngọn và phá dỡ một phần những công trình xây dựng trái phép, nay việc xử lý nghiêm những sai phạm trong trật tự xây dựng rồi tới những hành vi phá hoại cây xanh chứng tỏ thái độ cương quyết, nhất quán của Hà Nội đối với việc xử lý vi phạm. Tôi mong muốn việc xử lý các sai phạm trên địa bàn Thủ đô sẽ thật nghiêm túc, thường xuyên, ở mọi lĩnh vực để giữ vững kỷ cương và tạo dựng hình ảnh Hà Nội thật sự "xanh - sạnh - đẹp, văn minh" khi tròn 1000 năm tuổi.

 

Bà Lại Nguyên Minh, thị trấn Chi Đông, Mê Linh:Không còn lý gì để các cơ quan có trách nhiệm chần chừ

 

 Chắc chắn những kẻ cưa trộm cây sưa sớm muộn sẽ phải trả giá vì cả Hà Nội đã vào cuộc. Đích thân Bí thư Thành ủy đã viết bài bày tỏ quan điểm, chỉ đạo các ngành, các cấp thực thi nhiệm vụ. Bài viết đó, theo tôi là vừa thể hiện trách nhiệm vừa thể hiện tình cảm thật sự của một người lãnh đạo đối với Thủ đô. Chúng tôi rất đồng cảm với những lời có tình, có lý trong bài viết đó và thật sự cảm thấy ấm lòng sau khi đọc. Giờ đây, không có lý gì để các cơ quan có trách nhiệm còn chần chừ, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ cây xanh, đặc biệt là những cây quý, cũng như việc truy tìm thủ phạm gây ra những vụ trộm sưa ngang nhiên, thách thức pháp luật vừa qua.

 

Ông Dương Chí Mạo, phố Lê Lợi, Hà Đông: Cần mạnh tay nghiêm trị kẻ xấu

 

Đọc báo Hànộimới hôm nào cũng thấy đưa tin việc chặt trộm cây gỗ sưa trên địa bàn Hà Nội, tôi thực sự phẫn nộ trước hành vi này. Những kẻ bị đồng tiền làm cho mờ mắt ấy sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng, để có những hàng cây xanh (trong đó có cây gỗ sưa) như hôm nay phải là sự vun đắp vất vả của bao thế hệ qua các phong trào rộng lớn như "Tết trồng cây", "Ông trồng, cháu chăm"… Cây xanh là một phần tất yếu của cuộc sống, do vậy mỗi người trong chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ, vun trồng. Tôi rất đồng tình với ý kiến của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị là: "Kẻ ác dù khôn ngoan, liều lĩnh đến mấy cũng không thể che giấu, phi tang". Tuy nhiên, tôi cho rằng chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. Cần phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để nghiêm trị kẻ xấu.

 

Ông Phan Văn Lai, làng Việt cổ Đường Lâm Sơn Tây: Người dân phải cùng vào cuộc

 

Dân làng cổ Đường Lâm chúng tôi rất tự hào, tôn trọng, làm mọi cách để gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử cha ông để lại. Chúng tôi ý thức được, những giá trị đó dù có nhiều tiền đến mấy cũng không mua được. Khi nghe tin nhiều cây gỗ sưa quý hiếm bị chặt hạ, lòng tôi xót xa, ví như những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm bị xâm phạm vậy. Tôi tin rằng, các cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng lần ra manh mối bọn lâm tặc cũng như các đường dây buôn bán gỗ quý hiếm để đưa chúng ra trước vành móng ngựa. Theo tôi, có một cách để bảo vệ cây sưa bền lâu và hiệu quả, đó là kêu gọi các hộ dân vào cuộc, chẳng hạn giao cho một chục hộ dân sống gần địa điểm trồng cây sưa quản lý. Ngoài ra, có cơ chế bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của khu dân cư, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này.

 

Bà Trịnh Thị Vui, ở F5, Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy: Không còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi”

 

Theo dõi sát sao những diễn biến về sai phạm của Công ty Yến Long tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm trên báo Hànộimới thời gian qua, tôi thấy rất bất bình khi một diện tích lớn đất nông nghiệp đã bị ngang nhiên biến thành "resort". Khi báo đưa thành phố có văn bản yêu cầu công ty tự tháo dỡ phần xây dựng trái phép, nói thật là tôi vẫn thấy ngờ vực, không hiểu những sai phạm đó có bị xử lý nghiêm không hay lại chỉ "đánh trống bỏ dùi". Và khi hình ảnh những ngôi nhà đã bị tháo dỡ được đăng lên, tôi rất vui vì công lý đã được thực thi, kỷ cương phép nước đã được giữ vững. Thành phố đã xử lý rất nghiêm những sai phạm của Công ty Yến Long, tôi hy vọng đây là lời cảnh báo, bài học nghiêm khắc cho những ai đã và đang cố tình vi phạm trật tự xây dựng, về quản lý và sử dụng đất đai.

 

Theo Báo Hà Nội Mới.

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)