Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 10/10/2009 09:21
Hai sự kiện lớn Kỷ niệm 999 năm Thăng Long – Hà Nội: Khâu cuối cùng trước giờ G
Ngày (10/10), đúng ngày kỷ niệm 999 năm Thăng Long – Hà Nội và 55 năm Giải phóng Thủ đô, hai sự kiện văn hóa, du lịch lớn nhất trong năm của Hà Nội sẽ đồng loạt diễn ra là Lễ công bố năm Du lịch Quốc gia (NDLQG) và Festival cầu Long Biên. Theo ghi nhanh của nhóm phóng viên HNMO trong sáng ngày (9/10), công tác chuẩn bị cho hai sự kiện này đã gần hoàn tất.

* Vườn hoa Lý Thái Tổ long lanh sắc màu lễ hội

 

Từ vài ngày nay, Hồ Gươm như điệu đà hơn khi được khoác một tấm áo mới của nhiều sắc hoa tươi. Những cụm tiểu cảnh hoa và cây cảnh được cắt tỉa, sắp đặt để làm duyên cho Hồ Gươm những ngày vào Thu. Trong bối cảnh lãng mạn, tràn đầy sắc màu ấy, Bờ Hồ bỗng trở thành một địa điểm lý tưởng để những đôi uyên ương đến ghi lại lại những khoảnh khắc đáng nhớ, hòng để ngày vui trăm năm có lưu chút kỷ niệm hiếm hoi của thời khắc lịch sử: Hà Nội tròn 999 năm tuổi.

 


Bờ Hồ những ngày này trở thành địa điểm chụp ảnh lý tưởng

 

Đâu đó, ở những cụm tiểu cảnh hoa tươi hay ngay tại dòng chữ được kết bằng hoa cúc vàng tươi “Chào mừng 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô”, những người dân đi đường thi thoảng lại nán lại để chụp những tấm hình làm kỷ niệm. Hà Nội những ngày này thật đẹp.

 

Khi chỉ còn 24 giờ nữa người dân Hà Nội chào đón ngày kỷ niệm 999 năm Thăng Long – Hà Nội và 55 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Công tác chuẩn bị cho Lễ công bố NDLQG được tổ chức trang trọng tại tượng đài Lý Thái Tổ bước vào giai đoạn cuối cùng.

 

Từ phía đường Đinh Tiên Hoàng nhìn vào khu tượng đài có thể thấy hai cổng thành  được dựng mang đậm màu sắc cổ xưa trên đường Lê Lai và Lê Thạch. Một dãy nhà cổ được làm gần bằng kích cỡ nhà thật cũng đã hoàn tất. Dãy nhà làm bằng xốp, vì thế từ đầu giờ sáng nay đã thấy một anh cảnh sát đi lại canh chừng và luôn miệng nhắc nhở những cậu bé hiếu động chiu vào nghịch ngợm.

 


Cổng thành được dựng trên đường Lê Thạch

 

Phía bên trái tượng đài là hình ảnh lầu Khuê Văn Các cũng được dựng gần bằng kích cỡ thật. Một chiếc thuyền rồng lớn được đặt ở phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ cũng xong phần lắp đặt và phun màu.

 

10 giờ sáng, dù khâu chuẩn bị vẫn còn vương vãi nhưng khu tượng đài Lý Thái Tổ nhộn nhịp hẳn khi có hai lớp học của các cháu bé mầm non đến vui chơi. Một lớp 4 tuổi của trường mầm non Hoàng Gia và một lớp thuộc trường mầm non Lý Thái Tổ. Cô giáo tên Điệp của lớp mẫu giáo Hoàng Gia cho biết, sở dĩ hôm nay chọn địa điểm vườn hoa Lý Thái Tổ để dẫn các cháu đi dã ngoại vì các bé đang được học chủ đề “Hà Nội của em”. Cô giáo Điệp giải thích: “Hôm nay đưa các con ra tượng đài Lý Thái Tổ để các con cảm nhận được không khí một ngày hội lớn đang đến. Hơn hết là qua đấy, các con hiểu thêm về truyền thống cha ông”.

 

Bà Trần Thị Cung (90 tuổi) ở phường Hàm Long, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội thì cho biết, hôm nay nghe đài báo nói sẽ có lễ hội tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, bà đã tản bộ ra khu vực tượng đài Vua Lý Thái Tổ để được trực tiếp ngắm thành phố được trang trí trong ngày lễ hội. Bà thấy trong lòng rất vui, vì Hà Nội hôm nay đẹp hơn hẳn, nhiều cờ hoa tưng bừng nhộn nhịp như những ngày Thủ đô mới giải phóng. Còn bé Gia Hân (4 tuổi), Trường mầm non Hoàng Gia thì tíu tít khoe được các cô giáo cho đi thăm tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Tối về nhà bé sẽ có rất nhiều chuyện để kể cho bố mẹ nghe.

 


Bé Gia Hân tíu tít vì được đi chơi ở tượng đài vua Lý Thái Tổ

 

Khu đằng sau tượng đài Lý Thái Tổ là Nhà Kèn và vườn hoa là khu trưng bày sinh vật cảnh với rất nhiều cây thế. Khu trưng bày này khai mạc từ hôm trước và thu hút khá nhiều công chúng.

 

Cùng với các hoạt động trưng bày ngoài trời này, hôm qua, một số hoạt động triển lãm, trưng bày tranh, ảnh cũng đã khai mạc. Triển lãm “Hà Nội trong tôi” của Chủ tịch Liên đoàn di sản quốc gia Pháp – Phillippe Chaplain được tổ chức tại Trung tâm triển lãm 93, Đinh Tiên Hoàng. Anh đã sưu tầm được rất nhiều bức ảnh quý của Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX. Khi ấy, phố Hàng Ngang, Hàng Đào vẫn còn là những ngôi nhà hai tầng nhỏ xinh, vẫn còn dấu tích của đường xe diện và con người ngày ấy vẫn hồn hậu trong những bộ quần áo dân dã, đầu đội nón quai thao…

 

Nói cảm xúc của mình khi ngắm những bức ảnh Hà Nội cổ xưa của Phillippe Chaplain, bác Trần Xuân Giai, 73 tuổi (Dốc Thọ Lão – Hà Nội) cho biết: “Cảm xúc của tôi về Hà Nội đã khác xưa rất nhiều. Tôi rất vui khi lại được ngắm lại những khung cảnh Hà Nội cố xưa. Hà Nội ngày nay kinh tế phát triển, dân số ngày càng đông đúc hơn, không còn khung cảnh những con phố vắng người. Nhưng Hà Nội ngày nay cũng đẹp hơn, chúng ta lại đang được sống trong một khung cảnh thanh bình, ra đường không còn sợ sệt dưới ách chiếm đóng của thực dân”.

 


Triển lãm "Ảnh nghệ thuật Hà Nội" thu hút nhiều công chúng

 

Song song với triển lãm “Hà Nội trong tôi”, tại Nhà trưng bày thông tin TP Hà Nội (45, Tràng Tiền) cũng đã khai mạc triển lãm ảnh “Ảnh nghệ thuật Hà Nội”. Hơn 150m bức ảnh đẹp và nghệ thuật của 59 nghệ sỹ nhiếp ảnh đã thể hiện cảm xúc và tình yêu Hà Nội với những cách nhìn độc đáo, đa dạng của các nghệ sỹ.

 

Hà Nội hiện ra tươi rói, rõ ràng bởi những khoảnh khắc vàng tuyệt vời, những giây phút thăng hoa của các nghệ sỹ tài năng. Đó còn là một Hà Nội với những di tích thâm nghiêm, trầm mặc, những danh lam, thắng cảnh, phong cảnh thơ mộng, sôi động làng nghề, nhộn nhịp phố xá, những công trình vươn cao, những cây cầu nối với những bờ vui và cuộc sống thường nhật thanh bình đấy nhưng thật khẩn trương, hối hả… Đó còn là những hội hè, đình đám, thú vui chơi dân dã, ẩm thực, lối sống, ứng xử văn hóa với nhau và giao hòa, đồng cảm với thiên nhiên… Tất cả đều toát lên hình ảnh một Hà Nội tràn đầy sức sống trong thế Rồng bay và dựng lên một bức tranh toàn cảnh về Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hòa bình, với những đặc trưng tiêu biểu: hội tụ - giao lưu – kết tinh – lan tỏa.

 

* Festival cầu Long Biên: Cây cầu rồng đã lộ diện

 

Sáng nay, một phần đầu rồng ở trên hai đầu cầu Long Biên đã được công nhân của Công ty Viet Brother lắp đặt. Đầu rồng màu vàng óng được làm bằng sắt, vải voan dập và giấy bạc lấp lánh kim tuyến. Cây cầu Long Biên với chiều dài 1628m gồm 19 nhịp dầm thép ngày thường trậm mặc là vậy, giờ đây bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi người đi trên cầu dường như cũng đi chậm hơn ngày thường để ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật đang dần hoàn thiện trên cầu.

 


Đầu rồng trên cầu Long Biên bắt đầu lộ diện

 

Lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” đã dần lộ diện với những mảng phông trắng được nối chạy dài dọc theo cây cầu. Một số đoạn trên tấm phông trắng trải dài đó đã được nhà tổ chức sự kiện cho in những bài thơ về Hà Nội của nhà thơ Vương Tâm, Chiến Thắng... Một đoạn khác lại có in những hình vẽ miêu tả những nét sinh hoạt của người Việt Nam đầu thế kỷ 20. Những bức tranh này có trong tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger.  99 bức tranh về cây cầu Long Biên do nhiều tác giả thể hiện tuy chưa được treo trên cầu nhưng cũng đã thấy những khoảng trống được trang trí cẩn thận để treo tranh.

 

Ở hai đoạn nhịp cầu bị gãy do sự tàn phá của chiến tranh, đã thấy treo lá cờ của các quốc gia tham dự Festival và hàng trăm con diều sáo với nhiều hình thù và màu sắc khác nhau cũng đã được bay lên bầu trời.

 


Những bài thơ về Hà Nội đã được treo trên cầu

 

Khâu chuẩn bị cuối cùng cho Festival cầu Long Biên đang hoàn tất. Được biết, 8h sáng mai, Lễ hội sẽ bắt đầu với việc một đoàn tàu cổ đi từ ga Gia Lâm chở những vị khách quý sang Long Biên. Hàng loạt các hoạt động văn hóa như triển lãm, biểu diễn nghệ thuật dân tộc trên cầu, thả diều sáo và thả 999 ngọn hoa đăng trên sông Hồng... sẽ bắt đầu. 17h đến 18h30, loạt hoạt động của Festival cầu Long Biên sẽ được tường thuật trực tiếp đến rộng rãi công chúng cả nước.

 

Bà Nguyễn Nga, chủ nhân của ý tưởng thực hiện Festival cầu Long Biên cho biết, dự kiến sẽ có 50.000 người tham gia. Trước khi Lễ hội diễn ra, Bà Nga khẳng định thêm, dù đây là lễ hội cộng động nhưng người dân khi tham gia vào Lễ hội này cần có một tấm vé, được phát miễn phí tại 31A Văn Miếu. Đây là việc làm cần thiết để kiểm soát lượng người trên cầu và giữ gìn trật tự ở một lễ hội cộng đồng.

 

Như vậy, chưa đầy 24 tiếng nữa, hai sự kiện lớn nhất trong năm được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra để chào mừng Hà Nội tròn 999 tuổi và 55 giải phóng Thủ đô. Loạt hoạt động này cũng là bước để Hà Nội tập rượt cho việc chuẩn bị mừng ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long vào năm sau. Đây là dịp để công chúng thưởng thức những tinh hoa nghệ thuật, thêm tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô anh hùng, để từ đó ý thức hơn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Tối nay, một số hoạt động văn nghệ ở xung quanh Hồ Gươm cũng sẽ diễn ra để chào mừng sự kiện này.

 

Dưới đây là chùm ảnh ghi nhanh của nhóm PV HNMO (sáng ngày 9/10):

 


Nhiều người đến chiêm ngưỡng cây thế tại Triển lãm sinh vật cảnh

 


Đường phố Hà Nội những ngày Lễ hội

 


Nhiều đôi uyên ương chụp ảnh cưới tại Hồ Gươm

 

 


Sân khấu tại tượng đài Lý Thái Tổ

 


Con diều sáo chuẩn bị được treo trên cầu

 


Những bức tranh khắc họa nét sinh hoạt của người Việt Nam đầu thế kỷ 20 đã được in và treo trên cầu

 


(Theo Hanoimoi.com.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)