Hai bài toán phát triển dịch vụ trong các HTX nông nghiệp: Cơ chế, mặt bằng
Bài toán chuyển đổi
Theo
Liên minh HTX thành phố Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 1.571 HTX, quỹ tín
dụng nhân dân với khoảng hơn 1 triệu xã viên, người lao động. Trong đó,
có 965 HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp (chiếm 61,4% tổng số HTX).
HTX nông nghiệp được xác định là lực lượng nòng cốt đóng vai trò quan
trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tuy nhiên, trước
tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn, nhiều địa phương đã
rơi vào cảnh không có đất để canh tác. Thực trạng này dẫn đến việc các
HTX phải chuyển hướng hoạt động. Nghĩa là, các HTX nông nghiệp phải
khai thác các dịch vụ khác bên cạnh các dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Văn An, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội khẳng định, nếu các HTX
nông nghiệp không xác định phương hướng hoạt động, tạo bước chuyển biến
mới để nông dân chuyển đổi sản xuất từ cây trồng, vật nuôi sang các
loại hình sản xuất khác phù hợp thì sẽ không tránh khỏi tình trạng khó
khăn nguy cơ phải giải thể. Nhiều HTX đã tự đổi mới loại hình HTX dịch
vụ nông nghiệp, đã phát huy khả năng làm kinh tế theo hướng phát triển
đa dạng các loại hình dịch vụ. HTX nông nghiệp Thống Nhất, xã Trung
Văn, Từ Liêm là một trong 8 điển hình của Hà Nội phát huy tốt khả năng
làm kinh tế sau khi tự đổi mới. Ông Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm HTX
Thống Nhất cho biết: Quá trình đô thị hóa rất nhanh của thành phố khiến
hiện nay xã Trung Văn chỉ còn khoảng 8-10ha đất sản xuất nông nghiệp.
Do đó, để duy trì các dịch vụ sản xuất nông nghiệp là rất khó nên HTX
nông nghiệp Thống Nhất đã mở rộng, phát triển các ngành nghề khác. Từ 4
khâu dịch vụ ban đầu, đến nay HTX Thống Nhất đã hình thành 18 loại hình
dịch vụ khác nhau như dịch vụ kinh doanh chợ, dịch vụ cho thuê nhà sinh
viên, dịch vụ tín dụng nội bộ... Kết quả năm 2008, HTX Thống Nhất đạt
tổng doanh thu 12 tỷ 328 triệu đồng, trong 9 tháng đầu năm 2009, HTX đã
có tổng doanh thu lên tới 12 tỷ 332,8 triệu đồng. Đây là một kết quả
đáng mừng trong hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp trước quá trình
đô thị hóa. Theo ông Phạm Văn An, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội, hầu
hết các HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ đều
làm ăn có hiệu quả và đạt lợi nhuận cao
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Ông
Nguyễn Quang Hải, Trưởng phòng Tổ chức Liên minh HTX thành phố Hà Nội
cho rằng, hoạt động các HTX dịch vụ nông nghiệp tuy bước đầu có chuyển
biến nhưng nhìn chung còn chậm, chưa đồng đều và chưa mạnh. Hiện nay,
còn 11 HTX chưa chuyển đổi, 35 HTX chưa đăng ký kinh doanh, một số HTX
còn hoạt động cầm chừng, chỉ đáp ứng từ 1-2 khâu dịch vụ giản đơn.
Để
các HTX dịch vụ nông nghiệp phát huy được rất cần tác động đủ mạnh để
hỗ trợ cho các HTX phát triển đa dạng. Muốn vậy, cần sự vào cuộc của
các cấp, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ chế, chính sách
hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX dịch vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn
Thông, Chủ tịch Liên minh HTX Đan Phượng cho rằng, nghị định của Chính
phủ liên quan đến mảng HTX dịch vụ nông nghiệp chưa được các bộ, ngành
liên quan hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Việc thực hiện các chủ trương, chính sách ưu tiên cho HTX chưa được áp
dụng đồng bộ nên chưa tạo sức đột phá trong kinh tế HTX hiện nay. Theo
bà Bùi Thị Uyên, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, chính quyền địa
phương, ngành liên quan cần quan tâm đặc biệt đến các HTX dịch vụ nông
nghiệp, tạo điều kiện về cơ chế cũng như cơ sở vật chất để các HTX có
thể mở rộng các hoạt động dịch vụ. Cụ thể như cần cấp nhanh sổ đỏ cho
trụ sở HTX nông nghiệp để tạo điều kiện cho cơ sở thế chấp vay vốn ngân
hàng hay hỗ trợ thuê mặt bằng, xin cấp đất trong quỹ đất địa phương
giúp các HTX nông nghiệp có cơ sở mở mang dịch vụ. Bà Uyên cho biết,
hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Trì chỉ có 1 HTX nông nghiệp được cấp
sổ đỏ, hầu hết các HTX nông nghiệp khác rất khó được thuê hay xin cấp
đất trong quỹ đất của địa phương.
(Theo Hanoimoi.com.vn)