Bài 1: "Chiếc áo" bẩn, kỳ dị

Các loại quảng cáo sơn trái phép trên tường. |
Để tẩy trừ tệ đổ rác ra đường, nhiều biện pháp
mới đã được triển khai trên toàn địa bàn thành phố với một thái độ khẩn
trương, quyết liệt. Tệ đổ rác ra đường đã từng bước được đẩy lùi, nhận
thức, hành động của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và từng
người dân đã có những chuyển biến, thay đổi rõ rệt. Đó là sự cần thiết
khi Thủ đô đã đứng trước ngưỡng cửa của Đại lễ kỷ niệm tròn nghìn năm
tuổi.
Tuy
nhiên không chỉ có tệ đổ rác ra đường mà trên tường nhà, trên gốc cây,
cột đèn, bề mặt những trạm biến thế, cabin điện thoại, nhà chờ xe
buýt... tại Hà Nội còn rất nhiều loại "rác" đang bôi bẩn, làm lem nhem
bộ mặt đô thị. Những quảng cáo, rao vặt tùy tiện kiểu này cũng cần phải
nhanh chóng loại trừ khỏi đời sống để giành lại vẻ đẹp mỹ quan cho
thành phố. Với mong muốn đó, bắt đầu từ số này, báo Hànộimới tiếp tục
khởi đăng loạt bài "Rác trên tường" tại Hà Nội: Đến lúc phải quét sạch!
Bài 1: “Chiếc áo” bẩn, kỳ dị
Không
biết từ bao giờ và ai là người đầu tiên nghĩ ra cách quảng cáo mất mỹ
quan là in số điện thoại trên tường, nhưng tới nay, hình ảnh những cây
cột điện, tường nhà và tường công cộng chi chít số điện thoại "Khoan
cắt bê tông", "Hút bể phốt", "Đào giếng", "Gia sư", "Chăm sóc sắc
đẹp"... có thể bắt gặp ở bất kỳ chỗ nào. Những cá nhân kinh doanh mọi
loại hình dịch vụ đã tự cho mình cái quyền sử dụng mọi khoảng trống có
thể làm nơi lý tưởng dành cho quảng cáo. Không chỉ in số, họ còn viết
nguệch ngoạc, dán giấy lem nhem… Tấm áo bẩn, kỳ dị ấy không chỉ khoác
lên những công trình dân sinh, công trình văn hóa, lịch sử mà còn khoác
lên cả những công trình mang tính tâm linh, ẩn chứa tín ngưỡng của
người Việt. Cá biệt, có những công trình vừa mới khánh thành đã ngay
lập tức bị họ bôi bẩn không thương tiếc, mà gần đây nhất là hầm đường
bộ ở nút giao thông Kim Liên.

Tường đường hầm trước cửa Trung tâm Hội nghị quốc gia cũng bị bôi bẩn bằng vô số hình vẽ.
Ảnh: Bá Hoạt
Lịch sử… ra đời và phát triển
Khoảng
hơn chục năm trở lại đây, việc quảng cáo, rao vặt trên tường bắt đầu
xuất hiện nhiều ở Hà Nội. Khi đó, quảng cáo rao vặt chủ yếu là "khoan
cắt bê tông". Thời điểm này, những khu tập thể được xây dựng bằng
phương pháp lắp ghép bê tông như Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân Bắc,
Kim Giang, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô… đã bắt đầu vào giai đoạn lão hóa nên
nhiều hộ gia đình buộc phải nâng cấp, cải tạo nhưng không phải nhà ai
cũng dễ dàng có chiếc khoan bê tông chuyên dùng để sử dụng. Vậy nên
những tờ rơi cung cấp số điện thoại dịch vụ khoan cắt bê tông được
người ta photocopi làm nhiều bản, dán lên tường ở khắp mọi nơi, nhiều
nhất là tại các khu tập thể. Thậm chí người ta công khai dán tờ rơi
quảng cáo kiểu như thế ngay giữa ban ngày.
Nhiều
người còn cho rằng, đó là một kiểu quảng cáo mới, vừa không tốn kinh
phí như đăng trên báo hay phát trên truyền hình, mà lại thuận tiện cho
người có nhu cầu sử dụng dịch vụ… Sau đó, không chỉ thuê người dán
quảng cáo trên tường để cho quảng cáo được nhiều địa điểm, cánh "khoan
cắt bê tông" còn nghĩ ra cách dùng những chiếc phôi bằng mica có chạm
khắc sẵn số điện thoại, nội dung quảng cáo rồi áp vào những mặt tường,
mặt nhà và quét sơn phủ lên. Cách đó vừa nhanh gọn, lại không sợ mưa
nắng làm bong như dán tờ rơi, lại cũng không ngại người ta bóc đi…

Không ít bạn trẻ bày tỏ “tâm tư, cảm xúc” lên tường tháp Hòa Phong, bên hồ Gươm ...
Những
khoảng thời gian sau đó, thấy cánh thợ chuyên khoan cắt bê tông làm ăn
được thông qua kiểu quảng cáo này, thế là các loại hình dịch vụ khác
đua nhau bắt chước. Thôi thì loại dịch vụ nào cũng có thể quảng cáo
theo kiểu như vậy. Từ làm đầu, gia sư, dịch vụ dọn nhà, các trung tâm
môi giới ô-sin, dạy đàn, cho thuê xe, phun thuốc muỗi… Càng nhiều loại
hình dịch vụ mới ra đời do nhu cầu của đời sống thì kiểu quảng cáo tùy
tiện, tệ hại này càng bùng nổ, phát triển. Và không chỉ có vậy, đám trẻ
còn vung cả lời tỏ tình lên những nơi vốn được coi là thâm nghiêm trong
sâu thẳm tâm linh người Việt như Tháp Bút, Tháp Hòa Phong bên hồ Gươm
lịch sử.
Ở đâu có khoảng trống, ở đó có quảng cáo rao vặt
Thực
trạng sự lem nhem, nhếch nhách của "rác trên tường" có thể thấy rõ nhất
tại các khu tập thể. Có thể nói, không một khu tập thể nào trên địa bàn
Hà Nội không bị nạn quảng cáo rao vặt hoành hành thông qua hình thức
dán giấy, quét sơn những địa chỉ, số điện thoại của đủ mọi loại dịch
vụ: Khoan cắt bê tông, thông tắc bể phốt, ép cọc xây nhà, diệt trừ mối
mọt, bán gas, sửa chữa điện, học ngoại ngữ... Ngay cả một cửa hàng bia,
cửa hàng quần áo, thẩm mỹ… khai trương cũng có hàng nghìn tờ rơi được
dán ở khắp mọi nơi.
Ông
Thái Doãn Thời, Tổ trưởng tổ dân phố khu tập thể C4 Giảng Võ bức xúc:
Bà con trong khu đã rất mất công bóc giấy, rồi bỏ tiền ra thuê người
quét vôi lại, nhưng chỉ dăm ba ngày sau, mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Các khu khác ở đây cũng thế. Sau này, nhìn mãi cũng… quen dù rất phản
cảm khi những bức tường chằng chịt quảng cáo số điện, lại còn có kẻ lấy
sơn viết nhom nhem như trẻ con lớp 1… Gia đình anh Lê Xuân Ngọc ở ngõ
255 Cầu Giấy, nhà vừa khánh thành hôm trước, chỉ qua một đêm, bức tường
sát ngõ còn thơm mùi sơn đã chi chít các loại dịch vụ và số điện thoại
liên hệ…

…và những dòng chữ không thể chấp nhận trên thân Tháp Bút ngoài cổng đền Ngọc Sơn.
Ảnh: Viết Thành – VNE
Bây
giờ những kẻ quảng cáo kiểu này hoạt động không khác gì đạo tặc, chúng
thường lợi dụng khoảng thời gian ban đêm, khi các hộ gia đình đã ngon
giấc để hành sự. Mục tiêu của bọn chúng là tường nhà ai, hoặc những
khoảng trống nào càng sáng, càng gần đường, càng tập trung nhiều người
qua lại thì "quảng cáo" càng hiệu quả. Ngay cả những người "đăng tải"
các loại dịch vụ trên cũng cạnh tranh nhau quyết liệt, họ quét vôi đè
lên nhau, sơn chèn số điện thoại lên nhau… làm cho bộ mặt đô thị loang
lổ và phản cảm. Nếu có bị xóa, bị bóc, thì chỉ 1-2 ngày sau, mọi việc
lại tái diễn, như một sự thách thức.
Những
tuyến phố đẹp của Hà Nội, do nhà cửa san sát, không có những khoảng
tường trống để dán giấy, quét sơn quảng cáo thì người ta "thông tin"
bằng cách ghim quảng cáo lên thân cây. Cả những tủ kỹ thuật của các
ngành chức năng đặt ở khu vực công cộng như trạm biến áp (ngành điện),
tủ đầu mối cổng thông tin (ngành bưu chính - viễn thông) cũng mang trên
mình chiếc áo kỳ dị khi bị những quảng cáo, rao vặt dán lên nham nhở.
Thôi thì đủ các loại dịch vụ, đủ các loại kích cỡ, dường như những
người làm việc này chỉ cần được việc cho họ mà không cần biết hậu quả
của nó ra sao. Ở những phố có nhiều công sở (như Trần Hưng Đạo, Lý
Thường Kiệt, Lê Thánh Tông…) cũng không phải không có những loại rác
này. Vậy là những mặt phẳng của các bức vách cabin điện thoại công
cộng, nhà chờ xe buýt trở thành nạn nhân của quảng cáo, rao vặt. Ngay
tại những cabin điện thoại quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi được coi là trung
tâm Thủ đô cũng rất nhom nhem khi không ít tờ rơi các loại hình dịch vụ
dán lên chi chít.
Một khi chúng ta đã quyết tẩy trừ tệ đổ rác ra đường, không lẽ tại Hà Nội - Trái
tim của đất nước với truyền thống ngàn năm văn hiến - những loại "rác
trên tường" như đã nêu trên lại có thể tồn tại? Khi nêu chuyện này,
cũng như tệ đổ rác ra đường, nhiều người có thể coi đó là… chuyện vặt,
chuyện nhỏ trong thời buổi kinh tế thị trường bùng nổ và sôi động như
hiện nay. Nhưng thực tế không phải như vậy. Đằng sau những đống rác
trên đường, những bãi "rác trên tường" là thói quen, là ý thức và trách
nhiệm công dân, là thái độ văn hóa, nếp sống văn minh, là hiệu quả quản
lý đô thị của các cấp chính quyền.
Theo báo Hà Nội Mới.