Cuốn sách về một dân tộc anh hùng
"Chân trần, chí thép" là những câu chuyện được ghi
nhận trọn vẹn từ những cuộc phỏng vấn 200 nhân vật của James Zumwalt đối
với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến, từ những thường dân
Việt Nam, những cựu chiến binh mà ông gọi là "cựu chiến binh Bắc Việt"
đến Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thượng
tướng Trần Văn Trà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Song song với đó là những
đánh giá, nhận xét sắc sảo, táo bạo và dũng cảm cũng như những vỡ lẽ của
bản thân James Zumwalt sau cuộc chiến cho thấy sự am hiểu thấu đáo về
cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
Cuốn sách như một thông điệp về hòa giải, hàn gắn vết
thương chiến tranh gửi tới trước hết là chính người Mỹ: "Tôi cố gắng cho
mọi người thấy câu chuyện của tôi. Nếu tôi có thể thay đổi thì bất kỳ
người nào cũng có thể thay đổi. Không có cách nào tốt hơn là trở lại
chiến trường và gặp lại đối phương, ngồi nói chuyện với họ để hiểu tại
sao họ chiến đấu, chiến đấu vì cái gì". Qua cuốn sách, bạn đọc cũng có
thể tìm thấy hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến thần kỳ.
Cuốn sách dày 400 trang, bản Tiếng Anh "Bare Feet,
Iron Will" được xuất bản ở Mỹ tháng 4/2010 và được phát hành bằng tiếng
Việt tại Việt Nam
tháng 4/2011. Ngay sau khi được phát hành, cuốn sách lập tức đã trở
thành một hiện tượng ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Trên mạng bán
sách trực tuyến nổi tiếng thế giới Amazon đã nhận được đánh giá rất cao
từ độc giả: "Các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người có thẩm quyền
phát động chiến tranh cần đọc cuốn sách của Zumwalt. Thông điệp ở đây là
chính quyết tâm của nhân dân và "quy mô" trái tim của họ, chứ không
phải là sức mạnh quân đội và quy mô của kho vũ khí quyết định chiến
thắng". Lời tựa cho "Chân trần, chí thép" được xuất bản tại Việt Nam,
Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viết: "Đọc cuốn
sách, tôi có cảm nhận như sống lại giai đoạn chiến tranh chống Mỹ hào
hùng của dân tộc ta". Thượng tướng cũng đánh giá cao thiện chí cũng như
sự quyết liệt của James Zumwalt: "Tôi khâm phục sự trung thực và dũng
cảm của tác giả cuốn sách khi bộc lộ những cái nhìn khác biệt với quan
điểm thù hận ở thời tuổi trẻ và chính quyền Mỹ hồi đó".
"Cả đời cũng không kể hết câu chuyện Việt Nam"
Năm 1994, James Zumwalt, lần đầu tiên tham gia đoàn của cha mình sang Việt Nam
trong một nỗ lực để tìm hiểu tác hại của chất da cam lên sức khỏe con
người. Lên đường James vẫn mang theo sự giận dữ với cuộc chiến và nỗi
đau về cái chết của anh trai và hàng ngàn đồng đội Mỹ, bởi trong đầu
người từng tham gia xâm lược Việt Nam ấy "luôn có một niềm tin xác
quyết, rằng trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng phi nghĩa đã chiến
thắng phe chính nghĩa". Từ chuyến đi ấy, James được tiếp xúc với nhiều
tướng lĩnh, các cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ cũng
như dân thường Việt Nam.
Kể từ sau chuyến trở lại đầu tiên ấy, James đã đi lại như con thoi giữa
Việt Nam và Mỹ. Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp cho ông một cái nhìn mới,
nhận thức mới về đất nước con người Việt Nam.
Điều đầu tiên mà ông hiểu được là "đối phương cũng
chịu những nỗi đau mất mát như ông". Ông đã gặp ở một làng quê miền
Trung nghèo khó một bà mẹ mất 4 người con do chiến tranh. 3 con trai của
bà ra trận và chỉ mất cách nhau có vài ngày. Và khi suy nghĩ về nỗi mất
mát đó James "chợt nhận thấy mình nhìn về cuộc chiến với một nhận thức
hoàn toàn mới, nỗi đau mất người thân không hề liên quan tới việc một
người đứng ở phía nào của chiến tuyến. Khó mà so sánh sự đau đớn khi tôi
mất anh trai và bà cụ mất con thì thế nào. Nhưng chỉ nói về số lượng
thì nỗi đau của bà kinh khủng hơn của tôi nhiều. Lần đầu tiên tôi không
nhìn cuộc chiến này theo góc độ "trắng và đen" hay "thiện và ác". Lần
đầu tiên, trái tim tôi cùng hòa nhịp với những người mà tôi từng rất căm
hận".
James Zumwalt đã thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn và
khi hiểu biết đơm mầm, lòng thù hận âm ỉ bấy lâu tan biến, thay vào đó
là sự thán phục, đồng cảm, sẻ chia và trên hết là sự ngưỡng mộ khi phát
hiện ra những người Việt Nam "chân trần" đã bước vào cuộc chiến với một
"chí thép". James kể rằng: "Ở Mỹ thời kỳ đó có một bài hát chiến tranh
nổi tiếng: "Một hai ba, chúng ta chiến đấu vì cái gì. Tôi không biết, mẹ
kiếp. Điểm dừng tiếp theo là Việt Nam".
Đó là một câu hỏi quan trọng, chúng tôi chiến đấu vì cái gì. Và tôi
không nghĩ một người lính Mỹ bình thường có thể hiểu thực sự điều đó".
Cuối cùng James kết luận "Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ, vũ khí vượt trội. Người Việt Nam
phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình - đó là
truyền thống chống ngoại xâm có từ ngàn đời, khi đất nước liên tục bị
xâm lăng. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển
thành một sức mạnh vĩ đại - một "chí thép", giúp họ thực hiện được điều
không thể. Để cuối cùng "chí thép" đã đánh bại công nghệ của siêu cường
hùng mạnh nhất thế giới".