Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Chủ nhật, 11/09/2011 11:33
54 lần đến để nhận ra truyền thống và tương lai Việt Nam
"Chiến tranh để lại hậu quả quá nặng nề ở cả hai phía và sức mạnh từ con tim có thể chiến thắng bất kỳ một loại vũ khí tối tân nào" - đó là những gì rút ra được của cựu Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ James G.Zumwalt sau 54 lần đến Việt Nam.
Bìa cuốn “Chân trần, chí thép”.

Trong 54 lần ấy, 2 lần đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước là "do Chính phủ Mỹ chi tiền" để gây ra những thảm họa đau thương cho hàng triệu người dân vô tội Việt Nam, 52 lần sau ông và cha ông đến Việt Nam vì những day dứt đã để lại hậu quả nặng nề của chất da cam trên mảnh đất hình chữ S này. Lần thứ 54, Zumwalt đến Việt Nam để tặng người dân Việt Nam "đứa con tinh thần" của mình: Cuốn "Chân trần, chí thép".

James G.Zumwalt xuất thân trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp và từng tham chiến ở Việt Nam. Cha ông, Đô đốc Elmo R.Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ là người đã phát động chiến dịch rải chất độc da cam dọc các bờ sông ở miền Nam. Nhiều chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc này, trong đó có người con trai cùng tên Elmo R.Zumwalt III của ông. Elmo R.Zumwalt III đã qua đời năm 1988 vì ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất da cam. Cái chết đau đớn của người con cả đã thôi thúc ông Elmo tìm kiếm sự thật bằng cách đọc rất nhiều nghiên cứu để tìm ra mối liên hệ giữa bệnh ung thư và phơi nhiễm chất da cam. Ông đã thành lập một ủy ban độc lập, đề xuất công nhận 25 loại bệnh ung thư liên quan đến chất da cam. Tuy nhiên đến nay Chính phủ Mỹ mới công nhận 15 bệnh.

Cuốn sách về một dân tộc anh hùng

"Chân trần, chí thép" là những câu chuyện được ghi nhận trọn vẹn từ những cuộc phỏng vấn 200 nhân vật của James Zumwalt đối với những người từng ở phía bên kia chiến tuyến, từ những thường dân Việt Nam, những cựu chiến binh mà ông gọi là "cựu chiến binh Bắc Việt" đến Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thượng tướng Trần Văn Trà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Song song với đó là những đánh giá, nhận xét sắc sảo, táo bạo và dũng cảm cũng như những vỡ lẽ của bản thân James Zumwalt sau cuộc chiến cho thấy sự am hiểu thấu đáo về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Cuốn sách như một thông điệp về hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh gửi tới trước hết là chính người Mỹ: "Tôi cố gắng cho mọi người thấy câu chuyện của tôi. Nếu tôi có thể thay đổi thì bất kỳ người nào cũng có thể thay đổi. Không có cách nào tốt hơn là trở lại chiến trường và gặp lại đối phương, ngồi nói chuyện với họ để hiểu tại sao họ chiến đấu, chiến đấu vì cái gì". Qua cuốn sách, bạn đọc cũng có thể tìm thấy hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong cuộc chiến thần kỳ.

Cuốn sách dày 400 trang, bản Tiếng Anh "Bare Feet, Iron Will" được xuất bản ở Mỹ tháng 4/2010 và được phát hành bằng tiếng Việt tại Việt Nam tháng 4/2011. Ngay sau khi được phát hành, cuốn sách lập tức đã trở thành một hiện tượng ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Trên mạng bán sách trực tuyến nổi tiếng thế giới Amazon đã nhận được đánh giá rất cao từ độc giả: "Các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người có thẩm quyền phát động chiến tranh cần đọc cuốn sách của Zumwalt. Thông điệp ở đây là chính quyết tâm của nhân dân và "quy mô" trái tim của họ, chứ không phải là sức mạnh quân đội và quy mô của kho vũ khí quyết định chiến thắng". Lời tựa cho "Chân trần, chí thép" được xuất bản tại Việt Nam, Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viết: "Đọc cuốn sách, tôi có cảm nhận như sống lại giai đoạn chiến tranh chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta". Thượng tướng cũng đánh giá cao thiện chí cũng như sự quyết liệt của James Zumwalt: "Tôi khâm phục sự trung thực và dũng cảm của tác giả cuốn sách khi bộc lộ những cái nhìn khác biệt với quan điểm thù hận ở thời tuổi trẻ và chính quyền Mỹ hồi đó".

"Cả đời cũng không kể hết câu chuyện Việt Nam"

Năm 1994, James Zumwalt, lần đầu tiên tham gia đoàn của cha mình sang Việt Nam trong một nỗ lực để tìm hiểu tác hại của chất da cam lên sức khỏe con người. Lên đường James vẫn mang theo sự giận dữ với cuộc chiến và nỗi đau về cái chết của anh trai và hàng ngàn đồng đội Mỹ, bởi trong đầu người từng tham gia xâm lược Việt Nam ấy "luôn có một niềm tin xác quyết, rằng trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng phi nghĩa đã chiến thắng phe chính nghĩa". Từ chuyến đi ấy, James được tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh, các cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ cũng như dân thường Việt Nam. Kể từ sau chuyến trở lại đầu tiên ấy, James đã đi lại như con thoi giữa Việt Nam và Mỹ. Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp cho ông một cái nhìn mới, nhận thức mới về đất nước con người Việt Nam.

Điều đầu tiên mà ông hiểu được là "đối phương cũng chịu những nỗi đau mất mát như ông". Ông đã gặp ở một làng quê miền Trung nghèo khó một bà mẹ mất 4 người con do chiến tranh. 3 con trai của bà ra trận và chỉ mất cách nhau có vài ngày. Và khi suy nghĩ về nỗi mất mát đó James "chợt nhận thấy mình nhìn về cuộc chiến với một nhận thức hoàn toàn mới, nỗi đau mất người thân không hề liên quan tới việc một người đứng ở phía nào của chiến tuyến. Khó mà so sánh sự đau đớn khi tôi mất anh trai và bà cụ mất con thì thế nào. Nhưng chỉ nói về số lượng thì nỗi đau của bà kinh khủng hơn của tôi nhiều. Lần đầu tiên tôi không nhìn cuộc chiến này theo góc độ "trắng và đen" hay "thiện và ác". Lần đầu tiên, trái tim tôi cùng hòa nhịp với những người mà tôi từng rất căm hận".

James Zumwalt đã thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn và khi hiểu biết đơm mầm, lòng thù hận âm ỉ bấy lâu tan biến, thay vào đó là sự thán phục, đồng cảm, sẻ chia và trên hết là sự ngưỡng mộ khi phát hiện ra những người Việt Nam "chân trần" đã bước vào cuộc chiến với một "chí thép". James kể rằng: "Ở Mỹ thời kỳ đó có một bài hát chiến tranh nổi tiếng: "Một hai ba, chúng ta chiến đấu vì cái gì. Tôi không biết, mẹ kiếp. Điểm dừng tiếp theo là Việt Nam". Đó là một câu hỏi quan trọng, chúng tôi chiến đấu vì cái gì. Và tôi không nghĩ một người lính Mỹ bình thường có thể hiểu thực sự điều đó". Cuối cùng James kết luận "Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ, vũ khí vượt trội. Người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình - đó là truyền thống chống ngoại xâm có từ ngàn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại - một "chí thép", giúp họ thực hiện được điều không thể. Để cuối cùng "chí thép" đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới".

Ông James G.Zumwalt giao lưu với các cựu chiến binh Việt Nam tại lễ ra mắt cuốn “Chân trần, chí thép”. Ảnh: T.T.

James cũng rất ngạc nhiên làm sao mà các cựu chiến binh Việt Nam và cả nhân dân Việt Nam nữa lại có thể vượt qua rào cản quá khứ, rộng lượng và cởi mở với mình: "Tôi lại nghiên cứu lịch sử Việt Nam và biết rằng, suốt cả nghìn năm Bắc thuộc, mỗi thế kỷ người Việt đều trải qua một cuộc chiến với người phương Bắc, nhưng mỗi khi người Việt thắng quân phương Bắc, họ lại gửi sứ giả đi cầu hoà. Đó là tinh thần nhân văn đáng sửng sốt và một lần nữa tôi chỉ có thể nói rằng điều đó có sẵn trong gene của người Việt".

Mỗi lần đến Việt Nam, James đều trở lại thăm bà mẹ miền Trung có 4 con đã hy sinh, James cũng trở thành bạn của nhiều gia đình cựu chiến binh Việt Nam, cùng chia sẻ nỗi đau da cam với nhân dân Việt Nam, muốn tiếp tục "sự nghiệp thứ hai" của cha mình: yêu cầu Chính phủ Mỹ bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ và nạn nhân da cam Việt Nam. Tại trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, James cười rạng rỡ và đặt bàn tay mình lên vai những người lính Việt Nam một cách tin cậy, như thể giữa họ chưa từng trải qua bom đạn hay nỗi đắng cay thời hậu chiến. Với James: "Hai tiếng Việt Nam là cả quá khứ, hiện tại và tương lai".

James đã nói với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: "Tôi đã nghe những người lính pháo binh kể chuyện lên rừng, mang theo đạn pháo trên lưng. Và tôi hiểu thế nào là "chân trần, chí thép". Tất cả các cựu binh mà tôi gặp đều có ý chí thép đó. Một điều làm tôi ngạc nhiên, đấy là với chúng tôi, mỗi lần sang làm nhiệm vụ ở Việt Nam thường là 12 tháng. Còn với người lính Việt Nam, họ chiến đấu quên mình không thời hạn chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất non sông mới thôi. Tôi nghĩ liệu đó có phải là kết quả của việc phải đối mặt với một cường quốc không. Và tôi quay lại nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tôi thấy rằng luôn luôn là chí thép khi Việt Nam phải đối mặt với một cường quốc. Sự kiên cường đó không chỉ có trong chiến tranh chống Mỹ, mà nó đã nằm sẵn trong gene của người Việt rồi".



(Theo cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)