Gần một năm nay, học sinh bản Ông Tú và K.Oóc, xã Trọng Hóa phải bơi qua sông học chữ. Ảnh: VnE
Dù chưa đến mùa mưa rét, nhưng nước từ
thượng nguồn đổ về, khiến sông Băm những ngày này luôn cuồn cuộn chảy
xiết. Những lúc như thế này, các thầy cô giáo lại phải ra bờ sông để
canh chừng, không cho các em vượt sông, bởi không ít tai nạn đã xảy ra.
Mới đây nhất, một người dân đã gặp nạn và trước đó, nạn nhân là một cô
giáo.
Cô Cao Thị Dưỡng, Trường Mầm non Trọng
Hóa cho biết: “Năm ngoái, cô giáo Thuần vượt sông thì bị nước cuốn trôi,
lúc vớt lên tưởng đã chết, may là sau khi xốc nước đã tỉnh lại”.
Hiểm nguy là vậy, nhưng không có sự lựa
chọn nào khác. Để tiếp thu đầy đủ bài vở trên lớp, càng học lên cao,
việc vượt sông càng diễn ra phổ biến đối với học sinh ở đây. Những
chuyến vượt sông diễn ra ngay cả ở thời điểm nước lớn và chảy xiết hơn.
Ông Hồ Mi, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng
Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã nói: “Việc các em vượt sông như
thế chúng tôi rất lo. Mong sao có được một cây cầu cho bà con đi lại và
phát triển kinh tế”.
Không thể xây cầu vì kinh phí vượt quá
khả năng của địa phương, mới đây huyện Minh Hóa đã tiến hành cấp áo phao
và đò cho học sinh cùng người dân, nhưng những trang thiết bị và phương
tiện này cũng chẳng có tác dụng trong mùa nước lớn, bởi cũng đã có một
con đò như vậy bị nước cuốn vỡ nát trong mùa mưa lũ năm ngoái.
Giao thông cách trở không chỉ khiến hơn
100 người dân ở bản Ông Tú hàng ngày phải mạo hiểm sinh mạng của mình để
mưu sinh, học tập, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế
của người dân, trong đó có cả người dân ở bản K.oóc, địa phương cách bản
Ông Tú khoảng 2 km.
Để trồng được 1 cây rừng, người dân phải
mất từ 5-7 năm, giá bán 1 cây là 10 nghìn đồng, nhưng để chuyển đến tay
thương lái, giá một cây đưa qua sông là 15 nghìn. Có một cây cầu không
chỉ là mong mỏi từ bao lâu của người dân bản Ông Tú mà kể cả gần 40 hộ
dân bản K.oóc, bởi con đường lâu nay mà họ vẫn sử dụng để đến quốc lộ
rất hiểm trở, và nếu các em học sinh ở bản Ông Tú muốn đến được trường
qua con đường này thì phải đi từ 9 đến 10km.
Gần 1 nghìn ha đất trồng rừng không phát
huy hiệu quả, đời sống kinh tế của người dân luôn khó khăn. Thêm một
mùa mưa bão lại về, sống trong nơm nớp lo âu, người dân ở đây chỉ biết
cầu mong cho mọi bất trắc, hiểm nguy không xảy ra với con em và dân bản
mình trong những lần vượt sông như thế.
Phản hồi từ UBND huyện Minh Hóa
Trao đổi với nhóm phóng viên về sự việc trên, ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết:
Chính quyền địa phương trước đây cũng đã
tổ chức khảo sát để lên kế hoạch xây dựng cầu bắc qua con sông này, tuy
nhiên kinh phí quá lớn so với khả năng của địa phương, nên kế hoạch
trên phải gác lại. Trước mắt, chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, ngoài việc
đã cấp phát áo phao và đò, UBND huyện chỉ đạo các trường học và UBND xã
Trọng Hóa giám sát, cho các em nghỉ học trong những ngày nước lớn để
tránh nguy hiểm và tổ chức dạy học bù sau.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có
tính đến phương án nếu mưa lũ kéo dài thì phải bố trí cho các em đến ở
tạm trong các nhà dân gần trường để đảm bảo bài vở. Chính quyền địa
phương rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và cộng
đồng, xã hội để nơi đây sớm có một cây cầu, giúp nhân dân ổn định cuộc
sống.
(Theo vtv.vn)