Thủ tướng sẽ quyết phương án điều chỉnh giờ làm Hà Nội
Như VnMedia đã
đưa tin, ngày 6/11, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức trình phương án
thay đổi giờ làm việc, giờ học tập của học sinh, sinh viên, cán bộ công
chức trên địa bàn thành phố để chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên,
trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã trình lên Chính phủ 2 phương án
điều chỉnh giờ làm, giờ học để giải bài toán ùn tắc ở Thủ đô. Chiều
8/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết, hoàn toàn
không có sự khác nhau giữa phương án của Bộ Giao thông vận tải và UBND
Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho biết, nhiều năm nay Chính
phủ, Bộ và Hà Nội đã đưa nhiều giải pháp để giảm ùn tắc và tai nạn giao
thông, tuy nhiên khi triển khai vào thực tế thì hiệu quả không được như
mong muốn.
Năm 2003 TW Đảng đã ra Chỉ thị về việc giảm thiểu ùn
tắc và tai nạn giao thông, hiện chúng ta đang chuẩn bị tổng kết chỉ thị
này để ra nghị quyết mới về an toàn giao thông trong giai đoạn hiện nay.
Về chủ trương này, Chính phủ cũng đã có nhiều Nghị quyết để
giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông cũng như kiện toàn Ủy ban An
toàn giao thông Quốc gia. Riêng Nghị quyết 32, ngay năm đầu tiên thực
hiện đã giảm hơn 1.000 người chết và bị thương do tai nạn giao thông so
với năm trước đó. Nhờ triển khai Nghị quyết này, Việt Nam được thế
giới đánh giá thực hiện tốt kỷ cương an toàn giao thông đường bộ.
Sau
đó là Nghị quyết 16 của Chính phủ về các biện pháp chống ùn tắc giao
thông ở Hà Nội và TPHCM. Trong Nghị quyết này đã có đưa ra các giải pháp
chống ùn tắc bằng việc hạn chế xe cá nhân, đổi giờ làm…Tiếp đó là Nghị
quyết 88 cũng nêu rất rõ, để giảm ùn tắc tại 2 đô thị lớn: Hà Nội và
TPHCM thì cần phải thí điểm làm cầu vượt lắp ghép cho xe tải nhỏ dưới 3
tấn, taxi, mô tô…
“Phương án thay đổi giờ học, giờ làm việc
trên địa bàn thành phố đã được Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội bàn
bạc, trao đổi nhiều lần, về cơ bản, quan điểm của hai bên đều giống
nhau. Việc điều chỉnh giờ làm, giờ học không có sự khác nhau giữa Hà Nội
và Bộ giao thông vận tải. Biện pháp này đã được bàn bạc nhiều nhưng
chưa được thực hiện”, ông Hùng nói.

Cảnh ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường Hà Nội vào giờ cao điểm.
Thứ
trưởng Hùng cho rằng, trước tình hình phươn tiện cá nhân gia tăng nhanh
như hiện nay, trên 10% năm, ùn tắc tại Hà Nội đã lên đến đỉnh, nếu
không hạn chế phương tiện cá nhân ngay, không đầu tư vận tải công cộng
thì trong vòng vài ba năm tới Thủ đô sẽ gặp bài học đắt giá mà Thái Lan
đã gặp phải cách đây 15 năm.
Theo Thứ trưởng Hùng, các tạp chí
nghiên cứu về giao thông thế giới cũng đã cảnh báo chúng ta cách đây 10
năm, nếu chúng ta mạnh mẽ thực hiện theo khuyến cáo của họ thì ùn tắc đã
đỡ hơn.
“Vì thế, Bộ Giao thông và Hà Nội mới đi đến thống nhất
điều chỉnh giờ làm của công chức và giờ học của học sinh, sinh viên.
Tập trung vào khối lượng các quốc lộ 32, đường 6 và các quận nội thành.
Còn việc đưa ra nhiều phương án khác nhau là chuyện bình thường”, Thứ
trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Theo Thứ trưởng Hùng,
việc đưa ra nhiều phương án khác nhau, tựu chung vẫn là nhằm giảm mật độ
ùn tắc. Bộ và UBND Hà Nội đồng nhất quan điểm và Sở GTVT cũng trên căn
cứ của Bộ đã xây dựng phương án trình UBND thành phố quyết định. Bộ hoàn
toàn nhất trí với quan điểm điều chỉnh lệch giờ của học sinh, sinh
viên, công chức TƯ và Hà Nội.
“Điều chỉnh giờ làm, giờ học là
biện pháp tổ chức giao thông đơn giản nhất, không tốn kinh phí, không
phải đầu tư, chỉ dựa trên những gì đã có tổ chức lại. Việc có nhiều
phương án sẽ giúp tìm ra được phương án khả thi hơn”, Thứ trưởng Bộ Giao
thông vận tải Lê Mạnh Hùng nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VnMedia về
giữa hai phương án, một của Hà Nội và một của Bộ Giao thông, phương án
nào khi triển khai sẽ hiệu quả hơn, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho biết,
Văn phòng Chính phủ trước khi trình Thủ tướng quyết định sẽ lấy ý kiến
các bộ, ngành, sau đó sẽ có cuộc trao đổi giữa các bên.
Sau khi
hoàn tất các thủ tục trên, Thủ tướng Chính phủ sẽ chọn phương án nào tốt
nhất. Hiện nay chúng tôi không thể nói phương án của Bộ Giao thông hiệu
quả hơn, nếu nói như thế thì sẽ không khách quan. Tuy nhiên, quan điểm
của Bộ Giao thông giữa cơ quan TW và địa phương thời gian giãn giờ càng
dài càng tốt.
“Còn việc quyết định phương án nào thì Hà Nội và
Bộ Giao thông đều báo cáo Thủ tướng cả nên việc chọn phương án nào sẽ do
Thủ tướng quyết định”, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng trả lời phóng viên VnMedia.
Trước
đó, cho rằng có thể hạn chế ùn tắc giao thông bằng biện pháp điều chỉnh
giờ làm, giờ học, Bộ Giao thông đã có văn bản trình Chính phủ 2 phương
án. Tuy nhiên, không hài lòng với bản kế hoạch trên của Bộ Giao thông,
Hà Nội đã tự xây dựng bản đề xuất trên để trình Chỉnh phủ.
Liên
quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều
5/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đảm
bảo an toàn, chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội trước hết thuộc trách
nhiệm của UBND thành phố. Do đó, ông yêu cầu yêu cầu Bộ Giao thông làm
việc với Hà Nội, trao đổi thống nhất phương án trình Chính phủ quyết
định.
(Theo vnmedia.vn)