Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 22/12/2011 08:25
Cuộc họp mặt của những người lính Cụ Hồ đầu tiên
Sáng mùa đông 21 tháng 12 năm 2011, những bộ đội Cụ Hồ đầu tiên - những người đã nhập vào đội quân chính quy của cách mạng trước ngày Việt Nam tuyên bố độc lập tới nay trẻ nhất còn sống cũng đã gần tuổi 90 đã họp mặt tại nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những anh bộ đội chống gậy "gặp được nhau là may mắn"

Nhiều người trong số họ đã phải chống gậy. Nhưng họ vẫn đến họp mặt tại địa chỉ quen thuộc trên phố Hoàng Diệu. 30 Hoàng Diệu cũng là nơi, theo nhà văn Anh Virginia Morris, đã nung nấu nhiều quyết định quân sự trọng đại của Việt Nam trong thế kỷ XX, đã làm thay đổi phương thức tác chiến của quân đội phương Tây...

Một đặc điểm vô song của Việt Nam là qua cách xưng hô, mọi người dân Việt đều là “con một cha, nhà một nóc”. Vì vậy, nhà văn Mỹ Lady Borton nhận xét, Quân đội Nhân dân Việt Nam là đội quân chính quy duy nhất có một người Bác – Bác Hồ, một tư cách như người Cha, nhưng được thăng hoa hơn vì còn là anh của cha mẹ mình; và một người anh Cả, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự kiện các cựu chiến binh lớp đầu tiên của Việt Nam đến họp mặt tại nhà “Anh Văn” mỗi dịp sinh nhật Quân đội, trong mắt người Việt và bè bạn quốc tế, là một hoạt động văn hoá thuần Việt.

Các cựu chiến binh trò chuyện với bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Các cựu chiến binh trò chuyện với bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hoạt động này thường do Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân, đại diện cho CCB của lực lượng vũ trang thống nhất của Việt Nam, ban đầu gồm 13 đại đội chủ lực. Nghi thức hợp quân diễn ra ngày 15/5/1945 tại Định Biên, Định Hoá, Thái Nguyên, từ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân, nhưng Việt Nam Giải phóng quân chính thức bao gồm cả một số đội vũ trang tập trung tại các địa phương lúc đó đang hoạt động tại miền Trung và miền Nam Việt Nam, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc, theo các nhân chứng lão thành.

Các thành viên Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân hôm nay còn lại các tên tuổi như Đào Văn Trường, tư lệnh pháo binh ở Điện Biên Phủ, Phùng Thế Tài, Tư lệnh PK – KQ trên đường đến “Điện Biên Phủ trên không”, Chu Duy Kính, nguyên tư lệnh QK Thủ Đô, Kim Sơn (Nguyễn Huy Văn), sĩ quan kỳ cựu của Sở Chỉ huy Bộ Tổng trong hai cuộc kháng chiến, Trần Trọng Trung, một sĩ quan tham mưu đầu tiên, Nguyễn Việt Phương, Tham mưu trưởng Binh đoàn Hương Giang trước khi về hưu để trở thành nhà văn…

Đại tá Kim Sơn (Nguyễn Huy Văn) trước ngày 20 đã gọi cho các thành viên khác của Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng quân để hiệp đồng về ngày họp mặt, nhưng có nhiều cuộc điện thoại đã phải do người nhà trả lời vì đợt rét vừa qua làm nhiều cụ Giải phóng quân khản giọng, mất tiếng. Có người như nguyên tư lệnh pháo binh Đào Văn Trường đã không còn nghe thấy tiếng nói từ điện thoại, hẳn do ông từng tự tay điểm hoả, bắn pháo vào trung tâm Mường Thanh. Bản thân tác giả bài viết này phải ngậm ngùi nhớ lại, chỉ cách đây mấy năm, vị hổ tướng gốc nhà báo Đào Văn Trường còn múa gươm Nhật cho hai ký giả người Anh xem… Vết thương của “Quan Vân Trường” Nguyễn Việt Phương hẳn cũng đang nhức nhối: ngày đầu kháng chiến ông từng ngồi yên để cho quân y mổ lấy viên đạn địch từ tay mình ra, trong điều kiện không có thuốc gây tê…

Tuổi tác, bệnh tật và những vết thương mỗi năm lại đưa nhiều CCB Việt Nam Giải phóng quân đi gặp Cụ Hồ, và các đồng đội đã hy sinh trên các nẻo đường kháng chiến, cùng những CCB đã mất trước trong hoà bình do tuổi cao, hay bệnh tật. Nhiều người còn sống cũng đã phải nằm liệt giường, hoặc không thể ra khỏi nhà nếu không có con cái dìu đỡ.

Vì vậy, họ vẫn thường gọi điện cho Đại tá Nguyễn Huân, Trợ lý Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem năm nay họp mặt ra sao, “anh chị em ta ai mất, ai còn”? Thời gian dù phai sắc, nhưng đất nước không còn chia cắt, họ vẫn ngóng dịp để lại được chiêm nghiệm “gặp được nhau thế này là may mắn rồi”.

"Đời mình là một khúc quân hành"


Sáng 21, các đại diện còn đủ sức khoẻ của Việt Nam giải phóng quân đã tề tựu 30 Hoàng Diệu vào giờ đã định, như những ngày nào. Vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện vẫn được chăm sóc tại Quân y viện 108, họ nghe những người thường xuyên được vào thăm, là Đại tá Nguyễn Huân và phu nhân Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, cho biết tin mới về sức khoẻ của Đại tướng.

Các CCB Việt Nam giải phóng quân vui mừng nghe tin Đại tướng, dù tuổi cao sức yếu, vẫn minh mẫn, tinh anh. Họ nhờ ông Huân, và bà Bích Hà (cũng từng là nhân viên cơ quan Bộ tổng thời kháng chiến chống Pháp) báo cáo, lại thành quả công tác của mình trên các “mặt trận” khác nhau.

Ông Trần Trọng Trung, cuối đời trở thành nhà nghiên cứu lịch sử quân sự có tên tuổi trên sách báo trong ngoài nước báo cáo về loạt bài gần đây của ông trên các báo chí như Quân đội nhân dân, Lịch sử Quân sự…

Ông Kim Sơn đang giúp các địa phương từng thuộc ATK trong kháng chiến chống Pháp xác minh nhiều tư liệu lịch sử quan trọng. Ông Quang Thường nhắc lại sự quan tâm chí tình của “Anh Văn” đến từng chiến sĩ, trong cuộc tranh đấu gay go “chống thù trong giặc ngoài”: diệt lực lượng nổi loạn cấu kết với quân Tưởng ở miền Bắc, và gửi bộ đội Nam tiến chi viện Nam Bộ đánh Pháp…

Được báo cáo vị tướng Tổng Tư lệnh, dù là gián tiếp, và được tin về sức khoẻ của ông để thông báo cho các CCB khác và con em, mắt những người lính già như sáng bừng lên. Nhìn họ xiết tay nhau, rồi đi về các hướng, hoà vào guồng sống sôi nổi hôm nay, tai tôi chợt bùng lên giai điệu “đời mình là một khúc quân hành”.


(Theo bee.net.vn)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)