5 câu chuyện gây "sốc" ngành giao thông năm 2011
Năm 2011 sắp kết thúc, đây có
thể được coi là năm nổi lên những vấn đề nóng của ngành giao thông. Chưa
bao giờ câu chuyện ùn tắc giao thông lại được quan tâm và chỉ đạo quyết
liệt như vừa qua. Đặc biệt, sau khi VnMedia đăng tải diễn đàn “Hiến kế chống ùn tắc giao thông ở Thủ đô” thì những tranh luận về biện pháp chống ùn tắc đã thật sự bùng nổ.
Sau
đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đưa ra nhiều quyết sách táo
bạo để giải quyết từng bước vấn nạn ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Tuy
nhiên, trong năm 2011, người tham gia giao thông ở Thủ đô cũng phải
chứng kiến nhiều “cú sốc” liên quan đến giao thông của thành phố.
Một trong những câu chuyện gây sốc với ngành giao thông đầu tiên phải kể đến là chủ trương xây dựng một số tuyến đường trên cao dọc các tuyến vành đai 2, 3.
Tuy nhiên, ngay khi thành phố phê duyệt chủ trương này, tại một hội thảo về Giải pháp chống ùn tắc giao thông, PGS.
TS Nguyễn Quang Đạo cho rằng, nếu xây dựng đường trên cao trên tuyến
này thì vấn đề khó khăn là giải quyết bài toán các cây cầu vượt.
PGS.
TS Nguyễn Quang Đạo cho biết, dọc tuyến hiện có 3 cầu vượt cho nên nếu
xây dựng đường trên cao sẽ rất khó trong việc kết nối. “Nếu xây đường
trên cao vượt qua các cây cầu vượt này thì chi phí sẽ rất tốn kém. Nối
tiếp vào cũng không được. Hiện biện pháp được nhiều chuyên gia tính đến
và được coi là tiết kiệm hơn cả là phá đi làm lại”, PGS.TS Nguyễn Quang
Đạo cho biết.

Cầu vượt Ngã Tư Sở, Hà Nội.
Phát
biểu của PGS.TS Đạo tất nhiên bị những người đứng đầu thành phố phản
ứng với lời giải thích “Hà Nội không có chủ trương phá 3 cầu vượt để xây
dựng đường trên cao”. Tuy nhiên, ý kiến trên của PGS.TS Đạo đã nhận
được rất nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia làm trong lĩnh vực
giao thông.
Tuy đến nay, câu chuyện thực hư của việc phải phá 3
cầu vượt để làm đường trên cao phần nào đã sáng tỏ với khẳng định của
lãnh đạo Hà Nội là sẽ không phá bỏ, nhưng rất có thể để “sửa sai”, Hà
Nội sẽ tìm cách xây đường trên cao mà không phải phá 3 cầu vượt, khi đó
chắc chắn thiết kế của tuyến đường sẽ xấu và chi phí sẽ đắt hơn.
Câu chuyện giao thông gây sốc dư luận thứ 2 là đề xuất cấm xe máy giờ cao điểm của bạn đọc VnMedia.
Ngay sau khi đề án của bạn đọc Vũ Tuyên được VnMedia đăng tải, suốt 2
tháng sau đó, diễn đàn tìm biện pháp hạn chế xe cá nhân do VnMedia khởi
xướng đã tạo ra một sự tranh luận sôi nổi giữa bạn đọc, tác giả Vũ
Tuyên, các chuyên gia về các biện pháp chống ùn tắc.

Cảnh ùn tắc giao thông thường thấy trong giờ cao điểm ở Thủ đô.
Diễn
đàn của VnMedia đã được tiếp thêm sức mạnh sau khi Bộ Giao thông vận
tải, sau đó là Chính phủ yêu cầu Hà Nội và TPHCM nghiên cứu đề án hạn
chế xe cá nhân để chống ùn tắc. Đây được cho là một trong những biện
pháp mạnh để chống ùn tắc giao thông.
Câu chuyện gây sốc
thứ 3 là việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng bất ngờ
“trảm” hàng loạt tướng để chậm tiến độ công trình giao thông.
Đầu tháng 10, sau khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành
khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, Bộ trưởng Thăng đã thay ngay tổng chỉ
huy công trình.
Chiều cùng ngày, ông chính thức tuyên bố ông Đỗ
Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Nam, sẽ
làm tổng chỉ huy, toàn quyền điều hành toàn bộ công việc từ ngày 5/10.
Chính ông sẽ chịu trách nhiệm về mọi quyết định của ông Bình đối với dự
án này. Trước đó, thừa lệnh ông, Ban quản lý dự án 2 (PMU2) đã thay 5
nhà thầu không đảm bảo tiến độ dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Việc
bất ngờ “trảm” hàng loạt tướng để chậm tiến độ của Bộ trưởng Thăng đã
gây ngỡ ngàng cho nhiều người. Lần đầu tiên người ta thấy, một Bộ trưởng
mới lên nắm quyền hành động quyết liệt như vậy. Sau sự kiện trảm tướng,
nhiều công trình chậm tiến độ: Sân bay Đà Nẵng, đường cao tốc Thái
Nguyên - Hà Nội và nhiều dự án khác băng băng tiến đích.
Câu
chuyện gây sốc thứ 4 là việc Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội thống
nhất trình Chính phủ phương án đổi giờ làm, giờ học để chống ùn tắc
giao thông.
Giữa tháng 10, Bộ Giao thông vận tải quyết
định sẽ cùng với Hà Nội trình Chính phủ phương án thay đổi giờ làm, giờ
học để chống ùn tắc giao thông. Việc thay đổi giờ làm, giờ học tuy đã
được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhưng ở nước ta từ trước đến nay
chưa từng được bàn luận công khai nay bỗng dưng được khuyến cáo áp dụng
đã thật sự tạo ra cú sốc cho người tham gia giao thông.
Suốt
nhiều ngày sau đó, những tranh luận về nên thay đổi giờ làm thế nào cho
thích hợp đã xảy ra và mặc dù đã thống nhất sẽ phối hợp với Hà Nội để
trình phương án. Tuy nhiên, do Hà Nội quá cẩn thận trong việc đưa ra một
phương án tối ưu nên Bộ Giao thông đã trình văn bản lên Chính phủ mà bỏ
qua Hà Nội.
Có thể bị cảm thấy không được tôn trọng trong việc
giải quyết vấn đề của thành phố, Hà Nội đã lên tiếng sẽ tự xây dựng đề
án riêng để trình Chính phủ. Sau đó, Chính phủ đã quyết định, vấn đề ùn
tắc giao thông là của Hà Nội, do đó thành phố phải tự giải quyết. Mới
đây nhất, Hà Nội đã lần thứ 2 trình Chính phủ phương án đổi giờ làm, giờ
học. Dự tính sẽ được áp dụng vào đầu tháng 2/2012.

Cọc phân làn giao thông bị húc đổ.
Câu chuyện gây sốc thứ 5 là việc Hà Nội bỗng dưng tung hơn 23 tỷ đồng để cắm cọc sắt giữa đường phân làn ô tô và xe máy.
Mặc dù 3 lần thí điểm trước đó đều chỉ được một thời gian đầu rồi đâu
lại vào đó, thế nhưng bất chấp những thất bại, Hà Nội vẫn quyết tâm phân
làn 4 tuyến phố: Huế, Bà Triệu, Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt và Giải
Phóng. Khác với các lần trước chỉ kẻ vạch đường và bổ sung các biển chỉ
dẫn trên đường để người tham gia giao thông tự điều khiển thì lần này để
cưỡng chế người tham gia giao thông đi đúng làn, Hà Nội nghĩ ra một
chiêu “cắm cột sắt giữa làn đường” để cưỡng ép người tham gia giao thông
đi đúng làn quy định.
Ngay khi giải pháp này được tiến hành,
hàng chục vụ tai nạn giao thông đã xảy ra với người đi đường và mỗi sáng
khi thức dậy người ta lại thấy các cột phân làn bị đâm đỗ, gẫy gục trên
phố, nhìn rất phản cảm.
Mặc dù vậy, trao đổi với báo chí, ông
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Tân vẫn khẳng định, đây
là việc làm cần thiết vì “không có cách nào khác ngoài việc phải cưỡng
bức giao thông” đối với các phương tiện cố tình không đi đúng làn đường.
Quá sốc với cách làm trên của Hà Nội, nhiều người đã nghĩ ra
sáng kiến cũng không kém phần hài hước khi đề xuất tại mỗi cột phân làn
giao thông nên có một “hot girl” đứng vẫy cờ để tránh tai nạn cho người
tham gia giao thông.
Ngoài 5 cú sốc lớn trên, trong năm người
tham gia giao thông còn phải chứng kiến thêm một cú sốc nữa về giao
thông đó là việc một cá nhân ở TPHCM công khai trên báo chí rao bán giải
pháp chống ùn tắc giao thông với giá 100 tỷ đồng. Mặc dù, giải pháp này
không có nhiều đột phá mới so với các giải pháp các cơ quan chức năng
đã làm nhưng nó cũng cho thấy sự quan tâm của người dân với những vấn đề
lớn của đất nước.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề chống ùn tắc
giao thông lại được quan tâm như thời gian vừa qua. Mặc dù, vẫn còn
nhiều cú sốc nhưng hy vọng rằng năm tới khi triển khai một số biện pháp
mạnh, ùn tắc giao thông sẽ không còn là những vấn đề nóng.
(Theo vnmedia.vn)