Chắc nét cọ nhưng thiếu chiều sâu
Đến thời điểm hiện tại, TPHCM có bốn phố ông đồ thu hút được đông đảo du
khách tham quan thưởng ngoạn và “mua chữ” là Phạm Ngọc Thạch, Trương
Định, Cung văn hóa Lao Động và Nguyễn Du. Thành phần các ông đồ góp mặt ở
những phố này cũng rất đa dạng. Già có, trẻ có, nam có mà nữ cũng tham
gia. Một vài người trong số họ là những bậc tiền bối kỳ cựu, đã có hàng
chục năm mài mực múa bút. Phần đông còn lại tương đối trẻ, đa phần là
các sinh viên khoa Hán - Nôm hay các trường nghệ thuật, hoặc những bạn
có năng khiếu và yêu mến nghệ thuật thư pháp. So với phố ông đồ đã tồn
tại nhiều năm bên cạnh Văn Miếu ở Hà Nội thì các phố ông đồ ở TPHCM
không có được cái vẻ trầm mặc và cổ kính. Thay vào đó, người ta lại có
thể dễ dàng cảm nhận một không khí rất trẻ trung, năng động.

Trang trí tại phố ông đồ chúc xuân Nguyễn Du 2013
Nhưng năng động trẻ trung có lẽ là chưa đủ với nghề cầm cọ. Đã có
không ít những trăn trở mà các nhà thư pháp tiền bối cảm thấy cần phải
có hướng giải quyết kịp thời. Bằng kinh nghiệm hơn mười năm gắn bó với
nghề, ông đồ Đào Phương (Trương Định, Q3) chia sẻ: “Giới trẻ ngày nay
học hỏi rất nhanh, kỹ năng viết rất thạo nhưng lại chưa chịu khó bỏ công
học hỏi thêm về vốn chữ và tinh hoa cổ học”. Ông ngạc nhiên khi rất
nhiều ông đồ trẻ viết “Nhịn được cái nóng nhất thời thì sóng yên gió
lặng; Lùi lại một bước biển rộng trời cao”. Trong khi với nguyên tác của
câu đó là “Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh; Thoái nhất bộ hải khoát
thiên không” thì ta phải dịch là “gió lặng sóng yên”. Ông phân tích
thêm, “chưa nói đến ý dịch, chỉ cần nói đến nguyên tắc vật lý thì ai
cũng biết rằng, gió phải lặng trước rồi sóng mới yên sau”.
Phải luôn gìn giữ ngòi bút
Ngoài việc “mua” chữ đã viết sẵn được bày bán tại các sạp ngồi của các
ông đồ, du khách còn có thể yêu cầu các ông đồ viết những chữ mà mình
mong muốn. Nhà thư pháp Thiện Niệm cho biết, thông thường người trung
niên thường xin chữ Tâm, chữ Đức; nam thanh nữ tú hay xin chữ Yêu, chữ
Hiếu, chữ Trung; học sinh, sinh viên xin chữ Đăng khoa. Các bậc cha mẹ
hay xin chữ Trí tuệ, Chí hướng cho con em mình. Trong buôn bán, các
doanh nhân thường xin chữ Bảo tín hưng long, Phát đạt doanh môn... Mỗi
chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mang nỗi niềm tâm tư thầm kín hoặc
một ý niệm tự răn mình.
Tuy nhiên, cũng có những “người mua chữ” yêu cầu viết những chữ rất
“lạ”. Ông đồ Đào Phương trầm ngâm kể lại, có lần, một người khách đến
nhờ ông viết cho một bài thơ. Nhưng khi đọc bài thơ họ đưa xong, ông
liền từ chối. Ông khẳng định: “Tôi không thể cầm bút để viết một bài thơ
thiếu ý nghĩa, thậm chí là vô nghĩa như vậy. Tôi thà không nhận tiền,
chứ không để ngòi bút của mình bị vấy bẩn”. Cũng cùng quan điểm như vậy,
tay vừa cầm cọ, nhà thư pháp Trụ Vũ vừa suy tư nhớ lại, có rất nhiều
người mang câu đối hoặc thơ của họ đến nhờ ông thảo chữ, nhưng ông chỉ
đặt bút viết những bài ông cảm được mà thôi.
(Theo congan.com.vn)