Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 25/04/2013 09:03
Theo cây, gặp phận người
Đọc "Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng", tập tản văn của Hoàng Việt Hằng, NXB Phụ nữ, 2013.
Bìa cuốn tản văn "Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng" của nhà thơ Hoàng Việt Hằng do NXB Phụ Nữ ấn hành.

Dễ nhận ra dấu chân người viết qua từng miền đất. Người cầm bút, đi, là một nhu cầu tất yếu. Đi, cảm nhận và viết. Trong số các nhà văn nữ, tôi thấy Hoàng Việt Hằng là một người ham đi. Chị dám trả giá cho những chuyến đi, ở cả hai nghĩa tinh thần và vật chất. Chị có lối đi riêng của chị, âm thầm và khuất nẻo. Hình như những miền đất heo hút, cằn cỗi, hiểm trở, lại hợp với chị hơn là chốn phố phường hội hè đình đám trống giong cờ mở. Ở những ngả đường xa xăm đó, chị lại gặp và dễ gần gũi, hòa nhập với những mảnh đời nhiều thiệt thòi và lắm trắc trở.

Tập tản văn "Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng" là những ghi chép, chiêm nghiệm, những trăn trở của chị sau những chặng hành trình. Có thể là mùa hoa cải trắng ngập tràn thung lũng Mộc Châu. Có khi là mây thắm ngẩn ngơ ở am Ngọa Vân, Yên Tử. Có lúc ở đỉnh cao Tây Côn Lĩnh nhìn xuống, để nhận ra "mùa cải vàng nhức lên thương con người khốn khó ở núi". Có khi bên thác đổ chân núi Cô Muông, ngồi đốt rạ và đắng lòng trước thiên nhiên đẹp mê hồn. Có khi lặng người trước mảnh đất Quảng Trị với dấu tích chiến tranh đầy bi tráng. Có khi ngược gió sông Châu để về một làng nhỏ đồng bằng Bắc Bộ, đi tìm lại bờ rào dứa gai và "hoa dứa dại thơm oải cả người". Rồi có lúc chị trở về cái ngõ nhỏ trong phố nhỏ Thủ đô, ở đấy, tuổi thơ buồn vui của chị từng trú ngụ.

Xuyên suốt tập sách là mạch cảm xúc bảng lảng buồn. Buồn trong trẻo, không hề bi lụy. Một nét buồn thánh thiện, trách nhiệm. Đấy là nỗi buồn vì thấy cuộc sống hiện tại, đời sống vật chất thì đầy đủ hơn, nhưng tình yêu thương của con người như đi vào ngõ cụt (Dấu ngõ). Con cái làm ăn giàu có hơn, xây được nhà cao cửa rộng, nhưng lại muốn tống bố mẹ già vào trại dưỡng lão cho nhẹ gánh (Tìm nơi sống gửi thác về). Con người đi lễ chùa ngày một đông, nhưng họ chỉ mải cầu tài cầu lộc mà không biết cầu bớt lòng tham (Hồ Tây có năm ngôi chùa cổ). Nam nữ trẻ yêu nhau, nay thành mốt rủ nhau lên cầu Long Biên để khóa tình yêu mãi bền vững. Những chiếc khóa tình yêu như những chiếc khuy áo trên cây cầu ngày một nhiều, nhưng những cuộc ly hôn lại bùng nổ nhiều hơn (Cây cầu và những chiếc đinh khuy)...

Nhiều cảnh ngộ trong tập sách dễ làm người đọc ứa nước mắt. Những nhân vật, dù tác giả phác họa đôi dòng, cũng đủ gây ấn tượng. Cậu Túc làm nghề cắt tóc, thương người, hay giúp người trong ngõ nhỏ. Cụ Vớt một mình sống bên bến Gót, lặng lẽ làm phúc đi cứu vớt nhiều người chết đuối. Chị Xuân gày guộc lên nghĩa trang Quảng Trị thăm mộ người chồng chưa cưới, nước mắt đục trên khuy áo ngực. Mẹ Trần ngày ngày lầm lũi quét lá rụng ở sân sau chùa, giấu kín bao nỗi niềm, nén lòng gửi con người khác nuôi dùm, để đứa trẻ sống với "tuổi thơ ngơ ngác và chua xót"...

"Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng " có nhiều trang viết về thiên nhiên đẹp, tinh tế. Thiên nhiên ở đây như cũng có khoảng riêng. Đó là hoa cúc chi, hoa mộc, hoa dã quỳ, là hương đốt đồng có vị thơm hạt thóc cháy dở, là cây sến, cây tếch, cây cơm vàng, là vạt rêu trơn trượt bên sườn núi hoang vắng. Tập sách như cuốn nhật ký hành trình của người cầm bút dám dấn thân vào cuộc sống. Người đọc nhận được nhiều nỗi niềm lo lắng, thắc thỏm của tác giả trước cuộc sống đang nhiều biến động. Trong một trang viết luận về đồng tiền, chị có mượn lời nhà văn Nguyễn Khải "Càng ít sờ mó tới tiền càng tốt. Nó có độc đấy...". Nhưng nhìn ra mặt trái của đồng tiền, nhận ra một xã hội đang có nguy cơ thực dụng, vật chất hóa, rồi chị cũng biện lý: "Bàn tay ai cũng hơn một lần chạm vào và cầm tiền tiêu...Tiêu thời gian đã khó, tiêu tiền còn khó lắm thay". Trước một thực tế xô bồ, gấp gáp, đảo điên, tác giả vẫn giữ được lòng tin và nhắc nhở chính mình: "Chỉ sợ mình sống không ra sao, chứ lòng mình lành ở đâu cũng gặp người hiền" (Nghĩ chậm lại).

Mấy năm gần đây, Hoàng Việt Hằng vẫn đều đặn cho ra đời các tác phẩm mới. Người đọc dễ nhận ra nỗi quan tâm của chị trên mỗi trang viết. Chị biết vượt qua những nỗi buồn nhỏ bé, vụn vặt đời thường của chính mình để đồng cảm, hòa nhập cùng bao nỗi vui buồn của cuộc sống, của bao người lao động vất vả không mấy khi được hạnh phúc mỉm cười. Chị thường chọn cho mình chỗ đứng cùng những con người lầm lũi và nhiều thua thiệt đó. Chị biết chọn hướng đi thực tế của mình theo lối riêng, khai thác và chiêm nghiệm thực tế theo hướng riêng. Vì thế, trang viết của chị nhiều nỗi niềm chân thành.

Tản văn, vốn là lát cắt của cảm xúc. Có lát cắt dứt khoát, có lát cắt chùng chình do dự. Ở thể loại này, dễ phơi hồn cốt người viết. Người viết không chắc tay, dễ bị các chi tiết báo chí lấn lướt. Trong tập, có những bài viết, tác giả tham chi tiết báo chí để loãng mạch văn. Một số hình tượng: vịn vào hoa, tựa vào rêu, đèn một mình hắt bóng... đôi chỗ lặp đi lặp lại. Tuy vậy, cảm xúc thơ và nỗi niềm thân phận vẫn tạo thế mạnh trong tản văn Hoàng Việt Hằng. "Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng" là tập tản văn thứ ba của chị


(Theo vnca.cand.com.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)