Xóa rác trên đường, tiếp đến là xóa rác trên tường được khởi phát tại
một số khu dân cư (KDC) do người dân quá bức xúc trước tình trạng ô
nhiễm môi trường, quảng cáo rao vặt (QCRV) tràn lan nên tự nguyện nhắc
nhở nhau hằng tuần tổ chức vệ sinh nơi công cộng, bóc xóa QCRV sai quy
định. Sau đó, một số cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Hànộimới, vào cuộc
tuyên truyền, biểu dương những việc làm tốt cũng như phê phán hành vi
làm bẩn bộ mặt của Thủ đô. Hiệu ứng được lan tỏa và "Xóa rác trên đường,
rác trên tường" trở thành một cuộc vận động hết sức có ý nghĩa của nhân
dân Thủ đô thiết thực chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 |
Cuộc vận động “Xóa rác trên đường, rác trên tường” đã góp phần giữ gìn diện mạo đô thị văn minh, sạch đẹp.Ảnh: Đàm Duy |
Bên cạnh sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp cũng
như các đoàn thể quần chúng và tổ chức chính trị - xã hội như thanh
niên, phụ nữ, MTTQ, Hội Cựu chiến binh… đã xuất hiện nhiều mô hình, tấm
gương tiêu biểu trong việc bảo vệ môi trường, làm sạch đẹp đường phố.
Điển hình là anh Nguyễn Hoài Nam, cán bộ đô thị phường Hàng Buồm (Hoàn
Kiếm), với sáng kiến vận động chủ cơ sở kinh doanh, công ty, hộ gia đình
thường xuyên kiểm tra, bóc, xóa QCRV trước trụ sở đơn vị, cửa nhà.
Ngoài ra, anh còn đề xuất mỗi KDC đăng ký xây dựng một tuyến phố không
có QCRV. Còn ở Chi bộ KDC số 8 phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), 62 đảng
viên của chi bộ và 80 đảng viên sinh hoạt hai chiều đều đặn duy trì
việc kiểm tra, bóc, xóa QCRV trên tường nhà mình trước, sau đó vận động
các hộ dân làm theo. Vì thế, các bức tường và cột điện trên địa bàn luôn
được giữ sạch. Còn nhiều cách làm sinh động khác cho thấy ý thức bảo
vệ, gìn giữ môi trường sống của người dân đã được nâng lên, vì một Thủ
đô sạch hơn và đẹp hơn.
Từ
năm 2010 đến nay, Hà Nội đã bóc, xóa trên 30 vạn QCRV, "rửa sạch" gần
30 nghìn mét vuông tường nhà. Năm 2013, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục
siết chặt hơn nữa công tác quản lý hoạt động này. Thành phố đã hỗ trợ
10-15 triệu đồng để các phường, xã chi cho công tác rà soát, thống kê,
báo cáo số điện thoại QCRV vi phạm quy định cho cơ quan chức năng xử lý.
|
|
Siết chặt công tác quản lý, xử lý vi phạm
Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, TP Hà Nội đã
có nhiều biện pháp cứng rắn, xử lý các trường hợp thiếu ý thức, có hành
vi làm mất mỹ quan đô thị. Quyết định số 94/2009/QĐ-UBND ngày 24-8-2009,
tiếp đó là Kế hoạch 167/KH-UBND về quản lý, tổ chức hoạt động QCRV được
UBND TP ban hành nhằm từng bước khắc phục bất cập trong công tác quản
lý, quy hoạch quảng cáo. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông
(TT&TT) Hà Nội ban hành một quy trình xử lý gồm 5 bước áp dụng trên
phạm vi thành phố. Theo Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT)
Nguyễn Tiến Sỹ, việc ngừng giao dịch đối với các số điện thoại QCRV sai
quy định (cắt hợp đồng) chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của
doanh nghiệp viễn thông và cũng như nhu cầu mưu sinh của một số tổ
chức, cá nhân. Vì vậy, thành phố dành 6 tháng để tuyên truyền, nhắc nhở
các tổ chức, công dân chấp hành theo quy định về QCRV, đến giữa năm 2010
bắt đầu chính thức xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thời gian
đầu Sở TT&TT đã gặp phải sự bất hợp tác của một số doanh nghiệp viễn
thông; số máy vi phạm được thống kê rất ít, chưa kể còn thống kê nhầm
(do các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc xử lý vi phạm để "tranh thủ"
triệt hạ lẫn nhau, tranh giành khách hàng); các cơ quan chức năng chưa
phối hợp với Sở xử lý QCRV sai quy định ở khu vực nguy hiểm như trạm
điện cao thế, dây điện… Đặc biệt, sau dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng
Long - Hà Nội, cuộc vận động "Xóa rác trên đường, rác trên tường" dường
như bị trầm lắng, QCRV có nguy cơ tái diễn.
Ngoài việc tăng cường giao ban, đôn đốc các quận, huyện, xác định đây là
nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng văn minh đô thị, thành phố đã
đầu tư kinh phí cho 29 quận, huyện, thị xã lắp đặt 946 biển QCRV miễn
phí phục vụ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Ban đầu, việc lắp đặt biển
QCRV miễn phí ở một số quận, huyện chưa phát huy tác dụng do địa điểm bố
trí không hợp lý, ít người qua lại, không thu hút được các tổ chức, cá
nhân có nhu cầu tham gia trong khi QCRV sai quy định vẫn diễn ra phổ
biến. Rút kinh nghiệm, dựa trên thực tế địa bàn, nhiều nơi đã tìm ra
những cách làm phù hợp. Điển hình như việc thị xã Sơn Tây chỉ đạo các
KDC đồng loạt xây dựng bảng đen phục vụ QCRV miễn phí ở đầu hồi các nhà ở
khu trung tâm, vừa tiết kiệm kinh phí vừa phát huy hiệu quả. Điều đáng
nói, Sơn Tây đã coi giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa QCRV là một trong
những tiêu chí xếp loại gia đình, tổ dân phố, làng văn hóa nên thu hút
người dân hưởng ứng phong trào gìn giữ vệ sinh môi trường ở KDC. Kinh
nghiệm của Sơn Tây được nhiều huyện ngoại thành học tập, coi đây cũng là
tiêu chí để xây dựng nông thôn mới.
Siết chặt hơn nữa công tác quản lý, đầu năm 2012, Sở Văn hóa - Thể thao
& Du lịch cùng Sở TT&TT đã ký kế hoạch liên ngành nhằm đẩy mạnh
hoạt động kiểm tra, xử lý QCRV làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi
trường. Tính đến nay, Sở TT&TT đã 28 lần ban hành văn bản đề nghị
doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với hơn 3.500 thuê
bao QCRV sai quy định. Mới đây nhất, ngày 22-4, Sở TT&TT đã kiến
nghị các nhà mạng Vinaphone, Viettel, Mobifone, Vietnamobile ngừng cung
cấp dịch vụ đối với 114 số thuê bao tập trung ở các quận, huyện Hà Đông,
Mỹ Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Ba Vì. Chưa thể khẳng định sẽ chấm dứt hoàn
toàn tình trạng QCRV sai quy định, nhưng rõ ràng biện pháp xử lý tận gốc
các số thuê bao vi phạm đã cho thấy thái độ kiên quyết của các cơ quan
chức năng, phát huy tác dụng răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, chính quyền cơ
sở và các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội cần xác định
đây là công việc thường xuyên, liên tục để tuyên truyền, vận động người
dân tích cực tham gia cuộc vận động, xây dựng nếp sống văn minh đô thị;
đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng phát hiện, xử
lý triệt để những vi phạm gây ô nhiễm môi trường và hoạt động QCRV sai
quy định.