Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội - Kho báu vô giá của mảnh đất văn hiến ngàn năm
Buổi nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Châu bản Hà Nội (Hà Nội qua Châu bản triều Nguyễn)” vào sáng ngày 01/8/2015 dưới sự chủ trì của GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam và các ủy viên Hội đồng: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Nhuận, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, PGS.TS. Đào Tố Uyên, PGS.TS. Vũ Văn Quân… cùng đại diện chủ đầu tư - ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội và các biên tập viên Nhà xuất bản.
GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính được hình thành trong quá trình quản lý Nhà nước của triều Nguyễn (1802 - 1945) bao gồm văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản các vua ban hành cùng một số văn kiện ngoại giao và thơ văn ngự chế. Toàn bộ khối Châu bản triều Nguyễn có 773 tập, tương đương khoảng 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại). Khối Châu bản là một nguồn tài liệu vô cùng quý giá, có độ tin cậy cao và chứa đựng nhiều thông tin phong phú. Nó không chỉ phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, các sự kiện lịch sử có giá trị, minh chứng về chủ quyền biển đảo, các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX mà quan trọng hơn cả là khối Châu bản còn chứa đựng nhiều thông tin quý báu về Hà Nội từ đầu triều Nguyễn. Khoanh vùng phạm vi nghiên cứu là không gian Hà Nội, đề tài biên soạn tập trung, đi sâu khai thác, dịch và công bố những tư liệu Châu bản triều Nguyễn có liên quan. Đây cũng chính là nội dung cơ bản của công trình.
Để đáp ứng được nội dung đặt ra, đề tài cần phải có một cái tên phù hợp. Đúng như nhận định của GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội đồng: Tên đề tài/ tên sách phải gắn với yêu cầu về mặt nội dung thể hiện. Và chính tên sách cũng phản ánh rõ hướng đích, kiểu loại công trình. Nếu đặt tên sách là “Châu bản Hà Nội (Hà Nội qua Châu bản triều Nguyễn)” thì yêu cầu về mặt nội dung là rất cao. Nó đòi hỏi người viết không chỉ giới thiệu tư liệu mà phải nghiên cứu dưới dạng chuyên đề. Tuy nhiên, với mức độ thể hiện trong bản thuyết minh đề cương thì đề tài này thuần túy ở việc cung cấp tư liệu, có phần nghiên cứu nhưng không quá đi sâu mà chủ yếu là mang tính chất gợi mở cho những nghiên cứu tiếp sau. Chính vì thế mà tên đề tài hay chính xác hơn là kiểu loại công trình này thuộc hệ thống mảng sách tư liệu của Dự án.
TS. Đào Thị Diến, Chủ biên đề tại trình bày khái quát đề cương đề tài trước Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Hơn thế việc xác định rõ tên đề tài cũng chính là xác định rõ về mặt kết cấu công trình. Nếu công trình thuộc mảng sách tư liệu thì trọng tâm là cung cấp tư liệu, không đặt nặng vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm biên soạn cũng không thể coi nhẹ phần tổng quan của công trình. Về phần tổng quan này, Hội đồng có gợi ý rất rõ ràng, yêu cầu chủ biên phải đề cập đến hai vấn đề chính. Thứ nhất là cần xác định rõ phạm vi và không gian nghiên cứu. Bởi vấn đề diên cách hành chính của khu vực Hà Nội rất phức tạp, có sự thay đổi liên tục theo từng thời kỳ. Chọn không gian Hà Nội cũ hay không gian Hà Nội mới đều phải gắn với nguồn tư liệu châu bản. Tuy nhiên phương án mà nhiều thành viên tán đồng hơn cả là lấy mốc không gian Hà Nội ở thời điểm hiện tại quy chiếu ngược về. Đây là một cách làm khoa học và hợp lý nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với chủ biên công trình. Thứ hai là, nhóm biên soạn cần nêu bật những đóng góp, những giá trị thiết thực cho Hà Nội từ những nguồn tư liệu đó. Đây cũng là mảng nội dung quan trọng, không thể thiếu trong phần tổng quan của đề tài.
Xác định đây là dạng sách tư liệu nên cái mà người đọc quan tâm chính là việc tư liệu được công bố ở mức độ nào và cách sắp xếp ra sao. Việc công bố tư liệu nhất thiết phải căn cứ vào hiện trạng văn bản, công bố ở dạng nguyên bản là tốt nhất. Hội đồng cũng chỉ rõ, với những văn bản ngắn và quan trọng nhóm biên soạn nên trích dịch toàn văn, còn với những văn bản quá dài nhóm có thể trích yếu, lựa chọn những đoạn quan trọng nhất để trích dịch, không nên tóm lược văn bản. Về cách sắp xếp tư liệu, các thành viên có gợi ý nên sắp xếp theo niên đại của các vương triều, theo trình tự thời gian, chứ không đi theo mảng vấn đề như trong bản thuyết minh đề cập. Và đặc biệt là phải có các bảng Index, tra cứu theo chủ đề, tra cứu theo nhân danh, địa danh và có cả bảng tra cứu về nguồn văn bản thì càng tốt.
PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, Ủy viên hội đồng, phát biểu ý kiến đóng góp với nhóm biên soạn. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Trước các ý kiến đóng góp xác đáng của Hội đồng, chủ biên công trình (TS. Đào Thị Diến) và nhóm biên soạn (ThS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Trưởng phòng Hán Nôm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) đã hoàn toàn nhất trí, tán đồng với các phương án thay đổi về kết cấu, cách sắp xếp và trích dịch tư liệu của công trình. Nhóm cũng một lần nữa khẳng định tính khả thi của công trình. Bởi đề tài không chỉ có điều kiện cần (chủ nhiệm đề tài và đơn vị chủ trì là Cục Lưu trữ Trung ương) mà còn có điều kiện đủ là sự kế thừa kết quả Đề án Điều tra sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là phần tư liệu nước ngoài với hơn 5000 trang tư liệu tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp.
Cũng tại buổi nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội - Ông Lê Tiến Dũng đã khẳng định tính cần thiết của đề tài. Tổng Giám đốc cũng đánh giá cao tinh thần làm việc của Hội đồng, đồng thời lưu ý chủ biên cần chỉnh sửa đề cương để sớm bắt tay vào biên soạn bản thảo.
Ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội - đại diện Ban Quản lý Dự án phát biểu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Rõ ràng, buổi nghiệm thu đã diễn ra hết sức thành công. Các ý kiến đóng góp rất tập trung, chỉ ra hướng đích căn bản cho chủ nhiệm đề tài, giúp ích rất nhiều để bản đề cương được hoàn thiện. Hy vọng trong thời gian tới, đây sẽ là một trong những đề tài hay và bổ ích với nhiều độc giả.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội