Index was outside the bounds of the array. “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” - Những chặng đường lịch sử
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ sáu, 14/08/2015 03:43
“Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” - Những chặng đường lịch sử

Sự biến động của lịch sử luôn tác động trực tiếp và ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc Thủ đô, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội. Theo dòng thời gian Thủ đô nghìn năm văn hiến có bao nhiêu cuộc thăng trầm thì kiến trúc Thăng Long - Hà Nội có bấy nhiêu biến động. Sự biến động đó được thể hiện rõ theo từng giai đoạn với những thay đổi về phong cách kiến trúc, từ phong cách truyền thống đến phong cách châu Âu, rồi phong cách hiện đại... Tất cả đều được đề cập một cách khá sinh động và hấp dẫn trong công trình “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ trì biên soạn.

 

KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Đ.Tùng

Công trình “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” được biên soạn khá công phu với phần viết khoảng gần 200 trang và ảnh phụ bản lên tới con số hàng trăm. Tuy mới ở khâu bản thảo nhưng cuốn sách đã cho thấy những giá trị về lịch sử, về thông tin và về học thuật có ý nghĩa và rất cần thiết trong giới nghiên cứu nói riêng và với nhiều đối tượng bạn đọc nói chung. Bản thảo ra đời có sự tâm huyết, trăn trở của chủ biên công trình, sự cố gắng không nhỏ của nhóm biên soạn và có cả sự quyết tâm lớn của chủ đầu tư. Bởi đề tài đã được đưa vào cơ cấu của mảng sách văn học - nghệ thuật từ giai đoạn I của Dự án nhưng chưa được triển khai do đây là một đề tài khó và chưa tìm được người thực hiện. Đến giai đoạn II này, được sự tư vấn của nhà thơ Bằng Việt - Trưởng Ban tư vấn chuyên môn mảng sách Văn học - Nghệ thuật, chủ đầu tư có mời KTS. Lê Văn Lân cùng một tập thể tác giả, kiến trúc sư có tên tuổi, đề tài mới được thực thi và có kết quả như ngày hôm nay.

KTS. Lê Văn Lân, Chủ biên đề tài trình bày khái quát nội dung trước Hội đồng. Ảnh: Đ.Tùng

Nhằm đảm bảo chất lượng công trình, chủ đầu tư đã tổ chức triển khai họp nghiệm thu bản thảo vào chiều ngày 12 tháng 8 năm 2015, dưới sự chủ trì của KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cùng các thành viên Hội đồng: KTS. Doãn Minh Khôi, KTS. Tôn Thất Đại, PGS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, GS.TS.KTS. Nguyễn Lân...

Buổi nghiệm thu diễn ra hết sức nghiêm túc với nhiều ý kiến xác đáng của Hội đồng. Trước hết là về cách viết, các bài viết trong bản thảo là của nhiều tác giả nên có nhiều cách trình bày, diễn đạt khác nhau. Trên cơ sở tôn trọng phong cách viết của mỗi cá nhân, chủ biên công trình cần có sự lựa chọn và biên tập nhằm đưa cuốn sách hướng tới một nội dung thống nhất. Về bố cục công trình, nhiều ý kiến cho rằng chủ biên nên sắp xếp lại cho logich, đưa cuốn sách đi theo dòng lịch sử, có lồng ghép các nội dung phân tích, bình luận vào các chương trên cơ sở phù hợp với niên đại. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ của quy trình làm việc, Hội đồng thống nhất theo bố cục đã được thông qua từ khâu nghiệm thu đề cương là vẫn giữ nguyên các chương đi theo phân kỳ lịch sử và có một chương riêng đi sâu, phân tích về di sản và bản sắc kiến trúc Thăng Long - Hà Nội.


KTS. Doãn Minh Khôi, phản biện 1, phát biểu ý kiến. Ảnh: Đ.Tùng

Bên cạnh việc đi sâu phân tích những giá trị di sản và bản sắc, các thành viên Hội đồng cũng khuyến khích nhóm tác giả đi sâu phân tích về đặc trưng kiến trúc qua từng thời kỳ. Đây là một công việc khó, bởi các bài viết phải chỉnh sửa, bổ sung để có tính chuyên sâu và kỹ lưỡng hơn nữa. Về vấn đề này, Hội đồng không quá gò ép, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ kiến, quan điểm nhìn nhận và phong cách thể hiện của chủ công trình. Thêm vào đó, vấn đề tên gọi các đầu mục cũng được thảo luận khá nhiều. Các ý kiến đều cho rằng, tít các đầu mục không cần đặt theo kiểu văn học hay chính trị mà nên để theo thời gian, vừa bám sát nội dung thể hiện, vừa tiện theo dõi và cũng tăng tính chính xác của công trình.

Nói đến kiến trúc Thăng Long - Hà Nội không thể không nói đến những công trình tiêu biểu, khẳng định một giai đoạn nở rộ trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của những bậc thầy kiến trúc như: KTS. Nguyễn Văn Ninh, KTS. Huỳnh Tấn Phát, KTS. Nguyễn Trực Luyện, KTS. Đặng Thái Hoàng v.v... Đó là thế hệ vàng, thế hệ kiến trúc sư hàng đầu ở Việt Nam. Và cái nôi đào tạo ra lứa kiến trúc tài năng đó là Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, với khóa đầu tiên vào năm 1925. Đây là niềm tự hào của kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Một niềm tự hào mà chủ biên không thể không đề cập đến trong cuốn sách này.


Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng  và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài. Ảnh: Đ.Tùng

Về mặt nội dung, các ý kiến xoáy sâu vào vấn đề quy hoạch. Kiến trúc gắn liền với quy hoạch. Viết về kiến trúc không thể thiếu những vấn đề về quy hoạch. Tuy nhiên phần viết về quy hoạch trong bản thảo chưa thật ổn, còn khô cứng và dàn trải. Hội đồng đề nghị chủ biên cần sửa lại, nên lướt qua quy hoạch theo từng thời kỳ, có đi sâu phân tích một số điểm quy hoạch quan trọng và đặc biệt là phải thổi được cái hồn của người viết vào trong từng câu chữ. Viết quy hoạch về Hà Nội với tâm thế của một người yêu Hà Nội, để người đọc thêm yêu mảnh đất và giá trị kiến trúc nơi đây.

Về phần ảnh phụ bản, ảnh tư liệu trong bản thảo tuy nhiều nhưng chưa thật tinh, nhóm thực hiện cần phải có sự lựa chọn lại theo các tiêu chí nhất định như: giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc, giá trị nghệ thuật và nhất là giá trị sử dụng của ảnh. Việc cung cấp ảnh nào và đưa ảnh vào vị trí nào đều phải có sự cân nhắc cẩn thận, chỉ rõ ý đồ của tác giả và cũng phải hợp lý trong cách trình bày. Hơn thế, Hội đồng cũng nhấn mạnh, tác giả nên có các bản vẽ tay, bản vẽ minh họa về mặt bằng, mặt cắt để toát lên bản sắc riêng có của một công trình viết về kiến trúc chứ không phải một cuốn sách ảnh.


Ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu ý kiến. Ảnh: Đ.Tùng

Tại buổi họp, thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án, cũng có đôi điều trao đổi, đồng tình với các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Với tư cách là một độc giả, ông rất mong chờ cuốn sách sớm ra đời. Chủ đầu tư cũng lưu ý chủ biên phải đảm bảo về vấn đề bản quyền sao cho thật thỏa đáng sau khi cuốn sách xuất bản.

Tóm lại, bằng sự nhiệt tâm của chủ biên công trình - KTS. Lê Văn Lân, tập bản thảo sẽ sớm được gia công, chỉnh sửa. Cuốn sách hứa hẹn một nội dung phong phú, toàn cảnh với những giá trị đích thực về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội.
 
Trang Phạm
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)