Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học là các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu địa lý, địa chất do GS.TS Trương Quang Hải - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển làm chủ tịch hội đồng, các thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.
GS.TS Trương Quang Hải - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển làm chủ tịch hội đồng điều hành phiên họp. Anh: Đ.Tùng
Sau hơn 1 năm biên soạn, với sự nỗ lực của chủ biên cùng các cộng tác viên bản thảo “Hệ thống sông hồ Hà Nội” đã hoàn thiện với dung lượng khoảng 300 trang. Đây là công trình mang tính chất nghiên cứu chuyên sâu, tổng kết một cách hệ thống về sông hồ Hà Nội từ lịch sử hình thành, đánh giá hiện trạng, biến động và định hướng khai thác nguồn tài nguyên này. Với cách viết dung dị, dễ hiểu, những thuật ngữ khoa học được giải thích cẩn thận, bạn đọc sẽ có được cái nhìn tổng quát, hệ thống về sông hồ Hà Nội. Đồng thời những vấn đề còn nổi cộm trong nghiên cứu về sông hồ Hà Nội hiện nay, được đặt ra từ buổi nghiệm thu đề cương đã được chủ biên cố gắng giải đáp bằng cứ liệu, phân tích khoa học.
PGS.TS. Đặng Văn Bào chủ biên trình bày khái quát nội dung trước Hội đồng. Ảnh: Đ.Tùng
Tại buổi nghiệm thu, với sự trao đổi thẳng thắn, đậm chất khoa học, các thành viên Hội đồng đều thống nhất ý kiến đánh giá: Bản thảo được biên soạn theo đúng đề cương đã được hội đồng nghiệm thu đề cương thông qua. Nội dung bản thảo phong phú, thể hiện được các kết quả nghiên cứu cơ bản, mang tính định hướng về sông hồ Hà Nội, đáp ứng các yêu cầu tiêu chí đề ra. Cuốn sách có kết cấu hợp lý, có nhiều bản đồ, biểu đồ, sơ đồ minh họa. Công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao, rất cần thiết cho Hà Nội hiện nay. Các thành viên của hội đồng gồm GS.TS Trương Quang Hải, GS.TSKH Đặng Văn Bát, GS.TS Đào Đình Bắc, PGS.TS Chu Văn Ngợi, PGS.TS Phạm Quang Tuấn, PGS.TS. Vũ Văn Phái cũng đã đóng góp nhiều ý kiến để PGS.TS Đặng Văn Bào hoàn thiện bản thảo công trình. Tên sách nên đổi thành “Sông hồ Hà Nội” là đầy đủ, bao quát được nội dung công trình. Cuốn sách cần làm rõ hơn ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và nhân sinh đến quá trình hình thành và phát triển hệ thống sông hồ. Chủ biên và nhóm biên soạn cũng cần cập nhật các tài liệu về sông hồ, nhất là đối với hồ ngoại thành, xem xét việc phân loại các hệ thống sông ở Hà Nội. Để bản thảo đạt chất lượng tốt nhất cũng cần biên tập các bản đồ, sơ đồ, trích dẫn, hình vẽ trong các phần viết. Đặc biệt lưu ý lược bỏ các phần trùng lặp, chỉnh sửa các lỗi diễn đạt và lỗi kỹ thuật.
Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài. Ảnh: Đ.Tùng
Bản thảo công trình có thể coi là những mong muốn của các nhà địa lý, địa chất, bằng những nghiên cứu, phân tích khoa học đóng góp ý kiến với các nhà quản lý trong việc định hướng sử dụng tài nguyên sông hồ Hà Nội hiện nay.
Bản thảo đã được các thành viên Hội đồng nghiệm thu, chủ biên công trình đang khẩn trương hoàn thiện để xuất bản theo yêu cầu của Tủ sách.
Lâm Hoàng
Nhà xuất bản Hà Nội