GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học làm chủ tịch hội đồng điều hành phiên họp. Anh: V. Chiến.
Bản thảo “Từ điển địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội” được biên soạn hết sức công phu với số trang lên đến 554 trang. Trong đó, phần nghiên cứu chiếm gần một nửa với 235 trang. Phần phụ lục với hơn 200 trang, được chia thành 3 phụ lục. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao bố cục cuốn sách hợp lý, logic và nội dung của bản thảo được biên soạn công phu.
Trước hết, về phần nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Văn Chính đã mô tả nó giống như “...một “bản chào” thực sự có chiều sâu, có sức thuyết phục”. Một cách mô tả tài tình, thú vị mà vẫn toát lên được nhiều ý nghĩa. Bởi công trình đi theo một hướng tiếp cận mới, hướng tiếp cận đa ngành. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh đã đi tìm nguồn gốc các lớp địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội truyền thống, nghiên cứu quá trình biến đổi của chúng dưới tác động của các nhân tố chính trị, lịch sử, văn hóa, địa lý... để rồi hướng đến việc góp phần xây dựng, quy hoạch và đặt tên các địa danh Hà Nội trong tương lai. Với khung nghiên cứu đó, “bản chào” của chủ biên đã phân tích, luận giải những đặc trưng và sự biến đổi địa danh rất thành công, thuyết phục được hầu hết các thành viên trong Hội đồng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên đề tài trình bày nội dung trước Hội đồng. Ảnh: Đ.Tùng
Về phần phụ lục, công trình có 3 phụ lục gồm: Phụ lục 1: Địa danh hành chính khu vực Thăng Long - Hà Nội từ 1802 tới nay; Phụ lục 2: Tên gọi các đường phố thời Pháp thuộc và vị trí theo các đơn vị hành chính thời Nguyễn và Phụ lục 3: 33 trang bản đồ hành chính và sơ đồ địa giới hành chính. Trong ba phụ lục trên thì phụ lục 1 được nhóm biên soạn thực hiện công phu nhất và nó cũng là bản phụ lục được Hội đồng đánh giá cao hơn cả. Nó chính là sản phẩm chính của kết quả nghiên cứu địa danh. Một sản phẩm có giá trị ứng dụng và rất đáng được ghi nhận. Bên cạnh đó, phụ lục 3 cũng dành được nhiều lời khen ngợi với các bản đồ, sơ đồ được xây dựng công phu, trên cơ sở phân tích các nguồn tài liệu địa bạ và tài liệu văn bản về địa danh. Việc xây dựng bản đồ, sơ đồ có sự kiểm chứng, đối sánh các địa danh một cách cẩn trọng. Việc làm này đưa đến cho người đọc nhiều thông tin quý báu. Đồng thời tăng thêm tính hấp dẫn và sức lôi cuốn của công trình.
PGS.TS Vũ Văn Quân, Phản biện 1, phát biểu ý kiến đóng góp với nhóm biên soạn. Ảnh: V. Chiến
Được biên soạn từ đề cương của đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia, “Từ điển địa danh Thăng Long - Hà Nội” là một công trình khoa học, công phu, nghiêm túc, đạt tới trình độ cao của khoa học liên ngành. Các kết quả nghiên cứu của nó chứa đựng giá trị chuyên môn và tính học thuật cao. Tuy nhiên, để công trình thực sự hoàn thiện, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra. Đầu tiên là cách đặt tên của công trình. Xác định rõ tính khảo cứu của đề tài, Hội đồng đề nghị tên gọi nên bỏ chữ “Từ điển” và để là “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay)”. Tên gọi này không chỉ khẳng định rõ tính chất của đề tài mà còn giúp người viết giới hạn phạm vi nghiên cứu. Đóng góp quan trọng thứ hai là về cách sắp xếp bố cục công trình. Nhiều ý kiến cho rằng, phần 2 tuy đặt là “Phụ lục” nhưng những sản phẩm đóng góp của nó là vô cùng lớn. Việc đặt tít như vậy sẽ làm giảm đi chính những giá trị thực tế. Vì vậy, cần đặt lại tít cho nó là “Tra cứu” tương đương với phần 1: “Khảo cứu”. Đồng thời đẩy phần bản đồ, sơ đồ lên sau phần 1 để minh họa cho phần nghiên cứu này. Ngoài ra, Hội đồng cũng lưu ý chủ biên công trình cần phải chuẩn chỉnh lại một số tên chương, tên mục, câu chữ; hạn chế các lỗi kỹ thuật; nhất quán trong trình bày, trong cách phiên âm và có sự cân đối giữa các chương.
Ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội - đại diện Ban Quản lý Dự án phát biểu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Ảnh: V. Chiến
Tại buổi họp, thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án, rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp rất xác đáng của Hội đồng. Bên cạnh việc chỉ ra một vài chi tiết còn hạn chế trong bản thảo, ông cũng lưu ý chủ biên cần đầu tư nhiều hơn nữa cho phần khảo cứu. Đối với phần viết này, chủ biên cần phải dụng công nhiều hơn nữa để nội dung không chỉ bao chứa được các kiến thức sâu rộng cho người đọc mà còn phải có văn phong dung dị, đại chúng, hướng đến các bạn đọc phổ thông.
Có thể nói, công trình là sự đóng góp không nhỏ cho trong công tác nghiên cứu địa danh Hà Nội xưa và nay. Khi cuốn sách ra đời, “Từ điển địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội” sẽ là một tư liệu tra cứu phổ cập, một tài liệu nghiên cứu hữu dụng với nhiều đối tượng trên cả nước.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội