Index was outside the bounds of the array. Thành tựu văn chương xứ Đoài qua thể loại ký - tản văn
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ ba, 01/09/2015 03:36
Thành tựu văn chương xứ Đoài qua thể loại ký - tản văn

Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II đó chính là việc khám phá, tìm hiểu, tổng kết giá trị văn hiến, văn hóa của những vùng đất được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội kể từ tháng 8/2008. Với định hướng đó, đề tài “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội” được tổ chức biên soạn nhằm giới thiệu tới bạn đọc một trong những nét đặc sắc của mảnh đất xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa, đó là những thành tựu về văn chương qua thể loại ký - tản văn.

 
Đề tài “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội” do Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội chủ biên. Bản thảo công trình được tổ chức nghiệm thu vào ngày 28/8/2015 tại NXB Hà Nội, với sự tham dự của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án NXB Hà Nội, tập thể nhóm biên soạn, dưới sự chủ trì của NNC. Lại Nguyên Ân.


NNC. Lại Nguyên Ân chủ trì buổi nghiệm thu.

Trong giai đoạn I, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã cho ra mắt công trình “Tuyển ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp chủ biên. Tuy nhiên do được tổ chức biên soạn trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới nên công trình chưa có điều kiện tuyển chọn, giới thiệu đầy đủ những tác phẩm đặc sắc cùng thể loại của vùng đất mới sáp nhập thuộc xứ Đoài. Chính vì thế, việc biên soạn đề tài “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội” trong giai đoạn II của Dự án được đánh giá là một sự bổ sung cần thiết, kịp thời và có ý nghĩa. Qua các tác phẩm tản văn viết về đất và người xứ Đoài, công trình giới thiệu đến bạn đọc những phong tục, tập quán, những nét đẹp trong đời sống tinh thần, tình cảm... từ đó toát lên cốt cách, đặc trưng, bản sắc văn hóa của vùng đất xứ Đoài qua các giai đoạn lịch sử dân tộc.

Đánh giá cao ý nghĩa và tính cần thiết của công trình, Hội đồng nghiệm thu cũng ghi nhận tâm huyết, trách nhiệm của nhóm biên soạn thể hiện ở bản thảo được biên soạn công phu, có dung lượng đồ sộ lên tới hơn 1400 trang. Bài tổng quan do Nhà thơ Bằng Việt chắp bút cũng được đánh giá là một ưu điểm của công trình. Với dung lượng vừa phải nhưng được viết một cách cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, bài tổng quan đã trình bày đầy đủ những nội dung cần thiết, làm rõ mục tiêu cũng như cách thức tuyển chọn của đề tài.

 
 
Nhà thơ Bằng Việt chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung trước Hội đồng.

Bên cạnh việc ghi nhận những ưu điểm, Hội đồng nghiệm thu với sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn học NNC. Lại Nguyên Ân, PGS.TS. Hà Văn Đức, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành, PGS.TS. Vũ Thanh, PGS.TS. Vũ Thanh đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, bổ ích để hoàn thiện đề tài.

Hai vấn đề nổi bật được đặt ra trao đổi tại buổi họp nghiệm thu đó là vấn đề nội hàm thể loại và tên gọi của công trình. Khái niệm “Tản văn” trong công trình này được hiểu như một “tập hợp thể loại”, gần như tương tự khái niệm “Văn xuôi” trong đó loại trừ tiểu thuyết, truyện dài, những tác phẩm có nhiều yếu tố hư cấu. Theo các nhà nghiên cứu thì cách định nghĩa Tản văn như trên là quá rộng và cho rằng nên nhấn mạnh và tập trung vào thể loại ký - tản văn thì sẽ hợp lý hơn. Cũng vì quan niệm tiêu chí thể loại quá rộng do đó rất nhiều tác phẩm được tuyển chọn thuộc những thể loại khác, có cả truyện ngắn, có cả tiểu thuyết. Hội đồng yêu cầu nhóm biên soạn xác định rõ thể loại chính của công trình là ký - tản văn, từ đó có tiêu chí để tuyển chọn tác phẩm một cách hợp lý hơn, mạnh dạn loại bỏ những tác phẩm không thuộc tiêu chí thể loại.

Việc xác định rõ thể loại cũng là cơ sở để xác định tên gọi cho công trình. Sau khi trao đổi, thảo luận, Hội đồng thống nhất chọn tên đề tài là “Ký - tản văn Xứ Đoài”.


PGS.TS. Hà Văn Đức (Phản biện 1), phát biểu đóng góp ý kiến với nhóm biên soạn.

Về vấn đề phân kỳ, Hội đồng cho rằng không nên phân kỳ văn học theo khái niệm trung đại, cận đại, hiện đại mà nên chia theo thời gian thành hai giai đoạn lớn (trước năm 1900 và từ 1900 đến nay). Giai đoạn từ đầu thế kỷ XIX đến nay nên thống nhất cách sắp xếp thứ tự tác giả, tác phẩm.

Về giới hạn, phạm vi không gian, việc quan niệm vùng đất xứ Đoài bao gồm cả Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ là quá rộng. Theo ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án thì chỉ nên giới hạn phạm vi xứ Đoài là trấn Tây của Thăng Long - Hà Nội.

Về vấn đề tiêu chí tác phẩm, ông Tuấn cũng nhấn mạnh tiêu chí Tủ sách khá mở, bên cạnh chọn tác phẩm của các tác giả người xứ Đoài có thể chọn cả những tác phẩm hay viết về xứ Đoài (cho dù tác giả không phải người con của địa phương này) thì giá trị công trình sẽ tăng lên rất nhiều. Cũng liên quan đến vấn đề tuyển chọn, Hội đồng yêu cầu tập thể biên soạn cần rà soát lại kỹ hơn để đảm bảo chất lượng của tác phẩm được lựa chọn, tuyệt đối tránh trùng lặp với các công trình về truyện ngắn, tiểu thuyết.


Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng  và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài.

Ngoài ra, nhóm biên soạn cần lưu ý thêm về quy cách trình bày. Một số nội dung cần phải đảm bảo tính nhất quán về tiêu chí, dung lượng như cách trình bày tiểu sử, sự nghiệp của các tác giả. Bên cạnh đó việc dẫn nguồn trích của các tác phẩm được tuyển chọn cũng cần phải đầy đủ, chính xác, đảm bảo tính khoa học.

Những ý kiến đóng góp cụ thể, hữu ích của Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án NXB Hà Nội sẽ là cơ sở để nhóm biên soạn chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo.

Nhà thơ Bằng Việt đã viết, xứ Đoài nay “tuy đã nằm trong lòng Thủ đô Hà Nội và đóng góp toàn bộ bản sắc văn hóa truyền thống của mình cho Thủ đô, nhưng vẫn giữ được những nét đặc thù độc đáo và trọn vẹn bên cạnh vùng văn hóa Thăng Long kỳ vĩ đã vượt qua 1000 năm tuổi”. “Ký - tản văn xứ Đoài” bởi thế, vừa góp phần làm phong phú thêm di sản văn chương Thăng Long - Hà Nội, mặt khác hứa hẹn sẽ là một công trình công phu và đồ sộ ghi nhận lại thành tựu văn học đặc sắc, ở đó vẫn trọn vẹn và đậm đà những nét văn hóa riêng của con người và vùng đất xứ Đoài.


Hoàng Linh

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)