“Vương triều Trần” - một thời đại huy hoàng với những trang sử vẻ vang
Buổi họp nghiệm thu có sự tham gia của các nhà sử học có uy tín mà tiêu biểu là GS.TSKH. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật - Đại diện Ban tư vấn chuyên môn mảng sách Lịch sử, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Ủy viên Hội đồng... cùng chủ đầu tư và các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi nghiệm thu.
Như chúng ta đã biết, “Vương triều Trần” là một trong loạt các cuốn sách viết về các vương triều thuộc mảng sách Lịch sử của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Trong đó có “Vương triều Lý”, “Vương triều Trần”, “Vương triều Lê sơ”... Tất cả đều tái hiện lại những thước phim lịch sử quý báu trải dài hàng ngàn năm. Vương triều Trần được nhiều người biết đến với các vị vua anh minh, lỗi lạc (như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông...), với “hào khí Đông A” cùng những nhân vật kiệt xuất (như: Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ, Trần Bình Trọng...) trong các cuộc chiến tranh giữ nước chống Nguyên - Mông và với cả những câu chuyện nội chính, đậm màu thâm cung bí sử.
Bản thảo “Vương triều Trần” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên đã được biên soạn khá công phu với số trang lên tới gần 900 trang, gồm 3 phần: nội dung chính, Phụ lục các công trình tuyển chọn và Thư mục nghiên cứu. Nội dung chính của cuốn sách được chia thành 5 chương. Trong đó, 4 chương đầu tập trung trình bày các triều vua theo từng giai đoạn lịch sử từ khi vương triều thành lập cho đến khi kết thúc. Riêng chương 5 lại xoáy sâu phân tích các mảng vấn đề của vương triều như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, ngoại giao và sự nghiệp bảo vệ đất nước... Bằng một phong cách viết giản dị, trong sáng, bao chứa nhiều thông tin tư liệu khoa học, tập bản thảo đã thực sự lôi cuốn người đọc. Nó không chỉ phục vụ giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước mà còn đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc phổ thông. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng của chủ đầu tư khi đặt hàng phó giáo sư Vũ Văn Quân cùng nhóm biên soạn thực hiện cuốn sách này.
PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung trước Hội đồng.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng có nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi về kết cấu công trình: chương 1 trình bày sự thành lập vương triều, từ chương 2 đến chương 4 trình bày các vị vua theo dòng lịch sử, đến chương 5 lại đưa ra những nhận định, đánh giá chung về vương triều với quốc gia Đại Việt. Cách viết này rất dễ gây trùng lặp. Hơn nữa, tập bản thảo lại do nhiều người chấp bút. Hiện tượng trùng lặp, các sự kiện, thông tin thiếu thống nhất và một số sai sót về nội dung là nhược điểm chính của bản thảo. Hướng giải quyết vấn đề này nằm ở chủ biên công trình. Theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang thì chủ biên phải sâu sát hơn nữa, thậm chí phải gia công lại bản thảo, sửa chữa từng chi tiết, tránh hiện tượng trùng lặp, những sai sót không đáng có và hạn chế đến mức tối đa những lỗi kỹ thuật trong bản thảo. Mặt khác, để giải đáp những băn khoăn, trăn trở của chủ công trình về bố cục bản thảo, Hội đồng thống nhất giữ nguyên bố cục như đã thông qua trong buổi nghiệm thu đề cương. Tuy nhiên, chủ biên và nhóm biên soạn nên cân nhắc, gọt bớt, chỉnh sửa lại chương 5 cho phù hợp cả về nội dung và hình thức. Đây là phương án được các ủy viên và chủ đầu tư đồng tình, ủng hộ.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ (phản biện) phát biểu đóng góp ý kiến với nhóm biên soạn.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị chủ biên cần điều chỉnh lại cấu trúc cho logích và phù hợp với tâm lý người đọc. Phần Phụ lục các công trình nghiên cứu cũng nên tuyển chọn lại, cần tinh lọc hơn nữa. Yêu cầu đặt ra là không đề cao số lượng mà đi vào chất lượng từng bài được tuyển. Ngoài ra, vấn đề bản quyền cũng được nhiều người quan tâm đến trong buổi họp. Đây là công trình nghiên cứu được biên soạn từ nhiều cá nhân, việc cuốn sách có kế thừa các bài viết, các kết quả nghiên cứu của những người đi trước là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, Hội đồng có lưu ý chủ biên cần tránh việc lấy nguyên hoặc trùng từng đoạn ở những cuốn sách khác.
Thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án, cũng nhất trí với các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò tư vấn của Hội đồng nghiệm thu. Hội đồng không chỉ giúp cho chủ biên hoàn thiện công trình mà còn giúp cho Nhà xuất bản có được một đầu sách tốt. Sau khi tập bản thảo được chỉnh sửa kỹ lưỡng, chủ đầu tư sẽ sớm bắt tay vào công tác biên tập, in ấn.
Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài.
Có thể nói, bản thảo “Vương triều Trần” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên đã được các tác giả đề cập và nghiên cứu một cách toàn diện, thỏa đáng. Với cách tiếp cận mới cùng ngòi bút trung thực, khách quan, tập bản thảo có sức hấp dẫn riêng, không giống những cuốn sách khác. Hy vọng cuốn sách sớm ra đời để những nhà nghiên cứu, những ai yêu lịch sử có thể có thêm kiến thức về một vương triều với những kỳ tích huy hoàng trong lịch sử dân tộc.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội