Dòng văn Phan Huy -Một dòng văn danh tiếng của Thủ đô
Buổi họp nghiệm thu có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu văn học đầu ngành như: GS.TS. Trần Ngọc Vương, PGS.TS. Vũ Thanh, PGS.TS. Trần Nho Thìn, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn... cùng chủ đầu tư và các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội. Đặc biệt trong buổi họp có sự tham gia của PGS.TS. Phan Huy Dục với tư cách là đại diện của dòng họ Phan Huy.
Quang cảnh tại buổi nghiệm thu.
Theo đuổi hướng nghiên cứu về những thành tựu trước tác của các dòng họ văn hóa lớn ở nước ta, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh đã cho ra mắt bộ sách “Tuyển tập Ngô gia văn phái” và nay là “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm” trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.“Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm” được xây dựng thành 2 quyển. Quyển 1 gần 600 trang, quyển 2 gần 700 trang. Tổng cộng lên đến gần 1.300 trang. Một công trình thực sự bề thế. Trong đó, các soạn giả đã lựa chọn, trích dịch tác phẩm của 6 tác gia tiêu biểu nhất trong dòng văn Phan Huy với sự mở đầu là Phan Huy Cận rồi đến Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn, Phan Huy Vịnh và sau là Phan Huy Thực, Phan Huy Chú. Những tác gia này đều là những nhân vật kiệt xuất, những chính khách nổi tiếng đương thời. Dòng họ Phan Huy càng phát triển thì dòng văn càng lớn mạnh. Từ những tác phẩm lẻ tẻ ở thế hệ đầu (Phan Huy Cận) đến những bước đi vững chắc ở thế hệ thứ hai (Phan Huy Ích) và nở rộ ở thế hệ thứ ba (Phan Huy Thực, Phan Huy Chú). Có thể nói, dòng văn Phan Huy là điển hình của một dòng văn được nuôi dưỡng và trưởng thành song hành với quá trình phát triển của dòng họ.

PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh chủ biên đề tài.
Điều đáng nói đến ở công trình này chính là việc nhóm biên soạn tập trung nghiên cứu chủ yếu vào chi Phan Huy Sài Sơn. Đây là chi Phan Huy có nhiều đóng góp quan trọng và có nhiều thành tựu to lớn hơn cả. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đặt ra cho chính tên gọi của đề tài. Chủ biên công trình rất trăn trở giữa tên gọi cũ (Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm) và tên gọi mới (Tuyển tập dòng văn Phan Huy Sài Sơn). Một số ý kiến đồng thuận với tên gọi mới nhưng Hội đồng đa phần nghiêng về tên gọi cũ để thấy được sự bao quát chung của dòng văn Phan Huy, còn việc nhấn vào chi Phan Huy Sài Sơn thì có thể để ở giới thuyết của công trình.
Trong buổi họp, tập bản thảo được khá nhiều lời khen ngợi. Trước hết chính là bài tổng quan do PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh chấp bút. Bài tổng quan là một công trình khoa học có chất lượng và vô cùng hấp dẫn. Đúng như nhận định của GS.TS. Trần Ngọc Vương, nó không “mờ mờ nhạt nhạt”, “hư hư thực thực” như những bài tổng luận ở nhiều tuyển tập khác. Bài viết có độ dài 44 trang, cung cấp cho người đọc bức tranh tổng thể về dòng văn Phan Huy với bao biến cố, thăng trầm trong lịch sử. Người đọc thấy được đầy đủ các gương mặt tiêu biểu của dòng họ, thấy được từng bước phát triển và thấy được cả những nét khác biệt của dòng văn danh tiếng này so với các dòng văn khác.
PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ - ủy viên phát biểu đóng góp ý kiến.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng rất tâm đắc với phần tuyển chọn tác giả tác phẩm. Những tác phẩm được tuyển chọn và trích dịch trong công trình đều là những tác phẩm hay, nổi tiếng, thực sự “đắt giá” của dòng họ như: “Hoàng Việt dư địa chí”, “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Hoa trình tạp vịnh”, “Khuê Nhạc thi văn tập” của Phan Huy Thực… Bằng khả năng xử lý tư liệu chuyên nghiệp, kinh nghiệm làm tuyển và am tường về văn bản Hán Nôm, nhóm biên soạn đã xây dựng phần tuyển khá thành công. Mỗi tác gia đều có mở đầu bằng việc giới thiệu tác giả, tác phẩm, sau đó các tác phẩm được đánh máy chữ Hán, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa, chú thích, khảo dị. Đó là một cách làm khoa học, hợp lý và đáp ứng được nhu cầu của cả những nhà nghiên cứu và bạn đọc phổ thông.
GS.TS. Trần Ngọc Vương - Chủ tịch Hội đồng.
Tuy nhiên, với một công trình hơn 1000 trang, tập bản thảo khó tránh khỏi nhiều chỗ còn sai sót. Hội đồng nghiệm thu cũng đã góp ý thẳng thắn với chủ công trình về những lỗi kỹ thuật, lỗi chính tả, lỗi phiên âm, dịch nghĩa. Ngoài ra, các thành viên có đề nghị nhóm biên soạn bổ sung thêm phần ảnh của dòng họ, phần Tài liệu tham khảo và đặc biệt là các bảng tra cứu về niên biểu, về nhân danh, địa danh, về tác giả, tác phẩm. Có được những bảng tra cứu này, giá trị của cuốn sách sẽ được nâng cao hơn nữa.
Thú vị hơn cả là ý kiến đóng góp của GS.TS. Trần Ngọc Vương - Chủ tịch Hội đồng. Ông cho rằng để tăng tính hấp dẫn của cuốn sách, các tác giả có thể đi sâu, tìm hiểu thêm những “ẩn số” về dòng họ, về văn hóa và tâm lý họ tộc. Những thông tin ngoài lề ấy không nhất thiết phải thể hiện trong công trình nhưng nhóm biên soạn vẫn cần phải quán triệt tư liệu, nắm bắt dữ liệu để có những ghi chú sâu sắc, cung cấp nhiều thông tin cho độc giả.
ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, đại diện Ban Quản lý Dự án phát biểu.
Tại buổi nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án, ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, rất đồng tình với các ý kiến đóng góp của Hội đồng. Ông có đề nghị nhóm biên soạn phải rà soát lại bản thảo, hạn chế tối đa những sai sót không đáng có trước khi xuất bản. Ông cũng lưu ý chủ biên phải đảm bảo về vấn đề bản quyền sao cho thật thỏa đáng.
Cùng tham dự buổi họp, được cầm trên tay tập bản thảo viết về dòng họ mình, PGS.TS. Phan Huy Dục - đại diện của dòng họ Phan Huy hiện nay đã vô cùng xúc động và vui sướng. Ông cũng chia sẻ niềm tự hào về danh thơm của dòng họ và hy vọng bộ sách ra đời sẽ là cuốn sách “gối đầu giường” - một tài sản vô giá của cả dòng họ.
PGS.TS. Phan Huy Dục - đại diện của dòng họ Phan Huy hiện nay xúc động phát biểu.
Tóm lại, công trình “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm” do PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh chủ biên được Hội đồng đánh giá cao và nhất trí thông qua. Tập bản thảo không chỉ là một tuyển tập đơn thuần mà còn là một công trình khảo cứu khoa học về một dòng văn danh tiếng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội