“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” – viết tiếp bản trường ca về mảnh đất anh hùng
Công trình do PGS.TS. Trịnh Vương Hồng chủ biên, được tổ chức nghiệm thu bản thảo ngày 15/10/2015 tại Nhà xuất bản Hà Nội. Tham dự buổi họp có các thành viên của Hội đồng nghiệm thu (PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, PGS.TS. Hồ Khang, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên, PGS.TS. Trần Trọng Thơ, PGS.TS. Vũ Văn Quân), đại diện Ban Quản lý Dự án Tủ sách, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội, dưới sự điều hành của Chủ tịch hội đồng - PGS.TS. Phạm Xuân Hằng.
PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch hội đồng điều hành buổi nghiệm thu.
Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội và miền Bắc trong 12 ngày đêm lịch sử từ 18 - 30/12/1972 đã giáng cho Mỹ đòn thất bại nặng nề, buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với tầm vóc lớn lao của sự kiện lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, ý nghĩa và tính cần thiết phải biên soạn đề tài này có lẽ là điều không còn phải bàn cãi. Hội đồng khẳng định công trình góp phần vào việc phản ánh đầy đủ, hệ thống, rõ ràng, khách quan và chân thực những sự kiện quan trọng liên quan trực tiếp tới Thủ đô Hà Nội, nhằm khắc họa một cách rõ nét hơn diện mạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Thành công lớn của công trình được Hội đồng ghi nhận chính là vị trí riêng với những ưu điểm nổi bật của công trình cho dù ra đời sau rất nhiều các nghiên cứu đã có về sự kiện Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không”.
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng chủ biên đề tài.
Với nguồn tư liệu phong phú lên tới gần 500 đầu tài liệu được khảo cứu, bản thảo được đánh giá là công trình phản ánh một cách tập trung, hệ thống và toàn diện nhất về kỳ tích của quân và dân Hà Nội chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của quân đội Mỹ.
Cũng với khối tư liệu lớn bao gồm cả tài liệu tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài, bao quát được cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề đa chiều, nhiều phía, của cả hai bên tham chiến, của cả những nhân chứng bước ra từ cuộc chiến, bản thảo đã cung cấp nhiều thông tin mới mẻ, chân thực và khách quan, góp phần lý giải nhiều vấn đề lịch sử còn gây tranh cãi. Đây được đánh giá là đóng góp lớn về mặt khoa học của công trình này.
Mặt khác, không lựa chọn cách trình bày theo biên niên như các công trình sử học thuần túy, việc sử dụng lối viết theo hướng lịch sử - tổng kết, với ăm ắp những sự kiện lịch sử được tái hiện, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được Hội đồng đánh giá là một cuốn sách sử hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc.
Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài.
Bên cạnh việc ghi nhận những thành tựu mà nhóm soạn giả đã đạt được ở công trình này, Hội đồng nghiệm thu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đề xuất thiết thực và hữu ích để hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản.
Theo đánh giá của Hội đồng thì Lời đầu sách cần phải có sự gia công chỉnh sửa, trong đó phần trình bày về tổng quan lịch sử nghiên cứu vấn đề có thể viết gọn lại, đồng thời lại cần nhấn mạnh một cách tổng quát về tầm vóc sự kiện, ý nghĩa của công trình. Chương 3 được xác định là nội dung trọng tâm của công trình nhưng dung lượng phần viết lại hơi mỏng, vì thế Hội đồng đề nghị nhóm biên soạn gia tăng thêm dung lượng của chương bằng cách viết sâu hơn, kỹ hơn về diễn biến chiến dịch, có thể bổ sung các sự kiện, chi tiết cụ thể để phần viết chân thực hơn, để bản thảo có thể tái hiện sâu sắc hơn những đau thương, mất mát bên cạnh khí thế hào hùng trong cuộc chiến đấu của quân dân ta. Chương 4 cũng cần tu chỉnh vì hai nội dung chính (tầm vóc và ý nghĩa) hơi ngắn, thiếu tính khái quát trong khi lại đề cập khá nhiều và hơi chồng chéo giữa nguyên nhân thắng lợi, đặc điểm và các vấn đề rút ra. Bản thảo cũng cần bổ sung phần Kết luận, trong đó cần lưu ý khẳng định vai trò, vị thế của Thăng Long - Hà Nội qua thắng lợi lịch sử này.
Bản thảo cũng còn có sự trùng lặp khá nhiều chi tiết, sự kiện, vấn đề này đòi hỏi chủ biên và nhóm biên soạn cần rà soát lại để hạn chế sự trùng lặp. Bên cạnh đó, tên các chương, phần cũng cần điều chỉnh để đảm bảo tính chính xác, cô đúc và khái quát hơn.
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng.
Các nhà nghiên cứu chuyên môn sâu cũng lưu ý thêm nhóm biên soạn một số vấn đề nội dung như cũng cần viết rõ hơn về tình hình thế giới; tính phức tạp và toan tính lợi ích của các nước lớn có những tác động không thuận đối với cuộc kháng chiến và khả năng/sức chiến đấu của Việt Nam hay những suy yếu của Mỹ do sa lầy chiến tranh ở Việt Nam...
Một số vấn đề về hình thức trình bày nhóm biên soạn cần lưu ý như thống nhất tên gọi Mỹ - Hoa Kỳ, trích dẫn đảm bảo đầy đủ thông tin quy chuẩn...
Dù còn một số phương diện cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nhưng có thể nói bản thảo thể hiện sự cố gắng, nỗ lực và tâm huyết lớn của tập thể nhóm biên soạn. Đúng như đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thực sự là một cuốn sách đáng đọc. Hy vọng công trình sẽ đến với bạn đọc trong thời gian không xa.
Hoàng Linh
Nhà xuất bản Hà Nội