Diện mạo cộng đồng dân cư Thăng Long - Hà Nội
Là một người đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu về dân cư Hà Nội, GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức tiếp tục được NXB Hà Nội “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện biên soạn công trình “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” trong khuôn khổ Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II. Bản thảo công trình được tổ chức nghiệm thu ngày 22/10/2015 tại NXB Hà Nội. Buổi họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, Ban Quản lý Dự án, tập thể nhóm biên soạn dưới sự chủ trì của GS.TS. Trương Quang Hải - Chủ tịch Hội đồng.
“Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” là một đề tài được đặt ra trong cơ cấu đề tài của Dự án giai đoạn I nhưng do một số lý do khách quan nên chưa được triển khai. Chính vì thế, trong giai đoạn II này, Ban Quản lý Dự án xác định đây là một trong những đề tài trọng điểm của mảng sách Địa lý. Chủ trương này của NXB Hà Nội nhận được sự đồng thuận từ Hội đồng nghiệm thu khi ý nghĩa, tính cấp thiết, tính thời sự của đề tài được đánh giá cao, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung trước Hội đồng.
Được biên soạn bởi những chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu Địa lí hiện nay, bản thảo công trình được Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao về sự công phu, tính khoa học, chất lượng chuyên môn. Các thành viên Hội đồng ghi nhận và khẳng định nhiều ưu điểm nổi bật của công trình.
Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử đây là chuyên khảo nghiên cứu mang tính hệ thống đầu tiên và là một công trình lớn về sự hình thành, phát triển cộng đồng dân cư Thăng Long - Hà Nội. Với cách tiếp cận liên ngành (lịch sử, địa lý, kinh tế, dân số, thống kê), với nguồn tư liệu phong phú và cập nhật, bản thảo công trình đã mang tới một bức tranh hệ thống và toàn diện, bao quát gần như tất cả mọi vấn đề về dân cư Thăng Long - Hà Nội, từ lịch sử hình thành cộng đồng dân cư, cơ cấu, quy mô và sự biến động dân số đến phân bố dân cư và quá trình di dân diễn ra trên lãnh thổ Thủ đô từ giữa thập niên 1980 trở lại đây. Trong từng vấn đề, các tác giả đều có sự phân tích, lý giải một cách thấu đáo, cặn kẽ với những cứ liệu chính xác, có độ tin cậy cao và văn phong khoa học, súc tích, dễ hiểu.
GS.TS. Trương Quang Hải - Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi nghiệm thu.
Một ưu điểm khác như nhận định của GS.TS. Trương Quang Hải, bản thảo có nhiều bảng biểu, sơ đồ, bản đồ (trong đó hầu hết là bản đồ tác giả, được xây dựng mới) giàu hàm lượng thông tin, trình bày có tính thẩm mỹ cao. Đây có thể coi là nguồn tư liệu rất quý đối với những bạn đọc quan tâm và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực dân cư ở khu vực Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về địa lý, lịch sử trong Hội đồng nghiệm thu cũng đưa ra một số góp ý, đề xuất nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng bản thảo.
Về kết cấu công trình, bản thảo hiện tại chia thành ba phần lớn bao gồm 9 chương được đánh số liên tục từ đầu đến cuối. Các ý kiến đều cho rằng các tác giả nên bỏ các phần, chỉ cần giữ lại các chương thì kết cấu sẽ hợp lý, cân đối, khoa học hơn. Việc chỉnh sửa tên và trình tự một số tiểu mục cũng là vấn đề nhóm biên soạn cần phải cân nhắc (như việc chuyển chương 8 thành một nội dung lớn của chương 9...). Hội đồng cũng yêu cầu nhóm tác giả cần hoàn thiện, bổ sung chương viết về chính sách quản lý dân cư để đảm bảo tính toàn diện, hệ thống của nội dung công trình.
Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài.
Nhóm biên soạn cũng cần lưu ý thêm trong việc chuẩn hóa, thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ và văn phong trình bày. Là nhà nghiên cứu chuyên sâu về dân cư, GS.TS. Nguyễn Đình Cử có những góp ý rất cụ thể về số liệu và cách trình bày số liệu trong các bảng biểu. Về mặt nội dung, Giáo sư Cử cũng đưa ra những đề xuất trao đổi như cần làm rõ hơn kết cấu xã hội phong phú và đa dạng của cộng đồng dân cư Hà Nội; cần phân tích kỹ những nguyên nhân, hậu quả của một số vấn đề về dân số trong sự so sánh với các địa phương trong nước và quốc tế sẽ cho thấy đặc điểm nổi bật của Thủ đô và cuốn sách trở nên sinh động hơn; hay việc cân nhắc bổ sung những hiện tượng mới lạ về hôn nhân - gia đình đang trở nên phổ biến ở Hà Nội...
Đại diện cho Ban TVCM mảng sách Địa lý - Trưởng ban GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc góp ý thêm cho các tác giả về tính chính xác của một số nhận định liên quan đến lịch sử.
Về tên gọi, sau quá trình trao đổi, thảo luận, các thành viên tham gia buổi nghiệm thu thống nhất lựa chọn tên sách là “Dân cư Thăng Long - Hà Nội”. Ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án NXB Hà Nội lưu ý thêm, với nhan đề này, nhóm biên soạn cần có giới thuyết trong Phàm lệ để bạn đọc hiểu rõ hơn phạm vi của công trình.
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, đại diện Ban Quản lý Dự án phát biểu.
Thay mặt Chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc NXB Hà Nội đánh giá cao kết quả công trình, ghi nhận sự cố gắng của nhóm tác giả đồng thời cũng yêu cầu các chủ biên bản thảo đảm bảo tiến độ công trình.
Được đánh giá là một trong những công trình trọng điểm của Tủ sách giai đoạn II, hi vọng với sự công phu, tâm huyết của tập thể tác giả, cuốn sách sẽ sớm ra mắt nhằm đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội từ góc nhìn của các nhà địa lí.
Hoàng Linh
Nhà xuất bản Hà Nội