Làng cổ và văn hóa làng Hà Nội
Đó cũng chính là lý do công trình “Làng cổ Hà Nội”(do TS. Lưu Minh Trị chủ biên) có mặt trong cơ cấu đề tài của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II do NXB Hà Nội làm Chủ đầu tư. Mục tiêu hướng tới của công trình “Làng cổ Hà Nội” là nhằm trình bày một cái nhìn tổng quát về làng cổ và văn hóa làng cổ Hà Nội, trên cơ sở đó nghiên cứu, giới thiệu tới bạn đọc 78 làng cổ Hà Nội tiêu biểu. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhân dân về truyền thống lịch sử, văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống Thăng Long - Hà Nội.
Bản thảo công trình được tổ chức nghiệm thu vào chiều ngày 12/11/2015 tại NXB Hà Nội với sự tham dự của Hội đồng nghiệm thu, Ban Quản lý Dự án và các biên tập viên NXB Hà Nội.
PGS.TS. Đặng Văn Bài - Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi nghiệm thu.
Với sự tham gia của các thành viên Hội đồng là những nhà nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hóa, văn hóa dân gian nói chung như PGS.TS. Đặng Văn Bài, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, PGS.TS. Đặng Thị Hảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS. Bùi Xuân Đính, Ông Đặng Văn Tu, buổi họp nghiệm thu diễn ra sôi nổi như một cuộc sinh hoạt khoa học với những trao đổi thẳng thắn, khách quan, những góp ý sâu sắc, thiết thực và hữu ích để hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản rộng rãi.
Trước hết các thành viên Hội đồng thống nhất đánh giá bản thảo được biên soạn công phu, thực hiện theo đúng đề cương chi tiết đã được phê duyệt với dung lượng dày dặn, lên tới gần 1200 trang. Hội đồng cũng ghi nhận tâm huyết, trách nhiệm và sự cẩn trọng của tập thể biên soạn trong việc thực hiện quy trình biên soạn một cách nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học.
TS. Lưu Minh Trị chủ biên đề tài
Ý kiến của các thành viên Hội đồng cũng khá đồng thuận khi chỉ rõ kết cấu của bản thảo hiện tại có phần rườm rà, thiếu logic. Theo đề xuất của các nhà nghiên cứu thì trong phần I, về nội dung “tiêu chí nhận diện làng cổ Hà Nội”(mục III) không cần thiết phải tách thành một mục riêng mà nên trình bày chung vào cùng nội dung “phân loại và đặc điểm” (mục II). Mục II.3 của phần I (Khái quát về tổ chức hành chính cấp cơ sở Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử) nên lược bỏ vì không liên quan đến nội dung chính của công trình.
Về mặt nội dung, bài tổng quan được đánh giá về cơ bản đã phác họa được những vấn đề cơ bản về làng và văn hóa làng Việt. Hội đồng cũng ghi nhận ưu điểm của phần viết này là đã đưa ra những tiêu chí để nhận diện làng cổ Hà Nội và đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Hà Nội. Tuy nhiên, các ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đều nhấn mạnh, bài viết chưa thể hiện rõ được đặc trưng, bản sắc hay sự khác biệt giữa làng cổ Hà Nội và làng cổ của những địa phương khác. Đây chính là một nội dung trọng yếu mà Hội đồng yêu cầu nhóm biên soạn cần tập trung làm rõ.
PGS.TS. Đặng Thị Hảo - phản biện 2 phát biểu đóng góp ý kiến.
Trong phần giới thiệu các làng cổ Hà Nội tiêu biểu, công trình đã lựa chọn giới thiệu 78 làng cổ trong số 200 làng cổ Hà Nội. Theo đánh giá của Hội đồng, đây là nội dung được biên soạn công phu, phần lớn các bài viết đều bám sát tiêu chí đặt ra, lựa chọn được nhiều làng cổ thực sự tiêu biểu, văn phong giản dị, sinh động. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng cho rằng bên cạnh những bài viết được đánh giá cao về chất lượng và sự hấp dẫn thì vẫn còn không ít bài giới thiệu chất lượng hoa học chưa cao, tư liệu còn sơ sài, cần phải có sự đầu tư gia công nghiêm túc hơn nữa. PGS.TS. Đỗ Thị Hảo, Ông Đặng Văn Tu cũng lưu ý nhóm biên soạn ngoài danh sách 78 làng đã được chọn, vẫn còn khá nhiều làng ở Hà Nội có những truyền thống, đặc điểm nổi bật, tiêu biểu nên được nghiên cứu bổ sung thêm như Yên Lãng, Đại Yên, Phú Nhi, Quất Động, Hạ Mỗ, Hội Xá, Liệp Tuyết, Phú Nhiêu, Phù Lưu Tế, Định Công...
Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý được nêu ra tại buổi họp đó là yêu cầu về tính chính xác, tính khoa học trong nội dung các bài viết giới thiệu làng cổ. Các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đặc biệt là bản nhận xét của PGS.TS. Bùi Xuân Đính, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính, Ông Đặng Văn Tu đã chỉ ra những vấn đề cần bổ sung, làm rõ đến những sai sót về tư liệu cần phải chỉnh sửa nghiêm túc, trong đó có những nhầm lẫn về thời gian, cứ liệu lịch sử, văn học, giai thoại, có cả những nhận định thiếu căn cứ khoa học... Chia sẻ với khó khăn của nhóm biên soạn bởi bản thảo có sự tham gia của rất nhiều người viết từ các đơn vị khác nhau, tuy nhiên Hội đồng cũng nhấn mạnh đây là vấn đề đặc biệt liên quan đến chất lượng của công trình nên yêu cầu nhóm biên soạn cần phải rà soát, chỉnh sửa một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Đại diện Ban Quản lý Dự án đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài.
Một cách khách quan, thẳng thắn, Hội đồng cũng nhấn mạnh chủ biên và nhóm biên soạn cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bản quyền tác giả để tránh những vấn đề nhạy cảm khi sách xuất bản rộng rãi.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án cũng nêu ra một số vấn đề cần lưu ý chỉnh sửa khác như: bài tổng quan cần làm rõ thêm về thực trạng và giải pháp bảo tồn làng cổ hiện nay; cân đối dung lượng các bài viết giới thiệu; thống nhất trong cách triển khai nội dung và quy cách trình bày trong các bài viết; rà soát lỗi kỹ thuật; tránh trường hợp giới thiệu cả một cụm làng (xã) hoặc một vùng di tích...
Mặc dù khối lượng công việc còn lại rất nhiều nhưng hi vọng rằng với tâm huyết và kinh nghiệm của tập thể biên soạn, bản thảo “Làng cổ Hà Nội” sẽ sớm hoàn thiện và được ra mắt bạn đọc Tủ sách đúng tiến độ và có chất lượng.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội